Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - Mục tiêu tất yếu của cách mạng Việt Nam

CT&PT - Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một nguyên nhân căn bản của mọi thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp nghiệp cách mạng của dân tộc và là sợi chỉ đỏ dẫn dắt sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng ngày nay. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục coi đây là quan điểm chỉ đạo để thực hiện đường lối đổi mới: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

CT&PT - Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một nguyên nhân căn bản của mọi thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp nghiệp cách mạng của dân tộc và là sợi chỉ đỏ dẫn dắt sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng ngày nay. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục coi đây là quan điểm chỉ đạo để thực hiện đường lối đổi mới: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”1.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ rõ: “Giai cấp tư sản ngày càng xóa bỏ tình trạng phân tán về tư liệu sản xuất, về tài sản và về dân cư. Nó tụ tập dân cư, tập trung các tư liệu sản xuất, và tích tụ tài sản vào trong tay một số ít người. Kết quả tất nhiên của những thay đổi ấy là tập trung về chính trị. Những địa phương độc lập, liên hệ với nhau hầu như chỉ bởi những quan hệ liên minh và có những lợi ích, luật lệ, chính phủ, thuế quan khác nhau, thì đã được tập hợp lại thành một dân tộc thống nhất, có một chính phủ thống nhất, một luật pháp thống nhất, một lợi ích dân tộc thống nhất mang tính giai cấp và một hàng rào thuế quan thống nhất2.

Khi chủ nghĩa tư bản đã phát triển cao, bước vào giai đoạn độc quyền thì vấn đề dân tộc và độc lập dân tộc có sự vận động phức tạp. Đối với nội bộ dân tộc, bọn tư bản độc quyền nắm mọi quyền lực của dân tộc: lợi ích về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự, ngoại giao của dân tộc bị chi phối bởi lợi ích của tư sản độc quyền. Còn trong quan hệ với các nước khác, chúng liên minh với các thế lực tư sản độc quyền của các cường quốc tiến hành xâm lược, nô dịch để phân chia lại thị trường, thuộc địa, phá vỡ sự thống nhất dân tộc, làm mâu thuẫn giữa thuộc địa với đế quốc ngày càng sâu sắc. Đây chính là nguyên nhân làm cho phong trào giải phóng dân tộc phát triển, chống lại sự nô dịch, xâm lược nhằm xác lập quyền độc lập dân tộc.

Dân tộc Việt Nam xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử. Để chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt, nhân dân đã đoàn kết dần hình thành ngôn ngữ thống nhất, lãnh thổ thống nhất, nền kinh tế thống nhất, nền văn hóa thống nhất. Sự thống nhất đó lại càng bền chặt khi có Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam và phấn đấu để có độc lập dân tộc thực sự. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất phát từ nhu cầu lịch sử là phải giải phóng đồng thời dân tộc, giai cấp, con người, xã hội, điều mà chủ nghĩa tư bản không thể thực hiện được mặc dù họ có rất nhiều khẩu hiệu về quyền dân tộc và quyền con người.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 05/6/1911, trong hành trình đó, bằng ý chí, nghị lực và khát vọng giải phóng dân tộc, đi tới đâu, làm việc gì, Người đều xem xét thấu đáo và suy nghĩ sâu sắc về những điều “mắt thấy, tai nghe” để tìm ra phương pháp cách mạng, hướng đến mục tiêu giành độc lập cho dân tộc, đem lại “cơm no, áo ấm cho đồng bào”.

Người đã đến nhiều quốc gia, từ các nước tư bản phát triển đến các nước thuộc địa, khảo sát rất kỹ cuộc sống của người dân ở các nước ấy và rút ra kết luận: Ở đâu chủ nghĩa tư bản cũng tàn ác, vô nhân đạo, ở đâu giai cấp công nhân và người lao động cũng bị áp bức, bóc lột dã man. Rõ ràng, chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là thù, giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở đâu cũng là bạn. Nghiên cứu hai cuộc cách mạng tư sản điển hình là cách mạng Mỹ năm 1776 và cách mạng Pháp năm 1789, Người chỉ rõ: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy”3. Như vậy, từ rất sớm Người đã nhận thức rõ: Nhân dân Việt Nam không thể đi theo con đường cách mạng tư sản. Vì cách mạng tư sản mang tính nửa vời, nó chỉ đem lại lợi ích cho số ít người, chỉ thay đổi hình thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác. Trong các nước tư bản, công nhân và người lao động vẫn là những tầng lớp bị áp bức, bóc lột. Cách mạng tư sản đã nổ ra nhưng không chuyển giao quyền lực cho dân chúng; quyền lực ấy vẫn nằm trong tay một số người. Làm như thế dân chúng vẫn hy sinh, chưa được hưởng hạnh phúc.

Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi đã thức tỉnh giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành lại quyền sống, làm chủ vận mệnh của mình. Đồng thời, mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và cách mạng vô sản trên phạm vi toàn thế giới. Kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng sâu sắc đến những quyết định quan trọng đối với cuộc đời và hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lựa chọn mục tiêu, con đường của Nguyễn Ái Quốc là khi Người đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin công bố trên Báo Nhân đạo (L’Humanité) Pháp (tháng 7/1920). Luận cương của V.I. Lênin đã giải đáp cho Người những băn khoăn, trăn trở về bạn, thù; về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, đã trả lời các câu hỏi mà bấy lâu Người thắc mắc: Ai là người lãnh đạo cách mạng, ai tham gia lực lượng cách mạng và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc.

Luận cương của V.I. Lênin giúp Người tìm thấy phương hướng và phương pháp cách mạng để đấu tranh giải phóng dân tộc, nhận rõ kẻ thù của dân tộc Việt Nam. Qua đó, Người phát hiện ra động lực to lớn của cách mạng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nòng cốt là liên minh công - nông - trí, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Người khẳng định: Cách mạng Việt Nam muốn thành công phải đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, phải có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sau này, khi kể lại cảm xúc lần đầu được đọc bản Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế ba”4.

Với sự nhạy bén chính trị và tầm nhìn thời đại sâu sắc, từ khát vọng giải phóng, giành độc lập dân tộc, Người đã tìm thấy con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”5. Tầm nhìn xa, trông rộng ấy khẳng định sự hội tụ, kết tinh của chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa cộng sản khoa học và chủ nghĩa quốc tế trong sáng ở lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc, để có độc lập thực sự, gắn kết độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là xu thế khách quan của thời đại sau Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, đó cũng là nguyện vọng thiết tha của nhân dân lao động, của cả dân tộc, là cơ sở cho tương lai tươi sáng của một dân tộc.

Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trải qua những hy sinh thử thách to lớn trong đấu tranh giành chính quyền, tiến hành hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ. Để giành được độc lập, tự do, tất nhiên chúng ta phải trả những giá nhất định. Chiến công thành tựu không phải trả những giá nhất định. Chiến công, thành tựu không phải trả giá chỉ có thể có ở các “giá trị bánh vẽ”, “giá trị trống rỗng”. Thực tế lịch sử là thế, vậy mà đến hôm nay có người vẫn nuối tiếc: “Giá chúng ta không đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, không tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược thì dân tộc ta tiến ngang hang các cường quốc”! Đó là một sự “nuối tiếc” ngây thơ có chủ đích, cơ hội, thiếu cả lý trí lẫn tình cảm.

Đến nay, mặc dù Liên bang Xô viết tan rã, chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu sụp đổ đã hơn 30 năm, con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội của nhân loại tiến bộ đang gặp nhiều khó khăn, thử thách, việc giữ vững độc lập dân tộc của các quốc gia hiện nay không hề dễ dàng, nhưng những người cộng sản, công dân chân chính của Việt Nam vẫn khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học, có khả năng nhất để đưa dân tộc Việt Nam đến độc lập dân tộc thực sự, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của dân tộc Việt Nam. Lịch sử cũng như hiện tại đã và đang chứng minh sinh động việc lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn và chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, hoàn toàn mang tính đúng đắn và khoa học. Kết quả đó là kết tinh của việc nhận thức đúng quy luật phát triển của lịch sử và tinh thần cách mạng triệt để của giai cấp công nhân với sự phát triển cao của phong trào đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Những chiến công vĩ đại trong lịch sử, các thành tựu quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước theo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã tạo nên thế mới, lực mới cho Đảng ta, dân tộc ta ngẩng cao đầu tiến lên phía trước. Đúng như Đảng ta khẳng định: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay6.

Trên con đường đến mục tiêu đã định trong một thời gian lịch sử không phải ngắn, tất yếu cách mạng nước ta đã gặp phải rất nhiều trở ngại, gian nan, phải đối đầu với nhiều thử thách vô cùng nghiệt ngã, chúng ta đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém khi thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể của việc xây dựng nền độc lập dân tộc và hướng tới chủ nghĩa xã hội. Các thế lực thù địch khác nhau bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn nham hiểm đã và đang chống phá ta quyết liệt. Tiếp sức cho các lực lượng thù địch là “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”7, đây là nguyên nhân dẫn đến làm băng hoại các giá trị truyền thống của dân tộc, ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là hai lực cản chính trong sự thống nhất ý Đảng, lòng dân trong giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Song, không thể vì vậy mà dẫn đến phủ nhận tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; từ bỏ con đường chủ nghĩa xã hội, đánh giá khách quan thành tựu của sự nghiệp đổi mới như một số người đã làm. Các bài viết, các ấn phẩm đa dạng của những cá nhân nhằm xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc, con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam… Là sự biểu hiện rõ sự chuyển đổi về lập trường chính trị và sự thụt lùi về trình độ tư duy khoa học và xen vào đó là chủ nghĩa cá nhân vị kỷ. Do vậy, họ đã khởi xướng cho sự hoài nghi về các giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh. Một số người đã công khai chia tay với chủ nghĩa xã hội, đối lập độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; không ít người kêu gọi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập,… Tất cả các nhận thức và hành vi trên là chống lại lịch sử và tương lai rực rỡ của dân tộc Việt Nam.

Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, chúng ta thừa nhận rằng, hiện nay trong bộ máy Đảng, Nhà nước còn có những người mượn danh Đảng, Nhà nước để tham nhũng, hối lộ, mua bán chức quyền để làm giàu bất chính, để có quyền lực cao nhằm thu vén cho gia đình, dòng họ, địa phương, bạn bè, thân hữu. Nếu tệ nạn đó không được chữa trị sẽ gây ra cản trở lớn để chúng ta thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Giải quyết vấn đề này như thế nào là một tiêu chí trong đánh giá sức chiến đấu của Đảng. Thực tế đó sẽ đối mặt với chúng ta không chỉ ngày một, ngày hai, mà nó tồn tại dai dẳng trong suốt thời kỳ quá độ tiến tới một xã hội mà con người được giải phóng thực sự, toàn diện; xã hội đạt được sự dân chủ, công bằng, văn minh. Nhưng không vì những bức xúc như vậy mà phủ định tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội hiện thực, cự tuyệt con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận thành tựu sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong hơn 35 năm qua. Vì tất cả nhận thức và hành vi không đúng đắn đó là cơ hội để kẻ thù của cách mạng lợi dụng nhằm tạo ra nhiều lực lượng chống lại mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và dày công xây dựng.

Mỗi đảng viên cộng sản, mỗi công dân Việt Nam cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có tư duy khoa học sáng suốt, có sự phân tích, đánh giá đầy đủ các bài học lịch sử và dự báo đúng sự vận động của xã hội Việt Nam để có thể đóng góp vào sự phát triển của dân tộc. Quay lưng, thờ ơ trước vận mệnh của dân tộc, của đất nước, không chỉ là thiếu trách nhiệm với lịch sử mà còn có tội đối với đồng bào, đồng chí, đặc biệt là đối với những người đã hy sinh tính mạng và tài sản để giành, giữ độc lập dân tộc, đi tiên phong trong lựa chọn con đường phát triển đất nước phù hợp với tính tất yếu của thời đại và nguyện vọng thiết tha của nhân dân lao động và khát vọng của toàn dân tộc Việt Nam.

Chúng ta không phải những người theo chủ nghĩa hoài nghi, nhưng cần nhạy cảm, tỉnh táo để nhận dạng các loại sâu, mọt đang gặm nhấm độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là ý đồ tạo nên một sự đoạn tuyệt trong mối quan hệ biện chứng giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Ai có bản lĩnh chính trị vững vàng, có lý luận khoa học sâu sắc và có vốn sống thực tiễn sẽ hiểu ngay ý đồ của những người lớn tiếng tuyên bố: chủ nghĩa Mác - Lênin lỗi thời, chủ nghĩa xã hội hết vai trò lịch sử, đi theo tư tưởng Hồ Chí Minh gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là không phù hợp. Họ không thừa nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bằng nhiều biện pháp để làm thay đổi bản chất Đảng, làm suy yếu sức mạnh của chính quyền Nhà nước các cấp, tạo nên tâm lý xã hội thiếu đồng thuận trong tập thể và cộng đồng xã hội… Tất cả các nhân tố trên sẽ làm lan tỏa tư tưởng, tâm lý bất bình với chế độ xã hội, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo nên sự mất ổn định xã hội. Đó là nguyên nhân trực tiếp kìm hãm sự phát triển của lịch sử Việt Nam nói chung, ngăn cản con đường phát triển xã hội chủ nghĩa của dân tộc ta nói riêng.

Lịch sử phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới và cuộc sống xã hội Việt Nam đã kiểm nghiệm rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội chân chính mới đưa lại được độc lập dân tộc thực sự, mới xây tạo nên một khả năng khách quan để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và giải phóng xã hội một cách triệt để nhất. Hiện nay, tuy chủ nghĩa xã hội tạm thời thoái trào nhưng xã hội tốt đẹp đó vẫn là tương lai của nhân loại, khát vọng của quần chúng lao động, là một xã hội thấm đẫm tính nhân đạo, nhân văn và tinh thần đoàn kết quốc tế. Đối với dân tộc ta: “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”8. Chính hệ thống chủ nghĩa xã hội thế giới cùng với các nước trong phong trào giải phóng dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã ghi tạc vào lịch sử những chiến công vĩ đại và những thành tựu đầy ấn tượng, sẽ sống mãi trong triệu trái tim và khối óc của nhân loại tiến bộ.


1, 6, 7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 109, 25, 92, 104.

2. C. Mác và Ph. Ăng ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 602-603.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 296.

4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 562, 30.

Thượng tá, ThS. ĐẶNG CÔNG THÀNH

Khoa Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí vui lòng để lại thông tin