Có thể nói, từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đất nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn, có những khó khăn chưa có tiền lệ. Đại dịch Covid-19 kéo dài gây hậu quả nặng nề, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina diễn biến phức tạp; hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất dẫn đến suy giảm tăng trưởng và gia tăng rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế... tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh chính trị, kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu.
Ở trong nước, dưới tác động của tình hình thế giới và hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ,... kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, rất gay gắt, nặng nề; hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng; vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý các yếu kém, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước để lại...
Trong bối cảnh có quá nhiều khó khăn, thách thức, với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cụ thể, Đảng ta vẫn quyết tâm tổ chức nhiều hội nghị quan trọng, có tính chất toàn quốc. Đó là Hội nghị của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 với các địa phương, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính; Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Hội nghị đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Điểm nhấn quan trọng khác chính là 6 hội nghị toàn quốc về 6 lĩnh vực đã được tổ chức ngay trong năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ngay sau đó, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng chiến lược trên cả nước với thông điệp rất rõ nét là tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động phát triển nhanh và bền vững cho tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong vùng.
Đáng chú ý, trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 36 Nghị quyết và 54 Kết luận, trong đó có nhiều nghị quyết, kết luận liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19… Những kết luận này đã lãnh đạo, chỉ đạo để xử lý những vấn đề cốt lõi về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từ đó thay đổi tư duy, cách tiếp cận trong công tác cán bộ, công tác phòng chống tham nhũng, phục hồi phát triển kinh tế...
Điểm đặc biệt của các Nghị quyết, chỉ thị được ban hành trong nhiệm kỳ này là rất nhanh đến với cơ sở. Bởi trong những nhiệm kỳ trước, Nghị quyết sau khi được Trung ương quán triệt xong thì các cấp mới mời đội ngũ báo cáo viên đi truyền đạt từ cấp tỉnh, thành phố xuống tận cơ sở. Còn như hiện nay, bằng các hội nghị trực tuyến từ trung ương đến cơ sở, nghị quyết đã đến được tới từng đảng viên trong cả nước một cách đồng thời. Đây là một điểm mới, tạo nên tính đồng bộ và toàn diện để nhanh chóng đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.
Vì vậy, ở nửa đầu nhiệm kỳ này, nhiều lĩnh vực công tác của Đảng đã được triển khai kịp thời, thực hiện nghiêm túc, kiên trì, kiên quyết, như công tác tổ chức - cán bộ, công tác kiểm tra giám sát… Một trong những kết quả về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đánh giá là: Chúng ta đã tạo ra được sự chuyển biến rất tích cực, với nhiều dấu ấn nổi bật trong việc kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn hơn giữa “xây” và “chống”, toàn diện hơn trên các mặt công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, công tác cán bộ tiếp tục được coi trọng hơn, đúng mức hơn với vị trí, vai trò là “then chốt của then chốt”; có nhiều cách làm, quy định mới, hiệu quả cao hơn, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung...
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đánh giá cao. Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 5/2022, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc.
Từ tháng 1 đến tháng 5/2023, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ/2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242 vụ án/864 bị can về tội tham nhũng (tăng gần 2 lần so cùng kỳ năm 2022).
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được thành lập ở cả 63 tỉnh, thành phố trong nhiệm kỳ này. Đến tháng 4/2023, 63 Ban chỉ đạo đã đưa 327 vụ án, 179 vụ việc tham nhũng, tiêu cực, phức tạp được dư luận quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo, xét xử…
Cùng với công tác xây dựng Đảng, kinh tế - xã hội là một trong những điểm nhấn quan trọng nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Điển hình như Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 07 ngày 01/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội; Kết luận ngày 24/12/2021 về Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận ngày 20/10/2022 để đánh giá tình hình kinh tế xã hội 2021 - 2022 và đề ra các định hướng, chủ trương phòng, chống dịch Covid-19 cũng như những định hướng lớn về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa thành Nghị quyết, các chương trình, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế.
Chính vì thế, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế vẫn đạt được những kết quả tích cực. Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5%, và là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng trưởng GDP trong 6 tháng năm 2023 tuy chỉ đạt 3,72% so với cùng kỳ, nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cả năm vẫn có thể đạt từ 6 đến 6,5%....
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, sản xuất, đời sống của người dân, người lao động trên cả nước gặp nhiều khó khăn. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác an sinh xã hội, đảm bảo an sinh đến từng người dân. 104.000 tỷ đồng là số tiền được giải ngân để hỗ trợ an sinh cho gần 508 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động trong hơn 2 năm qua…
Đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định rằng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cùng với các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương đã đi vào cuộc sống như một lẽ tự nhiên, bởi tính đúng đắn, bởi mục tiêu được xác định phù hợp với điều kiện thực tế, với “ý Đảng hợp với lòng dân”. Để thực hiện nghị quyết chúng ta đã có những kinh nghiệm quý trong việc tuyên truyền, thể chế hóa, xây dựng chương trình hành động, tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết…
Kỳ tích không đến một cách tự nhiên. Đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự quyết liệt điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của Quốc hội đổi mới và các tầng lớp Nhân dân.
Chúng ta tin tưởng rằng, từ kết quả của nửa nhiệm kỳ đầu Đại hội XIII sẽ tiếp tục là động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để sáng suốt nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ khóa XIII, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển, cường thịnh; ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong đợi như lời phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Kiều Trang tổng hợp