Hơn ba mươi năm qua, cùng với việc lãnh đạo toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã ban hành, tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương và thu được những kết quả quan trọng. Tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được sắp xếp, kiện toàn; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn; góp phần bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước.
Tuy nhiên, tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức trên một số lĩnh vực còn chồng chéo; thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu chưa rõ. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chậm đổi mới. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước ở nhiều nơi còn hạn chế. Chưa đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công. Chưa phân định rạch ròi tổ chức chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Việc đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chưa đáp ứng được yêu cầu. Đổi mới tổ chức bộ máy chưa gắn với việc tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Số lượng cán bộ, công chức, nhất là viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ công chức xã, phường, thị trấn tăng nhanh. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ….
Nguyên nhân của thực trạng này là do hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế là việc hết sức quan trọng, phức tạp, chúng ta phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Nhiều vấn đề về nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền, về tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, về quyền làm chủ của nhân dân còn chưa được làm sáng tỏ. Việc quán triệt, tổ chức thực hiện các quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng về hoàn thiện hệ thống chính trị chưa thực sự kiên quyết, nể nang, thiếu nhất quán; buông lỏng kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Chưa tiến hành đồng bộ giữa đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy với sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định tổ chức bộ máy, biên chế phù hợp với từng cơ quan chưa được làm rõ. Xã hội hóa dịch vụ công chậm. Chưa có một đầu mối thống nhất quản lý biên chế cho cả hệ thống chính trị. Việc chuyển cán bộ cấp xã thành công chức với diện quá rộng. Cơ chế, chính sách về tiền lương, nhà ở còn bất cập, chưa tạo cho cán bộ, công chức có động lực, toàn tâm toàn ý với công việc và thu hút người giỏi về công tác ở các cơ quan trong hệ thống chính trị. Chưa có cơ chế kịp thời thay thế những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Từ thực trạng đó, việc tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta khẳng định: xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo là những vấn đề cơ bản, là cơ sở để xây dựng Đảng ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Riêng đối với chính quyền nhà nước: cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quyết định, tổ chức thực hiện pháp luật ở địa phương là một nhiệm vụ cần thiết, quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đang là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay và những năm tới.
Đông Nam Bộ bao gồm 6 tỉnh thành: Thành phố Hồ Chí Minh; Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương; Bình Phước; Đồng Nai và Tây Ninh với tổng diện tích toàn khu vực là 23.605,2 km2, có 872 đơn vị hành chính cấp cơ sở, trong đó có 342 phường, 40 thị trấn và 490 xã. Vùng Đông Nam bộ có vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi, bốn phía tiếp giáp với các không gian kinh tế đa dạng và phong phú. Đông Nam bộ là vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp cả nước và nền kinh tế của Vùng.
Tại khu vực Đông Nam bộ, trong thời gian qua công tác xây dựng đảng và chính quyền nhà nước có nhiều đổi mới và đã đạt được nhiều thành tựu, có những cải thiện rõ rệt. Đây cũng là khu vực có nhiều tỉnh thành được Trung ương đánh giá cao trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, đã có những thành công trong việc thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường và nhất thể hóa chức danh bí thư với chủ tịch ở chính quyền địa phương. Vấn đề phân cấp, phân quyền cho các cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp dưới trên nhiều lĩnh vực…
Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì công tác xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước ở Đông Nam bộ vẫn còn nhiều tồn tại, đang gặp những vướng mắc nhất định nhất. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả, đối diện với nhiều khó khăn, phức tạp. Các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị chưa phát huy tốt vai trò trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chưa xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí và còn có biểu hiện bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn hạn chế, chưa ngăn chặn, đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, vai trò lãnh đạo của Đảng, tính khoa học, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân còn hạn chế; việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong xã hội chưa được bảo đảm.
Ngày nay, đất nước ta đang đứng trước thời cơ lớn, đồng thời phải đối mặt với những thách thức gay gắt, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp, không thể coi thường bất cứ thách thức nào. Điều đó đặt ra đối với Đảng nhiều vấn đề mới mẻ cần phải giải quyết. Công tác xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước càng nổi rõ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn, đòi hỏi phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, đổi mới mạnh mẽ. Trên cơ sở tổng kết 20 năm công cuộc đổi mới, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng và tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam hiện nay, phương hướng, mục tiêu tổng quát của công tác xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước là: phải dành nhiều công sức tạo được sự chuyển biến rõ rệt về xây dựng Đảng, phát huy truyền thống cách mạng, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm trí tuệ cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và vùng Đông Nam bộ nói riêng.
NCS. NGUYỄN TRƯỜNG NAM
Học viện Chính trị