Giải pháp thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

CT&PT - Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã luôn xác định mục tiêu “huy động tối đa mọi nguồn lực”, “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên “trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”, “phát triển nhanh và bền vững”. Bằng những chủ trương, chính sách, việc làm cụ thể, tỉnh đã xây dựng các chương trình, đề án,  đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư.

tn-diem-sang-2-1731429343.jpg
Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND Thái Nguyên và Tập đoàn Sunny Optical Technology với tổng vốn đầu tư gần 2,5 tỷ USD, ngày 7/3/2023)

1. Khái quát chung về tiềm năng và lợi thế của tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên nằm ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, thuộc vùng Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; diện tích tự nhiên trên 3.500 km2, dân số trên 1,3 triệu người, trong đó có trên 30% dân số ở vùng đô thị, gần 70% dân số ở vùng nông thôn; có 03 tôn giáo (phật giáo, công giáo, tin lành); có 51 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 9 dân tộc thiểu số có số đông, chiếm gần 30%. Tỉnh có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (02 thành phố, 01 thị xã và 06 huyện) với 178 xã, phường, thị trấn. Đảng bộ tỉnh có 16 đảng bộ trực thuộc, 606 tổ chức cơ sở đảng và trên 95.500 đảng viên (tính đến tháng 10/2021).
Thái Nguyên có hệ thống giao thông thuận tiện (cách Thủ đô Hà Nội, sân bay Nội Bài 60 phút di chuyển), với đầy đủ các loại hình gồm: Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Thái Nguyên - Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn), Quốc lộ 3, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 37, đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên - Lưu Xá - Kép; hệ thống giao thông đường thủy có Sông Cầu, Sông Công, cảng Đa Phúc có thể đáp ứng các tàu, thuyền có trọng tải đến 600 tấn. Thái Nguyên là trung tâm đào tạo lớn của cả nước với 09 trường đại học, trên 22 trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, 51 cơ sở dạy nghề, bình quân hằng năm khoảng 80 nghìn học sinh, sinh viên trong và ngoài nước; trung tâm y tế lớn với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, 25 bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực; có nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị còn được lưu giữ như: Khu di tích lịch sử Quốc gia Đặc biệt ATK Định Hóa, Khu di tích lịch sử Quốc gia Đại đội Thanh niên xung phong 915; có Khu du lịch Hồ Núi Cốc được Quy hoạch là khu du lịch Quốc gia. Thái Nguyên hiện có 07 khu công nghiệp, diện tích trên 2.395 ha, trong đó có 5/7 khu đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 61%; quy hoạch 35 cụm công nghiệp với diện tích 1.335 ha, trong đó có 26/35 cụm công nghiệp được hình thành và đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 44%.
Từ khi Nghị quyết 37-NQ/TW được ban hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, được sự quan tâm của các Ban, Bộ, ngành Trung ương cùng với sự đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp và hoàn thành, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết và đạt được những thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó:
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng; giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Cơ cấu thành phần kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế và đan xen nhiều hình thức sở hữu, kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng, trở thành một trong những động lực của nền kinh tế.
- Nông - lâm nghiệp: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển biến quan trọng; đã hình thành vùng chuyên canh tập trung, quy mô lớn như: Cây chè - cây chủ lực của tỉnh; phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi tập trung... gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm. 
- Công nghiệp, xây dựng: Duy trì tốc độ tăng trưởng khá liên tục, triển khai hiệu quả việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ. Trên địa bàn tỉnh có 02 nhà máy nhiệt điện (Cao Ngạn, An Khánh); Dự án khai thác và chế biến khoáng sản đa kim Núi Pháo; một số nhà máy xi măng quy mô lớn (La Hiên, Quang Sơn, Quán Triều) đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, sự hiện diện của Tập đoàn Samsung đã đưa Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh tốp đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu. Phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển: KCN Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công I, Sông Công II… 
- Thương mại - dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống: Ngành du lịch, bưu chính viễn thông phát triển với tốc độ nhanh; các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, tư vấn pháp lý có bước phát triển theo hướng tiến bộ, hiệu quả. 
- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, hệ thống giao thông đường bộ được quan tâm đầu tư phát triển. Các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Thái Nguyên - Chợ Mới, Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, Quốc lộ 1B, đường Hồ Chí Minh trên địa bản tỉnh… đóng vai trò huyết mạnh trong lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mạng lưới cung cấp nước sạch, cấp điện, bưu chính, viễn thông cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Hệ thống đô thị được đầu tư xây dựng, trong đó thành phố Thái Nguyên đang tiếp tục được đầu tư trở thành đô thị động lực của tỉnh cũng như của vùng.

khu-cong-nghiep-yen-binh-thai-nguyen-20240327140300-1731429426.jpg
Triển khai các dự án đầu tư thu hút FDI chất lượng cao tại Khu công nghiệp Yên Bình

- Hệ thống cơ sở hạ tầng văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng cao chất lượng. Đã bước đầu hình thành các bệnh viện, trung tâm y tế chuyên sâu của vùng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đại học Thái Nguyên đã trở thành một trong những cơ sở đào tạo lớn của cả nước. 
- Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng; chú trọng đào tạo nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. 
- Riêng về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã luôn xác định mục tiêu “huy động tối đa mọi nguồn lực”, “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên “trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”, “phát triển nhanh và bền vững”. Bằng những chủ trương, chính sách, việc làm cụ thể, tỉnh đã xây dựng các chương trình, đề án,  đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư. Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, việc thu hút nguồn lực đầu tư bên ngoài là hết sức cần thiết, trong đó, thu hút đầu tư FDI là một trong những ưu tiên hàng đầu của cả nước nói chung cũng như tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Đặc biệt, từ năm 2013, với sự xuất hiện của Tổ hợp Samsung Việt Nam tại Thái Nguyên đã mang lại sự phát triển mạnh mẽ, rõ nét.
2. Một số bài học kinh nghiệm trong quá trình thu hút nguồn vốn FDI trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Một là, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, sự điều hành quyết liệt, năng động, sát tình hình và hiệu quả của các cấp chính quyền; sức mạnh đại đoàn kết và sự đồng thuận trong Nhân dân. Vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương; thường xuyên giữ mối quan hệ tốt, tăng cường sự phối hợp, liên kết với các tỉnh trong vùng; phát huy lợi thế của tỉnh, đề ra các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.  
Hai là, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, coi trọng kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh. Đối với thu hút đầu tư nước ngoài phải có chọn lọc theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư gắn với khai thác tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, hạ tầng, nguồn nhân lực, các điều kiện thực tế của địa phương và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ tài nguyên, môi trường, phát triển bền vững, ổn định.
Ba là, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, linh hoạt theo quy định của pháp luật; vận dụng các cơ chế ưu đãi để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực; quan tâm đến hoạt động, công tác ngoại giao, hợp tác quốc tế.  
Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt; tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn giai đoạn trước; các vấn đề về an ninh phi truyền thống, đặc biệt là biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cả tác động và cường độ; dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19; bên cạnh đó là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ngày càng sâu rộng, rõ nét, mang lại những cơ hội song cũng có không ít những thách thức đan xen. Ở trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; lực lượng doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng góp phần quan trọng tạo việc làm trong các ngành dịch vụ; môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, niềm tin của Nhân dân ngày càng tăng lên… Đối với tỉnh Thái Nguyên, bên cạnh những thuận lợi, khó khăn chung, kinh tế trong tỉnh sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức đó là: Tăng trưởng kinh tế, sản xuất công nghiệp, đầu tư, xuất, nhập khẩu phụ thuộc chủ yếu vào khu vực FDI; các nền tảng sản xuất trong quá khứ như khai khoáng tiếp tục đi xuống; công nghiệp cơ khí, chế tạo và sản xuất linh phụ kiện, dệt may chưa trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh; xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI đang và có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới với những diễn biến khó lường; những vấn đề xã hội, môi trường, như già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… ngày càng áp lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu của đất nước: “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”. “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. 
Cụ thể hóa mục tiêu này, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Ngày 29/9/2021, tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua Ý tưởng Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định tầm nhìn “Đến năm 2050: Phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và của cả nước”; đồng thời đã định hướng một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là “Tăng cường thu hút đầu tư để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững”.
Đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tỉnh thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Xác định rõ, thu hút đầu tư nước ngoài phải có chọn lọc theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư gắn với khai thác tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, hạ tầng, nguồn nhân lực, các điều kiện thực tế của địa phương và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ tài nguyên, môi trường, phát triển bền vững, ổn định.
3. Từ những định hướng trên, tỉnh Thái Nguyên đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là dòng vốn FDI, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội như sau:
Thứ nhất, xây dựng, triển khai hiệu quả các giải pháp thực hiện 5 định hướng lớn mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX đã thông qua. Tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc; quy hoạch hệ thống đô thị Thái Nguyên theo hướng phân bổ hợp lý giữa các vùng, kết nối thuận lợi với hệ thống đô thị vùng đồng bằng Bắc Bộ. Phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội. Khôi phục và phát triển các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như ngành cơ khí chế tạo, thu hút đầu tư chế biến sâu khoáng sản để tạo đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử. 
Thứ hai, huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế; quản lý, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, ưu tiên dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội theo nguyên tắc chỉ thực hiện những dự án đầu tư đã được phân tích và đánh giá là có hiệu quả cao về kinh tế - xã hội. Tăng cường công tác quảng bá hình ảnh, tiếp thị địa phương, xúc tiến đầu tư, có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu, tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Chủ động phối hợp, liên kết với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và các vùng lân cận vì mục tiêu phát triển chung.
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực, các nhà đầu tư đến với tỉnh, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp với các nhóm ngành có tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: Công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến khoáng sản, nông, lâm sản gắn với kiểm soát và bảo vệ môi trường. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, đa dạng các hình thức thu hút đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư có tiềm lực và chiến lược đầu tư dài hạn, tạo sự lan tỏa. Lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, có uy tín; đồng thời kiên quyết thu hồi, hủy bỏ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án không triển khai thực hiện theo đúng cam kết, các dự án quá chậm tiến độ, không có khả năng triển khai. 
Riêng đối với dòng vốn FDI:
- Xây dựng danh mục các dự án thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với định hướng của Trung ương và của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Không xem xét điều chỉnh, mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên. Nghiên cứu phát triển, hình thành các khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu, cụm công nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Xây dựng và ban hành bộ tiêu chí về đầu tư (trong đó có các tiêu chí cho các dự án đầu tư nước ngoài) nhằm khai thác tối đa lợi thế của địa phương trong thu hút các dự án, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tăng hàm lượng các dự án sử dụng công nghệ cao, sử dụng đất có hiệu quả. Có cơ chế khuyến khích liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước để phát triển cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, kinh nghiệm quản lý. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển nhượng dự án, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, không để xảy ra tình trạng “đầu tư chui”, “đầu tư núp bóng”. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ quyền sở hữu tài sản và các lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư đến đầu tư tại địa phương. 
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Rà soát, thực hiện cơ cấu, tổ chức hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh theo hướng gắn quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo với nhu cầu của các doanh nghiệp FDI. Chú trọng đào tạo một số ngành như công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử, cơ điện, cơ khí,... quan tâm, định hướng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quản lý, kỹ thuật và tay nghề cao.
- Song hành với các nhiệm vụ trên, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả công tác phối hợp giữa tổ chức công đoàn và các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; bảo đảm hài hoà các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động.
Thứ ba, tiếp tục cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân; thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. 100% phòng làm việc bộ phận một cửa cấp xã đáp ứng theo yêu cầu; tiếp tục hoàn thiện theo hướng hiện đại. Triển khai đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, phục vụ tổ chức, công dân tốt hơn. Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tham gia sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. 
Tiếp tục triển khai sắp xếp lại cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm mục tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Tập trung rèn luyện kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đạo đức công vụ. Đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử, triển khai xây dựng đô thị thông minh… 
Tích cực triển khai chuyển đổi số nhằm bảo đảm mục tiêu kép là vừa phát triển chính quyền số, hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số, đồng thời xây dựng định hướng chiến lược thu hút, phát triển các doanh nghiệp số có năng lực, uy tín và có khả năng tạo ra các giá trị kinh tế cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài. Riêng với lĩnh vực này, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Thái Nguyên xác định chủ động trong chuyển đổi số để tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; là địa phương đầu tiên trong cả nước có Ngày Chuyển đổi số (ngày 31/12 hằng năm). Thực hiện chuyển đổi số được coi là “chìa khóa” giúp địa phương đi tắt, đón đầu, nắm bắt thời cơ, thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Tỉnh đề ra 37 nhiệm vụ ở cả 3 trụ cột chính, trong đó 8 nhiệm vụ phát triển xã hội số; 11 nhiệm vụ phát triển kinh tế số; 13 nhiệm vụ xây dựng chính quyền số và 5 nhiệm vụ xây dựng hạ tầng đô thị thông minh.
Thứ tư, xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ và hành động. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành. Chú trọng nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính kết hợp với thanh tra công vụ, giám sát việc tổ chức thực hiện chức trách, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, từng cán bộ, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật, nâng cao chất lượng chuyên môn, phẩm chất đạo đức công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng cán bộ. Mỗi cán bộ, công chức phải nêu cao tinh thần “Trung thành - Tận tụy - Sáng tạo - Gương mẫu”;  “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. 
Thứ năm, tiếp tục tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm:
- Về công nghiệp: Tập trung phát triển theo chiều sâu, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp. Ưu tiên thu hút đầu tư những dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; dự án công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu tập trung và xây dựng nông thôn mới để giải quyết việc làm cho người lao động. Phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hệ thống đô thị hiện đại; hình thành các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi để có thể giải quyết được việc làm tại chỗ, góp phần giảm nghèo bền vững. Tăng cường hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, hỗ trợ đào tạo nhân lực, tăng cường năng lực, đổi mới công nghệ của khu vực doanh nghiệp trong nước phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp này có thể tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
- Về nông nghiệp: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài nước. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý rừng bền vững, đặc biệt quan tâm công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Chỉ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng khi thực sự đem lại hiệu quả kinh tế gắn với an sinh xã hội và phát triển bền vững. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Về thương mại, dịch vụ: Phát triển đa dạng, chất lượng và bền vững các loại hình dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao, tương xứng với lợi thế của tỉnh. Quan tâm phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ có thế mạnh, lợi thế so sánh như: Giáo dục - Đào tạo; Thương mại - Du lịch; Vận tải; Y tế; Tài chính - Ngân hàng... Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo ngành, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch để mở rộng các loại hình dịch vụ và thị trường tiêu thụ hàng hóa; tăng cường xã hội hoá đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch; phát triển dịch vụ trong mối liên kết vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong và ngoài nước. Dành quỹ đất có khả năng thương mại tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm và tiềm lực để xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao.
Thứ sáu, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư công cho đầu tư phát triển. Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành. Tạo nhiều nguồn thu mới, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tập trung chống thất thu ngân sách nhà nước và nợ đọng thuế. Giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm triệt để, chống lãng phí. Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các ngành, địa phương trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; giải ngân các nguồn vốn và công tác quản lý công trình sau đầu tư; không để xảy ra tình trạng phát sinh nợ đọng, đầu tư kém hiệu quả, kéo dài gây lãng phí. 
Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, quản lý các nguồn tài nguyên. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, tập trung vào những vấn đề bức xúc đang đặt ra như: Quản lý, sử dụng đất đai kém hiệu quả, lãng phí, vi phạm pháp luật; các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường... 


NCS. HOÀNG THỊ HIỀN

Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin