Thực trạng xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Long An

CT&PT - Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là mục tiêu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh việc “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” - đây là vấn đề then chốt để đưa đất nước phát triển trong thời gian tới. Trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2011 - 2020, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với xây dựng, phát triển nhân lực nói chung, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ nói riêng.

Thời gian qua, tỉnh Long An đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đào tạo, phát triển, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ với nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Đây là những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù họp với tình hình phát triển của địa phương và đã phát huy tác dụng tích cực trong thực tế. Kết quả của việc hiện thực hóa các chủ trương, chính sách này đã góp phần trẻ hóa đội ngũ và nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Theo đánh giá, phần lớn nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực khoa học và công nghệ được đào tạo, thu hút đều phát huy tốt khả năng, năng lực của mình vào việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị cũng như doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đã tham gia tích cực, hiệu quả vào việc tư vấn, phản biện, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề lớn, quan trọng về khoa học và công nghệ cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc chú trọng xây dựng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Long An được đẩy mạnh trong giai đoạn 2011 - 2016. Một trong những nhân tố quan trọng là việc tổ chức triển khai quán triệt Quyết định số 1033/QĐ-TTg ngày 30/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề Vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011 - 2015 cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp và đội ngũ giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục và đào tạo. Tiếp theo, đó là việc triển khai thực hiện Chương trình số 37-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 768/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Long An. Theo đó, nhiều chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể đã được lập và triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua như: Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Long An giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 3956/QĐ-UBND ngày 14/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2013 trên địa bàn tỉnh Long An; Đề án nâng cao chất lượng cán bộ quản lý trường phổ thông giai đoạn 2013 - 2015 và đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1584/QĐUBND ngày 09/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Chương trình phổ cập giáo dục trung học giai đoạn 2011 - 2015 định hướng đến năm 2020; Lập Đề án đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2012 - 2015 với mục tiêu đến năm 2015 có 50% trường học trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia được phê duyệt tại Quyết định số 949/QĐ-UBND ngày 27/3/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các trường công lập trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020; Đề án phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề tỉnh Long An giai đoạn 2011 - 2020...

Đặc biệt, căn cứ quy định, hướng dẫn của Trung ương về thực hiện Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 4415/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 của UBND tỉnh Long An về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Long An đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, đây là một trong những văn bản quan trọng liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, đặc biệt có nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Trong đó, tỉnh xác định phương hướng và đưa ra hệ thống các giải pháp phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020 để có được nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu của tỉnh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tiếp đó, thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch số 1528/KH-UBND ngày 16/5/2014 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, tỉnh xác định: “Tập trung nguồn lực thực hiện tốt mục tiêu chung theo tinh thần Nghị quyết số 20 NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức. Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ các ngành, các cấp nhằm tạo ra kết quả nghiên cứu, ứng dụng có chất lượng, tiếp cận trình độ công nghệ tiên tiến trong vùng, khu vực và quốc tế; đáp ứng các yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững và đưa tỉnh ta cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, trên cơ sở tổng các kết quả thực hiện đề án Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Long An đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã kịp thời cập nhật, điều chỉnh các nội dung tổ chức thực hiện cho phù hợp với các mục tiêu đề ra của giai đoạn 2016 - 2020, tiến tới chủ trương xây dựng và thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Long An đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, Long An xác định mục tiêu tổng quát tiếp tục thực hiện trong Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020 là: (1) Quy hoạch phát triển nhân lực đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn, phẩm chất, tác phong ở mức cao và chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; (2) xây dựng đội ngũ nhân lực thực hiện thành công mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh, trong đó tập trung nguồn nhân lực làm việc trong những ngành, lĩnh vực mà Long An có lợi thế; (3) từng bước tạo tiền đề hình thành đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, tiến tới chuẩn hóa nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Trên cơ sở đó, triển khai thực hiện quy hoạch, hàng năm, tỉnh đều phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề ở các cấp trình độ: Sơ cấp và đào tạo thường xuyên, trung cấp, cao đẳng để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức thực hiện. Kết quả tuyển sinh đào tạo nghề trong thời gian qua nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng so với các địa phương khác trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, qua đó góp phần gia tăng số lượng nhân lực có tay nghề cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tại thời điểm năm 2020, dân số của tỉnh Long An chiếm 9,6% so với toàn vùng ĐBSCL, nhưng tỷ lệ dân số đô thị thấp, chỉ chiếm 6,2% so với toàn vùng, lực lượng tham gia lao động lớn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cao hơn so với bình quân của toàn vùng ĐBSCL. Cụ thể, vùng ĐBSCL có tỷ lệ qua đào tạo đạt trung bình là 14,9%, trong khi đó ở Long An tỷ lệ này đạt 15,9%. Tỉnh đã hoàn thành mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong suốt thời kỳ từ năm 2010 - 2020 chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 2010 - 2015: Đào tạo nghề cho 43.600 lao động nông thôn (24.000 người học nghề nông nghiệp và 19.600 người học nghề phi nông nghiệp); giai đoạn 2016 - 2020: Đào tạo nghề cho 25.321 lao động nông thôn (15.511 người học nghề nông nghiệp và 9.810 người học nghề phi nông nghiệp).

Mặt khác, công tác dự báo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng, qua đào tạo thuộc các lĩnh vực, ngành nghề được triển khai thực hiện theo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Long An đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Những năm gần đây, Long An đã tổ chức khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề cho người lao động đối với 100% hộ sinh sống ở khu vực nông thôn. Kết quả khảo sát nhu cầu của người lao động và yêu cầu của thị trường lao động là cơ sở để từng địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo nghề được chất lượng, hiệu quả. Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An trong thời gian qua là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức điều tra cung cầu lao động để cung cấp thông tin, dự báo nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, thị trường lao động để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch tuyển sinh đào tạo đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp về cả số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ lao động. Nội dung khảo sát tập trung vào các vấn đề cơ bản như: nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn; nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; năng lực đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; địa chỉ mà người lao động sau đào tạo sẽ vào làm việc như hợp tác xã, tổ hợp tác, các khâu của chuỗi liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ các giá trị sản phẩm...

Cùng với đó, căn cứ Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 15/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An về thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh, ngày 24/5/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành Kế hoạch số 1569 /KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 15/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An. Đây là cơ sở quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh Long An trong giai đoạn tới. Mặt khác, công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp được chú trọng. Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2020 tỉnh đã xây dựng và triển khai các văn bản, chính sách, đồng thời tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đến các cán bộ khoa học, doanh nghiệp, cộng đồng của tỉnh về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ, đặc biệt trong công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao nhân rộng các mô hình ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn từ 2011 - 2020, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện tổng cộng 11 nhiệm vụ cấp Nhà nước, cấp Bộ (giao Sở Khoa học và Công nghệ quản lý triển khai thực hiện 02 nhiệm vụ và 04 nhiệm vụ còn lại thuộc nhiệm vụ độc lập do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý) và 210 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong thời gian qua, nhận thức về vai trò, vị trí của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở tỉnh Long An từng bước được nâng lên. Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng chương trình hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế để phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác tuyên truyền các đề án, chương trình phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quan tâm; đã lồng ghép nội dung chương trình phát triển nguồn nhân lực vào các nội dung tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, lao động việc làm của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp. Cùng với đó, Long An cũng tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ nói riêng, phù hợp với đặc thù, tính chất và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị tại địa phương.

Tuy nhiên, việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch và các kế hoạch phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở Long An còn một số khó khăn, hạn chế nhất định liên quan đến công tác dự báo, cơ sở đề xuất giải pháp, cũng như cơ chế đặc thù cho địa phương…

NCS. NGUYỄN THU NHI

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin