Quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam

CT&PT - Xuất phát vai trò quan trọng của mỗi gia đình đối với sự phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề xây dựng và bảo vệ gia đình. Tuy nhiên, trước tác động của quá trình hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, nạn bạo lực gia đình đang diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh cũng như trật tự, an toàn xã hội. 

1. Cơ sở lý luận của quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình
Bạo lực là một hiện tượng xã hội, phương thức ứng xử trong các mối quan hệ xã hội, tồn tại trong các hình thái xã hội từ khi hình thành xã hội loài người. Bản chất của bạo lực là việc sử dụng sức mạnh để triệt hạ, gây tổn thương về thể chất, tinh thần cho người khác. Bạo lực gia đình không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới các thành viên gia đình, mà còn ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 của Việt Nam định nghĩa: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Bạo lực gia đình là vấn đề xã hội ở bất cứ quốc gia nào, nên cần có sự quản lý của nhà nước, được thực hiện bởi những cơ quan hành chính có thẩm quyền, tiến hành trên cơ sở những quy định của pháp luật về bạo lực gia đình. Đồng thời, thông qua hoạt động tổ chức quản lý, truyền thông, giáo dục nhằm ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy, chế độ kiểm tra, thanh tra... trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường ý thức tôn trọng Hiến pháp và pháp luật, góp phần bảo đảm quyền con người, ổn định chính trị - xã hội của đất nước, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tạo ra những cơ hội và thách thức không nhỏ đối với hoạt động quản lý nhà nước, trong đó có quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Đối với vấn đề bạo lực gia đình, quá trình hội nhập quốc tế đã và đang tác động trên nhiều phương diện, cụ thể:
- Về kinh tế: Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế với sự tăng cường, giao lưu, trao đổi hàng hóa đã mang lại những bước phát triển mới cho kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bối cảnh này cũng xuất hiện một số mặt trái của quá trình hội nhập với những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đối với các vấn đề xã hội. Đó là sự gia tăng chênh lệch giàu, nghèo, gây bất bình đẳng xã hội, bần cùng hóa ở bộ phận dân nghèo, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và dân nghèo thành thị. Theo đánh giá của nhiều tổ chức thế giới cũng như ở Việt Nam, kinh tế là một trong những yếu tố quyết định việc duy trì, bảo đảm sự ổn định của gia đình. Chính sự mất ổn định về thu nhập là nguyên nhân chính gây nên những xung đột và bạo lực gia đình trong nhiều gia đình hiện nay, đặc biệt là các gia đình ở khu vực nông thôn và các vùng khó khăn…
- Về văn hóa - xã hội: Thách thức của hội nhập quốc tế là làm cho sự du nhập các yếu tố văn hóa ngoại lai vào Việt Nam ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi văn hóa, trong đó có cả những văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực… Sự ảnh hưởng đó khi chưa có sự kiểm soát chặt chẽ và kịp thời điều chỉnh có định hướng sẽ tạo thành xu hướng, lối sống trong một bộ phận giới trẻ, như tình trạng tự do quá mức, sa đọa, theo đuổi vật chất và lối sống hưởng thụ… Đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ ly hôn ngày càng cao ở các gia đình trẻ hiện nay so với các thế hệ trước. Bên cạnh đó, mức độ bạo lực gia đình trong các gia đình hiện nay cũng ngày càng trở nên phức tạp, tinh vi hơn, không chỉ đơn thuần là những bạo lực về thể xác, kinh tế…
- Về vấn đề bình đẳng giới: Hội nhập kinh tế đã và đang làm thay đổi nhận thức và vai trò của phụ nữ Á Đông. Phụ nữ ngày càng có điều kiện để tham gia và vươn lên khẳng định mình ở các vị trí cao trong xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ ít có thời gian để chăm lo cho gia đình như trước đó. Trong khi nhận thức của một bộ phận nam giới về bình đẳng giới chưa thực sự đầy đủ và còn bị ảnh hưởng bởi phong cách gia trưởng truyền thống. Từ đó, những xung đột trong quan niệm về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng bạo lực gia đình, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. 
Chính sự thay đổi phức tạp với mức độ gia tăng và tinh vi hơn của các hành vi bạo lực gia đình trước tác động của quá trình hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác bạo lực gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình. Thực tế này cũng đòi hỏi Nhà nước cần có nhiều giải pháp và chính sách tổng thể, toàn diện hơn, tận dụng những thời cơ của hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường để phát triển bền vững, cải thiện đời sống cho nhân dân. Đây là yếu tố cơ bản, cốt lõi để phòng và giảm thiểu các xung đột về kinh tế trong các gia đình. Bên cạnh đó, đề ra những chính sách phát triển hài hòa về văn hóa và kiểm soát những văn hóa phẩm đồi trụy, định hướng những giá trị văn hóa tích cực đối với cộng đồng. Đồng thời, có những chính sách truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào vị trí quản lý, công tác xã hội để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Việt Nam là quốc gia phương Đông, chịu ảnh hưởng sâu đậm của các lễ nghi Nho giáo, quá trình hội nhập quốc tế hiện nay đang tạo ra những giao lưu văn hóa trên nhiều phương diện, Do đó, khi tăng cường hợp tác văn hóa theo định hướng sẽ làm thay đổi cách nghĩ, cách sống, mở rộng tầm nhìn cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ về sự thay đổi địa vị của mình trong xã hội, tạo điều kiện cải thiện đời sống, thu nhập, từ đó góp phần giảm tình trạng bạo lực gia đình. 
 Ngoài ra, quá trình hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra những yêu cầu về hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiện toàn tổ chức bộ máy thực thi pháp luật phù hợp với những đặc trưng, xu hướng phát triển để phòng, chống bạo lực gia đình một cách hiệu quả hơn, từ đó hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. 
Mặt khác, quá trình hội nhập quốc tế cũng giúp tăng cường giao lưu, trao đổi về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp và mô hình hữu ích trong phòng, chống bạo lực gia đình. 
2. Giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức về hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động trực tiếp với tốc độ nhanh đến các yếu tố nền tảng bảo đảm cho gia đình hạnh phúc, đó là thu nhập của các hộ gia đình và bản sắc văn hoá gia đình truyền thống. Các yếu tố này là cơ sở quan trọng để giải quyết tận gốc nguyên nhân chủ yếu gây ra bạo lực gia đình. Kinh tế gia đình bảo đảm, văn hoá gia đình truyền thống được phát huy luôn là mục tiêu của Việt Nam hiện nay. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới tư duy và nâng cao năng lực quản lý, phương thức quản lý, phương thức giao dịch trong công tác quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng bảo đảm được các yếu tố nền tảng của gia đình hạnh phúc và có kết nối thông minh giữa các gia đình với nhau, giữa các cá nhân với nhau và giữa các cá nhân với Chính phủ. 
Thứ hai, tiếp tục bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quản lý nhà nước về bạo lực gia đình phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế, bảo đảm quyền phụ nữ, quyền trẻ em trong đó cần có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ việc bạo lực gia đình gắn với các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ thu hút và tạo nhiều việc làm, phát triển sinh kế và kinh tế hộ gia đình. Có chính sách bảo đảm an sinh xã hội và có các cơ chế làm thay đổi hành vi cá nhân theo hướng trách nhiệm với cộng đồng, nhân văn trong gia đình. 
Thứ ba, có cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ sinh kế cho lao động khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, trong đó ưu tiên lao động nữ, đáp ứng yêu cầu những ngành nghề phù hợp cần tuyển dụng lao động trong quá trình phát triển nền kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ưu tiên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về bạo lực gia đình. Đồng thời, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, cập nhật xu thế phát triển của thời đại công nghệ số, tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số theo hướng phát triển bền vững.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ của chính phủ điện tử để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy phòng, chống bạo lực gia đình. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan hành chính nhà nước là nội dung không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay. Đảng đã nhấn mạnh, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là “duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN... Thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc” và mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là “Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Do vậy, để xây dựng chính phủ điện tử ứng dụng trong hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình cần đáp ứng các yêu cầu, đặc điểm và điều kiện phát triển kinh tế của từng địa phương và cần tập trung theo hướng: (1) Đào tạo kỹ năng tin học cho đội ngũ cán bộ, công chức và người dân; (2) Bản thân các tổ chức và công dân tiếp nhận các dịch vụ này phải hiểu biết căn bản về công nghệ, thông tin. Chính phủ điện tử không cần “công chức điện tử” mà còn rất cần “công dân điện tử”. Người dân, nhất là những nạn nhân bị bạo lực gia đình chỉ có thể tham gia các dịch vụ tốt của Chính phủ nếu những dịch vụ này tốt, nhanh chóng, tiện lợi. Công dân điện tử là những người đóng góp ý kiến, tố cáo… các vụ bạo lực gia đình đang diễn ra. Từ đó các nhà quản lý làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình có căn cứ để giải quyết, ngăn chặn bạo lực gia đình.
Thứ năm, nghiên cứu, thành lập Hội Bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình Việt Nam để có tiếng nói thống nhất phối hợp với các cơ quan phòng, chống bạo lực gia đình và các Đoàn thể. Qua đó, thực hiện các giải pháp tăng cường bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân bị bạo lực gia đình.

NCS. Trương Hoàng Đức
Học viện Hành chính Quốc gia

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin