Phát triển lực lượng truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp tại Việt Nam hiện nay

CT&PT - Bài viết nghiên cứu thực trạng, những vấn đề đặt ra của công tác phát triển đội ngũ truyền thông chính sách chuyên trách tại Việt Nam hiện nay và đề xuất giải pháp tăng cường đầu tư cho lực lượng làm công tác truyền thông chính sách chuyên nghiệp, chuyên trách; Tham khảo kinh nghiệm quốc tế xây dựng mô hình tổ chức đơn vị chuyên trách về truyền thông chính sách.

 1. Đặt vấn đề

Truyền thông chính sách được một số quốc gia, tổ chức gọi là “truyền thông chính phủ” hoặc “truyền thông chính sách công”. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD: “Truyền thông chính phủ cung cấp các chính sách và dịch vụ góp phần vào các mục tiêu chính phủ mở, quản trị tốt hơn và cuối cùng là tăng cường dân chủ. Nếu đánh giá đúng về tiềm năng chiến lược truyền thông về chính sách và có sự đầu tư kịp thời và hợp lý, các chính phủ có thể xây dựng và củng cố niềm tin của công dân đối với chính quyền”1.

Tại Việt Nam, thuật ngữ này xuất hiện những năm gần đây và ngày càng được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, truyền thông chính sách có nhiều cách hiểu khác nhau:

“Truyền thông chính sách có thể được định nghĩa là tất cả các hoạt động của chính quyền và các tổ chức trong khu vực công nhằm chuyển tải và chia sẻ thông tin, chủ yếu nhằm mục đích tạo ra văn hóa công khai thông tin, đồng thời trình bày và giải thích các quyết định và hành động của Chính phủ”2.

“Truyền thông chính sách là quá trình tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan truyền thông nhà nước với đông đảo quần chúng trong chu trình chính sách, bao gồm: nhận diện vấn đề chính sách; hoạch định chính sách; thực thi chính sách và đánh giá chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước và sự đồng thuận trong xã hội”3

Từ các tiếp cận trên, có thể khái quát: truyền thông chính sáchlà quá trình các cơ quan truyền thông của nhà nước tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin về hoạch định, xây dựng, thực hiện và đánh giá chính sách đến công chúng nhằm làm cho công chúng hiểu biết và ủng hộ chính sách.

Trong quá trình truyền thông chính sách, có rất nhiều các yếu tố: chủ thể truyền thông, nội dung truyền thông, phương thức truyền thông. Trong đó, chủ thể truyền thông đóng vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả của hoạt động truyền thông chính sách. Trong chủ thể truyền thông chính sách, nguồn nhân lực chuyên trách truyền thông chính sách được coi là nhân tố quan trọng nhất.

Trong nghiên cứu này, khái niệm nguồn nhân lực chuyên trách truyền thông chính sách được hiểu là các tổ chức, đơn vị, con người làm công tác chuyên trách về truyền thông chính sách tại các cơ quan truyền thông của nhà nước, trong đó tập trung tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có nhiệm vụ thực hiện hoạt động truyền thông tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin về hoạch định, xây dựng, thực hiện và đánh giá chính sách đến công chúng nhằm làm cho công chúng hiểu biết và ủng hộ chính sách.

2. Chủ trương về truyền thông chính sách và thực trạng tổ chức đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách

Vấn đề phát triển nguồn nhân lực chuyên trách truyền thông chính sách được cụ thể hóa tại nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước. Tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 12/5/2021 về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông “Hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương kiện toàn, phát triển bộ phận truyền thông để thực hiện nhiệm vụ kết nối, chủ động cung cấp thông tin, kịp thời xử lý các vấn đề dư luận xã hội quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương”.

Thực hiện Nghị quyết số 12 của Chính phủ và Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 09/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn số 837/BTTTT-CBC về việc xây dựng đội ngũ truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, kiện toàn lại đội ngũ công chức, viên chức làm công tác truyền thông tại các bộ, ngành, địa phương mình theo hướng có bố trí bộ phận, nhân sự chuyên trách có năng lực, kinh nghiệm, được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về truyền thông chính sách và xử lý khủng hoảng truyền thông. Sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế làm việc liên quan, cho phép các đơn vị phụ trách truyền thông chính sách được tham gia phản biện xây dựng đối với các quy trình soạn thảo, quyết định chính sách. Xây dựng kế hoạch truyền thông ngay từ khi chuẩn bị ban hành chủ trương, chính sách và trong quá trình thực thi. Bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách và các nguồn lực xã hội hóa theo quy định của pháp luật cho hoạt động truyền thông chính sách4...

Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất và hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định trên, ngày 02/3/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt Quyết định số 253/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án năm 2023 của Bộ Tư pháp, xác định rõ 7 nhóm nhiệm vụ chính, trong đó có việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật.

Ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, nêu rõ “Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ5.

3. Thực trạng phát triển đội ngũ truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Theo báo cáo kết quả khảo sát do Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành tháng 11/20226 tại 59 cơ quan bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác truyền thông chính sách, có một số vấn đề như sau:

Về đội ngũ truyền thông chính sách: Đại bộ phận các cơ quan đang thiếu bộ phận chuyên trách về truyền thông: 40/59 cơ quan khảo sát chưa có đội ngũ truyền thông chuyên trách, chiếm tỷ lệ 68%. Kết quả khảo sát sơ bộ cũng cho thấy, đại bộ phận nhân lực làm công tác truyền thông ở cơ quan nhà nước chưa được chuẩn hóa, từ khâu tuyển dụng, không có vị trí việc làm được thiết kế cho công tác này, cho tới bố trí nhiệm vụ, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về truyền thông. Các công chức, viên chức làm truyền thông thường là kiêm nhiệm các công việc khác, không có kiến thức chuyên ngành về quan hệ công chúng và xử lý khủng hoảng truyền thông hoặc là người “chưa đáp ứng chuyên môn” của các đơn vị khác mà được luân chuyển, bố trí.

Ở cấp xã, phường, cả nước có 9.793 đài truyền thanh cấp xã/10.599 xã, phường, thị trấn, với 13.853 nhân sự, phát huy hiệu quả rất lớn trong công tác truyền thông chính sách. Tuy nhiên, trình độ, năng lực của đội ngũ nhân lực tại các đài truyền thanh cấp xã còn hạn chế, cán bộ phụ trách đài chủ yếu là kiêm nhiệm. Chưa có cơ chế, chính sách phù hợp đối với đội ngũ lao động kiêm nhiệm và đặc biệt là người phụ trách đài truyền thanh cấp xã chưa đáp ứng về chuyên môn, vì thường xuyên thay đổi vị trí công tác.

Về cơ quan làm công tác truyền thông chính sách của bộ, ngành, địa phương: Một số bộ, ngành, địa phương không thành lập cơ quan chuyên trách về truyền thông mà giao chức năng này hoặc cho văn phòng, hoặc cho vụ tuyên truyền, vụ pháp chế (ở các bộ); giao sở thông tin và truyền thông (đối với địa phương) kiêm nhiệm.

Một số bộ đã có bộ máy truyền thông được định hình rõ ràng thành đầu mối trực thuộc bộ với người phát ngôn thực sự phát huy vai trò (Bộ Công an giao công tác truyền thông chính sách cho Cục Truyền thông Công an nhân dân, Văn phòng Bộ quản lý Cổng thông tin điện tử và Chánh Văn phòng là người phát ngôn; Bộ Ngoại giao có Vụ Thông tin báo chí và người phát ngôn; Ngân hàng Nhà nước có Vụ Truyền thông), 04 bộ giao văn phòng phụ trách công tác này, gồm: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Có 22 tỉnh giao cho Sở Thông tin và Truyền thông. Trước đây, một số bộ, ngành đã có cơ quan chuyên trách về truyền thông, nhưng thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chức năng, nhiệm vụ mới đã bỏ đầu mối đơn vị cấp vụ làm công tác truyền thông, đưa bộ phận truyền thông về văn phòng bộ (Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có Phòng truyền thông thuộc Văn phòng bộ, nhưng cũng đã sáp nhập, đổi tên thành Phòng Tổng hợp - tuyên truyền.

Như vậy, đến nay còn thiếu sự thống nhất về tổ chức và đội ngũ chuyên trách, chuyên nghiệp về công tác truyền thông chính sách, do vậy công tác này ở một số nơi còn lúng túng, không có “tổng chỉ huy”.

Về nguồn kinh phí, nhìn chung các đơn vị chưa bố trí nguồn kinh phí ổn định để thực hiện truyền thông chính sách. Kinh phí chủ yếu được cấp từ nguồn kinh phí thường xuyên, theo vụ việc, chủ yếu lồng ghép vào nhiệm vụ của từng đơn vị, chưa có “mũ” chi ngân sách được quy định rõ dành cho công tác truyền thông chính sách.

Trong vấn đề xây dựng và phát triển nhân lực lượng và các yếu tố của quá trình truyền thông chính sách nổi lên những vấn đề sau: nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) phù hợp cho công tác truyền thông chính sách. Việc thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông và đặc biệt là nhân lực lượng chưa đáp ứng yêu cầu  công tác nên đã để xảy ra sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

4. Giải pháp phát triển lực lượng truyền thông chính sách chuyên trách, khảo sát của Dự án “Hỗ trợ Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ” giai đoạn 2

Một là, tăng cường đầu tư cho lực lượng làm công tác truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu về số lượng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ

Vấn đề cốt lõi của truyền thông chính sách chính hiện nay là cần tăng cường đầu tư cho lực lượng chuyên trách, chuyên nghiệp. Có lực lượng chuyên trách, công việc chuyên sâu, phương thức chuyên nghiệp mới có thể tạo ra hiệu quả truyền thông cao. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, tất cả các lĩnh vực đều cần những chuyên gia giỏi về chuyên môn để làm chủ công nghệ. Đối với truyền thông chính sách, năng lực trí tuệ, sự sáng tạo của mỗi cá nhân tạo nên năng lượng tích cực cho tổ chức, đó chính là cơ sở hữu hiệu nhất xây dựng môi trường truyền thông bền vững.

Cụ thể là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ truyền thông chính sách; thực hiện tốt cơ chế đãi ngộ đội ngũ này.

Hiệu quả đào tạo, tập huấn chuyên sâu từ Dự án “Hỗ trợ Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ” do KOICA tài trợ. Giai đoạn 1 (2015 - 2018), đã có 60 cán bộ đi bồi dưỡng tại Hàn Quốc về truyền thông chính sách; tổ chức 4 hội thảo khoa học quốc tế và xuất bản 3 cuốn sách chuyên đề. Chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Truyền thông chính sách là sản phẩm trực tiếp của việc hợp tác giữa KOICA và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

So với giai đoạn 1, giai đoạn 2 (2022 - 2024) mở rộng các hoạt động của dự án, đồng thời chuyên biệt hóa đối tượng tham gia bồi dưỡng tại Hàn Quốc theo từng năm. Các cán bộ làm công tác truyền thông của Việt Nam tham gia dự án đều được nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về truyền thông chính sách và khả năng ứng dụng vào công việc chuyên môn. Chỉ tính riêng trong thời gian tập huấn từ ngày 12 đến ngày 23/9/2023, các học viên đã đăng tải 30 tin, bài trên báo chí và cổng thông tin điện tử của Việt Nam bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, cùng hàng trăm hình ảnh, thông tin qua mạng xã hội, hội thảo, truyền thông cá nhân khác, lan tỏa những thông điệp về truyền thông chính sách tới đa dạng đối tượng công chúng.

Hai là, tham khảo kinh nghiệm quốc tế xây dựng mô hình tổ chức đơn vị chuyên trách về truyền thông chính sách

Việc xây dựng mô hình tổ chức đơn vị chuyên trách về truyền thông chính sách cho các cơ quan nhà nước tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách cũng nêu rõ phải “Nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông chính sách mới trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, phù hợp vào hoàn cảnh của Việt Nam”.

Hiện nay, trên thế giới có nhiều mô hình tổ chức chuyên trách làm truyền thông chính sách. Tại Anh, “Dịch vụ truyền thông chính phủ” (GCS) là cơ quan được tổ chức thống nhất, hoạt động bài bản với các chiến lược truyền thông và có định hướng cụ thể cho đội ngũ truyền thông của chính phủ, với hơn 7.000 người làm truyền thông ở các cơ quan chính phủ, ban ngành của Chính phủ và các đơn vị trực thuộc.

Tại Thụy Điển, Bộ trưởng Bộ Truyền thông nhà nước, Thủ tướng Chính phủ là người phát ngôn những vấn đề quan trọng của Chính phủ; mỗi bộ có bộ phận thông tin riêng để quản lý nhu cầu truyền thông của bộ. Việc thuê các công ty quan hệ công chúng làm công tác truyền thông là khá phổ biến trong các bộ phận.

Tại Hàn Quốc, theo Điều 10 Luật về thực thi quảng cáo, truyền thông của các cơ quan chính phủ và các tổ chức, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ chỉ định cơ quan ủy thác công việc quảng cáo chính phủ. Theo Điều 6, Quỹ Xúc tiến truyền thông Hàn Quốc được chỉ định là “cơ quan nhận ủy thác”. Quỹ Xúc tiến truyền thông được ủy quyền để thực hiện các chiến dịch truyền thông và quảng cáo chính sách cho các bộ, ngành. Mô hình này tập trung công tác truyền thông chính sách của Chính phủ về một đầu mối. Phân loại quảng cáo, quảng bá Chính phủ tại Hàn Quốc như sau:

Lợi nhuận thu được thông qua thực hiện quảng cáo của Chính phủ được sử dụng để thúc đẩy phát triển truyền thông Hàn Quốc. Ưu điểm của mô hình này là: có thể quản lý và điều hành quảng cáo, quảng bá Chính phủ hiệu quả; cơ quan chính phủ không phải điều hành nhân lực thực hiện quảng cáo, quảng bá chuyên nghiệp; giải phóng khỏi việc phải “nhờ vả, hối lộ” các công chức phụ trách; có thể sử dụng quỹ hình thành từ việc thu lệ phí để xúc tiến ngành công nghiệp truyền thông và quảng cáo.

Về phương thức truyền thông, có thể tham khảo “hệ sinh thái truyền thông thông minh” của Hàn Quốc với cách hiểu “về phương tiện truyền thông phát triển và có thể truyền đạt các contents đa dạng mang tính dung hợp một cách thông minh trong hoàn cảnh không có sự trở ngại của máy móc và không gian - thời gian qua sự kết hợp của truyền thông và cơ sở hạ tầng ICT”.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, đối với Việt Nam, việc xây dựng mô hình cần được phân cấp rõ ràng tổ chức truyền thông chính sách về chủ thể, đối tượng, nội dung, phương thức quản lý. Mô hình này tập trung đầu mối về Chính phủ quản lý, triển khai hoạt động truyền thông theo phạm vi, lĩnh vực của các bộ, ngành được phân công, có thể tổ chức thực hiện dịch vụ công và có nguồn thu từ các hoạt động này. Các yêu cầu, nguyên tắc, quyền lợi và trách nhiệm của chủ thể truyền thông, cơ chế vận hành chu trình truyền thông phải được luật hóa cụ thể.

Đồng thời, cần tạo ra “hệ sinh thái truyền thông chính sách”, bao gồm các yếu tố con người, kênh và sản phẩm truyền thông, công nghệ… hiện đại nhằm xây dựng, hình thành các không gian truyền thông tích cực, góp phần thúc đẩy năng lực và hiệu lực thực thi chính sách của Chính phủ. Trong đó, hệ sinh thái con người, ngoài cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí - truyền thông, nên khai thác tối đa các nguồn lực từ chính nhân dân, để chính sách có thể đến gần nhất với nhân dân.


1. OECD: Report on Public Communication: 1.The case for using public communication to enhance transparency, enable citizens’ participation, increase public trust and strengthen democracy: https://www.oecd.org/gov/open-government/public-communications-report-highlights-en.pdf.

2, 6. Bộ Thông tin và Truyền thông: Báo cáo truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực, tháng 11/2022.

3. Lương Ngọc Vĩnh: Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực truyền thông chính sách ở Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn lực cho truyền thông chính sách”, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp KOICA và Tạp chí Cộng sản, 2023, tr. 235-236.

4. LP: Xây dựng đội ngũ truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, https://baochinhphu.vn/xay-dung-doi-ngu-truyen-thong-chinh-sach-chuyen-trach-chuyen-nghiep-10222031110195933.htm, ngày 11/3/2022.

5. Cổng thông tin điện tử Chính phủ: Thủ tướng Chính phủ: Bố trí nhân sự, ngân sách làm công tác truyền thông chính sách, ngày 22/03/2023, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/thu-tuong-chinh-phu-chi-dao-bo-tri-nhan-su-ngan-sach-lam-cong-tac-truyen-thong-chinh-sach-119230321143837384.htm.

ThS. NGUYỄN ĐỨC ANH TH 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin