Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam trong tình hình mới

CT&PT - Doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường, ổn định chính trị, xã hội của đất nước; giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, là lực lượng chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế.

1. Thực trạng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hiện nay

Tính đến năm 2023, cả nước có 676 doanh nghiệp nhà nước, nắm giữ số tài sản trị giá hơn 3,8 triệu tỉ đồng, trong đó có 478 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng doanh thu năm 2023 của các doanh nghiệp nhà nước đạt 1,65 triệu tỉ đồng, vượt 4% kế hoạch; trong đó, doanh thu của riêng 19 Tập đoàn, Tổng công ty và Tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp nhà nước khoảng 125,8 nghìn tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 166 nghìn tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch năm. Nhiều dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ triển khai: Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3,4; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây…4.

Doanh nghiệp nhà nước ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp thiết thực vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2020 - 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước đã vượt qua khó khăn và đạt được những thành tựu kinh tế nổi bật như:

Thứ nhất, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm chưa đến 0,1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (năm 2021) nhưng hoạt động hiệu quả với hiệu suất sử dụng lao động cao nhất so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác (18,9 lần); hiệu suất sinh lợi trên doanh thu (ROS - Return On Sales) của toàn bộ khu vực doanh nghiệp đạt 3,4%, trong đó doanh nghiệp nhà nước đạt mức cao nhất (5,8%).

Thứ hai, các chỉ số tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh cho thấy có sự tăng trưởng, phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ngày càng tăng. Năm 2021, tổng giá trị tài sản đạt 2.965.425 tỉ đồng (tăng 8%), vốn chủ sở hữu đạt 1.445.877 tỉ đồng (tăng 17%); tổng doanh thu của khối doanh nghiệp nhà nước vượt 43,3% kế hoạch, tăng 7,8% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch 41,7%, tăng 22,5% so với năm 2020, nộp ngân sách chiếm 17 - 23% tổng thu ngân sách nhà nước5; lợi nhuận trước thuế đạt 122.347 tỉ đồng (tăng 5%) so với năm 2016. Năm 2023, tổng lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục tăng lên 125.847 tỉ đồng, vượt 8% so với kế hoạch.

Thứ ba, doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, chiếm thị phần lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng. Trong lĩnh vực viễn thông, thị phần của 3 doanh nghiệp nhà nước (Viettel, VNPT, MobiFone) có vai trò chi phối (với thị phần trên 90%). Doanh nghiệp nhà nước cung cấp đầu vào quan trọng cho nền kinh tế (điện, than, dầu khí, alumin...). Đồng thời, doanh nghiệp nhà nước đang làm tốt vai trò của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội.

article-1735200771.jpg
Nhân viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam lắp đặt các trạm phát sóng 5G tại khu vực Hà Nội

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các DNNN vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN vẫn chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển. DNNN còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp như công nghệ cao, cơ khí chính xác, sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc…

Nhất là hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng, đầu tư ra nước ngoài gặp khó khăn, một số dự án có vốn đầu tư lớn không thành công, tiềm ẩn rủi ro, một số dự án lỗ lũy kế lớn trong nhiều năm, phương thức tái cơ cấu chưa hiệu quả. Các DNNN chưa thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động theo cơ chế thị trường. Việc quyết toán cổ phần hóa chưa được thực hiện nghiêm túc, còn kéo dài tại một số DN sau cổ phần hóa khiến tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm.

Nếu xét riêng từng loại hình doanh nghiệp, thì doanh nghiệp có ít vốn nhà nước hơn lại hoạt động hiệu quả hơn. Cụ thể, năm 2023, tỷ suất lãi phát sinh trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân của tập đoàn, tổng công ty mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 11%, trong khi con số này ở khối doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là 14%, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn là 15%.

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

Đại hội XIII đưa ra quan điểm chỉ đạo nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN: “Đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng chế độ quản trị doanh nghiệp hiện đại để nâng cao hiệu quả, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước”. Để thực hiện, triển khai quan điểm trên, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng Nhà nước thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện chủ sở hữu vốn. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp.

Thứ hai, thống nhất quản lý, theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Thứ ba, đổi mới cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN theo chỉ tiêu tài chính tổng thể. Đẩy mạnh sắp xếp lại khu vực DNNN, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình cơ cấu lại DNNN, đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN, xử lý dứt điểm những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức, quản lý, điều hành của một số DNNN đang tạo lỗ hổng cho tham nhũng, chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

Thứ tư, khuyến khích hợp tác giữa DNNN với nhau và với các doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các dự án quy mô lớn, nâng cao hiệu quả tổng thể chuỗi dự án nhằm phát triển chuỗi giá trị của ngành, lĩnh vực, mở rộng không gian kinh doanh trên nguyên tắc các bên cùng đạt hiệu quả. Thu hút các nguồn lực tài chính vào các doanh nghiệp, dự án lớn, quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ năm, áp dụng nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của DNNN; có cơ chế khuyến khích nghiên cứu, phát triển, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý, giám sát doanh nghiệp; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt các lĩnh vực chính cần chọn lựa các doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt trong việc đầu tư phát triển một số ngành, lĩnh vực mới, có tính chất quan trọng của nền kinh tế, tập trung dẫn dắt trong 4 lĩnh vực chính là: công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, tài chính - ngân hàng và kết cấu hạ tầng.

Thứ sáu, đổi mới cơ chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN. Đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa DNNN hiệu quả, công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện. Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn tại DNNN. Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu để kịp thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật.

1, 2. Trần Kim Chung (2021), Vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Cộng sản, https://tapchicongsan.org.vn/
3. Thuý Hiền (2022), Doanh nghiệp, lao động khu vực ngoài nhà nước và FDI tăng nhanh, https://bnews.vn/
4. Phương Chi (2024), Doanh thu khối doanh nghiệp nhà nước đạt 1,65 triệu tỷ đồng năm 2023, https://tapchicongthuong.vn/
5. Hoàng Phương (2022), Phát huy tối đa các nguồn lực khối doanh nghiệp Nhà nước, https://tapchicongthuong.vn/
6. Những điểm mới về kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/


ThS. NGUYỄN THỊ VÂN ANH

Đại học Mở Hà Nội

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin