Kinh tế Việt Nam: Tổng quan năm 2022 và một số dự báo năm 2023

Admin

CT&PT - Kinh tế Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ sau hơn 02 năm chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19. Kết quả này là nhờ sự nỗ lực của mọi thành phần kinh tế cùng với những chủ trương, chính sách hợp lý và kịp thời từ phía Chính phủ và sự nỗ lực không ngừng của toàn bộ hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, Việt Nam cần có những chủ trương, chính sách kinh tế phù hợp, đột phá hơn nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng, đồng thời khẳng định sự nỗ lực vượt bậc vì mục tiêu phát triển hiệu quả, bền vững cùng những cam kết mạnh mẽ mang tầm quốc tế. Nghiên cứu này đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam 2022, nhìn nhận bối cảnh thuận lợi cũng như thách thức trong nước và thế giới, đưa ra một số dự báo cho năm 2023.

1. Dẫn nhập

Năm 2022, kinh tế Việt Nam không chỉ tăng trưởng tốt, mà còn là điểm sáng trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát tốt trong bối cảnh nền kinh thế giới còn khá nhiều bất ổn. Theo The Economist1, 08 nền kinh tế có lạm phát dưới 4%, 06 trong 08 nền kinh tế nằm ở Đông Á hoặc Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mặc dù giá cả trong nước có tăng, song về cơ bản, lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức 3,15% (dưới 4% như chỉ tiêu mà Quốc hội2 đề ra). Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 có sự phục hồi mạnh dù kinh tế toàn cầu có xu hướng bất ổn và nhiều thách thức. Cụ thể, Trung Quốc tiếp tục duy trì các biện pháp “Zero Covid” cho đến gần cuối năm 2022 đã ảnh hưởng mạnh đến các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu; điều kiện tài chính toàn cầu trong xu hướng thắt chặt mạnh mẽ nhằm đối phó với lạm phát; đồng thời, cuộc chiến tại Ukraine làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, suy thoái kinh tế tại các quốc gia phát triển, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu.

Mặc dù, các động lực tăng trưởng từ đầu tư, lao động, năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp bị bào mòn, thậm chí Covid-19 đã làm thay đổi tính chất, cấu trúc của các yếu tố năng suất do dịch chuyển lao động, chuyển đổi việc làm, cùng với trạng thái dịch chuyển ngược của xu hướng kinh tế toàn cầu, nhưng nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng cao trong năm 2022 là một thành công lớn, cho thấy sức chống chịu đáng kể của kinh tế Việt Nam. Điều này là nhờ bước chuyển quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 và việc đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ kinh tế Đảng và Nhà nước.

Năm 2023, trước những biến động khó lường cả về kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới cùng những vấn đề mang tính nội tại, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể sẽ còn gặp nhiều thách thức. Do đó, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ đóng vai trò mấu chốt trong việc khắc phục tình trạng tổn thương của nền kinh tế, bù đắp cho quá trình tích luỹ vốn diễn ra chậm trong giai đoạn đại dịch và thúc đẩy tăng năng suất.

2. Kinh tế Việt Nam: tổng quan năm 2022, thuận lợi và thách thức trong năm 2023

Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022

Trong bối cảnh cuộc chiến chống lạm phát diễn ra ở hầu hết các quốc gia bằng việc tăng lãi suất, thu hẹp lượng cung tiền qua cả chính sách tài khóa và tiền tệ; rủi ro vỡ nợ tăng, thị trường tài chính - tiền tệ căng thẳng hơn do lãi suất cao, tỷ giá biến động mạnh; tồn kho, tồn đọng tài sản tăng; người dân, doanh nghiệp bất an, thắt chặt chi tiêu và đầu tư..., tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm mạnh so với năm 2021. Thế nhưng, đối với Việt Nam, nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự nỗ lực không ngừng của Nhà nước, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương; sự chỉ đạo, điều hành thống nhất, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự tham mưu, điều hành kịp thời, trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương, tình hình kinh tế nước ta năm 2022 đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê3, ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%) so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Cụ thể, tốc độ tăng GDP các năm trong giai đoạn 2011 - 2022 lần lượt là: năm 2011: 6,41%; năm 2012: 5,50%; năm 2013: 5,55%; năm 2014: 6,42%; năm 2015: 6,99%; năm 2016: 6,69%; năm 2017: 6,94%; năm 2018: 7,47%; năm 2019: 7,36%; năm 2020: 2,87%; năm 2021: 2,56% và năm 2022: 8,02%. Tỷ trọng các ngành trong cơ cấu nền kinh tế năm 2022 cụ thể như sau: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.

Nguồn: Tác giả tổng hợp.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý IV và năm 2022 của Tổng cục Thống kê chỉ rõ sự đóng góp của các ngành vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế, cụ thể: (1) Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm. (2) Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 5,19%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 8,17%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm. (3) Khu vực dịch vụ tăng 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022, đóng góp 56,65%. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế là: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước, đóng góp 0,97 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 11,93%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 40,61%, đóng góp 0,79 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,80%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm. Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm do dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 9,513 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021). Tổng cục Thống kê đánh giá, nhờ hầu hết các ngành tăng trưởng trong 2022, thu nhập của người lao động ở 3 khu vực kinh tế đều tăng so với năm trước. Trong đó, mức tăng mạnh nhất được ghi nhận ở khu vực công nghiệp - xây dựng (tăng 17,6%, tương đương hơn 1,1 triệu đồng), kế đến là dịch vụ (tăng 15,4%, khoảng 1 triệu đồng), cuối cùng là nông lâm thuỷ sản (tăng 9,8%, khoảng 448.000 đồng).

Khái quát về kinh tế Việt Nam trong năm 2022 có thể đưa ra những đánh giá như sau:

Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò trong tăng trưởng kinh tế và lợi thế kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, ngành nông lâm nghiệp và thủy sản đang đối mặt với xu hướng tăng gia nguyên, nhiên liệu toàn cầu, đặc biệt là ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraine đối với các sản phẩm phân bón và thức ăn gia súc. Việt Nam hiện cần khoảng 11 triệu tấn/năm, bao gồm cả phân vô cơ và hữu cơ. Trong khi năng lực sản xuất của Việt Nam khoảng 7 triệu tấn, còn lại nhập khoảng 4 triệu tấn4. Chiến sự Nga - Ukraine đã đẩy giá cả các mặt hàng này tăng rất mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại5. Ngoài ra, sự thiếu chắc chắn của thị trường xuất khẩu nông sản truyền thống (Trung Quốc) do những thay đổi chính sách đột ngột của nước này cũng ảnh hưởng nhất định tới ngành nông lâm nghiệp và thủy sản Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc duy trì theo đuổi chiến lược “Zero Covid” trong thời gian dài.

Khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi mạnh trong năm 2022 nhờ sự phục hồi của tiêu thụ, thị trường lao động, các kết nối vận tải và chuỗi cung ứng gắn với chiến lược thích ứng an toàn với Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh kể từ tháng 5/2022 bất chấp bối cảnh quốc tế kém thuận lợi, giá cả đầu vào xu hướng tăng cao, kinh tế vĩ mô trong nước đứng trước các áp lực điều chỉnh. Trong đó, các ngành dệt may, da giày và điện tử bật tăng mạnh nhất. Tuy vậy, sản xuất sắt, thép kim loại giảm tốc mạnh nhất. Nguyên nhân là do chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc khiến cho nhu cầu thép của nước này giảm mạnh, trong khi đây là thị trường tiêu thụ thép lớn nhất thế giới. Cùng với đó, căng thẳng giữa Nga - Ukraine và những chính sách cấm vận giữa các nước khiến nguồn cung nguyên liệu sản xuất sắt, thép khan hiếm, giá than cốc tăng cao.

screenshot-1698725173-1698725260.png

Nguồn: Tác giả tổng hợp.

Khu vực dịch vụ cũng có phục hồi rất mạnh nhờ sức bật của bán buôn bán lẻ, các dịch vụ tiêu dùng, vận tải, logistics và du lịch sau thời gian dài bị kìm nén. Trạng thái thích nghi an toàn với dịch bệnh năm 2022 đã giúp nhiều hoạt động dịch vụ tăng mạnh trở lại. Theo đó, sự bứt phá của nhóm các dịch vụ tiêu dùng và vận tải, logistics là các lĩnh vực đóng góp lớn nhất cho sự phục hồi của khu vực dịch vụ. Đặc biệt, lĩnh vực lưu trú và ăn uống (lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch) đã phục hồi mạnh mẽ cùng với các hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, các kết nối vận tải thông suốt và nhu cầu tăng mạnh đã giúp lĩnh vực dịch vụ vận tải, kho bãi tăng trưởng nhanh. Trong khi lĩnh vực tài chính ngân hàng và thông tin - truyền thông tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng vững chắc.

Thuận lợi và thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2023

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang trong xu hướng phục hồi mạnh mẽ. Với điểm tựa là đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, triển vọng tăng trưởng lạc quan của Việt Nam tiếp tục được các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đặt niềm tin. Bối cảnh thuận lợi đối với triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam trong năm 2023, cả trong và ngoài nước, được các chuyên gia chỉ ra trên các điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, về bối cảnh thuận lợi đến từ bên ngoài: theo các chuyên gia kinh tế dự báo, kinh tế thế giới năm 2023 có thể suy thoái (cục bộ, nhẹ và ngắn hạn) tại một số khu vực hay quốc gia, như Mỹ, Anh, châu Âu..., với mức tăng trưởng khoảng 2,2%, sau đó có thể lấy lại đà tăng trưởng trước dịch (2,5 - 3%). Lạm phát toàn cầu đang dịu dần, giá xăng dầu - khí đốt và hàng hóa khác đang giảm nhẹ, CPI toàn cầu dự báo tăng khoảng 6,5% năm 2023. Với bối cảnh này, các nước (nhất là Mỹ) sẽ giảm đà tăng lãi suất, thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất từ cuối 2023. Như vậy, áp lực từ bên ngoài đối với lạm phát, lãi suất và tỷ giá của Việt Nam sẽ giảm, từ đó, rủi ro ở khu vực sản xuất, thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản sẽ giảm theo6.

Thứ hai, về bối cảnh thuận lợi từ bên trong: việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tăng trưởng xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài tích cực, cùng với đó đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh chính là đà phục hồi tăng trưởng năm 2022, từ đó tạo nền tảng, nguồn lực cho điều hành chính sách năm 2023. Mức tăng trưởng cao năm 2022 góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Lạm phát được kiểm soát tốt tạo điều kiện thích ứng, thận trọng (chứ không phải thắt chặt) chính sách tiền tệ; thâm hụt ngân sách ở mức thấp và thu ngân sách đạt kế hoạch tạo dư địa mở rộng phù hợp chính sách tài khóa...7.

Tuy nhiên, như trên đã đề cập, bối cảnh kinh tế thế giới năm 2023 có thể suy thoái (dù cục bộ, nhẹ và ngắn hạn), vì thế nền kinh tế nước ta vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt các yếu tố bất lợi, rủi ro và thách thức mới, xuất hiện cùng lúc. Việt Nam có thể bị “mắc kẹt” trong thế “đánh đổi” và/hoặc “cân bằng” các chính sách như giữ nới lỏng và thắt chặt các điều kiện hỗ trợ phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát, an toàn hệ thống tài chính quốc gia. Thách thức đối với kinh tế Việt Nam, cả bên trong lẫn bên ngoài, có thể khái quát trên một số điểm sau:

Một là, về thách thức đến từ bên ngoài: (1) Xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn là một trong các rủi ro lớn nhất hiện nay đối với triển vọng kinh tế toàn cầu do hậu quả nặng nề để lại đối với vấn đề năng lượng, cùng với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc kéo dài chiến sự tại Ukraine sẽ gây thêm các tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới năm 2023. Xung đột Nga - Ukraine đã có những ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và vẫn có thể tác động kéo dài sang năm 2023. (2) Kinh tế thế giới suy thoái (dù cục bộ, nhẹ và ngắn hạn) khiến Việt Nam sẽ đối mặt với hàng loạt các các rủi ro rủi về suy giảm xuất khẩu do nhu cầu thế giới yếu đi, trong khi áp lực lạm phát gia tăng do giá cả đầu vào tăng cao, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí nhiên liệu tăng. (3) Kinh tế thế giới suy thoái, các lệnh trừng phạt và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến việc thu hút FDI và huy động nguồn lực bên ngoài của Việt Nam khó khăn hơn. Ngân hàng HSBC đã nhận định: Động lực bên ngoài của Việt Nam đã giảm và triển vọng không chắc chắn trong năm 2023 khi tăng trưởng của các đối tác thương mại lớn được dự báo chậm lại8.

Hai là, về thách thức đến từ bên trong: (1) Giải ngân đầu tư công, một số cấu phần của chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. (2) Việc hoàn thiện thể chế, bao gồm cả cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho những vấn đề hiện tại và hành lang pháp lý phục vụ phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, còn chậm so với kỳ vọng, làm giảm đáng kể năng lực cạnh tranh quốc gia. (3) Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm vẫn còn, sẽ làm chậm quá trình thực thi công vụ, có thể làm mất cơ hội và tăng chi phí vận hành nền kinh tế. (4) Áp lực lãi suất, tỷ giá tăng vẫn còn lớn và đang là thách thức đối với điều hành kinh tế vĩ mô; thu ngân sách cũng sẽ khó khăn do doanh nghiệp còn gặp khó...

3. Triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong năm 2023

Một số dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2023

Bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 vẫn sẽ vô cùng khó khăn, nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái (cục bộ và ngắn hạn), do đó tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo sẽ thấp hơn so với các kỳ vọng trước đây. Kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi kinh tế châu Âu suy giảm trầm trọng hơn. Kinh tế Trung Quốc cũng trong xu hướng suy giảm tăng trưởng.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kinh tế thế giới sẽ giảm được suy thoái vào năm 2023, nhưng chỉ với tốc độ vừa phải. OECD dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đạt 2,2% năm 2023, trong khi IMF dự báo con số này là 2,7%9. Tuy nhiên, trong Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu, công bố ngày 10/01/2023 của Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng thế giới năm nay xuống còn 1,7%10.

Đà tăng trưởng thấp của kinh tế thế giới là: vòng xoáy lạm phát kéo theo xu hướng thắt chặt điều kiện tài chính; thiếu hụt nguồn cung do các đứt gãy về chuỗi cung ứng toàn cầu từ tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, tác động ngược của các lệnh trừng phạt Nga của Mỹ và phương Tây. Thiếu hụt nguồn cung vẫn sẽ là rủi ro lớn nhất khiến lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao trong năm 2023. Để kiềm chế và thoát ra khỏi vòng xoáy lạm phát, các nền kinh tế tiên tiến đã tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2023. Ví dụ, với 7 lần tăng lãi suất trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lên 4,25 - 4,5% (mức cao nhất trong 07 năm gần đây), lạm phát của Hoa Kỳ đã giảm từ mức cao nhất là 9% trong tháng 6/2022, xuống còn 7,1% trong tháng 11/2022. Mặc dù vậy, con số này vẫn vượt quá so với mục tiêu chính thức là 2%, đồng nghĩa là sẽ còn cần nhiều đợt điều chỉnh để kiểm soát lạm phát. Tương tự, khu vực châu Âu đã và đang phải thực hiện các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng lạm phát khu vực đồng euro vẫn ở mức trên 10% (tháng 11/2022) - vượt quá xa mục tiêu chính thức là 2%11.

Mục tiêu và dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023

Đối với kinh tế Việt Nam, sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022 sẽ là “điểm tựa” để tiếp tục quá trình phục hồi trong năm 2023 và cả giai đoạn kế hoạch 2021 - 2025. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá cao trong năm 2022 là do điểm xuất phát thấp của năm 2021, tính trung bình giai đoạn 2020 - 2022 chỉ ở mức 4,52%, thấp hơn nhiều so với mức tiềm năng khoảng 6 - 6,5%12. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại và từng bước trở về trạng thái trước Covid-19, do sức bật cầu trong nước có thể không mạnh mẽ như năm 2022. Giá cả nguyên vật liệu tăng cao bắt đầu chuyển hóa rõ nét hơn vào chi phí sản xuất. Xuất nhập khẩu có thể tăng chậm hơn so với năm 2022 do tình trạng khó khăn kéo dài của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài dự báo vẫn ở mức thấp do các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng. Tuy vậy, thời gian tới, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ hội gia tăng xuất khẩu. Ngoài Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ 01/01/2022 cũng sẽ mang lại tác động tích cực đối với Việt Nam. Việt Nam nằm trong số quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất về xuất khẩu trong số các quốc gia tham gia RCEP.

Việt Nam dường như đã vượt qua thách thức, đạt mức tăng trưởng cao và lạm phát thấp. Với nền tảng là đà tăng trưởng trong năm 2022, Nghị quyết số 68/2022/QH15, ngày 10/11/2022 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Quốc hội đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 là 6,5%. Mức tăng trưởng trên 6% cũng được các tổ chức tài chính quốc tế dự báo đối với nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ tăng trưởng 6,1%, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra mức tăng trưởng 6,4% và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng 6,7%13. Bên cạnh đó, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 01/2023 nhờ chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022, cũng như nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Lạm phát trung bình trong năm 2023 được dự báo xoay quanh mức 3,5%. Mục tiêu kiểm soát lạm phát 2023 khoảng 4,5% hay thậm chí dưới 4% là hoàn toàn khả thi14.

4. Kết luận

Việt Nam với độ mở kinh tế lớn, trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, rủi ro. Điều này đồng nghĩa là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta là rất lớn. Thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức như vậy, để thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các mục tiêu trong Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội; chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời tập trung vừa xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, vừa thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 05 năm đề ra; bảo đảm hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện các giải pháp để vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Trong tổ chức thực hiện, cần theo dõi sát tình hình, chủ động trong công tác dự báo, tham mưu, điều hành; phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, điều hành giá và các chính sách vĩ mô khác.


1. Vân Hải: Bức tranh lạm phát không đồng nhất trên toàn cầu, https://bnews.vn/buc-tranh-lam-phat-khong-dong-nhat-tren-toan-cau/248795.html.

2. Bảo Yến, Phạm Thắng: Quốc Hội thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023: giao chỉ tiêu tốc độ tăng GDP 6,5%, https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=70486.

3. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 - General Statistics Office of Vietnam (gso.gov.vn).

4. Phương Nga: Thị trường phân bón dịp cuối năm: Nhiều áp lực tăng giá, Báo điện tử Kinh tế & Đô thị, https://kinhtedothi.vn/thi-truong-phan-bon-dip-cuoi-nam-nhieu-ap-luc-tang-gia.html.

5. T&H: FAO dựu báo giá trị nhập khẩu toàn cầu đạt 1.940 tỷ USD năm 2022, https://nhachannuoi.vn/fao-du-bao-tri-gia-nhap-khau-luong-thuc-toan-cau-dat-1-940-ty-usd-nam-2022/.

6, 7. Cấn Văn Lực: Kinh tế 2023 - điều gì đang đợi?, https://vnexpress.net/kinh-te-2023-dieu-gi-dang-doi-4544545.html.

8. Viễn Thông: “Tranh tối tranh sáng” trong triển vọng kinh tế 2023, https://vnexpress.net/tranh-toi-tranh-sang-trong-trien-vong-kinh-te-2023-4556424.html.

9, 11, 13. Năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, https://baodautu.vn/nam-2023-kinh-te-viet-nam-tang-truong-manh-me-nhung-van-tiem-an-rui-ro-d181446.html.

10. World Bank cảnh báo toàn cầu suy thoái hai lần trong một thập kỷ, https://vnexpress.net/world-bank-canh-bao-toan-cau-suy-thoai-hai-lan-trong-mot-thap-ky-4558611.html.

12, 14. Chuyên gia dự báo lạm phát Việt Nam năm 2023 xoay quanh 3,5% - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới, https://vneconomy.vn/chuyen-gia-du-bao-lam-phat-viet-nam-nam-2023-xoay-quanh-3-5.htm.

ThS. Nguyễn Văn Quang

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

ThS. Trần Hùng Phi

Học viện Chính trị khu vực II

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin