Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực và thế giới

CT&PT - Với vai trò là trung tâm kinh tế khu vực đồng bằng sông Hồng, cực tăng trưởng của vùng duyên hải Bắc Bộ, thành phố Hải Phòng đặt mục tiêu bứt phá mạnh mẽ, là vùng động lực tăng trưởng của cả nước, phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới, trong đó, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là giải pháp đột phá.

1. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được đặt ở vị trí trung tâm trong các đột phá chiến lược

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò ngày càng quan trọng, là một trong những nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia cũng như của từng địa phương. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế. Một quốc gia có tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là quốc gia có sức cạnh tranh quốc tế cao. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giúp các yếu tố đầu vào, nhất là các nhân tô ́tổng hợp được nâng cao và có hiệu quả hơn, quy mô sản xuất và tiêu dùng cũng ngày càng được mở rộng, tạo ra thị trường mới, hướng về xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và khu vực. Đặc biệt, trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi các quốc gia cần ưu tiên phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ở Việt Nam, vai trò, sứ mệnh của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế nhấn mạnh: Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Sự lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước và tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đóng vai trò quyết định thành công của sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ. Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để khoa học và công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”2. Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất, tiến tới phát triển nhanh, bền vững, Đại hội yêu cầu: “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”3.

Trên cơ sở định hướng của Đảng, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, với mục tiêu: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030; tham gia tích cực, hiệu quả và tận dụng lợi thế thương mại, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước; đóng góp vào Chỉ số phát triển con người (HDI)... Những định hướng đó đã tạo điều kiện pháp lý quan trọng thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian qua. Năm 2022, Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu ghi nhận Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021. Việt Nam hiện có 4 “kỳ lân” công nghệ (VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis), khẳng định vị thế trong “tam giác vàng” khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia. Điều này được thể hiện trên Bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Năm 2023, chỉ số GII của Việt Nam xếp hạng thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Như vậy, từ năm 2017 đến nay, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 47 (năm 2017) lên vị trí 42 (năm 2019 và năm 2020), vị trí 44 năm 2021, vị trí 48 năm 2022 và vị trí 46 năm 2023. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo, tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57. Đầu vào đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của doanh nghiệp.

Theo WIPO, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua (cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia (cùng với Ấn Độ, Cộng hòa Moldova) giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.

2. Cơ hội cho thành phố Hải Phòng “bứt phá”

Sau hơn 18 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, thành phố Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, khẳng định được vai trò là thành phố đầu tàu kinh tế, là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra Biển Đông của khu vực Bắc Bộ, kết nối quốc tế.

Để tạo động lực thúc đẩy Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh quyết tâm: Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tể biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phổ tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Nghị quyết xác định mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đối với Hải Phòng trên ba trụ cột chủ yếu là: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Hải Phòng bước đầu triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó, chú trọng đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các chương trình chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ ở các cấp, ngành, địa phương, triển khai thực hiện có mục tiêu, trọng điểm kế hoạch hoạt động giai đoạn 2021 - 2025 của các chương trình khoa học và công nghệ; tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ. Nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển tài sản trí tuệ. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân tham gia chuẩn bị ứng phó, ứng phó với sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn thành phố.

Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng trong thời gian qua cho thấy quyết tâm và sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng, với mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành một trong những động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước. Theo Cục Thống kê thành phố Hải Phòng, năm 2022, tăng trưởng kinh tế thành phố đạt mức khá cao, gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước, thuộc “top” đầu các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao. Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: sản xuất công nghiệp, hàng qua cảng, thu ngân sách, thu hút FDI, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đặc biệt ngành du lịch, dịch vụ có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh; các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả; tình hình chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2022 ước tăng 12,32% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch năm 2022 tăng từ 13%), đứng thứ 8 cả nước và đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng. Cơ cấu nền kinh tế năm 2022 chuyển dịch đúng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 3,61%; công nghiệp - xây dựng chiếm 53,68%; thương mại - dịch vụ chiếm 36,98%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 5,73%. Tính chung cả năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,6%, đóng góp 14,87 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 7,35%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng chung; hai ngành có chỉ số giảm là ngành khai khoáng (giảm 20,3%) và ngành sản xuất, phân phối điện (giảm 4,67%), tác động làm giảm tương ứng 0,04 và 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Tính đến ngày 15/12/2022, Hải Phòng có 852 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đạt 24.568,86 triệu USD. Toàn thành phố có 88 dự án cấp mới đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, với số vốn đầu tư đạt 1.121,4 triệu USD, tăng 220,95 so với cùng kỳ năm trước. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 40 dự án, với số vốn tăng là 910,12 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tổng cấp mới và tăng vốn toàn thành phố có 128 dự án, với số vốn đăng ký cấp mới và vốn đăng ký điều chỉnh đạt 2.031,53 triệu USD.

Thời gian tới, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số địa phương, để đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành phố Hải Phòng cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ

Xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của thành phố; là một quá trình vừa cấp bách, vừa lâu dài, bao hàm nhiều nội dung, trong đó tập trung vào quá trình mở rộng các thành phần xã hội tham gia hoạt động khoa học và công nghệ. Trong thời gian tới, cần giải quyết một số nội dung cơ bản là:

- Tăng cường thu hút mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi cho các hoạt động thu hút vốn của thành phố. Tăng cường sự gắn kết khoa học với thực tiễn; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ.

- Đẩy mạnh xây dựng và phát triển thị trường dịch vụ khoa học và công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đẩy mạnh thương mại hóa, xã hội hóa việc ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, đồng thời góp phần hình thành và phát triển thị trường mua bán công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ hình thành các tổ chức đánh giá, thẩm định, định giá công nghệ, tư vấn lựa chọn công nghệ, môi giới công nghệ và chuyển giao công nghệ gắn với hoạt động của sàn giao dịch công nghệ, thiết bị. Huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố, trong đó tập trung vào hỗ trợ thành lập và phát triển các tổ chức trung gian kiểu mới như: tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, câu lạc bộ khởi nghiệp, các sự kiện kết nối khởi nghiệp với nhà đầu tư, đối tác, nhân lực và các kênh truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là cơ sở để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thành phố

Cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là chuyển đổi số, với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Đây là quá trình phát triển tất yếu trên phạm vi toàn cầu, và Việt Nam cũng không nằm ngoài lộ trình đó. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Ngày 26/10/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố dựa trên áp dụng công nghệ số, dữ liệu số. Tạo ra giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số, với ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân; tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Theo đó, trung tâm đổi mới sáng tạo phải từ doanh nghiệp; doanh nghiệp cũng cần hiểu rõ: đầu tư cho nghiên cứu, phát triển công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là con đường “ngắn nhất” để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững.

- Triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, nhất là doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng chủ lực của địa phương. Chuyển đổi số là hoạt động đổi mới sáng tạo của một tổ chức, doanh nghiệp; nói cách khác, chuyển đổi số chính là hoạt động đổi mới sáng tạo sử dụng công nghệ số.

- Thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, gắn kết nhiệm vụ khoa học và công nghệ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng

Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ một số công nghệ mới trong các lĩnh vực:

- Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững, trong đó khoa học và công nghệ tập trung hỗ trợ ở các khâu then chốt, như: nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sinh học trong chọn tạo giống có năng suất, chất lượng và sạch bệnh, giống thích ứng với biến đổi khí hậu... Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch bảo đảm chất lượng và gia tăng khả năng cạnh tranh của nông - thủy - hải sản trên thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề... nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa, nhằm bảo đảm sự minh bạch thông tin của sản phẩm, giúp người tiêu dùng yên tâm lựa chọn hàng hóa chính hãng, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý và kiểm soát hàng hóa trên thị trường.

- Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần quản lý, sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, bền vững; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong hoạt động bảo vệ, cải thiện môi trường, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải gia súc, gia cầm và trong quản lý ao đầm nuôi thủy, hải sản, góp phần cải thiện môi trường nông thôn, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi để xử lý mùi; tiếp nhận chuyển giao công nghệ xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt, nước thải và chất thải y tế, bảo đảm an toàn cho môi trường và xử lý hiệu quả mầm bệnh.

Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đó là hướng đi đúng đắn đã và đang được Hải Phòng hiện thực hóa bằng những kết quả nổi bật trên con đường phát triển của thành phố, phấn đấu đưa Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

PGS, TS. VŨ TRỌNG LÂM

Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin