Đó là danh dự Việt Nam! Đó là danh dự của mỗi người dân Việt!
Độc lập dân tộc - khát vọng cháy bỏng, thiêng liêng
Nền độc lập hoàn toàn, thật sự ấy phải là quyền tự nhiên, vô cùng quý giá, thiêng liêng và bất khả xâm phạm của các quốc gia, dân tộc. Nó là nền tảng để quốc gia tự cường và phát triển, nhịp bước cùng nhân loại.
Xét cho tới tận cùng, đó là khi danh dự quốc gia được bảo vệ và phát triển!
Xem trong trường kỳ lịch sử Việt Nam, đó càng là điều căn bản và thiêng liêng nhất. Chẳng thế, chỉ trong hơn 2.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đã mất hơn 1.300 năm chiến tranh và dân tộc đánh thắng 13 cuộc chiến tranh lớn xâm lược, đánh bại mọi kẻ thù cướp nước, chôn vùi đủ màu sắc và tính chất nô dịch, dù đến từ phương Bắc hay phía Tây và phương Đông, lấy máu mà giành lại và giữ gìn nền độc lập vô giá dân tộc. Bởi nước có thể mất nhưng hồn nước còn vằng vặc soi; độc lập dân tộc là con đường sống của chúng ta! Vì Tổ quốc thống nhất là con đường vươn tới hùng cường.
Lịch sử ghi nhận và nêu gương 10 trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, gồm: Trận Bạch Đằng năm 938; trận Như Nguyệt năm 1077; trận Đông Bộ Đầu năm 1288; trận Bạch Đằng năm 1288; trận Chi Lăng - Xương Giang năm 1427; trận Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785; trận Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789; Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Và càng ở vào những khúc quanh mất còn của lịch sử, tư tưởng và hành động của dân tộc càng độc lập sẽ càng tự do tìm thấy nền độc lập cho đất nước và phát triển thịnh vượng. Gần 1.000 năm qua, Việt Nam có tới 3 bản Tuyên ngôn độc lập: Thế kỷ XI với “Nam quốc sơn hà”, thế kỷ XV với “Bình Ngô đại cáo” và thế kỷ XX với Tuyên ngôn độc lập.
Tất cả hội tụ quốc khí, vận khí và khí vận quốc gia độc lập, thống nhất ấy, với tư cách là những tuyên ngôn bất hủ. Vì độc lập dân tộc càng là khát vọng cháy bỏng và thiêng liêng muôn đời và muôn người Việt Nam. Vì còn dân thì nước nhất định còn. Trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Đó là cái giá được trả bằng máu của dân tộc Việt Nam từ suốt trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước, mà Cách mạng Tháng Tám là sự dồn tụ, kết tinh và tỏa sáng bất diệt. Vì thế, hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải tự mình gây dựng và bảo vệ nền độc lập, sự thống nhất quốc gia và trở nên hùng mạnh.
Tất cả hun đúc và làm nên văn hóa giữ nước thấm sâu, hòa quyện, thống nhất trong văn hóa dựng nước và hiện diện trong vị thế Việt Nam độc lập, trải suốt mấy nghìn năm qua. Đây chính là sự tổng hòa các nhân tố về tầm nhìn thời và thế, về tư duy chiến lược và sách lược xung quanh ta và đối phương, về lực lượng tổng hợp và lòng dân, về phương thức đánh giặc và nghệ thuật tác chiến, về hậu cần và xử lý hậu chiến, về những bài học thành công và không thành công, về sức mạnh trong nước và sức mạnh ngoài nước..., hợp thành học thuyết giữ nước kết tinh tư chất, trí tuệ, bản lĩnh, khí phách, nghệ thuật giữ nước Việt Nam. Nhìn sâu hơn là danh dự nước ta.
Nói cách khác, một cách hình ảnh, đó là nghệ thuật ngăn chặn chiến tranh, nghệ thuật tiến hành và kết thúc chiến tranh, một cách thành công và nhân đạo nhằm chống tái chiến tranh, duy trì và bảo vệ hòa bình đất nước hợp thành học thuyết giữ nước Việt Nam. Thượng sách giữ nước từ xa, từ sớm là tự mình trở nên hùng cường, trên nền móng khoan thư sức dân làm kế bền rễ sâu gốc và hóa giải chiến tranh từ khi mầm họa hay nguy cơ chiến tranh và xung đột. Và, khi đạt tới nghệ thuật hóa giải và tiễu trừ mọi mầm họa xảy ra chiến tranh, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy, giữ nước từ sớm và từ xa, thì đó là thượng thượng sách làm nên, phát triển làm phong phú và độc đáo văn hóa giữ nước Việt Nam. Đó là đỉnh cao của danh dự quốc gia và của mỗi người.
Lẽ thường, công cuộc dựng nước là sự tiếp tục của công cuộc giữ nước. Nhưng, ở Việt Nam, cùng với lẽ thường đó, giữ nước và dựng nước hòa quyện, xuyên thấm, làm nên quốc thể, chính là danh dự Việt Nam. Đó là cái cốt để vun cho cái gốc thể chế quốc gia vững mạnh. Đó là danh dự. Và nhìn sâu hơn, đó không chỉ đòi hỏi một triết lý chính trị, một triết lý xã hội, mà còn là triết lý nhân sinh, triết lý dân tộc và triết lý về con người.
Nếu sức mạnh và uy tín đất nước được tạo thành từ toàn bộ những tư chất chung và riêng, phổ quát và đặc thù làm nên dung mạo, hồn phách quốc gia Việt Nam; làm nên thần thái, vị thế, sức mạnh, khí phách dân tộc; tỏa ra sức mạnh hiện hữu và tương lai Việt Nam, nhìn bên trong qua suốt nghìn năm vẻ vang cương vực lãnh thổ, trông ra và xét bên ngoài thời đại nào cũng rạng rỡ khắp bốn bể năm châu, thì danh dự chính là sự trầm tích, kết tinh và tỏa sáng sức sống của văn hóa Việt Nam, của con người và dân tộc Việt Nam, kể từ khi lập quốc, bền bỉ và quật cường suốt mấy nghìn năm qua cùng nhân loại.
Danh dự là một trong những riềng mối căn bản làm nên làm nên vị thế, sức mạnh và uy tín Đất nước; uy tín và danh tiếng của mỗi người. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất.
Vì thế, chưa bao giờ như hiện nay, phải tiếp tục lấy danh dự hành động làm căn bản và hành động một cách danh dự đầy trí tuệ, khí phách làm nhân tố cơ bản, có ý nghĩa quyết định thành công.
Lấy con người làm mục tiêu, chủ thể, động lực, nhân tố quyết định phát triển
Sức mạnh của quốc gia từ nền móng sức mạnh của kinh tế. Việt Nam khát vọng trở thành cường quốc kinh tế một cách văn hóa.
Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, đạo đức và thị trường trở thành vấn đề chiến lược nhưng nóng bỏng trong phát triển kinh tế. Đó là tầm nhìn của chính trị và của chính văn hóa về phát triển kinh tế đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là công cụ dưới chế độ chủ nghĩa xã hội, để tạo nên thực lực và sức mạnh Việt Nam, tôn vinh vị thế và uy tín quốc thể Việt Nam.
Cần thiết phải thấm rằng, mỗi quyết sách về kinh tế cần bắt đầu từ nền móng trước hết là một quyết sách về chính trị, văn hóa và nhân văn, để tránh rơi vào quyết định luận kinh tế đơn thuần, nhất là khắc chế quy luật tàn khốc “cá lớn nuốt cá bé”, “kinh tế vị kinh tế”, “chủ nghĩa kim tiền”, cổ xúy vô hình cho thói “tiền trao cháo múc”, “trả tiền ngay, lạnh lùng không tình nghĩa”… Đó chính là đạo đức làm nên bản chất nhân văn của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mang tầm chiến lược, vì nhân dân và cho nhân dân và sự hùng mạnh của quốc gia. Đó cũng là bản chất, là danh dự của chế độ ta, nhân tố làm nên sức mạnh và tôn vinh quốc thể Việt Nam.
Người Việt Nam phải xây dựng được một nền kinh tế độc lập, phải mở được những lối đi riêng, tạo dựng được những mô hình phát triển phù hợp với mình. Nghĩa là cần giải quyết ở tầm nhìn, sâu hơn là tầm chủ thuyết phát triển kinh tế Việt Nam trong mối quan hệ tổng thể, toàn diện, đồng thời về phát triển kinh tế với chính trị và văn hóa, ở tầm văn hóa, chứ không phải đơn thuần chỉ dừng lại kiến tạo những chính sách kinh tế thành công biệt lập hay xem xét sai lầm, yếu kém đơn lẻ, dù là vô cùng cần thiết và vô hình tự bó mình vào đó. Đó là danh dự.
Tiên lượng và giải quyết những thói hư tật xấu nảy nòi trong nền kinh tế thị trường đang tác oai tác quái làm suy đồi văn hóa và đạo đức. Bệnh hình thức hư danh, tật khoe khoang, thói trọc phú, nạn lợi ích nhóm, tham nhũng… đang cảnh báo nguy hiểm. Phải dũng cảm dứt bỏ sự thiển cận, thói tự ti hoặc tệ “anh hùng nhất khoảnh”, “một mình một chợ” để học lấy những giá trị tiến bộ của thế giới một cách thực học thực nghiệp… thì mới có thể tiến kịp người. Nạn chuộng bằng cấp hư danh, tệ mua quan bán chức, "ếch ngồi đáy giếng", ngông nghênh coi thường chân lý, bệnh "phụ mẫu quan phương", thậm chí xem nhẹ kinh tế… phải bị loại trừ, để dân tộc Việt Nam ngẩng đầu tiến cùng nhân loại. Đó là danh dự.
Muốn có Nhà nước pháp quyền, pháp luật phải là “bà đỡ” của dân chủ, của tự do. Và, tự do phải vừa là mục đích, vừa là con đường để giải phóng nhân dân và nhân dân tự giải phóng mình. Mọi quyền dân chủ của nhân dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp, bảo vệ bằng và bởi pháp luật. Còn nhân dân thì còn đất nước. Đó là mục tiêu chính trị của dân chủ, của văn hóa pháp luật, của đạo đức hành động chính trị… mà lúc này cần và dứt khoát kiên định thực thi.
Chúng ta đang xây dựng một Chính phủ hành động, phục vụ nhân dân. Chính phủ phải có chính trị trước. Đó là danh dự. Vì, nền chính trị Việt Nam là một nền chính trị đạo đức hay nền chính trị nhân bản, với hạt nhân “nước lấy dân làm gốc”; “sao cho được lòng Dân”, vì “Chính phủ là công bộc của dân”… Phải bảo đảm sao cho pháp quyền là sự cai trị của pháp luật chứ không dừng ở pháp trị - cai trị bằng pháp luật. Theo đó, mấu chốt quan trọng là nhân dân cũng như Nhà nước, tất cả đều bình đẳng và tự do trước pháp luật. Đó là danh dự.
Muốn trở nên hùng mạnh và đi xa, nhất định phải lấy con người làm mục tiêu, chủ thể, động lực và là nhân tố quyết định phát triển. Nói cách khác, con người phải là trung tâm của mọi sự phát triển, và mọi sự phát triển phải xoay quanh con người, vì và cho con người, với một thể chế tương dung. Đó là yêu cầu khách quan và nhu cầu của chính khâu đột phá của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ vì đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững mà Đại hội XIII của Đảng xác quyết. Đó là danh dự.
Hành động cao nhất lúc này là bảo vệ lợi ích của nhân dân là tối cao, quyền lợi của dân tộc là tối thượng. Lòng tin của nhân dân là nền móng vững bền của thể chế, là quốc bảo của chế độ, là tài sản vô giá của Đảng. Đây chính là nhân tố bất biến chiến lược vô địch để ứng với mọi khả biến trên con đường Việt Nam phát triển. Đó là danh dự.
Với tư cách là người dẫn dắt dân tộc, hơn ai hết, Đảng phải thật sự vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân vừa là “đứa con nòi” của dân tộc một cách xứng đáng và ngang tầm. Đó là danh dự.
Càng ra biển lớn thế giới càng cần những phẩm chất cốt lõi riêng, những sức mạnh nội tại để tạo nên giá trị từ chính sự khác biệt, góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên lộ trình chủ động hội nhập toàn cầu. Lợi ích quốc gia, vận mệnh Tổ quốc là trước hết, trên hết.
Việt Nam sẽ không tồn tại vững bền mà thiếu đại đoàn kết dân tộc. Chúng ta phải tự mình trở nên hùng cường trên nền móng đại đoàn kết toàn Dân tộc một cách ngang tầm văn hóa. Đó chính là danh dự.
Danh dự quốc gia bắt đầu từ mỗi con người
Một cách tự nhiên, danh dự đất nước và cá nhân, có thể nói vừa là sự sở hữu của cộng đồng, của quốc gia vừa là tài sản của mỗi người.
Bất kể ai, hễ là người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài, nhất là những người đại diện của một quốc gia không được phép làm một điều gì đó có thể làm mất thể diện, danh dự hay làm phương hại uy tín của quốc gia. Mọi hành vi gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia đều phải xem là phản bội Tổ quốc và bị trừng trị nghiêm khắc. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ăn cắp của công còn nguy hại hơn cả Việt gian, mật thám…
Danh dự nặng hơn núi.
Khi lòng tự tôn dân tộc cao hơn, chúng ta không những cảm thấy tốt hơn về mình, mà mỗi người càng trở nên kiên cường hơn. Rất hiếm thấy dân tộc nào như dân tộc Việt, dù bị hơn nghìn năm đô hộ bởi phong kiến phương Bắc, rồi một thế kỷ thực dân cũ, mới… nhưng vẫn không “đồng hóa” được Dân tộc này bởi lòng tự hào, tự tôn dân tộc đã trở thành bộ gen di truyền của người Việt Nam. Đây là một sự kiện hy hữu trên thế giới. Còn Dân thì không lo nước mất. Đó là danh dự!
Tuy lòng tự tôn cao là một điều tuyệt vời, nhưng sự tự tin thái quá - như những người ái kỷ - thì lại trở nên mong manh, rất dễ bị tổn thương. Đó chính là sự mất cân bằng của danh dự.
Do đó, hiện nay hơn lúc nào hết, mỗi người cần thiết tự mình giữ lấy liêm sỉ cá nhân. Không nuôi dưỡng liêm sỉ, nâng trọng lương tri, bảo vệ danh dự, nó sẽ chết dần chết mòn. Khi đó, những thứ khác - những thứ trong lòng người khi không còn bị đạo đức luân lý trói buộc - chúng sẽ khuynh đảo và có thể nuốt chửng con người.
Quốc thể tỏa sáng hay không nằm ở chính làn ranh rất mỏng manh này trong việc thực thi ngang tầm sứ mệnh danh dự cá nhân được trọng và tự trọng hay không của mỗi con người. Đối với những người thân mang trọng trách, nắm giữ vận mệnh quốc gia, trực tiếp tác động và tạo hiệu ứng tức thời tới thể diện quốc gia xã tắc: Nếu không làm vẻ vang quốc gia, rạng rỡ dân tộc thì cũng không được phép làm hổ thẹn quốc gia, quốc thể. Đó chính là danh dự.
Thân có thể bị mất nhưng danh dự phải mãi mãi còn.
Sự phát triển cao nhất của quốc thể Việt Nam chạm tới đỉnh cao nhất của chính trị và cũng đồng thời chạm tới tầng sâu nhất của trái tim kiêu hãnh danh dự gắn với sứ mệnh của mỗi một con người.
Và, quốc thể Việt Nam hiện ra trong mỗi người, như một lẽ tự nhiên. Đó là sức mạnh nội sinh, là mục tiêu và là động lực để Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững và trở nên hùng cường trên nền móng văn hóa mấy nghìn năm của dân tộc, trong tầm nhìn năm 2045: Rạng rỡ vị thế và danh dự Việt Nam hùng cường.
Và, mỗi người trong 100 triệu đồng bào, theo đó, không ngừng tỏa sáng.
Theo Báo điện tử Đại biểu nhân dân
Thu Nhi tổng hợp