Không thể phủ nhận sự đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam khi lấy chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động

CT&PT - Việc Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động là một lựa chọn lịch sử đúng đắn, mang tính quyết định đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin cung cấp cơ sở khoa học và phương pháp luận cách mạng cho việc nhận thức và cải tạo thế giới; trong khi đó, tư tưởng Hồ Chí Minh kết tinh giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với tinh thần yêu nước và truyền thống văn hóa dân tộc đã cụ thể hóa lý luận cách mạng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Thực tiễn cách mạng hơn 90 năm qua, từ thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến thành công của công cuộc đổi mới và hội nhập hiện nay, đã chứng minh tính đúng đắn, sức sống lâu dài và khả năng phát triển linh hoạt của nền tảng tư tưởng này.

1. Ngày 3/02/1930 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam – kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh dân tộc dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trước thời điểm đó, nhiều phong trào yêu nước với các khuynh hướng phong kiến, dân chủ tư sản đã liên tiếp diễn ra nhưng đều thất bại, cho thấy sự bế tắc về đường lối và tổ chức. Đòi hỏi cấp bách của lịch sử dân tộc là một lực lượng chính trị đủ tầm vóc và bản lĩnh để lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đáp ứng đúng yêu cầu đó.

Công lao lớn lao của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thể hiện ở việc Người đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn: con đường cách mạng vô sản, thông qua vai trò lãnh đạo của một chính đảng cách mạng kiểu mới. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh nhận thức rõ rằng chỉ có một học thuyết khoa học, cách mạng và triệt để như chủ nghĩa Mác - Lênin mới đủ sức làm nền tảng cho một đảng vững mạnh. Người từng khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”.

Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã chủ động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào yêu nước ở Việt Nam, đồng thời chuẩn bị một cách công phu và toàn diện các điều kiện về tư tưởng, tổ chức, chính trị cho sự ra đời của Đảng.

Đặc biệt, Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin một cách chủ động mà còn thể hiện tư duy độc lập, đổi mới và sáng tạo. Người đã vận dụng linh hoạt lý luận về sự ra đời của Đảng Cộng sản - sản phẩm của sự kết hợp giữa phong trào công nhân và chủ nghĩa Mác – với thực tiễn Việt Nam. Tại một nước thuộc địa nửa phong kiến, nơi phong trào công nhân mới hình thành trong khi phong trào yêu nước lại phát triển mạnh mẽ, Hồ Chí Minh đã tìm ra công thức phù hợp: kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Chính sự kết hợp đó đã tạo nên bản chất riêng biệt và sức mạnh toàn diện cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự sáng tạo của Người còn thể hiện sâu sắc trong cách giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp - hai nội dung có thể mâu thuẫn nếu không được xử lý khéo léo trong hoàn cảnh thuộc địa. Thay vì tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp, Hồ Chí Minh đã đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc như nhiệm vụ hàng đầu, làm tiền đề cho các cuộc cách mạng xã hội sau này.

Trong hành trình cách mạng, Hồ Chí Minh luôn kiên định lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng đồng thời có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tiến sĩ Evgeny Kobelev, chuyên gia nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN - Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga khi trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, Hồ Chí Minh luôn học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập kinh nghiệm cách mạng Tháng Mười Nga một cách sáng tạo. Theo ông, quá trình làm cách mạng ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đã tránh khỏi ba sai lầm của Đảng Cộng sản Bônsêvích: “Một là, Đảng Bônsêvích đã từ chối hợp tác với các lực lượng cách mạng khác. Hồ Chí Minh thì ngược lại, đã thành lập Mặt trận Việt Minh và tất cả những người yêu nước có thể vào mặt trận này. Hai là, Đảng Bônsêvích chống lại tất cả các tôn giáo, nhất là Công giáo và do đó đã gây ra nguyên nhân cho một cuộc nội chiến. Hồ Chí Minh thì ngược lại, tất cả những người theo tôn giáo đều có thể tham gia Việt Minh. Ba là, Chính phủ cách mạng Liên Xô đã tiêu diệt nhà vua và cả gia đình nhà vua Nicolas II. Hồ Chí Minh ngược lại, không tiêu diệt vua Bảo Đại mà đề nghị Bảo Đại làm Tổng cố vấn của Chính phủ cách mạng. Năm 1991, phe đối lập đã sử dụng ba sai lầm này của Đảng Bônsêvích để chống lại Chính phủ Liên Xô, trên cơ sở đó làm Liên Xô tan rã1. Chính những điều đó đã giúp cách mạng Việt Nam giữ được tính chính danh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và hạn chế được xung đột nội bộ sau khi giành chính quyền. Tiến sĩ Kobelev nhận định, trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục kiên định với con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội bằng cách phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trải qua 95 năm lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam giành được những thắng lợi mang tầm vóc thời đại. Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tới các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy gian khổ nhưng oanh liệt, vai trò lãnh đạo của Đảng luôn được khẳng định là nhân tố quyết định.

Đặc biệt, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước gần 40 năm qua đã chứng minh tính đúng đắn, bản lĩnh chính trị và khả năng sáng tạo của Đảng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đảng đã chứng tỏ vai trò là lực lượng duy nhất có đủ năng lực lãnh đạo đất nước phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả tất yếu của lịch sử dân tộc trong bối cảnh đầu thế kỷ XX, đồng thời là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược, tư duy cách mạng sáng tạo và vai trò lịch sử to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng đã, đang và sẽ tiếp tục là nhân tố trung tâm, dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi đến những thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

2. Ngày nay, khi đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với nhiều thời cơ và thách thức đan xen, việc kiên định nền tảng tư tưởng ấy không chỉ là nguyên tắc chính trị mà còn là yêu cầu lý luận mang tính thời đại. Thực tiễn đã chứng minh rằng, mọi sự dao động, mơ hồ về mục tiêu lý tưởng đều dẫn tới khủng hoảng đường lối, lúng túng trong hành động và thậm chí làm suy giảm lòng tin của nhân dân.

Kiên định không có nghĩa là bảo thủ, rập khuôn, mà là giữ vững nguyên tắc trong khi đổi mới phương pháp, cách tiếp cận. Kiên định lý luận khoa học cách mạng là để soi sáng thực tiễn, định hướng phát triển và bảo vệ thành quả cách mạng trước những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, chủ nghĩa cơ hội, thực dụng chính trị và các âm mưu “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Một trong những đặc điểm nổi bật của tư tưởng Hồ Chí Minh là tính linh hoạt, sáng tạo trong vận dụng lý luận vào thực tiễn. Người luôn khẳng định “chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam”, song cũng nhấn mạnh phải “học để làm việc, làm người, làm cán bộ”, tránh sao chép máy móc. Tinh thần ấy tiếp tục là kim chỉ nam cho Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc phát triển lý luận phù hợp với điều kiện mới.

Tình hình hiện nay đòi hỏi Đảng phải tiếp tục phát triển lý luận cách mạng trên nhiều lĩnh vực: từ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đến quản trị quốc gia hiện đại, hội nhập quốc tế và giữ vững độc lập tự chủ. Những vấn đề mới như chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tri thức, bảo đảm an ninh phi truyền thống, bảo vệ nền tảng tư tưởng trong không gian mạng... đòi hỏi tư duy lý luận phải không ngừng đổi mới, nâng tầm và sâu sắc hơn.

Trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt từ Đại hội XII đến Đại hội XIII, tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tiếp tục được bổ sung, phát triển. Đó là sự kết tinh giữa tinh thần cách mạng kiên định với tư duy khoa học, thực tiễn, mở rộng phạm vi ứng dụng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào các vấn đề đương đại của Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, vận dụng sáng tạo không chỉ là nhu cầu từ thực tiễn phát triển mà còn là phương thức để biến lý tưởng cách mạng thành nguồn lực thực tế, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững.

Trên lĩnh vực kinh tế, Đảng ta xác định rõ phải tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một mô hình chưa từng có tiền lệ. Việc vận dụng nguyên lý kinh tế chính trị Mác - Lênin vào việc xây dựng thể chế này đã được Đảng cụ thể hóa thông qua các định hướng về vai trò của kinh tế tư nhân, nhà nước kiến tạo phát triển, phân phối theo lao động gắn với phúc lợi xã hội, tăng trưởng đi đôi với công bằng. Đây là ví dụ điển hình cho tư duy “vận dụng sáng tạo”, không rập khuôn mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nhưng cũng không đi theo mô hình tư bản chủ nghĩa.

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là cốt lõi trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đề cao vai trò của đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng, yêu nước, nhân ái, trung thực, trách nhiệm. Những giá trị này là nền tảng để củng cố niềm tin xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh gia tăng sự phân hóa xã hội và ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, thực dụng.

Đặc biệt, trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện qua các Nghị quyết Trung ương về công tác xây dựng Đảng, phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức người cán bộ, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là thước đo chuẩn mực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong bối cảnh đất nước ta hội nhập sâu rộng, chịu tác động ngày càng lớn của mặt trái toàn cầu hóa, sự chống phá từ các thế lực thù địch, yêu cầu đặt ra là cần nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn nữa về vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này không chỉ dừng lại ở lĩnh vực lý luận, mà còn phải được cụ thể hóa trong thể chế, chính sách, pháp luật, trong đào tạo cán bộ, xây dựng văn hóa chính trị và không gian tư tưởng của toàn xã hội.

Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển lý luận trong các cơ quan nghiên cứu khoa học của Đảng, hệ thống học viện, trường chính trị. Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng phải gắn với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên tất cả các phương diện, nhất là trong môi trường truyền thông số hiện nay.

Tóm lại, kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là sự trung thành với di sản tư tưởng của Đảng ta mà còn là phương thức bảo đảm sự phát triển vững chắc và đúng hướng cho cách mạng Việt Nam trong tình hình mới. Đó là sự kết hợp giữa lý tưởng và thực tiễn, giữa truyền thống và đổi mới, giữa bản sắc và hội nhập, tạo nên sức mạnh tư tưởng, chính trị, tinh thần và đạo lý để đất nước ta vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XXI.


1. Evgeny Kobelev, “Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam sẽ ngày càng giành nhiều thắng lợi”, https://vovworld.vn, truy cập ngày 01/5/2023.

 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí vui lòng để lại thông tin