Tư tưởng Hồ Chí Minh là một kho tàng lý luận vô giá về các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục nói chung, giảng dạy và học tập nói riêng. Những quan điểm của Người về dân chủ trong giảng dạy và học tập có ý nghĩa to lớn, tiếp tục là chỉ dẫn quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước ta hiện nay.
1. Quan điểm Hồ Chí Minh về dân chủ trong giảng dạy và học tập
Thứ nhất, dân chủ trong phương pháp giảng dạy
Là người trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ cán bộ cho cách mạng, Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn cụ thể về phương pháp giảng dạy thông qua những ví dụ rất sinh động như: Giáo dục giống như “người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ. Nếu người ta cần nhiều xe mà mình làm ra nhiều bình tích thì hàng ế”1. Trong lớp học, khả năng nhận thức của từng người khác nhau, người thầy giáo phải nắm rõ khả năng nhận thức và hoàn cảnh của từng người để tìm ra cách thức giảng dạy phù hợp cho từng đối tượng. Có đối tượng phải tốn nhiều thời gian, phải dạy tỉ mỉ thì mới hiểu vấn đề. Có đối tượng chỉ cần “dạy bao quát mà vẫn làm cho người học hiểu thấu được”2. Theo đó, cần có phương pháp tổ chức giáo dục bảo đảm được sự phù hợp giữa điều kiện, hoàn cảnh giáo dục với đối tượng giáo dục. Người viết: “Công nhân, nông dân bận làm ăn, nếu dạy không hợp với người học, với làm ăn, bắt phải đến lớp có bàn có ghế là không ăn thua. Phải tùy hoàn cảnh làm ăn mà tổ chức học mới duy trì được lâu dài, mới có kết quả tốt”3.
Hiểu đặc điểm tâm lý con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các lực lượng giáo dục cần phải quan tâm đến nhu cầu vui chơi, giải trí của tuổi trẻ. Người đã đưa ra ý kiến của mình về “cách dạy trẻ”. Đó là: đối với trẻ nhỏ thì phải vừa học vừa chơi, “trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học”4. Người còn nói thêm, đối với trẻ nhỏ “cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu”5. Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ nên không thể tùy tiện áp đặt vào chúng cách suy nghĩ, cách làm việc và ứng xử của người lớn, cần phải tôn trọng bản chất tự nhiên, những nhu cầu tự nhiên của các em. Phải làm sao cho trẻ biết tự lập, tự giác, có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ hoạt bát, chứ không phải là khúm núm, đặt đâu ngồi đấy. Đối với thanh niên, “phải chuyên tâm học hành và công tác nhưng cũng cần có vui chơi”. Những hoạt động vui chơi lành mạnh, định hướng tốt sẽ có tác dụng giáo dục rất lớn. Nói chuyện tại buổi lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19/01/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sự sinh hoạt của thanh niên... Trong vui chơi cũng có giáo dục. Cần có những thứ vui chơi văn hóa, thể dục có tính chất tập thể và quần chúng”6. Hồ Chí Minh khuyên nhà giáo và các đoàn thể cần phải biết quan tâm đến mối quan hệ giữa vui chơi và học tập.
Theo Hồ Chí Minh, cần phải đề cao phương pháp nêu gương trong giảng dạy để đạt hiệu quả cao trong giáo dục. Những tấm gương để sinh viên học tập chính là những người thầy, người cô. Theo Người, thầy giáo thời nào cũng được xã hội tôn trọng, vinh danh bởi người thầy luôn tượng trưng cho những gì chuẩn mực nhất về lối sống, đạo đức, là “khuôn vàng, thước ngọc” cho người học noi theo. Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: Các thầy cô giáo phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc. Đạo đức, lối sống của thầy, cô giáo và các mối quan hệ sư phạm trong nhà trường sẽ là môi trường giáo dục mà ở đó tâm hồn, tình cảm, đạo đức của học sinh từng ngày, từng giờ được trưởng thành. Hồ Chí Minh đã nói: “Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà”7.
Tấm gương của người thầy với học sinh và cách ứng xử chân thành, cởi mở, bình đẳng giữa thầy và trò là biện pháp thực hiện tốt mối quan hệ dân chủ trong giảng dạy và học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Người viết: “Thầy và trò thật thà đoàn kết và dùng cách dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình) để giúp nhau tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi”8. Từ việc khẳng định “Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình”9, Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở thầy giáo và học sinh sử dụng tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ không ngừng, đoàn kết chặt chẽ, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Qua tự phê bình và phê bình mà đạt đến sự đoàn kết mới: “Phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau học tập, mạnh dạn phê bình và thật thà tự phê bình và khi phê bình, tự phê bình thì phải xuất phát từ ý muốn đoàn kết, để đạt đến đoàn kết mới trên cơ sở mới”10.
Thứ hai, dân chủ trong phương pháp học tập
Quan điểm của Hồ Chí Minh về dân chủ trong học tập giúp người học liên hệ bản thân, đối chiếu với động cơ học tập của mình, lựa chọn và sử dụng phương pháp học tập cụ thể có lợi nhất cho bản thân. Và trên hết là thường xuyên trau dồi ý chí cố gắng, không ngừng vươn lên trong học tập để hướng đến mục tiêu vì sự tiến bộ của bản thân, vì dân, vì nước, làm được điều đó thì nhất định sẽ đạt được mục đích của việc học. Có động cơ học tập đúng đắn thì người học sẽ tự nguyện, tự giác trong học tập, không bị khiên cưỡng, gò ép, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập. Có được tinh thần tự nguyện học tập người học mới chủ động tìm tòi, khám phá tri thức bằng tinh thần say mê, hứng thú.
Hồ Chí Minh quan niệm, việc học chỉ có được kết quả tốt khi người học xác định rõ mục đích học tập cho mình và xây dựng động cơ học tập đúng đắn. Việc xác định mục đích học tập được Hồ Chí Minh nhắc đến đầu tiên: “Phải biết tự động học tập”11. Muốn vậy, phải hiểu rõ mấy điều: Học để làm gì? Học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin tưởng, học để hành12. Tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, ngày 07/5/1958, Người nhấn mạnh: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt lại câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai?”13. Người còn chỉ rõ: “Dưới chế độ thực dân phong kiến, mục đích đi học là cốt được mảnh bằng để làm ông thông, ông phán, lĩnh lương nhiều, ăn ngon, mặc đẹp... số phận dân tộc thế nào, tình hình thế giới biến đổi thế nào, không hay, không biết gì hết. Mục đích giáo dục nô lệ của thực dân phong kiến chỉ để đào tạo ra những trí thức nô lệ để hầu hạ chúng. Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ thì phải học tập. Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân, phong kiến khác hẳn nhau”14. Theo Người, học không phải để lấy danh, để trang sức, mà học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại15. Bởi vậy, còn sống còn phải học, học để tiến bộ mãi, để bắt kịp với xu thế của thời đại. Hồ Chí Minh chỉ rõ sự cần thiết phải học, sự học là vô cùng vì “dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước”16.
Trong việc học, việc dân chủ hóa giáo dục, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện mục tiêu: “học tập chính là để có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới... Bởi vậy, ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình”17. Người đưa ra lời khuyên: người đi học phải có thái độ học tập đúng. Có như thế việc học mới có kết quả. Trong Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I trường Nguyễn Ái Quốc ngày 07/9/1957, Người chỉ rõ: “cần phải có thái độ học tập cho đúng... Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập… Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”18.
Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở người học phải đặt câu hỏi “Vì sao?”, phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không. Quá trình ấy giúp người học tự rèn luyện tư duy, nâng cao năng lực tìm tòi, giải đáp các câu hỏi đặt ra, nắm vững hơn những nội dung cần thiết để áp dụng vào thực tiễn. Theo đó, học phải đi đôi với hành thì mới hiểu, những điều chưa hiểu, chưa trả lời được thì tiếp tục học. Khi học thì không nên tiếp thu một chiều, học trên lớp không phải thầy nói gì cũng coi là chân lý, hay những kiến thức đọc được đầu tiên chưa chắc là đúng, mà phải lật đi, lật lại vấn đề, tức là phải đề ra được câu hỏi và tìm ra được câu trả lời hợp lý thì mới hiểu sâu và từ đó có khả năng hành động và giải quyết vấn đề. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở mọi người phải tự biết trau dồi kiến thức cho mình qua nhiều hình thức học tập đa dạng, học mọi lúc, mọi nơi, học suốt đời.
2. Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về dân chủ trong giảng dạy và học tập trong công tác giảng dạy và học tập ở các nhà trường hiện nay
Tiếp thu và vận dụng sáng tạo quan điểm của Hồ Chí Minh về dân chủ trong giảng dạy và học tập, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội…”19. Quan điểm trên của Đảng ta vừa thể hiện mục tiêu, phương pháp, nội dung, hình thức, vừa thể hiện tinh thần dân chủ trong dạy và học của quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục hiện nay. Hiện nay, nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Vấn đề giảng dạy và học tập là yếu tố cốt lõi, đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Để hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong giảng dạy và học tập ở nhà trường hiện nay cần chú ý các nội dung:
Thứ nhất, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy
Quán triệt, vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo nói chung, giảng dạy và học tập nói riêng, các nhà trường cần không ngừng đổi mới phương pháp của người dạy phù hợp với đối tượng, lĩnh vực giảng dạy. Thực tế cho thấy, phương pháp sư phạm của người dạy đóng vai trò quan trọng, phương pháp không tốt sẽ làm hiệu quả giảng dạy kém. Phương pháp sư phạm bao gồm nhiều vấn đề mà trước hết và quan trọng nhất là cách khơi dậy ở người học sự say mê học tập, sự khát khao, hứng thú trong việc tìm tòi, khám phá cái mới, cái đẹp. Mục đích của phương pháp giảng dạy là người dạy phải làm cho người học hiểu thấu được vấn đề, sau khi hiểu được vấn đề thì mục đích cao hơn là phát triển mọi tài năng. Trong quy trình dạy học đó, người học đóng vai trò chủ động; người dạy chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho người học cách thu nhận kiến thức và hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc khi cần thiết. Nền giáo dục ngày nay là nền giáo dục khai phóng nên người dạy phải chuyển từ dạy tri thức sang dạy cách học, dạy cách tư duy. Do đó, người dạy không nên “nhồi nhét” kiến thức, mà phải trang bị cho người học thói quen “hoài nghi khoa học”, năng lực phản biện các tri thức có sẵn và sáng tạo ra những tri thức mới.
Thứ hai, phát huy dân chủ trong sinh hoạt học thuật, thảo luận, trao đổi
Thấu triệt quan điểm của Hồ Chí Minh trong giảng dạy và học tập, cần phát huy tính dân chủ trong sinh hoạt học thuật, tăng cường thảo luận, trao đổi có vai trò rất quan trọng để mở rộng kiến thức, kích thích tư duy sáng tạo của người học, những năng lực, sở trường của người học, phát huy hết khả năng trong nội dung, lĩnh vực đã chọn để thảo luận, trao đổi. Bên cạnh đó, trong thảo luận, trao đổi phải chú ý đến tâm lý người học, bởi lẽ thảo luận, trao đổi vừa hệ thống lại kiến thức đã dạy, đã học, vừa bổ sung cho người học những kiến thức mới, mở rộng tri thức; vừa tạo cho người học hứng thú, vui vẻ, tự do trao đổi bàn bạc, ham thích tìm hiểu, khám phá và nhu cầu sáng tạo. Trong quá trình thảo luận, trao đổi, người dạy phải có phương pháp, “nghệ thuật”, khéo léo dẫn dắt để người học tích cực, tự giác, xung phong phát biểu, luận giải làm sáng tỏ vấn đề, chủ đề, tạo khả năng tiếp thu của người học nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Thứ ba, phát huy dân chủ, tinh thần tự giác trong việc tự học của người học
Quán triệt quan điểm Hồ Chí Minh, người học cần thấm nhuần tư tưởng: tự học chính là yếu tố cơ bản nhất làm cho quá trình tích lũy diễn ra nhanh nhất và hiệu quả nhất. Tự học chính là sự nỗ lực của bản thân người học một cách có kế hoạch trên tinh thần tự nguyện, tự giác cao, cùng với đó, người dạy phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học cho người học. Muốn tự học thành công, người học cần phải sắp xếp thời gian học tập khoa học, bền bỉ, kiên trì thực hiện kế hoạch, không lùi bước trước những khó khăn trở ngại, chớ nên ôm đồm nhiều nội dung, mà phải có thời gian biểu hợp lý, tránh chồng chéo nội dung trong quá trình tự học. Thông qua tự học, tự hỏi, tự trả lời, tự đánh giá là một quá trình phát hiện ra những điều không hiểu, chưa thông suốt và cần phải tìm cách giải quyết những thắc mắc đó bảo đảm phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội.
Tóm lại, quan điểm Hồ Chí Minh về dân chủ trong giảng dạy và học tập có giá trị lý luận, thực tiễn, mang ý nghĩa và tính nhân văn sâu sắc; là cơ sở, phương pháp luận, chỉ dẫn quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nói chung, cũng như trong dạy và học ở các nhà trường nói riêng. Do vậy, việc nghiên cứu, vận dụng quan điểm của Người về dân chủ trong giảng dạy và học tập vào hoạt động dạy và học ở các nhà trường có ý nghĩa cấp thiết, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t. 6, tr. 359.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 358.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 368.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 427.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 186.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 266.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 120.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 400.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 114.
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 99.
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 360.
12. Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 360-361.
13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 400.
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 178.
15. Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 208.
16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 266.
17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 527.
18. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 98-99.
19. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 232.
Nguyễn Thái Bình
Học viện Chính trị