Thực trạng pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản

Trần Ngọc Anh

CT&PT - Từ khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng và Nhà nước ta đã chăm lo xây dựng hệ thống văn bản pháp lý tạo cơ sở cho việc quản lý nhà nước đối với xuất bản. Ngày 18/6/1957, Hồ Chủ tịch đã ra Sắc luật 003/SLt về quyền tự do xuất bản: “quyền tự do xuất bản của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Tất cả các xuất bản phẩm đều không phải kiểm duyệt trước khi xuất bản, trừ trong tình thế khẩn cấp, nếu Chính phủ xét cần”, thông qua Điều 2 Sắc luật, nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân: “... hoạt động xuất bản phải nhằm phục vụ quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân, xây dựng và bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân”.

Tính đến nay đã có rất nhiều văn bản thể hiện chính sách cũng như văn bản pháp luật quy định về hoạt động xuất bản như: Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; Quyết định số 281- QĐ/TW ngày 26/01/2010 của Ban Bí thư quy định về việc chỉ đạo, định hướng tư tưởng đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung xuất bản phẩm; Quyết định số 282- QĐ/TW ngày 26/01/2010 của Ban Bí thư quy định trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng và kỷ luật cán bộ lãnh đạo của Nhà xuất bản; Quyết định số 281- QĐ/TW ngày 26/01/2010 của Ban Bí thư ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Thông Thông tin truyền thông với các cơ quan đảng, cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản; Luật Xuất bản được Quốc hội thông qua ngày 03/12/2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản do Quốc hội thông qua ngày 03/6/2008; Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Xuất bản; Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06/6/2006 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin; Nghị định số 105/2007/NĐ-CP ngày 21/6/2007 của Chính phủ về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm; Nghị định số 11/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2005/NĐ-CP; Nghị định số 110/2010/NĐ-CP ngày 09/11/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 111/2005/NĐ-CP; Nghị định số 02/2011/NĐ-CP ngày 06/01/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, sửa đổi, thay thế một số điều của Nghị định số 56/2006/NĐ-CP; Nghị định số 72/2011/NĐ-CP ngày 23/8/2011của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2005/NĐ-CP; Quyết định số 102/2006/QĐ-BVHTT ngày 29/12/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin về việc ban hành Quy chế lưu chiểu xuất bản phẩm; Quyết định số 38/2008/QĐ-BThông tin truyền thông ngày 17/6/2008 của Bộ Thông tin truyền thông về việc ban hành Quy chế liên kết trong hoạt động xuất bản; Thông tư số 02/2010/TT-BThông tin truyền thông ngày 11/01/2010 hướng dẫn một số điều liên quan đến lĩnh vực xuất bản... Mặc dù các văn bản này không đồng bộ và mang tính phổ quát, thể hiện các quan điểm khác nhau của Nhà nước ta đối với xuất bản trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng phần nào đã đặt ra một cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với xuất bản.

Ngày 20/11/2012, Quốc hội thông qua Luật Xuất bản số 19/2012/QH13 và ngày 03/12/2012, Chính phủ ký Lệnh công bố Luật Xuất bản số 19/2012 thay thế Luật Xuất bản số 30/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2008/QH12. Luật Xuất bản năm 2012 đã kế thừa các quy định của Luật Xuất bản năm 2004 được sửa đổi, bổ sung vào năm 2008, Nghị định số 105/2007/NĐ-CP về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm, đồng thời bổ sung và hoàn thiện các quy định mới về hoạt động xuất bản, in và phát hành trên cơ sở học tập kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với thể chế chính trị, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong xu thế hội nhập toàn cầu.

Luật Xuất bản năm 2012 góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả 3 lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trong mối quan hệ hài hòa, biện chứng, trên nguyên tắc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của tất cả các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xuất bản, in và phát hành và tăng cường hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước. Luật Xuất bản năm 2012 cũng phản ánh những thay đổi to lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của nước ta trong sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.

Song song đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 195/ NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản năm 2012. Trong Nghị định này đi sâu vào quy định những điểm mới của Luật Xuất bản hiện hành.

Nhìn chung, hai văn bản pháp luật hiện hành khắc phục được một số nhược điểm của các văn bản trước. Luật Xuất bản hiện hành có một số thay đổi về thủ tục xuất bản, chuẩn hóa các yêu cầu đối với Biên tập viên, đưa một số quy định cụ thể về vai trò của các Tổng biên tập, Biên tập viên, đối tác liên kết chính thức được tham gia rộng hơn vào lĩnh vực xuất bản; mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cơ sở in, phát hành xuất bản phẩm... Đặc biệt là Luật Xuất bản hiện hành dành riêng một chương quy định về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản:

Ở Việt Nam, việc xác định cơ quan quản lý nhà nước đối với xuất bản mang tính lịch sử, bởi lẽ từ khi ra đời, nước ta đã 5 lần ban hành Hiến pháp gồm: Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2013. Mỗi khi Hiến pháp mới ra đời, cơ cấu tổ chức, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan nhà nước sẽ có những thay đổi cơ bản. Chính vì vậy mà qua mỗi thời kỳ, cơ quan quản lý nhà nước đối với xuất bản cũng có sự thay đổi cả về tên gọi lẫn phạm vi thẩm quyền quản lý. Ở đây chúng ta không đi ngược lại lịch sử để tìm hiểu cơ quan quản lý nhà nước đối với xuất bản qua từng thời kỳ khác nhau mà chỉ tìm hiểu cơ quan có thẩm quyền xuất bản đối với xuất bản từ Hiến pháp 2013 và Luật Xuất bản 2012.

Theo khoản 2 Điều 6 Luật Xuất bản năm 2012, các cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản ở trung ương và địa phương được quy định như sau:

- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản trong phạm vi cả nước.

- Bộ Thông tin truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông thực quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản theo thẩm quyền.

- Uỷ Ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tại địa phương.

Như vậy ở trung ương, cơ quan có chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản là Chính phủ và Bộ Thông tin truyền thông. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với xuất bản trên phạm vi cả nước bằng việc ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến xuất bản. Với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện một số nhiệm vụ quản lý của mình liên quan đến xuất bản trên cơ sở đệ trình của Bộ Thông tin truyền thông để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách quan trọng vượt quá thẩm quyền của Bộ Thông tin truyền thông.

Bộ Thông tin truyền thông là cơ quan của Chính phủ, giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát; viễn thông và internet; truyền dẫn phát sóng; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình và cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông quốc gia; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Riêng về hoạt động xuất bản, BộThông tin truyền thông có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

- Chủ trì, phối hợp xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản và các biện pháp phòng, chống in lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm.

- Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong hoạt động xuất bản; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động xuất bản.

- Quản lý và tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động xuất bản.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan quy định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các chính sách mua bán bản thảo đối với những tác phẩm có giá trị nhưng thời điểm xuất bản chưa thích hợp hoặc đối tượng sử dụng hạn chế; hỗ trợ mua bản quyền đối với tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; Hỗ trợ cước vận chuyển xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ, đối tượng và địa bàn đặt hàng để có bản thảo và xuất bản tác phẩm, tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thị và các nhiệm vụ trọng yếu khác; Hỗ trợ kinh phí tổ chức hoạt động quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam thông qua xuất bản phẩm; tổ chức triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm trong và ngoài nước; Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu đặc tả của xuất bản phẩm điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm, truy nhập, quản lý và lưu trữ xuất bản phẩm điện tử.

- Cấp, cấp đổi, cấp lại, gia hạn, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề, xác nhận đăng ký trong hoạt động xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP.

- Nhận, quản lý, tổ chức đọc, kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu và xử lý xuất bản phẩm vi phạm theo quy định của Luật Xuất bản, Nghị định số 195/2013/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Hướng dẫn, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và ban hành thống nhất các biểu mẫu sử dụng trong hoạt động xuất bản.

- Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động xuất bản; tuyển chọn và trao giải thưởng quốc gia đối với xuất bản phẩm có giá trị cao.

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân đình chỉ việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản theo thẩm quyền. Ở địa phương, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với xuất bản thuộc về Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo sự phân cấp của Chính phủ. Đây là các cơ quan nhà nước có sự can thiệp một cách trực tiếp, sâu sắc nhất đối với việc quản lý nhà nước về xuất bản thông qua các Sở Thông tin truyền thông và các bộ phận trực thuộc. Sở Thông tin truyền thông là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có chức năng tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát; viễn thông và internet; truyền dẫn phát sóng; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình và cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông; quảng cáo trên báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm; các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của sở; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và theo quy định của pháp luật.

Sở Thông tin truyền thông trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Sở Thông tin truyền thông có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Thông tin truyền thông. Sở Thông tin truyền thông có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

- Ban hành theo thẩm quyền quy hoạch, kế hoạch phát triển hoạt động xuất bản tại địa phương; ban hành, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản tại địa phương.

- Cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi các loại giấy phép, giấy xác nhận đăng ký theo quy định của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP.

- Nhận, quản lý, tổ chức đọc, kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu và xử lý xuất bản phẩm vi phạm theo quy định của Luật Xuất bản, Nghị định số 195/2013/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan đối với xuất bản phẩm do mình cấp giấy phép xuất bản.

- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động xuất bản theo quy định của pháp luật.

- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản theo thẩm quyền.

ThS. HỨA HUY HOÀNG

Nhà xuất bản Tư pháp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin