1. Tác động của công nghệ kỹ thuật số với báo chí truyền thông
1.1. “Báo chí tự động” tạo ra thời đại thông tin tăng tốc
“Báo chí tự động”, hay còn được gọi là "báo chí robot" hoặc "báo chí thuật toán" là hệ thống công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập số liệu, tự động học các dữ liệu để sản xuất các tác phẩm báo chí với mô hình sẵn có bằng cách sắp xếp, diễn giải và hiển thị dữ liệu hợp lý với tốc độ kỷ lục mà không dựa vào yếu tố con người. Trong quá khứ, sự phát triển của công nghệ cũng làm tăng tốc quá trình truyền tải thông tin. Công nghệ phát thanh và truyền hình cung cấp luồng thông tin nhanh hơn báo in. Sự ra đời của “Báo chí tự động” trong quá trình chuyển đổi số với những công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), Điện toán đám mây (Cloud), Trí tuệ nhân tạo (AI)... đã thúc đẩy tốc độ sản xuất nội dung lên mức chưa từng có, góp phần quan trọng tạo ra thời đại thông tin tăng tốc. Tại Thế Vận hội Olympics Rio 2016, công nghệ robot đã được đưa vào sản xuất thông tin báo chí. Trong 15 ngày, hệ thống robot tự động này đã sản xuất 450 bài báo đi kèm hình ảnh bằng cách thu thập cơ sở dữ liệu của Thế vận hội để tìm kiếm kết quả theo thời gian thực. Trung bình các bài báo có dung lượng 100 từ với bài dài nhất lên đến 821 từ. Các cơ quan báo chí truyền thông lớn trên thế giới đã áp dụng công nghệ “Báo chí tự động” như Associated Press, Forbes, Los Angeles Times... Hiện tại, công nghệ này tập trung sản xuất các tác phẩm báo chí ưu tiên sử dụng số liệu như thể thao, tài chính, thời tiết. Tuy nhiên, trong tương lai gần, “Báo chí tự động” sẽ mở rộng sang các mảng đề tài khác.
New York Times sử dụng “Báo chí tự động” lần đầu tiên vào năm 2015 để trả lời các bình luận của độc giả và sàng lọc những bình luận vi phạm. Công nghệ này giúp cho tờ báo phát triển khả năng tương tác với công chúng, mở rộng số lượng phản hồi, trả lời hơn 11.000 bình luận của độc giả mỗi ngày, tương đương với công sức của 14 biên tập viên. Hãng tin Associated Press sử dụng “Báo chí tự động” từ năm 2017 để sắp xếp, phân loại và đặt tên cho hàng ngàn bức ảnh được gửi về mỗi ngày. “Báo chí tự động” thậm chí còn có thể phân loại các bức ảnh với các tiêu chí về nội dung và hình thức khác nhau, đồng thời phát hiện ra những bức ảnh có chứa nội dung bạo lực. Bloomberg đang sử dụng một công cụ trí tuệ nhân tạo được sản xuất bởi công nghệ tự động hoá Cybog, cho phép các phóng viên sản xuất ra hàng ngàn bài báo mỗi tháng. Hiện nay, khoảng 30% nội dung trên trang web của Bloomberg là sản phẩm của “Báo chí tự động”. Các nhà khoa học tại Trung Quốc đã chế tạo thành công nhà báo robot đầu tiên trên thế giới mang tên Zhao Nan có khả năng viết một văn bản 300 từ chỉ trong 1 giây. Hãng tin Associated Press dự báo rằng, một tác phẩm báo chí điều tra vốn mất nhiều tháng làm việc của một nhóm nhà báo sẽ được hoàn thành trong một ngày với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo.
1.2. Công nghệ thay đổi mối quan hệ giữa nhà báo và công chúng
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của hệ thống báo chí, mối quan hệ giữa nhà báo với công chúng gần như không thay đổi trong suốt giai đoạn này. Nhà báo vẫn là người gác công thông tin của xã hội, quyết định thông tin nào được đăng tải và được truyền tải như thế nào. Công chúng phải tự thích nghi với các phương tiện truyền thông như đọc báo buổi sáng, xem thời sự trên TV vào buổi tối. Nhà báo định vị hành vi tiếp nhận thông tin của công chúng. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ trong 10 năm trở lại đây đã thay đổi lại tính chất mối quan hệ vốn tồn tại nhiều thế kỷ trong lịch sử. Thiết bị di động cùng nền tảng internet định vị lại hành vi tiêu dùng thông tin của công chúng. Công chúng giờ đây được chủ động hơn trong quá trình tiếp nhận thông tin trên khía cạnh thời gian, không gian và phương tiện.
Đã qua rồi thời công chúng đọc báo vào buổi sáng, xem thời sự vào buổi tối. Theo số lượng thống kê của Adsota, tổng thời gian truy cập internet trung bình mỗi ngày của người Việt Nam là 6 tiếng 42 phút, tương đương với 1/4 ngày. Cũng theo số liệu của Adsota, 48% và 39% người được khảo sát cho biết họ sử dụng các nền tảng số để cập nhật tin tức về các sự kiện đang diễn ra hoặc các tin tức giải trí.
Trong bối cảnh mới này, công chúng không còn phải học cách thích nghi với nhà báo hay cơ quan báo chí truyền thông trên khía cạnh tiếp nhận thông tin. Thay vào đó, nhà báo phải tìm cách thích nghi với hành vi tiêu dùng thông tin của công chúng. Cụ thể, nhà báo cần nghiên cứu về đối tượng công chúng mục tiêu ở góc độ tâm lý, văn hoá và cả hành vi để có thể sáng tạo các tác phẩm báo chí phù hợp và phát hành ở thời điểm phù hợp.
Bên cạnh đó, công nghệ thông tin cũng xoá đi ranh giới giữa nhà báo và công chúng, giúp cho hai đối tượng này xích lại gần nhau hơn. Nền tảng Internet và các ứng dụng mạng xã hội giúp nhà báo có thể tương tác trực tiếp với công chúng, lắng nghe những phản hồi một cách đa chiều và nhanh chóng hơn. Không tí trường hợp, chính công chúng tham gia vào quá trình làm báo, cung cấp cho nhà báo thông tin, hình ảnh tại hiện trường khi nhà báo chưa thể tiếp cận. Một trong những tính năng giúp nhà báo và công chúng xích lại gần nhau hơn là "siêu liên kết", đây là cơ chế gắn các tác phẩm báo chí liên quan đến nhau, cho phép công chúng chuyển sang bài báo khác, hình ảnh khác bằng cách nhấn vào một từ hoặc một nhóm từ được đánh dấu. "Siêu liên kết" này còn được hỗ trợ bằng trí tuệ nhân tạo, truyền tải thông điệp được cá nhân hoá đến từng bạn đọc với các nhu cầu khác nhau, gợi ý các nội dung yêu thích của độc giả. Tại Việt Nam, năm 2020, Vietnamplus đã sản xuất các bản tin podcast "siêu liên kết", hướng tới các thiết bị thông minh điều khiển bằng giọng nói. Sản phẩm podcast của VietnamPlus còn được đăng ký chạy trên các nền tảng phổ biến nhất của loại hình này như Apple Podcast, Spotify, chạy được trên các thiết bị thông minh GoogleHome hay Alexa (6) . Công nghệ này hỗ trợ cho công chúng lướt đi trong đại dương thông tin mênh mông và giúp cho nhà báo truyền tải các tác phẩm báo chí nhiều hơn và nhanh hơn đến với công chúng.
2. Đào tạo báo chí trong thời đại trí tuệ nhân tạo
Những thay đổi về cách thức sản xuất các tác phẩm báo chí cũng như mối quan hệ giữa nhà báo và công chúng tạo ra áp lực lớn, buộc công tác đào tạo báo chí phải có những đổi mới trong cách tiếp cận cũng như nội dung giảng dạy nếu không muốn các thế hệ nhà báo tương lai bị tụt hậu, bỏ lại phía sau.
2.1. Kiến thức
Tốc độ phát triển của khoa học công nghệ ngày càng nhanh hơn với ngày càng nhiều các ứng dụng được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo. Ngành công nghiệp báo chí luôn tìm cách áp dụng các công nghệ mới nhất để cải thiện năng suất và gia tăng lợi nhuận. Do đó, bên cạnh những kiến thức báo chí truyền thống, kinh điển, thì các kiến thức về khoa học công nghệ phải được bổ sung trong các chương trình đào tạo báo chí. Những kiến thức cơ bản về Trí tuệ nhân tạo (AI) và Siêu liên kết cần được xuất hiện trong các môn học thuộc khối kiến thức cơ sở ngành. Trong tương lai, nhà báo không chỉ là những người săn tin, làm tin chuyên nghiệp mà còn phải là đối tượng hiểu biết sâu sắc về công nghệ thông tin, thậm chí phải có khả năng đưa ra những dự báo về xu hướng phát triển của công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa nhà báo và công chúng đã có những thay đổi mang tính cách mạng. Nhà báo không còn định vị hành vi tiếp nhận thông tin của công chúng. Thay vào đó, nhà báo cần phải nắm vững hành vi tiêu dùng thông tin của công chúng.
Sự phát triển của công nghệ sinh học đã và đang giúp chúng ta giải mã bộ não, nắm được những quy tắc vận hành của trí não và các phương pháp tác động đến những cảm xúc khác nhau của con người. Báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tác động đến nhận thức con người. Nhà báo còn phải là nhà tâm lý học với khả năng nghiên cứu và đánh giá các quá trình hình thành cảm xúc, hành vi của con người. Vì vậy, những môn học về tâm lý con người, khoa học thần kinh, kinh tế học hành vi cần được chú trọng hơn trong mọi cấp đào tạo báo chí, tại bậc đại học và sau đại học.
Xu hướng phát triển của "Báo chí tự động" đòi hỏi nhà báo cần có những tác phẩm báo chí mang chiều sâu với hàm lượng thông tin, kiến thức rộng hơn thay vì chỉ tập trung vào thông tin các sự kiện. Vì vậy, các thế hệ nhà báo tương lai phải được trang bị các kiến thức liên quan đến các vấn đề toàn cầu như thay đổi môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, quan hệ quốc tế, sở hữu dữ liệu ... Đây là địa hạt mà "Báo chí tự động" chưa thể thay thế con người trong việc nghiên cứu dữ liệu, phân tích số liệu, đánh giá vấn đề và sáng tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn, có sức tác động đến nhận thức của công chúng.
2.2. Kỹ năng
Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) làm thay đổi nội dung thông tin, đa dạng hoá các tác phẩm báo chí, từ đó, dẫn đến thay đổi phương thức lao động của nhà báo. Để có thể sáng tạo những thể loại tác phẩm báo chí mới như Megastory, Long-form, Timeline, Ảnh 360 độ, Video 360 độ, ... nhà báo cần có những kỹ năng đa phương tiện để thực hiện đa nhiệm vụ và có thể phát hành trên đa nền tảng. Bên cạnh các kỹ năng truyền thống như viết, chụp ảnh, quay phim, các cơ sở đào tạo báo chí cần trang bị cho các thế hệ nhà báo tương lai những kỹ năng thiết kế 3D, thiết kế nội dung tương tác cũng như kỹ năng sử dụng trang thiết bị công nghệ hiện đại như drones, trường quay ảo, và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong thời đại thông tin tăng tốc, áp lực dành cho nhà báo lớn hơn trước rất nhiều. Điều này dễ dẫn đến những sơ xuất và sai sót. Tự kiểm tra, thẩm định thông tin và sử dụng những công cụ truy xuất cũng phải nằm trong bộ kỹ năng cần có của nhà báo.
Trong bối cảnh phát triển của tự động hoá và xu hướng "Báo chí tự động", thay vì cạnh tranh với công nghệ, nhà báo cần sử dụng công nghệ như các công cụ hữu ích để nâng cao trình độ chuyên môn. Để làm được điều này, nhà báo cần nắm vững các phương pháp nghiên cứu khoa học để củng cố nền tảng tri thức và cập nhật các tri thức mới.
Cuối cùng, tốc độ phát triển của công nghệ thông tin ngày càng tăng nhanh, tiếp tục mang đến những thay đổi về phương thức làm tin, thể loại tác phẩm và cơ chế phát hành đối với báo chí. Đồng thời, điều này cũng gây ra những tác động ở tần suất thường xuyên hơn đối với nhà báo. Vì vậy, nhà báo cần chú trọng việc tự đào tạo, tự thích nghi, tự làm mới bản thân trước những biến động này, dù thay đổi chưa bao giờ là điều dễ dàng.
ThS. TRỊNH THỊ MAI
Trường Đại học Khoa học, xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội