Quan hệ giữa đảng cầm quyền với nhà nước ở một số quốc gia phương Tây và giá trị tham chiếu đối với Việt Nam

Phạm Thị Hương

CT&PT - Mối quan hệ giữa đảng cầm quyền với nhà nước ra đời từ các nước phương Tây, từng bước được đưa vào hiến pháp và pháp luật để điều chỉnh. Việt Nam thực hiện chế độ một đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo đất nước, tuy nhiên, Đảng ta vẫn phải đối mặt với áp lực giữ và thực thi quyền lực như bất kỳ đảng cầm quyền nào khác trên thế giới.

1. Một số khái niệm về đảng cầm quyền và nhà nước

Đảng chính trị là tổ chức chính trị đại diện cho một giai cấp (hoặc một lực lượng xã hội), gồm những người có cùng chính kiến, tư tưởng, tự nguyện tham gia nhằm giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước theo mục tiêu chính trị của tổ chức mình1.

Đảng cầm quyền là đảng duy nhất (hay liên minh một số đảng) nắm quyền đại diện ý chí chính trị chung trong xã hội, do đó, đảng này (hay liên minh các đảng) nắm quyền chi phối hoạt động của chính quyền2.

Nhà nước là tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị trong xã hội có giai cấp, là công cụ chuyên chính giai cấp, với các chức năng quản lý xã hội vừa bảo vệ lợi ích giai cấp mà nó đại diện, vừa duy trì trật tự, đảm bảo cho xã hội phát triển và phục vụ những nhu cầu thiết yếu của đời sống cộng đồng3.

Quan hệ giữa đảng cầm quyền với nhà nước là sự tác động qua lại, chuyển hóa, quy định giữa chủ thể lãnh đạo (đảng) và chủ thể bị lãnh đạo (nhà nước). Đây là mối quan hệ mang tính phổ biến, nên trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn chính trị phải tôn trọng quan điểm toàn diện, tránh cách xem xét phiến diện, khi đánh giá mối quan hệ mà phải dựa vào điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia và thể chế chính trị của quốc gia đó4. Khi trở thành đảng cầm quyền thì mối quan hệ giữa đảng và nhà nước là mối quan hệ giữa lãnh đạo và quản lý. Trong đó, đảng lãnh đạo không có nghĩa là đảng không có chức năng quản lý, ngược lại nhà nước quản lý không có nghĩa là nhà nước không có vai trò lãnh đạo. Chức năng quản lý của đảng chính trị thể hiện trong việc quản lý trực tiếp đảng viên của đảng trong bộ máy nhà nước. Mối quan hệ giữa đảng và nhà nước là quan hệ giữa lực lượng chính trị thống trị (lãnh đạo) xã hội và bộ máy công quyền. Lực lượng chính trị là một nhóm người trong dân cư tham gia đảng chính trị, còn nhà nước là cơ quan công quyền đại diện cho toàn dân.

2. Nội dung và phương thức quan hệ giữa đảng cầm quyền với nhà nước ở một số nước phương Tây

Quan hệ giữa đảng cầm quyền với cơ quan lập pháp

Trong mô hình hệ thống nghị viện, các đảng chính trị muốn nắm giữ vị trí cầm quyền phải nắm được quyền chi phối nghị viện. Nghị viện là vũ đài cạnh tranh chủ yếu của các chính đảng; hoạt động của đảng và nghị viện luôn gắn bó với nhau. Đảng nào chiếm đa số ghế sẽ đồng thời nắm quyền thành lập chính phủ. Trong trường hợp không có đảng nào chiếm đa số ghế, đảng nào hình thành được liên minh hoặc có sự cam kết ủng hộ của đảng khác để có đủ đa số phiếu thành lập chính phủ liên minh hoặc chính phủ thiểu số. Trong nghị viện, các đảng sẽ thành lập các đoàn nghị sĩ của đảng mình và hoạt động như một khối thống nhất để đảm bảo các chính sách của đảng đều nhận được sự ủng hộ và chia sẻ của các đảng viên trong nghị viện. Do vậy, đảng đoàn nghị sĩ ở nghị viện là hạt nhân quyền lực chính trị của đảng. Hoạt động chính của đảng đoàn nghị viện là gây ảnh hưởng trong lập pháp.

Do tính chất của thể chế, các đảng phái trong nghị viện đều có hệ thống kỷ luật đảng rất mạnh. Điều này tạo nên sức mạnh cho đảng, bởi nếu giữa các nghị sĩ trong đảng thiếu sự liên kết thì đảng không thể là một khối thống nhất và không thể bỏ phiếu thông qua các chính sách của mình trong thế tương quan quyền lực với các đảng đối lập khác. Vì vậy, đảng đoàn nghị sĩ có kỷ luật nghiêm ngặt nhằm duy trì sự thống nhất và sức mạnh của đảng ở nghị viện. Mỗi phát ngôn hay thái độ, quyết định của một nghị sĩ phải tuân thủ ý chí chung của đoàn và của đảng, chứ không thể là ý chí cá nhân của nghị sĩ đó, nhất là những ý chí đi ngược lại đường lối của đảng đoàn. Nếu nghị sĩ nào không tuân thủ kỷ luật này đều có thể bị đảng trừng phạt sau đó.

Trong mô hình cộng hòa tổng thống, nhà nước tổ chức và hoạt động theo thuyết phân quyền (còn được gọi là “tam quyền phân lập”) cho nên có sự tách biệt nhân sự của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, và có hai cuộc bầu cử tách biệt là bầu cử quốc hội và bầu cử tổng thống theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Vì vậy, hoạt động chính của đảng là vận động tranh cử, đề cử ứng cử viên và tìm cách để chiến thắng trong các cuộc bầu cử đó. Đảng nào giành thắng lợi ở cuộc bầu cử quốc hội sẽ chiếm đa số ghế trong quốc hội và kiểm soát quá trình hoạch định chính sách với đa số phiếu của mình. Đảng nào thắng ở cuộc bầu cử tổng thống sẽ được quyền thành lập chính phủ. Trong trường hợp đảng cầm quyền, thủ lĩnh của đảng chính là tổng thống, nội các là lực lượng chủ chốt trong ban lãnh đạo của đảng. Tuy nhiên, do cơ chế bầu phổ thông đầu phiếu nên mặc dù cùng một đảng nhưng các nghị viện lại đại diện cho các khu vực cử tri khác nhau, do đó có thể có sự không đồng thuận giữa bộ phận đảng ở cơ quan hành pháp và đảng viên ở cơ quan lập pháp, hay thậm chí trong nội bộ đảng viên của mỗi nhánh quyền lực. Lúc này cơ quan đảng ở hai bộ phận của hai nhánh quyền lực là cơ sở cho sự thống nhất và đồng thuận giữa các bên ngay trong nội bộ đảng.

Thông thường, đảng chiếm đa số ở quốc hội không chỉ nắm những chức vụ cao cấp và các nghị trình làm việc của mỗi viện, mà còn chiếm đa số trong hầu hết các ủy ban, tiểu ban và chức chủ tịch của các ủy ban, tiểu ban này. Trong trường hợp đảng cầm quyền nắm cơ quan hành pháp nhưng lại không có đủ đa số ghế ở quốc hội, đảng chiếm đa số ghế ở quốc hội khi đó đóng vai trò thực sự trong cơ chế “kiềm chế - đối trọng” đối với đảng cầm quyền. Với sự đồng thuận và đoàn kết trong đảng, đảng đa số ở quốc hội có thể trì hoãn hoặc không thông qua dự án luật, chính sách của đảng cầm quyền, hoặc có thể buộc đảng cầm quyền phải có những thỏa hiệp về các vấn đề chính sách. Từ đó làm cho quá trình chính sách được phản biện, thẩm định một cách chặt chẽ hơn.

Quan hệ giữa đảng cầm quyền với cơ quan hành pháp

Trong hệ thống nghị viện, đảng chiếm đa số hoặc liên minh đa số sau cuộc bầu cử nghị viện sẽ đứng ra thành lập chính phủ. Thường thì thủ lĩnh của đảng chiếm đa số sẽ trở thành thủ tướng chính phủ, các thành viên cao cấp sẽ trở thành bộ trưởng trong nội các của chính phủ. Ngoài ra, thủ tướng còn bổ nhiệm các chức danh quyền lực cao cấp khác trong bộ máy nhà nước. Như vậy, có sự thống nhất giữa đảng chiếm đa số trong quốc hội và đảng kiểm soát hành pháp, làm cho quá trình chính sách của các đảng cầm quyền trở nên thuận lợi hơn, bởi vì mỗi chính sách mà thủ tướng đề xuất đều có đa số nghị sĩ là người của đảng ở nghị viện ủng hộ. Mặt khác, do lãnh tụ đảng đồng thời cũng là thủ tướng, nên trong các vấn đề chính sách giữa đảng và chính phủ sẽ tạo sự nhất quán.

Ở vị trí cầm quyền, đảng cầm quyền đều sắp xếp tổ chức của chính phủ. Sức mạnh của đảng đối với xã hội và quốc gia thể hiện ở mức độ chi phối chính phủ của đảng. Nếu đảng có đủ đa số ghế ở nghị viện để lập chính phủ, đảng dễ dàng chi phối chính phủ hơn so với đảng thiểu số cần có sự liên minh và phải thỏa hiệp với đảng khác để tạo ra liên minh cầm quyền. Do đó, sự chi phối của đảng đối với chính phủ cũng giảm đi. Đảng chi phối chính phủ bằng cách đưa đảng viên của mình vào giữ các vị trí trong chính phủ. Đây là cách thức tác động chủ yếu của đảng tới chính phủ. Sự chi phối của đảng đối với đảng viên giữ cương vị trong chính phủ thể hiện ở lòng trung thành của người đó, và đảng là chỗ dựa để người đó tiếp tục được ứng cử và trọng dụng trong tương lai. Thông thường, có sự nhất thể hóa chức vụ lãnh tụ đảng với chức vụ lãnh đạo chính phủ khi đảng giành được quyền thành lập chính phủ.

Trong mô hình tổng thống hỗn hợp, tổng thống luôn là người đứng đầu cơ quan hành pháp, đồng thời là người đứng đầu đảng thắng cử. Sau khi được bầu, tổng thống có toàn quyền bổ nhiệm các thành viên nội các là người của đảng mình. Đối với các vấn đề chính sách, do các đề xuất của tổng thống đều cần có sự ủng hộ của quốc hội và ngược lại, các dự luật được thông qua ở quốc hội đều cần có sự phê chuẩn của tổng thống để trở thành luật, nên sự phối hợp giữa tổng thống với tư cách là người đứng đầu một đảng với các đảng viên của mình trong quốc hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, với tư cách là nguyên thủ quốc gia, đại diện cho toàn thể nhân dân, mức độ thể hiện lợi ích đảng phái của tổng thống sẽ không mạnh mẽ như được thể hiện trong tổ chức và hoạt động của các nghị sĩ của đảng trong quốc hội.

Có thể nói, khi đảng của tổng thống cũng là đảng chiếm đa số trong quốc hội, thì quá trình thông qua chính sách không chỉ trở nên thuận lợi hơn, mà nó còn hình thành các cơ chế hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp và hành pháp nhằm tạo ra các đạo luật, các hiệp ước hay các kế hoạch ngân sách… Tuy nhiên, trong khi đảng là công cụ hữu hiệu mà tổng thống có thể sử dụng để lãnh đạo Quốc hội, thì trên thực tế, kênh lãnh đạo này lại không được quan tâm phát triển và cũng không được đánh giá cao.

Quan hệ giữa đảng cầm quyền với cơ quan tư pháp

Trong các lý thuyết về quyền lực chính trị và tổ chức quyền lực nhà nước, cơ quan tư pháp là một nhánh quyền lực đặc biệt và quan trọng trong việc thực hiện chức năng xét xử, bảo vệ công lý, công bằng, tự do và các quyền con người, quyền công dân… Nhằm thực hiện được chức năng của mình, nguyên tắc quan trọng nhất là tòa án phải độc lập xét xử, chỉ tuân thủ theo luật để tránh sự ảnh hưởng từ các quyền lực khác trong xã hội, nhất là quyền lực từ phía lập pháp và hành pháp. Để đảm bảo nguyên tắc này trên thực tế, cần phải loại bỏ các ảnh hưởng không chỉ từ lập pháp, hành pháp mà còn từ các đảng phái, tổ chức, nhóm trong xã hội.

Việc hình thành cơ quan tư pháp phải tuân theo các quy trình, thủ tục phức tạp nhằm không chỉ tránh sự chi phối, ảnh hưởng của một lực lượng nào đó đối với cơ quan này mà còn hình thành được đội ngũ thẩm phán có năng lực chuyên môn và chuẩn mực đạo đức. Ở hầu hết các nước phát triển, cả cơ quan lập pháp và hành pháp đều tham gia vào quá trình bổ nhiệm thẩm phán, cùng với quy định về chế độ bổ nhiệm suốt đời hoặc nhiệm kỳ dài hạn không trùng với nhiệm kỳ của cơ quan lập pháp hay hành pháp. Với quy định này, các đảng chính trị, ngay cả đảng cầm quyền cũng khó tác động đến nhân sự của cơ quan tư pháp cũng như các ảnh hưởng theo lợi ích chính trị đảng phái. Chỉ khi khuyết vị trí thẩm phán nào đó, đảng cầm quyền có quyền tiến hành quy trình, thủ tục để bổ nhiệm vị trí thẩm phán đó, nhưng phải có sự phê chuẩn của cơ quan lập pháp theo quy định. Đảng cầm quyền khi đó có lợi thế hơn trong việc lựa chọn thẩm phán có khuynh hướng tư tưởng, quan điểm chính trị hay các giá trị, chuẩn mực gần với đảng hơn.

Việc các đảng chính trị, nhất là đảng cầm quyền hoặc các đảng viên của đảng nắm giữ các vị trí quan trọng của nhà nước sử dụng sức mạnh, ảnh hưởng để tác động đến cơ quan tư pháp một cách bất hợp pháp, nếu bị phát hiện sẽ xử lý theo pháp luật, nhưng điều quan trọng sẽ làm hủy hoại danh tiếng của đảng trước cử tri, người dân. Bên cạnh các yếu tố trên, chế độ lương cao cùng với sự tôn vinh của xã hội đối với các thẩm phán xét xử công minh, bảo vệ công lý trong xã hội, dám đương đầu với các thế lực mạnh trong xã hội cũng là một yếu tố củng cố, giúp cho việc đảm bảo tính độc lập xét xử của tòa án trên thực tế.

Một số phương thức quan hệ giữa đảng cầm quyền với nhà nước

- Phương thức cầm quyền cơ bản: ở các nước phương Tây theo thể chế dân chủ, bầu cử tự do, công bằng, minh bạch để bầu ra các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cũng như các cơ quan khác của bộ máy quyền lực nhà nước là một trong năm tiêu chí cơ bản của dân chủ. Tuy nhiên, việc bầu cử tự do dân chủ cũng chịu nhiều hạn chế, do đó mỗi công dân không dễ dàng thực hiện quyền bầu cử của mình. Có nhiều nguyên nhân như dân số quá đông, hoàn cảnh cư trú và địa lý, chi phí... cho nên không phải lúc nào và việc gì cá nhân công dân cũng có thể trực tiếp tham gia. Do đó, chỉ được dùng trong một vài trường hợp ở một số quốc gia, như trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp, gia nhập tổ chức Liên minh châu Âu... do Hiến pháp quy định. Để thực thi quyền dân chủ, các quốc gia phương Tây đưa ra sáng kiến về chế độ dân chủ đại nghị với hạt nhân là công chúng bầu ra đại biểu của mình. Ngày nay, dưới chế độ dân chủ đại nghị, bầu cử là hình thức phổ biến nhất, công bằng nhất và cũng được dân chúng dễ chấp nhận nhất (nhưng không phải là phương thức duy nhất đúng). Trong bầu cử, các công dân sử dụng hình thức bỏ phiếu, căn cứ vào kết quả phiếu bầu mà chọn ra đại biểu (dân biểu), giao cho họ thẩm quyền để thể hiện mối quan hệ ủy quyền giữa quyền lực của chủ thể (nhân dân) và quyền lực của đại biểu.

- Tác động đến hoạt động của bộ máy nhà nước: đối với chính phủ, khi một đảng chính trị thắng cử và trở thành đảng cầm quyền sẽ khống chế chính phủ và thực thi quyền lực, chi phối, ảnh hưởng tới hoạt động của chính phủ, đây là mục tiêu sống còn của mỗi đảng chính trị khi giành được quyền lực. Để khống chế chính phủ, kiểm soát quyền lực, đảng cầm quyền ở các nước phương Tây thực hiện nhiều phương thức khác nhau như:

Thứ nhất, tìm cách chi phối chính phủ ở mức cao nhất có thể được, nên ngay khi giành được quyền thành lập chính phủ, đảng đã thực hiện sắp xếp và tổ chức lại hoàn toàn hoạt động của chính phủ mới, cải tổ mô hình chính phủ hợp lý, phù hợp với mục tiêu, lý tưởng của đảng, thực thi những chủ trương, chính sách mà đảng đã đề ra trong chương trình tranh cử, như sáp nhập một số bộ, thành lập bộ mới… trên cơ sở đảm bảo những lợi ích của đảng và xã hội.

Thứ hai, ngay sau khi giành thắng lợi, một trong những công việc quan trọng hàng đầu của đảng là chuẩn bị nhân sự chính phủ mới, thành lập nội các, đưa những đảng viên ưu tú của đảng mình và các thành viên trong liên minh đảng (khi có liên minh đảng cầm quyền) vào các vị trí trọng yếu, có vai trò then chốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành chính phủ (thủ tướng, các bộ trưởng, quốc vụ khanh…) để thực thi, chi phối quyền hành pháp. Đây là một trong những phương thức rất cơ bản của các đảng cầm quyền và được thực hiện ngay khi đảng thắng cử, vì sau khi chính phủ mới được thành lập thì đảng không thể tiếp tục lấy danh nghĩa riêng của đảng mình để điều hành đất nước, bởi khi đó mọi hoạt động của chính phủ phải đảm bảo đại diện cho quyền lợi của toàn thể công dân và xã hội. Đảng cầm quyền khi đó là chỗ dựa, ủng hộ cho các đảng viên của mình hoàn thành nhiệm vụ trong chính phủ, để vừa nâng cao uy tín cho đảng trong xã hội, và phát huy được năng lực cá nhân, tạo điều kiện cho các đảng viên phát triển hơn nữa trong tương lai.

Thứ ba, đảng cầm quyền lãnh đạo, điều hành những công việc chung của đất nước, đó là những vấn đề vĩ mô thông qua chủ trương, đường lối, phương hướng phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực và qua từng giai đoạn. Các đảng viên được đảng mình đưa vào các vị trí lãnh đạo, điều hành hoạt động của nhà nước có trách nhiệm xử lý các vấn đề cụ thể như kinh tế, ngoại giao, quốc phòng… với tư cách là những nhà quản lý đại diện cho chính quyền đối với toàn xã hội. Mỗi đảng chính trị đều chỉ đại diện cho lợi ích của một bộ phận trong xã hội, nhưng trở thành đảng cầm quyền thì phải thực thi quyền lực nhà nước, quyền lực công, tức là phải đảm bảo lợi ích chung cho toàn xã hội. Khi đó đảng cầm quyền vừa phải đảm bảo lợi ích của đảng mình, nhưng đồng thời phải đảm bảo lợi ích của toàn xã hội. Việc này đòi hỏi đảng cầm quyền phải thể hiện được sức mạnh, có năng lực, hiệu quả thực thi quyền lực, nếu không đảng đó sẽ mất uy tín, đảng trở nên bị suy yếu vì không chi phối được tích cực, hiệu quả lên chính phủ.

- Là công cụ giúp cân bằng quyền lực nhà nước: thực tiễn hoạt động của đảng cầm quyền ở các nước phương Tây, đặc biệt là tại Cộng hòa Pháp cho thấy, trong quá trình nắm quyền điều hành hoạt động của nhà nước, đảng cầm quyền (hoặc liên minh đảng cầm quyền) luôn có những cách tiếp cận khác nhau đối với các lực lượng đối lập, các đảng đối lập, đặc biệt phải lắng nghe, sẵn sàng tiếp thu những phê bình, chỉ trích, kể cả sáng kiến có giá trị, để vừa điều hành hoạt động nhà nước hiệu quả hơn, vừa giữ và nâng cao uy tín cũng như sức mạnh của đảng cầm quyền. Một đảng cầm quyền khôn khéo là một đảng luôn phải biết vừa hợp tác vừa cạnh tranh với đảng đối lập.

3. Giá trị tham chiếu đối với Việt Nam

Một là, tiếp tục đổi mới nhận thức và bổ sung lý luận về mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước: xuất phát từ thực tế mỗi quốc gia có những đặc thù khác nhau, qua nghiên cứu mô hình chính trị của một số nước phương Tây, cần ưu tiên nâng cao nhận thức đúng về mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước trong tình hình mới cho đội ngũ làm công tác tổ chức, hoạch định cơ chế, chính sách trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay.

Hai là, cần phân định rõ quyền lãnh đạo của Đảng đối với quyền quản lý, điều hành của Nhà nước và các cơ quan nhà nước: cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước, nhất là thiết chế nhà nước (Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, cơ quan tư pháp); vấn đề phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; cấp ủy bao biện làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước. Vì vậy, cần làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ với ban cán sự đảng của bộ, ngành; quan hệ giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ với Thường trực Chính phủ, với tập thể Chính phủ; mối quan hệ giữa ban cán sự đảng của bộ, ngành với lãnh đạo bộ, ngành, với đảng ủy bộ, ngành.

Đồng thời, bố trí đảng viên vào bộ máy nhà nước để lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, các cơ quan ngang bộ ở Trung ương là vấn đề rất quan trọng nhằm phát huy tốt vai trò và trách nhiệm cá nhân của đảng viên giữ những vị trí chủ chốt trong Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ. Do đó, cần lựa chọn đúng và bố trí đúng những đảng viên vừa có năng lực lãnh đạo chính trị, vừa có năng lực quản lý nhà nước, quản lý hành chính; có cơ chế, quy chế phát huy cao độ trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành, nhất là trong công tác cán bộ; cần xác định rõ mối quan hệ giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ với các ban, ngành Trung ương trong việc đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ thuộc chính quyền.

Ba là, xây dựng và thể chế hóa các mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước theo nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: đối với Việt Nam, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã bao hàm sự thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước, bởi vì nếu không đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì Nhà nước không phải là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, không phải là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Về cơ bản, cần giải quyết tốt một số nội dung trong mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, như xây dựng và thể chế hóa các mối quan hệ công tác giữa hai chủ thể này; giải quyết những bất cập, hạn chế trong quan hệ giữa Đảng với Chính phủ và cơ quan tư pháp thông qua việc phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Bởi thực tế, Chính phủ và các cơ quan tư pháp là cơ quan do Quốc hội bầu ra để giúp Quốc hội quản lý về mặt hành chính và tư pháp. Theo trật tự quyền lực này thì sự lãnh đạo của Đảng thông qua Quốc hội có quyền bãi miễn các chức vụ trong Chính phủ và các cơ quan tư pháp nếu vi phạm pháp luật mà chưa cần đến sự can thiệp trực tiếp của các cơ quan Đảng; cần tuân thủ nguyên tắc “pháp quyền” trong mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, bởi vì mọi hoạt động và quan hệ xã hội của Đảng, Nhà nước cần tuân thủ sự điều chỉnh của pháp luật, khắc phục tình trạng cơ quan Đảng can thiệp vào các sự vụ, vào các hoạt động tư pháp.

Dù ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đảng chính trị muốn trở thành đảng cầm quyền thì phải thuyết phục và được sự ủng hộ của đa số quần chúng; phải tiến hành thông qua cuộc bầu cử. Đặc biệt, bản chất của một nền dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng hay chế độ một đảng, mà phụ thuộc vào việc đảng cầm quyền đại diện cho lợi ích của ai, sử dụng quyền lực nhà nước vào những mục đích gì. Đồng thời, sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia cũng không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay nhiều đảng, mà phụ thuộc vào tính khoa học, sáng tạo của đường lối phát triển đất nước và năng lực lãnh đạo của Đảng cầm quyền, năng lực điều hành của Nhà nước; vào hiệu quả xử lý trên thực tế mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước.


1, 2, 3, 4. Mô thức quan hệ giữa đảng cầm quyền với nhà nước ở một số quốc gia trên thế giới, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, tr. 16, 33, 37, 39.

Theo Tạp chí điện tử Tổ chức Nhà nước

Phạm Hương tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin