C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đầu tiên nêu ra khái niệm “đạo đức vô sản”. V.I.Lênin là người đầu tiên nêu ra khái niệm “đạo đức cộng sản”. Trên cơ sở kế thừa và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và quan niệm về đạo đức nói riêng, Hồ Chí Minh là người đầu tiên nêu ra khái niệm “đạo đức mới - đạo đức cách mạng”. Theo cách diễn đạt của Hồ Chí Minh, đạo đức mới chính là đạo đức cách mạng, Người dùng từ “đạo đức mới” để phân biệt với đạo đức của xã hội cũ. Người cũng chỉ ra sự khác nhau căn bản giữa đạo đức cũ và đạo đức mới: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngẩng lên trời”1. Sự khác nhau căn bản đó là vì, đạo đức cũ do giai cấp thống trị ở địa vị ông chủ đặt ra và bắt các thần dân, những người đầy tớ phải thực hiện, còn đạo đức mới là đạo đức của giai cấp công nhân, đại diện cho toàn thể nhân dân lao động.
Đạo đức mới thể hiện sự thống nhất căn bản về lợi ích vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân lao động mà những người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu thực hiện. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”2. Hồ Chí Minh coi đạo đức mới - đạo đức cách mạng là “gốc”, là “nền tảng” của người cách mạng, từ cái “gốc” này giúp người cách mạng trưởng thành, xây dựng niềm tin sắt đá vào tương lai.
Từ góc độ giá trị ta thấy, sự thống nhất giữa phẩm chất chính trị, năng lực công tác và phẩm chất đạo đức là đặc trưng cơ bản của đạo đức mới. Hồ Chí Minh khẳng định: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp gì được ai”3. Con người mới phải có cả đức và tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Tiếp cận đạo đức mới dưới góc độ chức năng xã hội thì chức năng cơ bản nhất là điều chỉnh hành vi cải tạo xã hội. Có thể nói, đạo đức mới là cơ sở bảo đảm cho hoạt động cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới thành công.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, rèn luyện đạo đức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, cần tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
Một là, trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của nhân dân
Trung với nước là trung thành vô hạn với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước, làm cho đất nước “sánh vai với cường quốc năm châu”. Nước là của dân, dân là chủ đất nước, trung với nước còn là trung với nhân dân, vì lợi ích của nhân dân.
Hiếu với dân nghĩa là người cán bộ lãnh đạo, quản lý “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải “tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, Hồ Chí Minh còn đặt ra yêu cầu cao hơn: tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Trong giai đoạn hiện nay, chuẩn mực “trung với nước, hiếu với dân” của người cán bộ lãnh đạo, quản lý là trung thành tuyệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, nền văn hóa, bảo vệ Đảng, chế độ, nhân dân và sự nghiệp đổi mới, bảo vệ lợi ích của đất nước. Tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, giải quyết kịp thời những yêu cầu, kiến nghị hợp tình hợp lý của nhân dân; khắc phục thái độ vô cảm, lãnh đạm, thờ ơ trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Có ý chí vươn lên quyết tâm vượt qua nghèo nàn, lạc hậu, giữ gìn đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong Đảng, trong cơ quan, đơn vị.
Có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc, lương tâm nghề nghiệp trong sáng; quyết tâm phấn đấu để thành đạt và cống hiến nhiều nhất cho đất nước; ham học hỏi, cầu tiến; biết vận dụng tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, có sáng kiến trong sản xuất, công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trung với nước, hiếu với dân ngày nay đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ cá nhân - gia đình - tập thể - xã hội; quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi. Nghĩa là, sẵn sàng vì lợi ích chung, vì tập thể, vì đất nước, vì nhân dân, nêu cao trách nhiệm của người lãnh đạo, không tham lam, vụ lợi, vun vén cá nhân…
Hai là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là mối quan hệ “với tự mình”. Hồ Chí Minh quan niệm cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính của con người, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Người cán bộ nếu không có các đức đó thì “dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”4. Như vậy, cần, kiệm, liêm, chính, theo Hồ Chí Minh, là những phẩm chất cốt lõi quyết định nhân cách của người cán bộ cách mạng, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Do đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải trau dồi bốn đức ấy, mọi biểu hiện xa rời bốn đức đều trở thành những kẻ không có lương tâm. Thiếu lương tâm thì “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý cần nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư trong mọi hoàn cảnh, giai đoạn.
Ba là, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức
Sinh thời, Hồ Chí Minh là chuẩn mực tuyệt vời, tấm gương sáng ngời về nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn. Trong giai đoạn hiện nay, sự thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước, phần lớn là do cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, cán bộ phải cố gắng hơn mọi người, để làm kiểu mẫu cho mọi người, nói phải đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức.
Bốn là, phải tu dưỡng đạo đức suốt đời
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đạo đức không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”5. Cuộc sống luôn vận động, biến đổi không ngừng. Hôm nay có thể vĩ đại, nhưng ngày mai có thể biến chất, thoái hóa hư hỏng nếu không tu dưỡng thường xuyên. Chính vì vậy, xây dựng đạo đức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là công việc thường xuyên, bền bỉ, kiên trì suốt đời và ở mọi lúc, mọi nơi.
Năm là, xây đi đôi với chống
Trong xã hội hiện nay, những hiện tượng tốt xấu, đúng sai vẫn tồn tại, đan xen. Tuy nhiên, cái tốt vẫn là dòng chủ đạo, nhưng cái xấu đang có nguy cơ lây lan, phát triển. Muốn phát triển cái tốt, ngăn chặn cái xấu, Hồ Chí Minh đòi hỏi phải “xây” đi đôi với “chống”, trong đó lấy “xây” là chính.
Theo Hồ Chí Minh, “xây” là xây dựng, học tập, tu dưỡng, rèn luyện những phẩm chất đạo đức cách mạng; xây dựng chủ nghĩa tập thể, xây và nêu những tấm gương về đạo đức, những điển hình “người tốt, việc tốt”, xây dựng tinh thần phụng sự Đảng, phụng sự Tổ quốc. Xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, sự đoàn kết trong tổ chức, trong nhân dân.
“Chống” là chống chủ nghĩa cá nhân, chống quan liêu, tham ô, lãng phí, chống thói “quan cách mạng”, chống kiêu ngạo, vô tổ chức, vô kỷ luật, mất đoàn kết. Muốn “xây” và “chống” có kết quả phải kiên trì, kiên quyết, tạo được phong trào cách mạng sâu rộng, thiết thực, hiệu quả trong quần chúng.
Hiện nay, xây dựng đạo đức mới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, phải vận dụng sáng tạo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, ra sức rèn luyện, bồi dưỡng, học tập.
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 320-321.
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.9, tr. 252.
3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 236.
4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 104.
5. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.9, tr. 293.
TS. Nguyễn Thị Phương Thảo
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh