Sách nói sẽ tiếp tục phát triển mạnh
Tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 38.029 bản (tăng 15,42% so với năm 2021), với 598.938.423 bản (tăng 49,5%). Trong đó: Xuất bản phẩm dạng sách in đạt 32.645 cuốn (tăng 11,5%), với 539.937.271 bản (tăng 54,2%); xuất bản phẩm dạng điện tử là 3.350 bản (tăng 45,6%), với ước tính khoảng 32.500.000 bản (tăng 30%).
Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành được đẩy mạnh. Đến nay, đã có 19 nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản ấn phẩm điện tử (tăng 72,7% so với năm 2021), góp phần đưa số lượng đầu sách điện tử tăng gần 1,5 lần. Riêng trong năm 2022, có 8 Nhà xuất bản được xác nhận hoạt động xuất bản phẩm điện tử.
Đặc biệt, một số đầu sách có lượt bạn nghe trên 1 triệu, như: Đắc nhân tâm, Sức mạnh tiềm thức, Biểu tượng thất truyền, 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu, Ngồi khóc trên cây, Hành trình về phương Đông…
Trong bức tranh chung của xuất bản phẩm điện tử, sách nói đang có sự vượt trội.
Cuối tháng 11/2022, Ứng dụng sách nói Fonos đã huy động được 1,8 triệu USD trong vòng gọi vốn Pre-Series A do Công ty Truyền thông và Công nghệ Hoa Kỳ VC North Base Media dẫn đầu. Còn ứng dụng sách nói Voiz FM bắt đầu hoạt động thí điểm vào tháng 9-2019, đến năm 2021 đạt đến điểm hòa vốn. Hiện Voiz FM đã có gần 2 triệu người dùng trên cả 2 nền tảng Apple và Google.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho rằng, trong bức tranh chung của xuất bản phẩm điện tử, sách nói đang có sự vượt trội. Hiện có 4 đơn vị chính thực hiện việc đăng ký, giúp cho thị trường sách nói phát triển mạnh mẽ, gồm: Voiz FM, Fonos, WAKA, REAVOL. Sách nói không phải là câu chuyện của Việt Nam mà là xu hướng phát triển của thế giới. Hiện nay, ở rất nhiều nước, thị trường sách nói tăng trưởng trên 200%/năm.
Bản thân các đơn vị trong ngành cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó có xuất bản phẩm điện tử. Các đơn vị đều hiểu rằng, đây là lối đi, là giải pháp không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, căn cơ cho sự phát triển và tồn tại của chính đơn vị.
“Khi nhiều đơn vị tham gia, các thị trường nói chung, thị trường sách điện tử - trong đó có sách nói nói riêng, lại tiếp tục mở rộng, sản phẩm đa dạng hơn, thị trường sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng bạn đọc hơn. Tôi tin thị trường sách điện tử nói chung, sách nói nói riêng sẽ tiếp tục phát triển mạnh”, ông Nguyễn Nguyên cho biết.
Theo ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Voiz FM, để thị trường sách nói ở Việt Nam có thể đi xa, phát triển hơn nữa, đã đến lúc cần sự chung tay của các đơn vị xuất bản, phát hành.
“Chúng ta có thể bắt đầu nghĩ đến việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo như các thị trường phát triển ở nước ngoài. Ở đó, các đơn vị nắm bản quyền sẽ chủ động sản xuất các tựa sách với đầy đủ định dạng, từ sách giấy, sách điện tử cho đến sách nói để gia tăng sự đa dạng. Các nền tảng như Voiz FM sẽ tập trung vào phần phát hành và công nghệ để gia tăng trải nghiệm cho người dùng”, ông Lê Hoàng Thạch đề xuất.
Nhiều cơ hội cho ngành in
Giống như xuất bản và phát hành, năm qua, ngành in cũng phải đứng trước nhiều thách thức, nhất là những tháng đầu năm 2022, không đủ nguyên liệu cho sản xuất, nguồn cung vật tư chính như giấy, kẽm, mực đều tăng, giá các loại sản phẩm giấy in tăng cao 14,6% - 30,8%, nhất là vật tư keo tăng rất cao 50% - 70%. Mặc dù vậy, bằng nỗ lực của mình, năm 2022, doanh thu toàn ngành vẫn đạt con số ấn tượng với hơn 93.000 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2021).
Với sự phát triển của công nghệ, hiện nay ngành in cơ bản đã chuyển sang công nghệ in hiện đại trong tất cả các công đoạn của sản xuất in. Quá trình chế bản cơ bản đã được số hóa 100% với công nghệ CTP (Computer To Plate) cho in offset, ống đồng và in flexo.
Ngoài 2 trung tâm in lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đã có thêm một số khu vực trọng điểm in có công suất tương đối lớn (như Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh), thu hút được nhiều nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó có dòng vốn FDI.
Nhiều doanh nghiệp in đã nhập các thiết bị máy móc hiện đại, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường
PGS.TS. Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, Chủ tịch Hội In Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, cần thiết phải phát triển cụm ngành in và vai trò của ngành công nghiệp in nhằm nâng cao vị thế của ngành trong nền kinh tế Việt Nam. Khi có cụm công nghiệp gồm các nhà in, nhà cung cấp các dịch vụ, nhà cung cấp vật tư được chuyên môn hóa thì sẽ giảm thiểu quá trình di chuyển, gia công nhiều công đoạn và tận dụng được thế mạnh chuyên nghiệp của từng nhà in.
Thực tế cho thấy, ngành in có mối liên hệ mật thiết với các ngành dệt may, da giày, giấy - bao bì và được xem là ngành hỗ trợ trực tiếp cho dịch vụ kinh doanh, giáo dục, tài chính.
Do vậy, theo ông Ngô Anh Tuấn: “Ngành in nếu không có chiến lược phát triển phù hợp sẽ bị co cụm lại thành cụm ngành nội địa với các yêu cầu kỹ thuật trung bình và chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa - vốn đã bão hòa và cạnh tranh gay gắt, trong khi mở toang cánh cửa cụm ngành thương mại cho các công ty in nước ngoài - vốn đã có nhiều ưu thế tại thị trường Việt Nam”.
* PGS.TS. Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội In Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam:
Mở rộng thị trường in xuất khẩu
Ngành in xếp hạng thứ 29 trong danh sách các ngành tạo ra nhiều việc làm và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân bởi tính ổn định và không gian phát triển của ngành. Tuy ngành in chưa được coi là ngành chiến lược, nhưng lại có một không gian phát triển rộng lớn nếu được quan tâm và đầu tư đúng mức.
Việc mở rộng và phát triển thị trường in xuất khẩu chắc chắn sẽ làm tăng vị thế của ngành công nghiệp in trong nền kinh tế quốc dân. Thị trường in xuất khẩu có nhiều cơ hội cùng với đà phát triển của kinh tế Việt Nam, nhưng kèm theo nó là nhiều thách thức.
Nếu chúng ta không nâng tầm lên ngang bằng những công ty đa quốc gia, hoặc ít nhất đáp ứng yêu cầu tương đối của các nhà sản xuất nước ngoài tại Việt Nam, thì có nguy cơ thị trường bị chiếm lĩnh bởi các công ty này.
* Bà Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật:
Sách tinh gọn giúp bạn đọc tiếp cận sách giấy
Hiện nay, độc giả đang rất quan tâm đến sách tinh gọn và sách thường thức. Họ có nhu cầu trải nghiệm, tiếp nhận kiến thức với nhiều loại hình khác nhau như sách giấy, sách điện tử, sách nói…
Muốn có thêm nhiều độc giả thì cần phải đáp ứng nhu cầu, mở rộng đối tượng đọc và tìm hiểu về sách. Làm sách tinh gọn là cách để giúp bạn đọc tiếp cận với sách một cách dễ dàng hơn, từ đó khơi gợi sự quan tâm của họ.
Hiện tại, nếu chỉ có mỗi Nhà xuất bản đứng ra làm sách tinh gọn thì sự lan tỏa của loại sách này sẽ không mạnh mẽ, không thu hút được sự đồng hành của các đơn vị xuất bản. Khi có những công ty xuất bản cùng làm thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Để tránh vi phạm bản quyền tác giả, các đơn vị xuất bản và công ty sách nên phối hợp với Nhà xuất bản để làm dạng sách tinh gọn.
* Ông Trần Tấn Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần In khuyến học phía Nam:
Thiếu hụt công nhân lành nghề
Một thực tế trong ngành in hiện nay là thu nhập của doanh nghiệp thấp, dẫn đến thu nhập của công nhân thấp. Khi thu nhập không đảm bảo được nhu cầu, công nhân dễ bỏ việc, dễ bị thu hút từ các ngành nghề khác.
Gần đây đã có hiện tượng công nhân ngành in bỏ việc, sang nơi khác làm việc, hay bỏ nghề chuyển sang nghề khác đơn giản, vừa dễ làm vừa dễ kiếm được thu nhập tốt hơn.
Trong khi đó, lực lượng lao động đã qua đào tạo từ các trường đại học, trung cấp, trường nghề… còn quá ít, khó tiếp cận và khó tuyển chọn. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp in hiện nay thiếu hụt công nhân lành nghề khá nhiều, phải liên tục tuyển dụng từ nhiều nguồn tự đào tạo để duy trì hoạt động.
Thực tế này đặt ra yêu cầu cần sự hỗ trợ từ tổ chức hiệp hội nghề trong việc xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện về đào tạo nhân lực ngành in; thông qua việc xây dựng quỹ đào tạo, liên kết các tổ chức đào tạo để huấn luyện căn bản trong ngắn hạn và nâng cao trong dài hạn nhằm tạo nguồn nhân lực mới cho các doanh nghiệp in.
Theo Báo Sài Gòn Giải phóng
Lưu Thị Thảo Tổng hợp