Nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nguyễn Thu Hằng

CT&PT - Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có biểu hiện “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(1). Theo đó, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó nâng cao chất lượng việc học tập tập lý luận chính trị là việc làm vô cùng cấp thiết, góp phần giữ vững tư tưởng chính trị, tích cực vận dụng thiết thực vào hoạt động, công tác với tư cách là “cẩm nang” định hướng giải quyết các vấn đề thực tiễn nảy sinh.

Lý luận chính trị là hệ thống tri thức lý luận trong lĩnh vực chính trị, phản ánh mối quan hệ giữa các giai cấp trong việc giành và giữ quyền lực nhà nước; thể hiện quan điểm, lập trường, thái độ, lợi ích của các giai cấp đối với quyền lực nhà nước trong xã hội có giai cấp. Lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là hệ thống tri thức lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống văn hóa của dân tộc; là chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Lý luận chính trị có vai trò vô cùng quan trọng, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy khoa học, có phương pháp làm việc biện chứng; có phương thức lãnh đạo và tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… phù hợp với quy luật khách quan. Việc học tập lý luận chính trị không chỉ giúp cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng hiệu quả tri thức lý luận trong giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, mà còn là “cẩm nang” giúp cán bộ, đảng viên đi sâu vào quần chúng, gần dân, hiểu dân và trọng dân, trở thành người lãnh đạo gương mẫu, công bộc của nhân dân.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tích cực học tập lý luận chính trị, thậm chí không ít người có biểu hiện xem nhẹ và lười học tập lý luận chính trị. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ, cán bộ, đảng viên có biểu hiện: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”2; “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu”3. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tu dưỡng, rèn luyện và kết quả công tác của mỗi cán bộ, đảng viên, thậm chí tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

1. Nhận diện thực trạng lười học tập lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên

Một là, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa có ý thức và thái độ tích cực đối với lý luận chính trị và việc học tập lý luận chính trị, dẫn đến lười học tập lý luận chính trị. Họ cho rằng, việc lý luận chính trị là những điều vô bổ, “thà để thời gian đó làm những việc khác ích nước, lợi nhà, mang lại hiệu quả kinh tế, thay vì ngồi nghe những điều vô bổ, khẩu hiệu sáo rỗng từ những người làm công tác tuyên truyền một chiều”. Từ đó dẫn đến suy nghĩ và hành vi tiêu cực đối với lý luận chính trị và việc học tập lý luận chính trị.

Hai là, lười học, lười đọc, lười tìm hiểu, trao đổi và nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn bản, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong các tác phẩm kinh điển, nhất là tác phẩm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phản ánh một cách đầy đủ, trung thực, có hệ thống các phạm trù, khái niệm, quan điểm, quy luật tự nhiên, xã hội và tư duy, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc của phong trào cách mạng thế giới… Lười học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ dẫn đến thiếu hiểu biết lý luận, dễ dao động trong nhận thức, bị tác động, ảnh hưởng bởi các quan điểm, tư tưởng khác, thậm chí trở lại phủ nhận tính đúng đắn trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ba là, lười học tập lý luận chính trị dẫn đến hiểu sai lý luận, coi thường lý luận, cho rằng chỉ cần có trình độ chuyên môn là đủ, sa vào chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa xét lại, không thấy được vai trò của lý luận đối với hoạt động thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “không học lý luận thì chí khí kém cương quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”4. Người cảnh báo: “Lười biếng: Không chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ của mình về chính trị, văn hóa và nghiệp vụ. Do ít hiểu biết về tình hình trong nước và ngoài nước, ít nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cho nên gặp thuận lợi thì dễ lạc quan tếu, gặp khó khăn thì dễ dao động, bi quan, lập trường cách mạng không vững vàng, thiếu tinh thần độc lập suy nghĩ và chủ động sáng tạo. Do đó mà gặp nhiều khó khăn trong công việc, tác dụng lãnh đạo bị hạn chế”5. Từ không hiểu biết dẫn đến hiểu sai, hoặc cố tình xuyên tạc lý luận theo ý kiến chủ quan, từ đó xa rời lý luận, xa rời lý tưởng làm trái quan điểm, đường lối của Đảng, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Bốn là, từ chối, né tránh, trì hoãn, việc học tập lý luận chính trị, học cho có, học chỉ để hoàn thiện văn bằng, chứng chỉ, hồ sơ. Thực tế cho thấy, hiện nay, không ít người vì chức vụ, quyền lực mà đi học với tâm lý chống đối, chiếu lệ, hình thức, học qua loa, đại khái để lấy bằng, sao cho hồ sơ cán bộ bảo đảm “trình độ lý luận chính trị trung cấp”, “trình độ lý luận chính trị cao cấp”, “cử nhân chính trị”. Trong quá trình học tập lại thiếu tập trung, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, không tôn trọng bộ môn và người truyền đạt, vi phạm quy chế đào tạo, quy chế thi cử, sao chép tài liệu một cách máy móc, không đào sâu suy nghĩ thấu đáo.

Năm là, trong thời đại công nghệ số, truyền thông, internet phát triển nhanh, một bộ phận giới trẻ, trong đó có những cán bộ trẻ bị cuốn theo những tiện ích, sự mới mẻ trên không gian mạng, dẫn đến ngại đọc, ngại nghiên cứu sách, giáo trình, nhất là giáo trình lý luận chính trị - tài liệu vốn được xem là trừu tượng, khô khan, thích học, thi, viết theo kiểu “ăn xổi”, “mì ăn liền”, có thái độ hời hợt, lười học tập, dẫn đến tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do cán bộ, đảng viên chưa xác định được mục đích đúng đắn của việc học tập lý luận chính trị, học không vì mục đích tự thân mà vì thăng tiến, học để lấy bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn… Bên cạnh đó, còn do những hạn chế trong công tác giáo dục lý luận. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới…”6. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực để nâng cao học tập lý luận chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

2. Giải pháp nhằm nâng cao học tập lý luận chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Một là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của việc học tập lý luận chính trị. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”7. Cán bộ, đảng viên phải là người nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, xem đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình; khắc phục bệnh lười học tập lý luận chính trị. Từ đó, chủ động, tự giác, tích cực trong học tập, nghiên cứu để đạt kết quả cao trong học tập và lĩnh vực mà mình công tác. Mặt khác, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong sử dụng mạng xã hội, thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm...

Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức, hiểu và xác định việc học tập, bồi dưỡng lý luận vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của bản thân; học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

Hai là, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên làm công tác giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống học viện, nhà trường. “Nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên tuyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”8; “Tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại”9. Theo đó, đội ngũ giảng viên, báo cáo viên phải thường xuyên trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện, thực sự mẫu mực, tiêu biểu, trong sáng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức thực tiễn sâu rộng, phong phú, năng lực sư phạm, phương pháp truyền đạt hấp dẫn để thu hút người học, góp phần khắc phục bệnh lười học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên. Tập trung nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” để đưa vào chương trình giảng dạy lý luận chính trị. Cùng với việc đổi mới, cải tiến nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, cần xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật từng bước hiện đại nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy và học tập lý luận chính trị.

Ba là, phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng trong việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên

Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần đưa nội dung học tập lý luận chính trị vào đánh giá, quản lý cán bộ, đảng viên hằng năm, coi đó là tiêu chí quan trọng đối với công tác cán bộ của Đảng. “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình trạng ngại học, lười học tập lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”10. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị. Theo đó, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Kết luận số 69-KL/TW, ngày 14/4/2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện quy định số 54-QĐ/TW, ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng; Kết luận số 57-KL/TW, ngày 08/3/2013 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 08/02/2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị... bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, tránh tình trạng quán triệt, triển khai qua loa, hình thức, chiếu lệ, xem nhẹ việc học tập lý luận chính trị.

Chủ động xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định, chế độ học tập lý luận chính trị; làm tốt công tác tư tưởng, kịp thời nắm bắt những diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên; chỉ đạo và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; tập trung giải quyết kịp thời các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, không để phát sinh thành điểm nóng, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Kịp thời biểu dương tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị; đồng thời, góp ý, phê bình nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện lơ là, thiếu nghiêm túc trong học tập lý luận chính trị. Căn cứ vào ý thức, trách nhiệm và kết quả học tập lý luận chính trị để đánh giá, xếp loại, phân loại cán bộ, đảng viên và bình xét thi đua khen thưởng hằng năm.

Để việc học tập lý luận chính trị trở thành nhu cầu tự thân, là động lực quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân trước những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Học tập lý luận chính trị là cách để người cán bộ, đảng viên tự đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý theo hướng tích cực, năng động, tiến bộ, thân thiện, gần dân, trọng dân, cùng nhân dân xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.


1, 2, 3, 6. Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 280; t. 14, tr. 29-30.

7, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 237, 236.

8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 181, 182-183.

TS. NGUYỄN ĐÌNH PHONG, TS. NGUYỄN ĐÌNH THÁI

Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin