Một số mô hình phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam

Vũ Thị Kiều Trang

CT&PT - Cuốn sách "Một số mô hình phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam" giới thiệu một số mô hình phát triển văn hóa đọc tiêu biểu ở Việt Nam trong thời gian qua, góp phần lan tỏa và phát triển văn hóa đọc.

Văn hóa đọc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tri thức nói riêng và phát triển xã hội nói chung. Qua sự phát triển của văn hóa đọc có thể thấy sự phát triển của một cộng đồng, quốc gia. Ngày nay, sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã đặt văn hóa đọc trước cả cơ hội lẫn nguy cơ. Con người có cơ hội được tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng với một khối lượng tri thức khổng lồ qua các phương tiện nghe nhìn, nhưng đồng thời cũng bị mai một thói quen đọc sách vốn có. Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của sách và văn hóa đọc, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách, xem việc phát triển văn hóa đọc là động lực, công cụ để thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam; Điều 30 Luật Thư viện năm 2019 quy định “Ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”; Ngày 04/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” vào ngày 21/4 hằng năm nhằm tiếp tục khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng xã hội học tập...

Triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tại các địa phương, nhiều tổ chức, cá nhân đã không ngừng nỗ lực để phát triển văn hóa đọc. Từ các cơ quan chuyên trách như thư viện, nhà xuất bản, đơn vị phát hành đến các đơn vị đặc thù như trường học, doanh nghiệp, đồn biên phòng... cùng rất nhiều các cơ quan, tổ chức đã nỗ lực trong việc cung ứng dịch vụ tiếp cận thông tin, tri thức, tạo môi trường đọc thân thiện với nhiều tiện ích. Nhiều cộng đồng, tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm đã chung tay góp sức để phát triển, lan tỏa văn hóa đọc khắp mọi miền Tổ quốc. Rất nhiều học sinh, sinh viên... và cả các cụ già đã không quản ngại vất vả cùng chung tay tổ chức các hoạt động khuyến đọc tại gia đình và cộng đồng. Nhiều chương trình thiện nguyện gắn với phát triển văn hóa đọc và thúc đẩy học tập suốt đời đã hình thành và được triển khai tạo thêm nhiều cơ hội đọc sách cho bạn đọc khắp mọi miền Tổ quốc.

Với mong muốn góp phần tạo lập và xây dựng thói quen đọc sách; xây dựng môi trường trao đổi học thuật, nâng cao vốn tri thức, hiểu biết trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Một số mô hình phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam nhằm giới thiệu một số mô hình phát triển văn hóa đọc tiêu biểu ở Việt Nam trong những năm vừa qua. Nội dung cuốn sách được kết cấu thành 4 phần: Phần 1: Các mô hình khuyến đọc và phát triển văn hóa đọc ở các tỉnh, thành phố, bộ, ngành trung ương, Phần 2: Các mô hình khuyến đọc tại quận, huyện, xã, phường, thị trấn, Phần 3: Mô hình thư viện, tủ sách thôn, ấp, khu phố và các thư viện, không gian đọc tư nhân, Phần 4: Một số chương trình, câu lạc bộ khuyến đọc.

Đó là những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả mà các thư viện, tổ chức, cá nhân, dòng họ ở nhiều địa phương trên cả nước triển khai tạo ra môi trường đọc thân thiện, tiện ích, tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là những người ở cơ sở, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, có cơ hội học tập suốt đời, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.

KIỀU TRANG

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin