Sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta triển khai quyết liệt, bài bản, đạt hiệu quả rõ rệt, được dư luận xã hội đồng tình, nhân dân ghi nhận. Nhiều vụ đại án về tham nhũng liên quan đến nhiều người, nhiều địa phương, đơn vị (trong đó, có không ít người là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước) được đưa ra ánh sáng, xét xử đúng người, đúng tội, giúp dư luận thấy rõ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là Đảng, Nhà nước ta đã khơi nguồn, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm báo và các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Ðảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân. Hệ thống báo chí, truyền thông từ Trung ương tới địa phương không chỉ góp phần phát hiện, đấu tranh với những vụ việc, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, mà còn phản ánh, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý, giám sát việc thực thi của các cơ quan chức năng; tuyên truyền, cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Xác định công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là hết sức quan trọng, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Bắc Ninh thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện và ban hành các văn bản cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đơn vị đã tổ chức cho 100% cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, qua đó, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, phóng viên, công nhân viên Báo Bắc Ninh. 100% cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Bắc Ninh không có hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Nhằm tuyên truyền hiệu quả về công tác phòng, chống tham nhũng, Báo Bắc Ninh đã phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Tỉnh ủy, các cấp, các ngành liên quan. Các phóng viên bám sát thực tiễn, kịp thời tuyên truyền việc thực hiện phòng, chống tham nhũng, đồng thời phát hiện và phản ánh những vấn đề bức xúc, những việc làm hay, cách làm mới, biểu dương những tấm gương tích cực, phê phán những hành vi tiêu cực trong phòng, chống tham nhũng ở các ngành, địa bàn, cơ quan, đơn vị. Báo Bắc Ninh thường xuyên duy trì chuyên trang, chuyên mục như: “Pháp luật với đời sống”; “An ninh trật tự”; “Ý kiến bạn đọc”; “Bạn đọc viết”; “Ý kiến người sản xuất - tiêu dùng”; “Chuyện làng chuyện phố”; “Câu chuyện pháp luật”; “Chuyện kỳ này”; “Phóng sự điều tra”; “Điều tra theo dấu thư bạn đọc”…
Thông qua các chuyên trang, chuyên mục, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, Báo Bắc Ninh luôn bám sát các sự kiện, phản ánh kịp thời các hiện tượng cũng như làm rõ bản chất của những mâu thuẫn xảy ra trong quá trình đổi mới, đi lên của đất nước và địa phương. Tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật, công tác lãnh đạo, chỉ đạo; kiểm tra, đôn đốc xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân có nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Chỉ tính 2 năm trở lại đây, Báo Bắc Ninh có khoảng gần 400 lượt tin bài đăng tải trên các ấn phẩm của báo về các vấn đề bức xúc, nổi cộm như lĩnh vực đất đai; môi trường; công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng…
Trong các hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh và mỗi địa phương, đội ngũ phóng viên của Báo triển khai cập nhật thông tin nhanh chóng, kịp thời, nêu rõ những ý kiến, kiến nghị, bức xúc của cử tri trên phương tiện truyền thông. Tập trung vào các nhóm vấn đề như: Cử tri phản ánh một số nơi cán bộ xã, thôn mất dân chủ, không công khai minh bạch, không công bằng trong việc thực hiện chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng khu công nghiệp, một số cán bộ đã lợi dụng kê khai để tham nhũng; doanh nghiệp thuê đất kinh doanh nhưng lại bỏ hoang, doanh nghiệp hứa giải quyết việc làm cho con em gia đình có đất bị thu hồi song không thực hiện; hay đường sá giao thông xuống cấp nghiêm trọng, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội vẫn tồn tại… Đồng thời, nhấn mạnh một số giải pháp chủ yếu nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết bức xúc mà cử tri địa phương kiến nghị, phân tích một số kiến nghị chính đáng nhưng chưa có điều kiện để thực hiện ngay.
Tuy nhiên, việc đấu tranh phòng, chống các hiện tượng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên Báo Bắc Ninh vẫn còn nhiều hạn chế. Tỉ lệ tin bài nêu gương điển hình trong phòng, chống tham nhũng và tin bài tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về phòng, chống tham còn thấpĐa số các tác phẩm tuyên truyền chống tiêu cực trên báo là dạng thông tin phản ánh đơn thuần, ít có loạt bài “theo sự việc, sự kiện”, ít bài viết mang tính phân tích, điều tra, bình luận… Công tác tuyên truyền còn mang tính “thời vụ”, khi có những sự kiện liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì tập trung tuyên truyền rầm rộ, khi thì vắng bóng, thưa thớt. Các bài viết còn thiếu tính phát hiện, chưa có tính tổng kết, đề xuất phương hướng giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực một cách triệt để nên hiệu quả chưa cao.
Ở nhiều cơ quan, đơn vị, tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung không thuộc phạm vi bí mật nhà nước còn khá phổ biến, gây khó dễ, ngăn chặn hoạt động tác nghiệp của phóng viên khi tham gia viết về mảng đề tài nhạy cảm này…
Để công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực đạt hiệu quả, trong thời gian tới, Báo Bắc Ninh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên chức và người lao động về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng. Làm cho mọi cán bộ, phóng viên, công nhân viên chức nhận thức đầy đủ, sâu sắc về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Gắn nội dung công tác này với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Yếu tố quyết định đến hiệu quả của truyền thông trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc xây dựng đội ngũ phóng viên, người làm báo có Tâm, có Tầm và có Tài. Báo Bắc Ninh chú trọng đào tạo và đào tạo lại các phóng viên báo chí chuyên sâu về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người cầm bút, với tinh thần làm nghề vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
Hai là, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương. Xác định tuyên truyền, phổ biến có trọng tâm, trọng điểm, thông qua các hình thức hiệu quả, phù hợp với các đối tượng. Có sự giám sát trực tiếp của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh. Chủ động đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng của tỉnh xây dựng cơ chế để báo chí kịp thời nắm bắt thông tin về công tác xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Tích cực phối hợp giữa Báo Bắc Ninh với các cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để thông tin kịp thời, chính xác đến nhân dân về công tác này.
Ba là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, thông tin nhanh, chính xác, đa dạng; chủ động, sáng tạo trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đóng góp tích cực vào định hướng dư luận, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng. Đội ngũ phóng viên không ngừng tự học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nói chung, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nói riêng; tuyên truyền sâu rộng phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII).
Bốn là, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo Bắc Ninh gặp phải không ít khó khăn do thiếu thông tin và cơ chế phối hợp xử lý nên chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân đã phát hiện, cung cấp thông tin. Đề nghị các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tăng cường phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin về những lĩnh vực, địa bàn, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, Ban biên tập có cơ sở định hướng cho phóng viên xây dựng các chuyên đề, phóng sự chuyên sâu về các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Ðiều 4, Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, trong đó có nhiệm vụ “Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”. Như vậy, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí đã được luật hóa. Ðể phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo Đảng địa phương (như Báo Bắc Ninh) trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh cùng các cơ quan hữu quan để Báo Bắc Ninh cũng như đội ngũ nhà báo chủ động tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đào Đình Khoa
Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Ninh