Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Nghệ An

CT&PT - Với mục đích nâng cao đời sống của nhân dân cả về vật chất và tinh thần, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Xây dựng NTM bền vững không chỉ là yêu cầu bức thiết, mà còn là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM ở nước ta hiện nay.

1. Thực trạng xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua

Công tác xây dựng nông thôn mới những năm qua, được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, các tổ chức cơ quan, đoàn thể tập trung tuyên truyền vận động toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Nhờ đó trong năm 2023 đạt đạt những kết quả tích cực.

Tính đến ngày 31/10/2023, toàn tỉnh có thêm 1 xã đã được HĐTĐ tỉnh tổ chức thẩm định, 2 xã đã nộp hồ sơ trình tỉnh thẩm định và công nhận đạt chuẩn NTM năm 2023, 7 xã đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục thẩm tra theo quy định, 35 xã đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục thẩm tra, trình tỉnh thẩm định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục để trình thẩm định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có thêm 28 sản phẩm được công nhận OCOP (tiêu chuẩn 3 sao). Tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 16,87 tiêu chí/xã.

Ước đến hết năm 2024, toàn tỉnh có thêm: 10 xã đạt chuẩn NTM, 35 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Hưng Nguyên). Các xã còn lại được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu; Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2023 đạt khoảng 40,5 triệu đồng/người/năm; Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn; Giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học. Thêm 190 Vườn chuẩn Nông thôn mới; Thêm 15 thôn/bản đạt chuẩn Nông thôn mới; Bình quân đạt 17.00 tiêu chí/xã; Thêm 82 sản phẩm được công nhận OCOP...

Việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong năm 2023 tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn theo hướng khang trang, hiện đại hơn và được cấp ủy, chính quyền các địa phương xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025. UBND tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ  từ cấp tỉnh đến cơ sở, thường xuyên bám sát để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

1637956320766170714-1735603106.jpg
Làm đường giao thông ở xóm Chợ, xã Tri Lễ (Quế Phong).

Tính chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu ở một số địa phương tiếp tục được nâng lên; trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có nhiều bước tiến mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình mới, đã và đang được nhân rộng phát huy hiệu quả, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích không ngừng tăng lên. Kinh tế nông thôn dần chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các làng nghề chế biến nông sản được hình thành và mở rộng, tạo thêm việc làm tại chỗ cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững ở nông thôn nhất là các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhiều địa phương đã quyết tâm, nỗ lực cao trong việc phấn đấu đạt chuẩn thôn/bản NTM, xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và huyện NTM, từ đó tạo động lực lớn để triển khai Chương trình.

Vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn được phát huy, dân chủ ở nông thôn tiếp tục được nâng lên về chất. Ở những nơi xây dựng NTM thành công, niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền được nâng cao.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định: Việc triển khai thực hiện giải ngân nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình trong năm 2023 còn chậm; Viêc triển khai thực hiện hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn cho các địa phương theo Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 còn chậm. Xây dựng NTM chưa đồng đều, nhiều nơi chưa chú trọng đúng mức đến phát triển sản xuất, tạo sinh kế, xây dựng đời sống văn hoá; ô nhiễm môi trường nông thôn ở một số địa phương gia tăng; Tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, còn thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao.

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Nghệ An trong thời gian tới 

Một là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở cấp cơ sở, cấp trực tiếp tổ chức thực hiện. Các sở ngành, địa phương cần nhận thức xây dựng nông thôn mới  là nhiệm vụ chính trị, kết quả thực hiện xây dựng nông thôn là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và mỗi cá nhân. Tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh rà soát mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 để chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn. Nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới chuyên trách ngày càng chuyên nghiệp.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về nội dung xây dựng nông thôn mới, nâng cao hơn nữa nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị huyện, xã, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Xây dựng hệ thống và tăng cường các kênh truyền thông tương tác thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới về thông tin truyền thông như mạng xã hội, ứng dụng giải trí trên thiết bị thông minh, công nghệ thực tế ảo,... nhằm nâng cao sự tương tác và tham gia của người dân; tạo các kênh truyền thông hai chiều, vừa đảm bảo mục tiêu tuyên truyền của cơ quan quản lý nhà nước vừa tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ba là, nghiên cứu ban hành hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ và linh hoạt ở các cấp (tỉnh, huyện, xã, ấp) và phù hợp với từng nhóm địa phương. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng tiếp tục sáp nhập các chương trình, dự án có cùng nội dung đầu tư, nội dung hỗ trợ trên địa bàn nông thôn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm thống nhất cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương triển khai hiệu quả các nội dung của chương trình, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực, đảm bảo không chồng chéo, lãng phí nguồn lực.

Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp ứng dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp (huyện, xã), đặc biệt là quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự,... Đẩy mạnh quá trình số hóa, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng nông thôn mới. Rà soát các nội dung, định mức hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi số để đề xuất áp dụng trong xây dựng nông thôn mới thông minh; chính sách khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch,… để đầu tư vào khu vực nông thôn.

Tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet đến cấp xã, ấp; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực.

Sáu là, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Ưu tiên vốn đầu tư cho các hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng liên thông nông thôn - đô thị; hạ tầng về xử lý môi trường; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin… Tăng cường phát triển theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, đưa nông nghiệp ven đô trở thành không gian sinh thái, nghỉ dưỡng, phục vụ đô thị. Thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn, bao gồm cả đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công; đồng thời với nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Bảy là, ưu tiên nguồn lực cho các địa phương thực hiện tốt, xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể để xác định, lựa chọn các địa phương có tiềm năng hoàn thành sớm công tác đạt chuẩn các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ đạt chuẩn. Ngoài nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình, cần tăng cường huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án khác thực hiện trên địa bàn theo nguyên tắc ưu tiên huy động, khai thác tối đa nguồn lực trực tiếp tại địa phương, các nguồn vốn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, nguồn huy động của cộng đồng, cá nhân để tập trung ưu tiên hỗ trợ các địa phương theo kế hoạch đạt chuẩn…


ThS. HOÀNG THỊ HIỀN

Trường Chính trị tỉnh Nghệ An

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin