Khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia

Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến được khai trương chiều 9/12.

Cổng dịch vụ công quốc gia gồm 6 phần chính: cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; xác thực, đăng nhập một lần; thanh toán trực tuyến; hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.

Hiện Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 5 dịch vụ công trực tuyến tại 63 địa phương là: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp). 

Ngoài ra, Cổng cung cấp 3 dịch vụ công thực hiện tại cấp bộ là cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Hai tiện ích được tích hợp trên Cổng là thanh toán tiền điện và nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Với Hà Nội có thêm Đăng ký khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân. TP HCM có thêm Đăng ký hộ kinh doanh và Đăng ký thuế. 

Đầu năm 2020, Chính phủ sẽ tích hợp thêm 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ.

Dự lễ khai trương được kết nối trực tiếp với 63 địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự kiện là thành công bước đầu trong việc xây dựng Chính phủ điện tử. Việc giao dịch qua mạng giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước thông qua Cổng dịch vụ công sẽ giúp công khai, minh bạch thủ tục, qua đó chống cửa quyền, ngăn chặn tham nhũng vặt.

Thủ tướng cho rằng, Cổng cần mở rộng thêm nhiều dịch vụ khác, nhất là những dịch vụ được đông đảo người dân sử dụng, với tinh thần "vừa mạnh dạn làm, vừa nâng cấp, sửa chữa".

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết sau khi chạy thử nghiệm, Cổng dịch vụ công quốc gia cho thấy sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các dịch vụ công. 

"Người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập một địa chỉ, bằng một tài khoản là có truy cập được tất cả cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương và theo dõi quá trình hoàn thành thủ tục hành chính mà không phụ thuộc thời gian, địa điểm", ông Dũng nói và cho biết, Cổng sẽ tiết kiệm 4.222 tỷ đồng mỗi năm. 

Tại buổi lễ, lãnh đạo Chính phủ và khách mời đã chứng kiến người dân ở nhiều địa phương trực tiếp đăng ký dịch vụ như giấy phép lái xe, cấp điện hạ áp...

Cổng dịch vụ công quốc gia được Chính phủ chỉ đạo thực hiện từ năm 2015. Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương triển khai.

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin