Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số

CT&PT - Đọc sách luôn là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của loài người. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ thông tin và sự bùng nổ của hệ thống truyền thông nghe - nhìn, đọc sách đã có nhiều thay đổi so với trước đây và đang bị lấn lướt bởi văn hóa nghe - nhìn.

1. Sách là kho báu vô tận, đúc kết những tinh hoa, tri thức của nhân loại qua các thế hệ; giúp người đọc có được kiến thức, sự hiểu biết về mọi phương diện của đời sống, có thêm kinh nghiệm sống, kinh nghiệm lao động sản xuất, học tập và trau dồi tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ, tư duy. Thông qua việc đọc sách với các kỹ năng và phương pháp đặc thù, mỗi cá nhân sẽ hình thành cho mình một nền tảng tri thức nhằm giải quyết tốt nhất các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Do hữu ích vô tận của sách nên từ nghìn năm nay, việc tổ chức đọc sách, báo cho các tầng lớp Nhân dân đã xuất hiện và văn hóa đọc đã mang dấu ấn lịch sử đậm nét qua các thời kỳ, đánh dấu các mốc phát triển xã hội thông qua những thành tựu nổi bật về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ,... Vì sự phát triển của cá nhân và xã hội, đọc sách đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với con người. Đúng như điều Barack Obama từng nói “Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn”. Còn Mahatma Gandhi thì nói: “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi”. 

Trước khi có các phương tiện nghe - nhìn, internet và các mạng xã hội, sách là phương tiện, công cụ và con đường ngắn nhất để tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Tuy nhiên, từ khi các phương tiện nghe - nhìn xuất hiện, đặc biệt, là sự bùng nổ công nghệ thông tin cùng sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, con người dần thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin từ sách, báo truyền thống sang các phương tiện nghe - nhìn hiện đại. Điều này khiến văn hóa đọc dần trở nên kém hấp dẫn hơn, đặc biệt giới trẻ ngày càng ít đọc sách, ngại đọc sách. Văn hóa đọc đang bị lấn lướt bởi văn hóa nghe - nhìn. Chưa bao giờ việc đọc sách và văn hóa đọc sách được bàn luận nhiều như hiện nay, đã có nhiều con số và có những dự báo đáng lo ngại đã được đưa ra. Vậy, làm thế nào để khôi phục, chấn hưng văn hóa đọc đã trở thành bài toán khó và đầy tính hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của cả xã hội.

Một thực tế không thể phủ nhận là sự ra đời của internet và sự phát triển của các mạng xã hội đã có tác động mạnh mẽ đến mọi sinh hoạt của con người, trong đó có cả phương thức đọc và thói quen tìm hiểu học hỏi tri thức thông qua đọc sách. Văn hoá đọc truyền thống đang bị lấn át bởi xu thế sử dụng internet và các phương tiện nghe - nhìn. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ số cũng mở ra cho chúng ta những cơ hội trong việc tiếp cận nguồn tri thức phong phú vô tận thông qua internet, từ đó kích thích, tạo điều kiện tổ chức các hoạt động phát triển văn hoá đọc, nhất là trong giới trẻ. Cuộc cách mạng 4.0 không chỉ tạo ra những thách thức mà còn đưa đến nhiều cơ hội cho văn hóa đọc; trong đó, hạ tầng và tri thức về công nghệ thông tin là yếu tố then chốt thúc đẩy văn hoá đọc trong giai đoạn mới. Vì vậy, chúng ta không quá lo lắng về thách thức, mà phải nhìn thấy cơ hội để có sự nhận diện thấu đáo, từ đó đề ra các chính sách phù hợp thúc đẩy hoạt động tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số. Nếu ai không kịp nắm bắt xu hướng chuyển đổi số của thời đại thì sẽ bị tụt hậu phía sau. Có thể nói, ở Việt Nam xét trên nhiều phương diện, việc phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh hiện nay là một nhiệm vụ không hề đơn giản, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ và liên quan đến nhiều yếu tố. 

Theo đó, phải giáo dục cho người dân nhất là lớp trẻ hiểu được tầm quan trọng của sách, đặc biệt là những cuốn sách có giá trị, nếu không đọc sẽ thiếu hụt đi rất nhiều. Bởi trong mỗi cuốn sách, không chỉ là những trải nghiệm của người viết, mà nó còn gợi mở ra nhiều điều mới mẻ, tốt đẹp, giá trị nhân văn; tất thảy những tinh túy, những kiến thức quý báu, vô giá đều đã được đúc kết trong chính những trang sách. Do đó, những ai muốn khám phá thế giới, muốn mở mang tầm nhìn, vốn hiểu biết và thành công thì đừng bỏ qua việc đọc sách. Đọc sách cũng góp phần bồi bổ tâm hồn, hình thành nhân cách cao đẹp, loại bỏ những hành vi vô đạo đức, vô cảm, gây tội lỗi trong mỗi con người. Hơn nữa, cũng phải làm cho mọi người hiểu rằng: mỗi cá nhân đọc sách sẽ tạo nên một cộng đồng đọc sách, từ đó hình thành một cộng đồng có văn hóa. 

2-11-17125635339221858683589-1712627611875-17126276119991055075784-1734886990.jpeg
Công tác thư viện, phát triển văn hóa đọc của bộ đội cũng luôn được quan tâm.

2. Muốn phát triển văn hóa đọc cần phải hướng việc đọc sách trở thành một thói quen không thể thiếu, một nét đẹp văn hóa trong cuộc sống của cá nhân, gia đình, cộng đồng. Việc đọc sách phải trở thành một nhu cầu thiết yếu, một nền nếp của gia phong, dòng tộc và ở phạm vi lớn hơn là chuẩn mực văn hóa quốc gia. Điều này đòi hỏi phải tạo dựng được môi trường đọc sách thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách ngay từ trong gia đình, trường học, đến cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Ở mỗi gia đình, bố mẹ phải có ý thức về việc đọc sách và trao truyền ý thức đó cho con trẻ, cùng nhau chia sẻ sách giữa bố mẹ và con cái, khuyến khích, dành thời gian để cho con đọc sách. Nhà trường cần có những hoạt động giáo dục học sinh ngay từ bậc tiểu học về kỹ năng, thói quen đọc sách, bao gồm phương pháp đọc, kỹ năng tiếp cận sách, đọc sách có mục đích (học tập, nghiên cứu, giải trí), tiêu chí lựa chọn những cuốn sách đáng đọc; đưa ra một danh mục sách cần đọc trong một năm học,... Xây phong trào đọc sách sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, tổ chức các cuộc thi đọc sách; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng. Tổ chức Hội chợ triển lãm sách, Phố sách cũng là nhân tố nhằm phát triển môi trường và nội lực của văn hóa đọc…

img1218-1712563478223803172359-1712627612524-1712627612662320126681-1734887074.jpg
Đem sách đến với người đọc thông qua mô hình xe ô tô thư viện lưu động

Thứ nhất, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Bảo đảm phát triển song song 2 nhóm cán bộ: Nhóm có trình độ công nghệ thông tin và nhóm có trình độ về lĩnh vực thông tin thư viện để đảm bảo các nhiệm vụ thiết kế, cài đặt, vận hành và quản trị hệ thống, thu thập, xử lý, tổ chức và phân phối, quản trị hệ thống ở những cấp độ khác nhau. Song song với đó, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực vừa đáp ứng môi trường thư viện số và thư viện truyền thống. Thường xuyên tổ chức cho cán bộ thư viện được học tập và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, cập nhật các thông tin khoa học mới, đặc biệt là khoa học thư viện để đảm bảo cán bộ thư viện có thể vận hành và phát triển thư viện số.

Thứ hai, công tác bổ sung, phát triển nguồn tin: Khai thác tài liệu số từ nhiều nguồn khác nhau như bổ sung bằng cách mua, hoặc thuê các tài liệu đã ở dạng số; chuyển dạng các tài liệu truyền thống sang dạng số bằng thiết bị số hóa; khai thác các tài liệu nội sinh, tặng biếu. Hiện nay có rất nhiều các thư viện đã liên kết với các công ty, các nhà sách, nhà xuất bản để thuê quyền truy cập, cung cấp tài liệu số cho bạn đọc đem lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thông tin kịp thời, nhanh chóng.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục làm tốt các chức năng bổ lưu giữ, bảo quản và phổ biến tài liệu địa chí (xuất bản phẩm của Quảng Ninh và viết về Quảng Ninh) nhằm bảo tồn và phát huy kho tàng xuất bản phẩm, di sản văn hóa của Quảng Ninh; xây dựng, cập nhật và chia sẻ hệ thống thư mục ấn phẩm sách, báo viết về tỉnh Quảng Ninh.

Thứ ba, đối với các thư viện chưa có phần mềm thư viện số (phần mềm thương mại) thì có thể lựa chọn phương án phần mềm mã nguồn mở để quản lý lưu trữ và khai thác các tài liệu số dưới nhiều dạng như âm thanh, hình ảnh văn bản, đồng thời hỗ trợ việc thiết lập chính sách thông tin, quản trị người dùng tin thông qua việc cấp quyền truy cập khai thác thông tin tài liệu trong hệ thống.

Phần mềm mã nguồn mở được cung cấp miễn phí. Người dùng có quyền sửa đổi, cải tiến, phát triển và nâng cấp. Ví dụ phần mềm Green Stone, DSpace,…

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, các thư viện cần phải lưu ý và thực hiện nghiêm túc các vấn đề liên quan đến bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ đối với các tài liệu số. Hệ thống pháp luật về quyền tác giả hiện nay vẫn còn một số bất cập hạn chế nhất định,  chưa thực sự tạo điều kiện cho các thư viện thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Cần sớm có quy định về việc cung cấp dịch vụ đọc tài liệu số của thư viện, trong đó có thể đồng ý cho thư viện cung cấp một phần tác phẩm đến người sử dụng, khoảng từ 10 - 15 trang của tác phẩm. Điều này giúp người sử dụng tiếp cận được một phần thông tin mà không ảnh hưởng đến quyền chủ sở hữu của tác giả. Vấn đề bản quyền cần được xem xét từ các phương diện chính như: Quyền hợp pháp để thư viện được phép quản trị, phổ biến tài liệu; quyền hợp pháp của người dùng tin đối với tài liệu được thư viện số cung cấp.

Thứ tư, đổi mới các mô hình phục vụ bạn đọc, tăng cường tạo lập các sản phẩm, dịch vụ trực tuyến: Xây dựng mô hình hoạt động, cuộc thi, triển lãm trực tuyến qua mạng xã hội Facebook; tạo lập các nhóm, câu lạc bộ thiếu nhi, câu lạc bộ bạn đọc yêu sách để duy trì thói quen đọc sách, là nơi trao đổi, chia sẻ những cuốn sách nổi bật và yêu thích.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào một số hoạt động và dịch vụ của Thư viện. Tạo bộ sưu tập Sách nói - Kể chuyện theo yêu cầu của bạn đọc; thiết lập các trò chơi tự động khi bạn đọc đến thư viện (thông qua AI), bạn đọc tự tương tác với máy tính để trả lời các trò chơi kiến thức được cài đặt sẵn trên máy tính. Sự phát triển của AI góp phần làm thay đổi cách thức tiếp cận đối với bạn đọc, bạn đọc tiềm năng. Nhờ những ưu điểm của công nghệ AI, thư viện có thể cung cấp thông tin vào đúng thời điểm, đúng bạn đọc tiềm năng, dựa trên việc phân tích các đặc điểm về nhân khẩu học, thói quen hoạt động trực tuyến và những nội dung mà bạn đọc thường xem và tìm kiếm.

Hiện Facebook đã ứng dụng AI nên việc người dùng tiếp cận đến các thông tin trở nên nhanh chóng và tự động. Thư viện cần đẩy mạnh việc quảng cáo trên Facebook, tăng sự tiếp cận của bạn đọc và bạn đọc tiềm năng. Các mục cần chú trọng việc quảng cáo như: Hoạt động, sự kiện của thư viện; giới thiệu sách mới, sách chuyên đề; thư mục sách mới, sách chuyên đề (phục vụ các cuộc thi lớn); đăng ký thẻ trực tuyến. Từ đó, cần chú trọng về phần nội dung đăng tải trên Facebook. Cần có đội ngũ viết tin bài chuyên nghiệp và có ban biên tập, kiểm duyệt. Đảm bảo nội dung thông tin đưa lên chính xác, không vi phạm pháp luật.

Thứ năm, công tác truyền thông, vận động, quảng bá thư viện

Nghiên cứu ứng dụng phần mềm thư viện trên điện thoại thông minh với các chức năng cung cấp tài liệu toàn văn, tra cứu cơ sở dữ liệu của thư viện, đăng ký làm thẻ bạn đọc đa phương tiện; thông báo các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ mới của thư viện cho bạn đọc.

Xây dựng các kênh tương tác với bạn đọc, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động của thư viện thông qua các kênh: cổng thông tin điện tử, mạng xã hội (Youtube, Facebook…), email, banner, tổ chức sự kiện (hội thảo, hội sách, tọa đàm…).

Xây dựng đội ngũ marketing chuyên nghiệp: đội ngũ này có nhiệm vụ xây dựng, đổi mới nội dung và hình thức các kênh quảng bá cho hoạt động của thư viện như videos quảng cáo, bài quảng cáo… Sử dụng tối đa các phần mềm thiết kế và làm video miễn phí để xây dựng các videos, clip quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động của thư viện.

Thứ sáu, tập trung xây dựng các chính sách đầu tư và phát huy hiệu quả việc quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa. Triển khai hiệu quả đồng thời 2 giải pháp phát triển văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Tích cực chăm lo xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo; huy động mọi nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế quản lý, phát huy hiệu quả việc quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa.

Thứ bảy, đẩy mạnh công tác phối hợp và tổ chức các hoạt động của thư viện trên địa bàn tỉnh, phát triển mô hình thư viện số. Đồng thời, tập trung vận hành mọi hoạt động của thư viện trên nền tảng công nghệ số như: thu thập, bổ sung tri thức số; phân loại - xử lý - tổ chức tri thức số, trình bày và hệ thống tìm kiếm tri thức số; truyền thông tri thức số; đổi mới các sản phẩm và dịch vụ tri thức số. Hướng tới mô hình liên thông thư viện để chia sẻ tài nguyên thông tin, tối ưu hóa nguồn tri thức số, hệ thống tìm kiếm thông minh nhằm giúp người dùng tin khai thác được toàn bộ hệ thống tài liệu. Phấn đấu trở thành Trung tâm Thông tin, Trung tâm Dữ liệu lớn của tỉnh, thư viện số, xã hội số, tăng cường vai trò xây dựng và quản trị tri thức số.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, để văn hóa đọc đạt được hiệu quả thì cần có sự quan tâm tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện chuyển đổi số toàn diện của đất nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Các thư viện cần không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm thông tin, dịch vụ và hoạt động thư viện nhằm khẳng định tầm quan trọng của văn hóa đọc trong nhiệm vụ xây dựng một xã hội học tập, nâng cao trình độ dân trí cho người dân, góp phần kiến tạo phát triển cho quê hương, đất nước.


TS. VŨ THỊ DUYÊN

Đại học Văn hóa Hà Nội

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin