Đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay

Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Tây Nguyên là một trong những khu vực mà các thế lực thù địch lựa chọn thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá nhiều mặt nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên cơ sở nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường đấu tranh lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên trong thời gian tới.

1. Tình hình dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên và sự lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá cách mạng ở Tây Nguyên của các thế lực thù địch

Tây Nguyên là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của nước ta, bao gồm 5 đơn vị hành chính cấp tỉnh là: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Với tổng diện tích 54.451,5 km2, vùng Tây Nguyên có đường biên giới tiếp giáp với Lào và Campuchia; trên địa bàn có 54 dân tộc cùng sinh sống với tổng dân số khoảng 5,7 triệu người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 33%1. Đây là vùng duy nhất ở nước ta có đủ các nhóm ngôn ngữ - thành phần dân tộc của Việt Nam cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chỉ chiếm 26,58%, đồng bào Kinh chiếm 64,69%, các dân tộc ở nơi khác đến chiếm 8,73%2. Dưới tác động của công cuộc đổi mới đất nước, cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đã có những biến đổi sâu sắc. Quá trình di dân từ các vùng khác đến Tây Nguyên khiến tỷ lệ dân số các dân tộc thiểu số tại chỗ ngày càng giảm. Xu thế này ảnh hưởng đến tính bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên, trong đó có vấn nạn về môi trường và diện tích rừng bị thu hẹp.

Tây Nguyên là địa bàn hoạt động của nhiều loại hình tôn giáo, trong đó chủ yếu là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài với tổng số khoảng 2.301.884 tín đồ, chiếm 34,7% dân số3. Ngoài bốn tôn giáo chính, ở Tây Nguyên hiện đang tồn tại hàng chục hiện tượng tôn giáo mới với nguồn gốc xuất xứ, phạm vi và nội dung hoạt động, mức độ ảnh hưởng cũng như xu hướng phát triển rất khác nhau. Các tổ chức này thu hút được số lượng lớn người tin theo, trong đó có các tổ chức cực đoan, ly khai nhân danh “hiện tượng tôn giáo mới” lôi kéo được hàng nghìn người tham gia, sinh hoạt tại nhiều địa phương. Điều này làm cho bức tranh tôn giáo ở Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng ngày càng đa dạng, phức tạp hơn. Có thể thấy, dân tộc và tôn giáo là những  vấn  đề phức tạp, nhạy cảm, luôn được các thế lực thù địch khai thác, lợi dụng trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chống phá cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, coi đây là những “ngòi nổ” để kích động tư tưởng ly khai, tự trị nhằm thành lập “Nhà nước Đềga độc lập” ở Tây Nguyên. Có thể nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch ở một số nội dung sau:

Một là, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Các thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề lịch sử để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, tự trị trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian qua, hoạt động truyền đạo, phát triển tín đồ, đào tạo chức sắc, xây dựng cơ sở thờ tự tại địa bàn Tây Nguyên được các tổ chức tôn giáo đặc biệt quan tâm, đặc biệt là Công giáo và Tin Lành, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân ở cả trong và ngoài nước. Bên cạnh những hoạt động tôn giáo hợp pháp, xuất hiện một số tổ chức, cá nhân có mưu đồ ẩn nấp dưới hoạt động “tài trợ”, “giúp đỡ” tổ chức tôn giáo. Âm mưu đó từng được các thế lực thù địch thực hiện và bị thất bại ở Tây Nguyên vào những năm 2001, 2004, 2008 với việc thành lập “Nhà nước Đềga độc lập” làm vỏ bọc bên ngoài, dùng tổ chức “Tin lành Đềga” làm công cụ phát triển lực lượng chống phá trong nước. Vẫn chiêu bài cũ, trong thời gian gần đây, các đối tượng Fulro lưu vong tiếp tục dựng lên các tổ chức phản động “đội lốt” tôn giáo dưới các tên gọi khác nhau như “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam”, “Giáo hội Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”4. Lợi dụng việc tự phong, tự lập trái phép các mục sư truyền đạo, chúng lôi kéo, ép buộc… các tín đồ tôn giáo chuyển sang hoạt động tập trung đông người, có tổ chức. Thực chất đây là hoạt động tranh giành ảnh hưởng trong đồng bào tín đồ, tập hợp, lôi kéo đông đảo đồng bào vào hoạt động phản cách mạng.

Hai là, các thế lực thù địch lợi dụng chủ trương hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế để móc nối với các tổ chức nước ngoài nhằm tăng cường sự chỉ đạo, giúp đỡ về kinh phí và phương tiện hoạt động

Các thế lực thù  địch sử dụng nhiều thủ đoạn để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo trắng trợn tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo và vấn đề dân tộc ở Việt Nam nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng. Chúng chủ trương thông qua các hoạt động viện trợ của một số tổ chức phi chính phủ và tôn giáo ở nước ngoài để tiếp cận móc nối, hỗ trợ, mua chuộc, lôi kéo những phần tử có tư tưởng bất mãn, thù địch, tạo lực lượng nòng cốt cho “chuyển hóa” và “tự chuyển hóa” tư tưởng ngay từ bên trong; đồng thời tuyên truyền, phát triển tà đạo, cung cấp kinh phí để sửa chữa, xây dựng các cơ sở tôn giáo trong nước. Đây là thủ đoạn nhằm ràng buộc các tổ chức tôn giáo ở trong nước với các tổ chức ở nước ngoài để lôi kéo, chỉ đạo trực tiếp. Ngoài ra, chúng còn sử dụng những phần tử “đội lốt” nhà tu hành thâm nhập vào Tây Nguyên với danh nghĩa truyền đạo, hành đạo nhưng chủ yếu là thu thập thông tin phục vụ những mục đích khác nhau5.

Ba là, các thế lực thù địch cấu kết với bọn phản động lưu vong, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng và vấn đề dân tộc để xây dựng lực lượng ở Tây Nguyên nhằm chống phá cách mạng

Hiện nay, các thế lực thù địch chống phá Đảng ngày càng có hệ thống, tổ chức chặt chẽ, với những thủ đoạn tinh vi, chống phá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh… Bằng nhiều phương thức khác nhau, các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước ta đối với khu vực Tây Nguyên. Chúng lợi dụng những thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, những khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta nhằm gây hoài nghi, chia rẽ trong đồng bào Tây Nguyên. Đồng thời, tìm mọi cách vừa tuyên truyền xuyên tạc, vừa khoét sâu mâu thuẫn giữa người Kinh với người Thượng, lợi dụng một số cán bộ địa phương có sai lầm, khuyết điểm để kích động đồng bào tụ tập, gây rối, biểu tình. Các thế lực phản động còn triệt để lợi dụng và xoáy sâu vào vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đất đai, xem đây là những “ngòi nổ” để kích động tư tưởng ly khai, tự trị, “bài Kinh”6. Đặc biệt, thủ đoạn “tôn giáo hóa” các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên kết hợp lợi dụng vấn đề tôn giáo và dân tộc, dân chủ, nhân quyền là khâu then chốt trong âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch. Chúng vừa ra sức kích động tư tưởng bảo thủ, hẹp hòi, kỳ thị dân tộc, địa phương chủ nghĩa…, vừa dùng tôn giáo như một công cụ, phương tiện hữu hiệu để thực hiện âm mưu “tự trị” ở Tây Nguyên. Trong thời gian qua, các thế lực thù địch đã kích động, tổ chức đồng bào vượt biên trái phép sang Campuchia, tạo cớ để các tổ chức phản động lập trại tị nạn, gây mất ổn định chính trị ở khu vực biên giới7. Có thể thấy, mục tiêu mà các thế lực thù địch hướng tới là gây chia rẽ, bất ổn đối với đồng bào Tây Nguyên, từ đó, thực hiện hành động bạo loạn nhằm bôi nhọ, tiến tới lật đổ chính quyền nơi đây.

Bốn là, các thế lực thù địch lợi dụng internet, mạng xã hội và các blog cá nhân để tung tin xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề tôn giáo, dân tộc

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng mạng xã hội nhằm xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Thực tế cho thấy, trước những sự kiện lớn, các ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước, cấp độ, mật độ và tần suất của những thông tin xấu, độc về vấn đề tôn giáo, dân tộc ngày càng gia tăng trên các trang mạng xã hội. Được sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch trong nước và nước ngoài, một số linh mục, chức sắc tôn giáo lợi dụng đức tin của các tín đồ đã tuyên truyền,  xuyên  tạc phản động về Đảng, chế độ, chính quyền các cấp; ngang nhiên phát thư ngỏ trên mạng xã hội, kêu gọi, kích động giáo dân biểu tình, gây rối, đập phá tài sản và tấn công lực lượng chức năng… nhằm tạo cớ can thiệp vào các vấn đề dân chủ,  nhân  quyền, gây mâu thuẫn, xung đột dân tộc, tôn giáo tại các địa bàn chiến lược như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tiến tới phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc8.

 

2. Một số giải pháp tăng cường đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên trong thời gian tới

Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và về dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới nói riêng để nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là hệ thống chính trị tại cơ sở cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho nhân dân, trước hết là đồng bào dân tộc thiểu số thấy được tính đúng đắn, ưu việt trong các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, làm cho nhân dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động trong việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hòng phủ nhận đường lối đổi mới của Đảng, kích động mâu thuẫn giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền  các cấp, chia rẽ đồng bào các dân tộc và các tôn giáo. Từ đó, tạo cơ sở, niềm tin vững chắc cho đồng bào có đạo yên tâm làm tròn bổn phận “sống tốt đời, đẹp đạo”, “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”; cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên chung sức, đồng lòng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh ở địa phương, tạo sự thống nhất cao trong đấu tranh với hoạt động chống phá của thế lực thù địch, phản động.

Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền phải có chuyên môn vững, tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, am hiểu và nắm rõ phong tục, tập quán, tâm tư, nguyện vọng, đặc điểm của từng đối tượng người dân tộc thiểu số, từ đó có biện pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả. Kết hợp giữa tuyên truyền vận động tập trung và phân tán; tăng thời lượng các buổi phát thanh bằng tiếng dân tộc với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, nhân sĩ trí thức là người dân tộc thiểu số và các chức sắc, chức việc tôn giáo tiến bộ cùng vận động, thuyết phục đồng bào các dân tộc có đạo nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Đồng thời, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; chủ động phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng truyền đạo trái pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm phương hại đến an ninh con người và an ninh quốc gia, nhất là đấu tranh ngăn chặn phát triển các tà đạo, từng bước xóa bỏ “Tin lành Đềga”.

Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên. Giải pháp này mang ý nghĩa nền tảng nhằm vô hiệu hóa những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng sự khó khăn trong đời sống của đồng bào để chống phá. Các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn Tây Nguyên cần triển khai có hiệu quả các chủ trương, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ; giải quyết tốt tình trạng tranh chấp đất đai, đẩy nhanh tiến độ giao đất, khoán rừng, tổ chức lại sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo việc làm ổn định, giúp đồng bào an cư lạc nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cuộc vận động định canh, định cư, tăng cường cán bộ khuyến nông, khuyến lâm hướng dẫn đồng bào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi ngành nghề, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống để đồng bào yên tâm xây dựng cuộc sống lâu dài, đặc biệt là ở các vùng miền núi, biên giới.

Ba là, tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tích cực nghiên cứu, đề xuất, bổ sung và ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức điều hành, hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo trên địa bàn hoạt động đúng theo hiến chương, điều lệ của giáo hội và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Chủ động, nắm chắc tình hình hoạt động của các tôn giáo, tạo điều kiện cho các chức sắc, chức việc, tín đồ hoạt động tôn giáo theo khuôn khổ pháp luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện ở các cấp, ban, ngành, đoàn thể để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các biểu hiện vi phạm pháp luật trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo. Xây dựng kế hoạch phân công cụ thể, bám sát cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận, những vụ việc phát sinh có liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo. Kiên quyết xử lý những đối tượng cầm đầu, tuyên truyền tà đạo, có biện pháp theo dõi, khống chế những đối tượng ngoan cố; tạo điều kiện hoạt động cho những cơ sở tín ngưỡng phù hợp với nguyện vọng tâm linh, truyền thống, bản sắc của đồng bào và đúng với quy định xây dựng đời sống văn hóa, chống hủ tục ở cơ sở, địa bàn. Thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở, tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; không làm trái, làm sai gây dư luận bất bình trong nhân dân để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại. Bốn là, tiếp tục củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chính quyền cơ sở, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số. Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ đối với cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số, nhất là ở cấp xã có đủ phẩm chất, năng lực đảm nhiệm chức vụ được giao; thường xuyên bám sát cơ sở, gần gũi với dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, phát huy sự đồng lòng của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Cán bộ công tác tại các vùng dân tộc, tôn giáo phải am hiểu ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tôn giáo của đồng bào, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, không quan liêu, tham nhũng. Tích cực phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dân tộc, chức sắc tôn giáo; đổi mới công tác dân vận ở vùng dân tộc, tôn giáo theo phương châm: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc; sử dụng phương pháp phù hợp với đặc thù từng dân tộc, tôn giáo.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại và đấu tranh ngoại giao để vô hiệu hóa các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Các cấp, ban, ngành thường xuyên quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại để cộng đồng thế giới hiểu rõ tình hình Tây Nguyên, tập trung vào thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Chú trọng tuyên truyền thông qua quá trình làm việc với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài, nhất là đối với các đoàn đại sứ quán, các tổ chức tôn giáo nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ. Đặc biệt, chú trọng hợp tác với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia, nhất là hợp tác về an ninh, chống xâm nhập, vượt biên; bảo đảm an ninh biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tăng cường đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, làm cho các nước, các tổ chức quốc tế hiểu đúng thực chất tình hình ở Tây Nguyên.

Sáu là, tiếp tục xây dựng, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc ở Tây Nguyên, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Cần giải quyết theo tinh thần hòa giải khi xảy ra xung đột về lợi ích giữa các dân tộc, bộ phận trong cộng đồng các dân tộc; chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Xử lý nghiêm các phần tử lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, kích động chia rẽ các dân tộc, chia rẽ nhân dân với Đảng, gây mất trật tự xã hội, xâm phạm lợi ích an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, cần phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo và truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của đồng bào các dân tộc thiểu số; phối hợp chặt chẽ các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ, đồng tâm hiệp lực của đồng bào trong cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên địa bàn ở Tây Nguyên.


1. Trần Quang Phương: Đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây bạo loạn, ly khai ở Tây Nguyên, Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử, ngày 08/7/2019, http://tapchiqptd. vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/dau-tranh- voi-am-muu-loi-dung-van-de-dan-toc-ton-giao-gay-bao-loan-ly- khai-o-tay-nguyen/14012.html.

2. Xem Quốc Đông: Yếu tố dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên, Báo Thanh tra điện tử, ngày 23/10/2021, https://thanhtra.com. vn/theo-dong-thoi-cuoc/yeu-to-dan-toc-va-ton-giao-o-tay- nguyen-189750.html.

3. Nguyễn Văn Thanh, Hà Thị Xuyên: Đoàn kết đồng bào tôn giáo ở Tây Nguyên, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Trang Thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 01/7/2021, http://mattran.org.vn/dan-toc-ton-giao/doan-ket- dong-bao-ton-giao-o-tay-nguyen-gop-phan-phat-huy-suc-manh- cua-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-38438.html.

4. Xem Thanh Liêm: Sau Tin lành Đềga, lại xuất hiện tổ chức phản động đội lốt tôn giáo ở Tây Nguyên, Báo điện tử VOV, ngày 22/9/2021, https://vov.vn/chinh-tri/sau-tin-lanh-de-ga-lai-xuat- hien-to-chuc-phan-dong-doi-lot-ton-giao-o-tay-nguyen-892373.vov.

5, 7. Xem Dương Xuân Ngọc: Đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay, Đề tài khoa học cấp cơ sở, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2006, tr. 37, 37-38.

6. Xem Lê Nhị Hòa: Đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên, Tạp chí điện tử Lý luận và Truyền thông, ngày 12/6/2021, https://lyluanchinhtrivatruyenthong.vn/dau-tranh- chong-loi-dung-van-de-dan-toc-tren-dia-ban-tay-nguyen-p24747. html.

8. Xem Bùi Mạnh Hùng, Bùi Xuân Quỳnh: Vì sao các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng nước ta?, Tạp chí điện tử Quốc phòng toàn dân, ngày 12/3/2018, http://m. tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/ vi-sao-cac-the-luc-thu-dich-loi-dung-ton-giao-chong-pha-cach- mang-nuoc-ta-12912.html.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

2. Nguyễn Thanh Xuân: Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2020.

3. Trần Quang Phương: Đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây bạo loạn, ly khai ở Tây Nguyên, Tạp chí Quốc phòng toàn dân.

ThS. ĐỖ THỊ DIỆP

ThS. NGUYỄN KIM ANH

ThS. NGUYỄN MAI PHƯƠNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin