Vấn đề kiểm soát quyền lực Nhà nước được đặt ra ở tất cả các quốc gia, không phân biệt đó là quốc gia phát triển, đang phát triển hay kém phát triển. Ở Việt Nam, vấn đề kiểm soát quyền lực là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tới trong các văn kiện Đại hội của Đảng, Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, quy định trong các bản Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật khác, tạo cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm soát quyền lực Nhà nước ở Việt Nam.
Về cơ sở chính trị, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân... Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”; “Nhà nước phục vụ Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của Nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân”;
Mục đích của kiểm soát quyền lực nhà nước, theo chủ nghĩa Mác - Lênin, là loại bỏ những điều kiện xã hội đã sản sinh ra Nhà nước và giai cấp. Đây chính là quá trình khắc phục sự tha hóa của quyền lực nhà nước, đưa quyền lực nhà nước trở về với đúng nghĩa của nó là quyền lực của nhân dân, quyền lực thực hiện chức năng công quản xã hội. Vì thế, có thể nói, nội dung của kiểm soát quyền lực nhà nước là: (1) bảo đảm cho quyền lực nhà nước được sử dụng đúng mục đích; (2) bảo đảm cho quyền lực nhà nước thực thi có hiệu lực, hiệu quả.
Cần phải nhận thức sâu sắc vai trò của kiểm soát quyền lực nhà nước. Bởi trong Nhà nước dân chủ và pháp quyền thì quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân là quan hệ đại diện, ủy quyền. Bản thân quan hệ này cần phải khắc phục các biểu hiện sau:
Một là, giữa người chủ và người đại diện có thể xảy ra mâu thuẫn về lợi ích. Nếu xảy ra điều đó thì kết quả là người chủ phải chịu sự thiệt thòi nào đó về lợi ích của mình, do người đại diện không làm đúng, làm đủ nhiệm vụ và quyền hạn được giao; người chủ phải chịu những tổn thất do người đại diện gây ra.
Hai là, sự không bình đẳng về thông tin và hành động giữa người chủ và người đại diện nhất là trong điều kiện của nền kinh tế tri thức và khoa học công nghệ phát triển như vũ bão. Người đại diện vốn có những thông tin mà người chủ không thể có hoặc phải chi phí lớn mới có được. Người đại diện lại có thể sử dụng nhiều hành động khác nhau làm cho người chủ khó lòng mà nhận xét và kết luận về tính đúng đắn của các kết quả do họ đưa ra.
Ba là, trong các thể chế dân chủ, tổ chức và hoạt động quyền lực nhà nước thường xảy ra một thực tế là: có trường hợp thiểu số là đúng và hợp lý nhưng vẫn phải chịu sự chi phối và quyết định của đa số thiển cận. Đây là vấn đề nan giải đã được đặt ra từ lâu trong lịch sử chính trị.
Để khắc phục những nhược điểm nói trên của lao động quyền lực nhà nước, kiểm soát quyền lực được xem là một nguyên tắc hiến định. Vì thế, kiểm soát quyền lực phải được ghi nhận và bổ sung vào Hiến pháp năm 1992 và tiếp tục thể chế trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Việc thể chế nguyên tắc kiểm soát quyền lực của Cương lĩnh thành nguyên tắc hiến định và tiếp tục cụ thể hóa trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước trong thời gian sắp tới, cần tập trung vào các nội dung sau đây:
- Xuất phát từ bản chất của hệ thống chính trị nước ta được tổ chức và hoạt động theo cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ và Nhà nước quản lý, nên kiểm soát quyền lực nhà nước là kiểm soát quyền lực nhà nước giữa Đảng lãnh đạo đối với Nhà nước quản lý. Đây là đặc điểm thể hiện mối quan hệ tất yếu lịch sử và khách quan ở nước ta. Trong suốt 80 năm qua, Đảng ta đã trải qua 15 năm lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng giành chính quyền, hơn 65 năm cầm quyền - trong đó 30 năm cầm quyền trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt chống thực dân và đế quốc xâm lược giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước và 35 năm cầm quyền trong hòa bình xây dựng đất nước. Lịch sử đã chứng minh một cách thuyết phục về tính tất yếu khách quan của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước. Với đặc điểm khách quan này, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có sự kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, hạn chế sự dựa dẫm, ỷ lại của Nhà nước, làm cho cả hai đều yếu, không phát huy đúng vị trí và vai trò của mình. Dưới ánh sáng của đường lối xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự của dân, do dân và vì dân với nguyên tắc: “Quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” đã được ghi nhận trong Cương lĩnh của Đảng, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới về nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, để xứng đáng là một Đảng cầm quyền về trí tuệ, về tư tưởng, về phẩm chất năng lực lãnh đạo và hoạt động thực tiễn. Vấn đề trước hết trong mối quan hệ này là phân công trách nhiệm giữa Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý như thế nào cho rõ ràng, minh bạch, có hiệu lực và hiệu quả, để Đảng không quyết định thay Nhà nước, để phát huy dân chủ, tập hợp trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những quyết định trọng đại của đất nước (trừ những quyết định bí mật quốc gia). Dựa trên sự phân công trách nhiệm rõ ràng đó, Đảng thực hiện việc kiểm soát quyền lực nhà nước và phát huy vai trò của Nhà nước là một nội dung quan trọng trong tổ chức và hoạt động quyền lực ở nước ta.
- Kiểm soát quyền lực nhà nước giữa nhân dân - chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước, đối với Nhà nước - chủ thể quản lý. Đây là mối quan hệ kiểm soát quyền lực của người chủ đối với Nhà nước. Thực tiễn chỉ ra rằng, chỉ có phân định một cách thực chất, giao quyền một cách rõ ràng những nhiệm vụ quyền hạn gì cho Nhà nước, còn những gì nhân dân thực thi quyền lực nhà nước một cách trực tiếp hoặc thông qua tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của mình, thì nhân dân mới thực hiện được quyền kiểm soát quyền lực nhà nước có hiệu quả. Đồng thời, xây dựng một cơ chế giám sát hữu hiệu để nhân dân kiểm soát được quyền lực nhà nước đã giao, đã ủy quyền cho Nhà nước, đặc biệt là hoàn thiện và cụ thể hóa cơ chế nhân dân thực hiện được quyền bãi nhiệm và miễn nhiệm những người do mình bầu ra khi họ không còn xứng đáng (đã được Hiến pháp quy định nhưng trong thực tiễn, nhân dân chưa thực hiện được).
- Kiểm soát quyền lực bên trong tổ chức quyền lực nhà nước (giữa các thành tố cấu thành quyền lực nhà nước: giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp và giữa quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương). Đây là mối quan hệ kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Chỉ trên cơ sở phân công một cách đúng đắn, hợp lý, minh bạch, rõ ràng giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để cho các quyền này có điều kiện thực hiện đầy đủ và đúng đắn ý nguyện của nhân dân đã được ghi nhận thành các quy định của Hiến pháp và các đạo luật; đồng thời, phân cấp, phân quyền giữa quyền lực nhà nước ở Trung ương và ở địa phương một cách phù hợp, mới thực hiện được việc kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước. Theo kinh nghiệm tổ chức quyền lực nhà nước ở các nhà nước đương đại, kiểm soát quyền lực nhà nước là yếu tố thể hiện tính pháp quyền và dân chủ của một bộ máy nhà nước, là nhân tố góp phần làm nên sự giàu có của một quốc gia. Với vai trò to lớn như vậy, việc kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong tổ chức quyền lực nhà nước là một nội dung quan trọng không thể thiếu trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tiếp tục phân công, phân nhiệm một cách rạch ròi, hợp lý, khoa học nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi quyền, tăng cường kiểm soát lẫn nhau trong thực thi quyền lực nhà nước giữa các quyền và phối hợp chặt chẽ giữa ba quyền trên cơ sở nhiệm vụ quyền hạn được giao, là một công việc phải được tiến hành thường xuyên trong quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước.
NCS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO
Học viện Hành chính quốc gia