1. Những kết quả nổi bật của cơ quan báo chí, tuyên truyền với việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao văn hóa, đạo đức trong Đảng
Thời gian qua, các cơ quan báo chí, tuyên truyền đã nỗ lực thực hiện vai trò của mình nhằm góp phần làm cho văn hóa, đạo đức trong Đảng trở thành giá trị văn hóa đặc trưng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành nguồn sức mạnh nội lực.
Thứ nhất, các cơ quan báo chí, tuyên truyền góp phần nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên
Phẩm chất chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên là điểm tựa cho việc xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng. Phẩm chất chính trị là nhận thức, quan điểm, lập trường, tư tưởng chính trị; quyết tâm và bản lĩnh chính trị; ý thức nghiên cứu, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các đợt sinh hoạt chính trị và cập nhật kiến thức mới của cán bộ, đảng viên.
Các cơ quan báo chí, tuyên truyền đã tạo được dấu ấn nhất định trong truyền thông về vấn đề văn hóa, đạo đức trong Đảng. Nội dung Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ở mọi lĩnh vực được giới thiệu sâu rộng trên báo chí và tại các hội nghị chuyên đề do nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức, giúp cán bộ, đảng viên hiểu rõ, tin tưởng và tự giác chấp hành, tạo ra các điều kiện tư tưởng, tinh thần đúng đắn để giải quyết các nhiệm vụ xây dựng Đảng và phát triển đất nước.
Các cơ quan báo chí, tuyên truyền tích cực tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các sự kiện lịch sử trọng đại, sự kiện chính trị trong nước và quốc tế, qua đó, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết dân tộc... trong đảng viên.
Nhiều bài nói, bài viết bảo vệ những giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng thấm sâu vào nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cơ quan báo chí, tuyên truyền đẩy mạnh đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhiều tờ báo mở chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với những tên gọi khác nhau như: “Bình luận - phê phán”, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, “Xây dựng Đảng”, “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống”, “Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái thù địch”, “Chống diễn biến hòa bình”, Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “Đảng trong cuộc sống”; “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”; “Chính sách và cuộc sống”; “Góc nhìn văn hóa”; “Vấn đề hôm nay”... Điển hình như Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Hà Nội mới, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Tạp chí Lý luận chính trị và nhiều tờ báo đảng địa phương, nhiều đài phát thanh - truyền hình đã đăng tải hàng loạt bài phê phán, đấu tranh trực diện với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đấu tranh với các quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Hoạt động tuyên truyền trực tiếp của Ban Chỉ đạo 35 ở các cấp, các cơ quan, đơn vị được tiến hành đồng bộ và được báo chí phản ánh đậm nét, tạo nên diễn đàn chính trị rộng khắp, góp phần giáo dục, khơi thức trách nhiệm cao quý của mỗi tổ chức, cá nhân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Thứ hai, cơ quan báo chí, tuyên truyền góp phần nâng cao tính tiền phong gương mẫu, đạo đức, lối sống tốt đẹp của cán bộ, đảng viên
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên là sự “kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”1, “Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”2, “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng... Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương để quần chúng bắt chước, làm theo”3, “phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân”4.
Quán triệt lời dạy của Người, thời gian qua, các cơ quan báo chí, tuyên truyền, một mặt, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, mặt khác, giáo dục đạo đức đảng viên qua phương pháp nêu gương. Trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên là y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch, nhiều tấm lòng hảo tâm vì đồng bào, nhiều cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên không quản khó khăn gian khổ, sẵn sàng xung phong vào tâm dịch... được báo chí, truyền thông tuyên truyền đậm nét, lan tỏa những thông điệp tích cực, đẹp đẽ, góp phần nhân lên trong hệ thống chính trị, trong Đảng, trong cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp hệ giá trị của người đảng viên cộng sản trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng môi trường văn hóa Đảng, lan tỏa đạo đức cách mạng.
Bên cạnh việc nêu gương đảng viên trong hoạt động hằng ngày và trong các phong trào thi đua, nhiều bài nói, bài viết còn tập trung tuyên truyền những phẩm chất văn hóa, đạo đức, như: gắn bó mật thiết với nhân dân, phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng, ý thức trách nhiệm, tính trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị, bao dung, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư...
Các giải báo chí uy tín như Giải Báo chí Quốc gia, Giải thưởng Búa liềm vàng những năm gần đây đã ghi nhận hàng trăm tác phẩm dự thi có đề tài liên quan đến văn hóa, đạo đức trong Đảng, qua đó, góp phần nâng cao tính tiền phong gương mẫu, đạo đức, lối sống tốt đẹp của cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, cơ quan báo chí, tuyên truyền chú trọng xây dựng văn hóa nêu gương của người lãnh đạo
Tuyên truyền văn hóa nêu gương của đảng viên giữ vị trí lãnh đạo trong các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị... là một nội dung, phương thức quan trọng để nâng cao văn hóa, đạo đức trong Đảng. Đây là một trong những mấu chốt để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, được dân tin, dân yêu.
Giáo dục về văn hóa nêu gương của người lãnh đạo, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”5, bởi “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo mà không có văn hóa, đạo đức thì cấp dưới cũng không có văn hóa, đạo đức, thì tổ chức đảng cũng không thể là tổ chức văn hóa.
Thời gian qua, báo chí, tuyên truyền đã tuyên truyền Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; dành nhiều trang viết, nhiều bài giới thiệu những tấm gương lãnh đạo tận trung với nước, tận hiếu với dân, lời nói luôn đi đôi với việc làm... Đặc biệt, báo chí tuyên truyền, giới thiệu đến cán bộ, đảng viên tấm gương “người đốt lò vĩ đại” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - hình ảnh một nhà lãnh đạo Đảng vừa lớn lao, vừa bình dị, “một người biết rõ chức tước là phù hoa của cuộc đời. Một người tôn trọng nhân cách, đem sức lực, trí tuệ của mình phục vụ cho sự nghiệp mình theo đuổi. Một người không ham hư danh, không đánh đổi nhân phẩm của mình để cầu lợi. Đó là nhân cách của bậc sĩ phu chân chính”6.
Đáng chú ý, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” được các cơ quan báo chí, tuyên truyền giới thiệu rộng rãi, đã góp phần lan tỏa tư tưởng của người đứng đầu Đảng về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Cùng với đó, hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm về những tấm gương của người đảng viên, lãnh đạo đã được báo chí tuyên truyền.
Thứ tư, các cơ quan báo chí, tuyên truyền phát huy vai trò là người quản lý, giám sát quá trình thực hành văn hóa, đạo đức trong Đảng
Quản lý, giám sát đảng viên, các tổ chức đảng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng, phát triển văn hóa, đạo đức trong Đảng. Bên cạnh vai trò quản lý, giám sát của các tổ chức đảng và cấp ủy, là vai trò của báo chí, truyền thông. Căn cứ vào Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, báo chí theo dõi, phát hiện những việc làm tốt, những sai phạm, qua đó, khơi nguồn và định hướng dư luận xã hội theo hướng ủng hộ hay phản bác, tạo áp lực dư luận xã hội để các tổ chức, cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh; đồng thời, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết sai phạm theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, các cơ quan báo chí, tuyên truyền chú trọng thực hiện phương châm lấy “xây để chống”, phát hiện, giới thiệu những cách làm hay, những mô hình tốt, những điển hình tiên tiến của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong công việc hằng ngày...
Bên cạnh nhiệm vụ “xây”, thì các cơ quan báo chí, tuyên truyền không thờ ơ, xao nhãng với nhiệm vụ “chống”. Đó là chống những biểu hiện phản văn hóa, đạo đức trong Đảng, để những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” không có cơ hội lây lan; những thói hư, tật xấu không có đất nảy nở; để những luồng văn hóa độc hại không thể xâm nhập vào đảng viên và quần chúng; để tình trạng “khô đảng, nhạt đoàn, thờ ơ chính trị” không xâm lấn lý tưởng giới trẻ - thế hệ tương lai của Đảng, của đất nước.
Các cơ quan báo chí, tuyên truyền đã tham gia giám sát, phát hiện và phê phán những biểu hiện phản văn hóa, đạo đức trong Đảng, của cán bộ, đảng viên, như: không thực hiện đúng Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết của Đảng; không chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; lợi dụng và để người thân lợi dụng uy tín, quyền lực của mình trong việc chạy chọt cấp phép, cấp đất, cấp nhà, bố trí, đề bạt, chạy án; tổ chức tiệc tùng mang tính chất vụ lợi; thiếu dân chủ, bè phái cục bộ; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng ý kiến, nghị quyết của tập thể; lợi dụng quyền hạn để tạo phe nhóm, bè phái nhằm đạt lợi ích cá nhân... Báo chí thông tin nhanh, thẳng, thật, quyết liệt, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chống tham nhũng, tiêu cực: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Có thể liệt kê một số tác phẩm đã đoạt giải Búa liềm vàng 2022: Nâng cao nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội ở Việt Nam hiện nay của PGS, TS. Vũ Trọng Lâm (Tạp chí Cộng sản); loạt bài 5 kỳ: Hàng loạt quan chức hầu tòa: Lỗi cơ chế hay phẩm chất? của nhóm tác giả Báo Quân đội nhân dân; loạt bài 4 kỳ Tìm và bảo vệ những tiếng nói thẳng của nhóm tác giả Báo Thanh niên; loạt bài MegaStory Làm chủ “sức mạnh mềm” nhân quyền: Việt Nam tự tin tiến vào “sân chơi lớn” của nhóm tác giả báo điện tử VietnamPlus; tuyến phóng sự: Tăng cường công tác quản lý đảng viên, thà ít mà tốt của nhóm tác giả Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực miền Trung; Talk Việt Nam Việt Nam, một tấm gương sáng ngời trong công cuộc phát triển và bảo đảm quyền con người của nhóm tác giả Đài Truyền hình Việt Nam...
Thông qua việc quản lý, giám sát, cơ quan báo chí, tuyên truyền tạo dư luận rộng rãi, thúc đẩy mỗi đảng viên, tổ chức đảng tự giác tuân thủ và thực hành tiêu chí văn hóa, đạo đức trong Đảng.
Thứ năm, cơ quan báo chí, tuyên truyền tổ chức các cuộc thi về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị để lan tỏa các giá trị văn hóa, đạo đức trong Đảng
Thời gian qua, một số cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã phối hợp tổ chức các cuộc thi, giải báo chí về xây dựng Đảng, về chính trị, như: Giải Búa liềm vàng - giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức), Giải Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới (Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức), Cuộc thi viết chính luận khoa học “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức), Giải Báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị (Thành ủy Hà Nội tổ chức)... Các cuộc thi đã giúp cơ quan báo chí, tuyên truyền ý thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng, nâng cao văn hóa, đạo đức trong Đảng.
2. Một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao đạo đức, văn hóa trong Đảng của cơ quan báo chí, tuyên truyền còn những hạn chế nhất định. Soi vào thực tế cho thấy, còn tồn tại một số hạn chế trong thông tin, tuyên truyền nâng cao đạo đức, văn hóa trong Đảng như sau:
Một là, chưa xây dựng thành “vệt” thông tin tuyên truyền đậm nét, có bản sắc, dấu ấn về văn hóa, đạo đức trong Đảng. Các bài viết liên quan đến “văn hóa, đạo đức trong Đảng” còn nằm xen kẽ, giao thoa với những bài viết trong các chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng và các chuyên mục khác, vì vậy, chưa tạo được địa chỉ rõ ràng, tin cậy cho công chúng muốn tìm hiểu sâu vấn đề.
Hai là, nhiều nhà báo chưa thực sự nhạy cảm trong tuyên truyền về vấn đề. Thực tế, có nhiều biểu hiện phản văn hóa, đạo đức trong Đảng đến mức nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cách nhìn nhận, đánh giá của đảng viên và quần chúng nhân dân về vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng, điều đó đòi hỏi nhà báo, người tuyên truyền phải thực sự nhạy bén trong cách nắm bắt vấn đề, lựa chọn góc độ và liều lượng đưa tin. Tuy nhiên, thời gian qua, có những tờ báo đưa tin về tiêu cực trong Đảng: các vụ tham nhũng, tiêu cực của một số lãnh đạo cao cấp; tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp, xí nghiệp, tập đoàn; tình trạng vi phạm đạo đức của đảng viên... chưa đúng liều lượng, chừng mực, thậm chí còn lạm dụng, dẫn đến các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc và đả kích Đảng, Nhà nước, chế độ.
Ba là, nhiều cơ quan báo chí, tuyên truyền không có lực lượng phóng viên, cán bộ chuyên trách vấn đề xây dựng Đảng, bảo vệ, nâng cao đạo đức, văn hóa trong Đảng, nên chưa xây dựng được kế hoạch tuyên truyền phù hợp, còn bị động, phụ thuộc vào các đợt phát động tuyên truyền của Đảng, Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo; hoặc hoạt động tuyên truyền đứt đoạn, chưa liên tục.
Bốn là, kỹ năng tuyên truyền chưa đồng đều ở nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí, tuyên truyền. Văn hóa, đạo đức trong Đảng là nội dung không khó, nhưng để viết, nói hấp dẫn, cuốn hút người đọc, nghe là không dễ. Để có được những bài tuyên truyền giàu tính thuyết phục, chạm được vào cảm xúc của công chúng, đòi hỏi phải là những nhà báo, nhà tuyên truyền giỏi. Họ không chỉ kiên định về bản lĩnh chính trị, có trình độ lý luận, nhãn quan chính trị nhạy bén, nắm vững bản chất sự việc, sự kiện, “trên dưới tỏ tường, dọc ngang thông suốt” về thông tin, mà còn cần có tư duy phân tích sự việc một cách sắc sảo, trường ngôn ngữ rộng, kỹ năng tuyên truyền trực tiếp linh hoạt, nhuần nhị.
Một số tờ báo Đảng, báo lớn, cơ quan tuyên truyền huy động được nhà báo, cộng tác viên, tuyên truyền viên giỏi, nhưng nhiều cơ quan báo chí, cán bộ, phóng viên còn hạn chế cả kiến thức và kỹ năng. Do vậy, có những tờ báo, bài báo tuyên truyền tốt, dòng chủ đề đa dạng, nhưng ngược lại, nhiều bài viết, bài nói có chất lượng chưa cao, hạn chế về cung cấp kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi của đối tượng tiếp nhận. Nhiều tác phẩm, đặc biệt là các bài viết, bài tuyên truyền về lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các bài phản ánh gương đảng viên, tổ chức tiêu biểu... còn khô cứng, ít màu sắc hiện thực đan cài trong tác phẩm, thiếu sáng tạo về hình thức thể hiện. Lượng bài về chủ đề này còn khiêm tốn, thưa vắng trên tổng thể các tờ báo nói chung, đặc biệt trên nhiều tờ báo mạng điện tử có lượng người đọc lớn. Nhiều dòng chủ đề liên quan đến văn hóa, đạo đức trong Đảng chưa được quan tâm tìm tòi, thể hiện.
Trên các tạp chí khoa học vốn có thế mạnh về nghiên cứu, nhưng khá nhiều bài viết còn nặng về lý thuyết, “trình diễn” kiến thức kinh viện, “bảo vệ” một chiều, ít xuất phát từ những điều tra xã hội học, thực tiễn đạo đức, văn hóa trong các tổ chức đảng với các dẫn chứng thuyết phục.
3. Một số gợi ý phát huy vai trò của cơ quan báo chí, tuyên truyền xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng
Thứ nhất, cơ quan báo chí, tuyên truyền phải tiên phong thực hành văn hóa, đạo đức trong Đảng
Báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trên lĩnh vực văn hóa và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ. Để làm tốt trọng trách đó, báo chí, tuyên truyền phải thực hành tốt văn hóa, đạo đức trong Đảng tại chính cơ quan mình.
Văn hóa, đạo đức trong Đảng của cơ quan báo chí, tuyên truyền là toàn bộ những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do cơ quan báo chí, tuyên truyền xác lập, ban hành hoặc thừa nhận trên cơ sở tuân thủ Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực báo chí, tuyên truyền, nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử và hoạt động của các đảng viên thuộc tổ chức. Xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng của cơ quan báo chí, tuyên truyền để cơ quan phục vụ tốt nhất cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; phục tùng tổ chức, kỷ luật đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong tổ chức đảng.
Ngày 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân đã tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, và đề ra 6 tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa, trong đó có tiêu chí: Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”, lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo; hưởng ứng và triển khai phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí...
Từ những tiêu chí văn hóa của cơ quan báo chí như trên, có thể nhận thấy, để góp phần nâng cao văn hóa, đạo đức trong Đảng nói chung, đảng viên, chi ủy, chi bộ các cơ quan báo chí, tuyên truyền phải hội tụ nhiều phẩm chất: phẩm chất chính trị; đạo đức nghề nghiệp; tinh thần thượng tôn pháp luật; văn hóa giao tiếp công sở... Mỗi đảng viên, mỗi tổ chức đảng trong cơ quan báo chí, tuyên truyền phải tự mình trở thành một cơ quan thực hành văn hóa, đạo đức. Đồng thời, nhận thức sâu sắc vị trí tiên phong của mình trong việc góp phần nâng cao văn hóa, đạo đức trong Đảng: là ngọn cờ đi đầu trong tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục cán bộ, đảng viên theo những tiêu chí văn hóa, đạo đức.
Thứ hai, chú trọng đổi mới phương thức, nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức trong Đảng
Về phương thức: các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan báo chí, tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương - nhất là các cơ quan báo lớn của Đảng, phải ý thức thật đầy đủ về trách nhiệm chính trị trong nâng cao văn hóa, đạo đức trong Đảng. Các cơ quan cần xây dựng được chiến lược, kế hoạch thông tin tuyên truyền về văn hóa, đạo đức trong Đảng gắn với các mốc thời gian cụ thể trong từng năm để hoạt động thông tin, tuyên truyền được tiến hành chủ động, nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả.
Kế hoạch thông tin, tuyên truyền cần xác định rõ: chủ thể thông tin tuyên truyền (gồm những cơ quan báo chí, tuyên truyền nào); khách thể tiếp nhận (là ai); phạm vi thời gian, phạm vi không gian thông tin, tuyên truyền; nội dung thông điệp (các dòng chủ đề); hình thức truyền thông (viết báo, tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề...); kênh truyền thông, các sản phẩm truyền thông cụ thể; các điều kiện bảo đảm hiệu quả thông tin tuyên truyền (cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính, nhân lực...).
Về nội dung: cần kích hoạt thông tin, tuyên truyền dòng chủ đề “văn hóa, đạo đức trong Đảng” thật đậm nét trên các báo, tại các tổ chức, đơn vị. Các dòng chủ đề cụ thể cần được tập trung tuyên truyền như: (1) Dòng chủ đề nâng cao kiến thức, sự hiểu biết (khái niệm, bản chất, tiêu chí, thành tố cấu thành “văn hóa, đạo đức trong Đảng”; vai trò, trách nhiệm của đảng viên và tổ chức đảng trong xây dựng, phát triển “văn hóa, đạo đức trong Đảng”...) để mọi cán bộ, đảng viên đều thấm nhuần, thông tỏ. (2) Dòng chủ đề hướng tới thay đổi thái độ, hành vi của đối tượng tiếp nhận như: Nêu gương đảng viên, tổ chức đảng tiêu biểu, cổ vũ điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trên mọi mặt trận. Đây là một nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng và định hướng hành động. Mục đích là thông qua việc nêu gương để định hướng tư tưởng, giúp đảng viên, tổ chức nhận thấy giá trị của hành động tốt đẹp mà tiếp tục phấn đấu, hành động tốt ngày càng nhiều lên, hành động tiêu cực, việc làm xấu ngày càng bị đẩy lùi; giới thiệu, phân tích Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, đạo đức trong Đảng, hướng dẫn các cách thức trở thành đảng viên, tổ chức đảng có đạo đức, văn hóa; nêu tác dụng, lợi ích của văn hóa, đạo đức trong Đảng; phân tích những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực chống phá văn hóa, đạo đức trong Đảng; giải pháp xây dựng, nâng cao văn hóa, đạo đức...
Các bài viết, bài nói phải được nhà báo, báo cáo viên, tuyên truyền viên đầu tư công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng từ khâu chọn chủ đề, đề tài, thu thập, lựa chọn tư liệu thực tiễn đa dạng, cách lập luận, bình luận, phân tích, nêu dẫn chứng...
Với những tác phẩm đăng trên tạp chí khoa học, cần áp dụng các phương pháp nghiên cứu hợp lý, như phương pháp điều tra xã hội học, phỏng vấn sâu, hội thảo, tọa đàm... để rút ra những luận điểm, kết luận mang tính thực tiễn và giàu sức thuyết phục.
Về hình thức: Tuyến bài viết, bài tuyên truyền văn hóa, đạo đức trong Đảng cần được thể hiện một cách sinh động hơn, như: mở thêm chuyên trang, chuyên mục, mục; tăng số lượng bài, tăng tần suất xuất bản, phủ sóng trên các báo. Sử dụng đa dạng thể loại, thậm chí, có thể tận dụng các dạng thức báo chí sáng tạo như Inforgraphics, Long form, Lens, Newsgames, Podcast... để làm mới hình thức truyền thông chính trị. Tận dụng truyền thông mạng xã hội để lan tỏa thông tin về văn hóa, đạo đức trong Đảng, tiếp cận công chúng đảng viên có thói quen sử dụng Internet hàng ngày.
Thứ ba, đầu tư nhân lực báo chí, tuyên truyền chính trị
Truyền thông văn hóa, đạo đức trong Đảng là hoạt động truyền thông lâu dài, thường xuyên, quan trọng của Đảng. Do vậy, nhân lực cho báo chí, tuyên truyền chính trị phải được đầu tư đúng tầm, bài bản, cho “đường dài”. Lực lượng nhà báo, báo cáo viên, tuyên truyền viên tham gia công tác này phải được các cơ quan tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên, bảo đảm hội tụ đủ phẩm chất, năng lực ưu tú. Đó là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, có kỹ năng vận dụng tổng hợp các tri thức lý luận, lịch sử, pháp luật, văn hóa, khoa học, quân sự, kỹ thuật, thực tiễn; có phẩm chất đạo đức trong sáng; có kỹ năng viết báo, tuyên truyền giỏi...
Thứ tư, tổ chức giải báo chí, tuyên truyền về xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng
Các giải báo chí, tuyên truyền về văn hóa, đạo đức trong Đảng cần được tổ chức với tên gọi trực diện. Mục đích của các giải là nhằm tiếp tục nâng cao vai trò của báo chí, tuyên truyền với công tác xây dựng, phát huy văn hóa, đạo đức trong Đảng. Tham gia các giải thưởng, nhà báo, nhà tuyên truyền sẽ có ý thức tìm tòi, khám phá, sáng tạo những tác phẩm xuất sắc, thực sự có chất lượng. Việc tuyên truyền, trao giải công khai trên các phương tiện truyền thông cũng góp phần lan tỏa, nhân rộng những nhân tố mới và những điển hình đảng viên, tổ chức đảng văn hóa, đạo đức.
Để tổ chức được các giải báo chí, tuyên truyền về văn hóa, đạo đức trong Đảng với phạm vi cả nước, cần sự hỗ trợ, đồng hành, phối hợp, định hướng nội dung, cách thức tổ chức... của nhiều cơ quan, như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan chủ quản, các tỉnh ủy, thành ủy... Nội dung cần tập trung vào các chủ đề nâng cao văn hóa, đạo đức trong Đảng, như: công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; việc xử lý cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; vấn đề phát huy dân chủ trong Đảng và toàn xã hội; việc củng cố quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021...
1, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 50, 55.
2, 4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 281, 168, 126.
6. https://vov.vn/chinh-tri/chuyen-ve-chinh-khach-nguyen-phu-trong-871642.vov.
Theo Tạp chí Tuyên giáo điện tử
Thu Hằng tổng hợp