1. Khái niệm về bản quyền số
Trên thế giới, khái niệm bản quyền ra đời từ rất sớm, được coi là một dạng tài sản trí tuệ. Bản quyền không phải là thương hiệu, cũng không phải là bằng phát minh sáng chế. Bản quyền là quyền hợp pháp của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tác; các cá nhân, tổ chức không được xâm phạm đến các quyền của tác giả về quản lý, sử dụng, khai thác giá trị của tác phẩm nếu chưa được sự đồng ý.
Pháp luật Việt Nam không có khái niệm bản quyền, mà theo ngôn ngữ pháp lý thì bản quyền là quyền tác giả. Theo khoản 2, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Các vấn đề về bản quyền tác phẩm được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, các nghị định, thông tư liên quan và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ gồm:
- Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
- Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
- Tác phẩm;
- Tác phẩm âm nhạc;
- Tác phẩm sân khấu;
- Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
- Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
- Tác phẩm nhiếp ảnh;
- Tác phẩm kiến trúc;
- Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
- Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Từ đó có thể hiểu: Bản quyền là những quyền lợi mà tác giả được hưởng đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học của mình. Không có tác phẩm sẽ không có bản quyền.
Bản quyền số là sự phong phú hóa và mở rộng các quyền lợi của tác giả khi các tác phẩm của họ được nhân bản, phát hành dưới hình thức số hóa. Tác phẩm được sao lưu, nhân bản vào các loại vật liệu xuất bản như đĩa cứng, đĩa CD hay các phương tiện xuất bản số khác qua hình thức số và phát hành rộng rãi. Việc truyền bá, phát hành tác phẩm có thể được thực hiện thông qua việc sao lưu bằng đĩa CD, đĩa cứng, ổ lưu trữ hay có thể được thực hiện thông qua mạng internet hay mạng không dây.
2. Những thay đổi về nội dung bản quyền số trong môi trường số hóa
Kỹ thuật truyền thông số khiến bản quyền số có sự khác biệt rất lớn so với bản quyền truyền thống. Trong điều kiện môi trường số hóa, cả chủ thể, khách thể hay nội dung quyền lợi của bản quyền số đều có sự thay đổi lớn.
Khách thể của quyền lợi thay đổi
Khách thể bảo hộ của bản quyền chính là tác phẩm, tức tên gọi chung của tất cả các thể loại tác phẩm, từ tác phẩm văn học, nghệ thuật cho tới tác phẩm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kỹ thuật xây dựng. Thông thường, chúng ta có thể dùng hình thức tác phẩm được quy định trong luật để khái quát về chúng, ví dụ như tác phẩm bằng chữ viết, tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh, tác phẩm âm thanh, hình ảnh. Song, sự phát triển của kỹ thuật truyền thông số đã làm cho mọi loại hình tác phẩm được thể hiện và truyền bá dưới dạng thông tin trước đó được phái sinh bằng hình thức mã hóa hệ nhị phân, giúp thông tin có thể tự do đa phương tiện hóa. Đa phương tiện hóa được đề cập ở đây chỉ biện pháp dùng kỹ thuật truyền thông số để xử lý thống nhất các cách thức biểu đạt tác phẩm khác nhau như chữ, âm thanh, hình ảnh, đưa ra cách thức biểu đạt thông tin một cách có hiệu quả. Trong điều kiện xuất bản số, tác phẩm có sự thay đổi:
- Xu thế liên kết nhiều loại hình tác phẩm ngày một rõ ràng. Tác phẩm trong điều kiện số hóa và mạng hóa hầu hết đều có sự thống nhất, tích hợp các loại hình tác phẩm, từ tác phẩm chữ viết tới tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm điện ảnh thành một loại, được gọi là tác phẩm đa phương tiện. Ví dụ, game online hiện nay là tác phẩm được tích hợp từ nhiều tác phẩm khác nhau như: tác phẩm âm nhạc, tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm chữ viết, tác phẩm đồ họa cho tới tác phẩm hoạt hình.
- Mối liên hệ giữa tác phẩm với phương tiện xuất bản dần hạn chế. Tác phẩm truyền thống, bất kể là trong quá trình truyền bá hay sử dụng, đều yêu cầu phải sử dụng một phương tiện xuất bản nhất định để biến nội dung trở thành tác phẩm hữu hình. Việc ứng dụng kỹ thuật truyền thông số làm cho tất cả các loại tác phẩm đều có thể được ghi chép dưới dạng mã số của hệ nhị phân với chỉ hai ký tự là 0 và 1 và truyền bá và lưu thông tự do. Chỉ cần có một chiếc máy vi tính và một thiết bị kết nối mạng, dù ở bất cứ đâu người dùng cũng có thể tải về tác phẩm mình muốn. Do đó, tác phẩm không nhất thiết phải được thể hiện dưới hình thức hữu hình trên các loại phương tiện xuất bản mà vẫn có thể được truyền bá, sử dụng. Mạng internet và kỹ thuật truyền thông số đã mở ra con đường mới cho truyền bá tác phẩm.
Chủ thể quyền lợi thay đổi
Chủ thể trong bảo hộ bản quyền số rất phức tạp, thể hiện ở hai phương diện sau:
1) Tác phẩm số thường là tập hợp của nhiều loại hình tác phẩm, do đó chủ thể của quyền lợi cũng trở nên phức tạp hơn.
Những loại hình tác phẩm khác nhau cấu thành nên một tác phẩm số mới. Tác phẩm số mới này đa phần là sự cải biến hay thay đổi hình thức của những tác phẩm đã công bố trước đó. Đồng thời, tác phẩm mới này còn có thể bị phân chia hoặc hợp thành với các sản phẩm khác tạo thành tác phẩm mới khác. Điều này làm cho việc nhận định chủ thể của quyền lợi trở nên phức tạp hơn.
2) Trong môi trường số hóa, những quyền liên quan đến bản quyền số cũng ngày một phức tạp hơn.
Trong thời đại bản quyền số, do sự thay đổi về phương thức truyền thông, các quyền liên quan tới bản quyền cũng có sự thay đổi, làm phát sinh những đối tượng hưởng quyền lợi mới như nhà cung cấp dịch vụ mạng internet để truyền bá tác phẩm. Với vai trò là đơn vị truyền bá tác phẩm, nhà cung cấp mạng internet có thể truyền bá tác phẩm trên phạm vi mạng internet toàn cầu. Tivi kết nối internet, truyền hình trực tiếp trên internet cũng là những hành thức truyền bá tác phẩm. Việc xác định tư cách pháp nhân, vị trí của các bên liên quan trong quá trình truyền bá tác phẩm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hoạt động bảo hộ bản quyền số cũng như với sự phát triển của toàn ngành, song, đối với nhà cung cấp dịch vụ trên mạng internet, một mặt, họ thông qua dãy mã số hệ nhị phân để số hóa nội dung tác phẩm, đồng thời truyền bá rộng rãi trên mạng internet. Do đó, có thể nói, mối quan hệ giữa nhà cung cấp nội dung trên mạng internet với tác giả phải được cân bằng. Mặt khác, nhà cung cấp nội dung trên mạng internet cũng có thể sáng tạo ra một số tác phẩm đa phương tiện phù hợp với việc truyền bá trên mạng internet. Do đó, phạm vi của bảo hộ bản quyền số không thể chỉ giới hạn ở việc bảo hộ quyền lợi tác giả như trong xuất bản truyền thống, mà còn cần quan tâm tới lợi ích của các nhà cung cấp nội dung và các nhà cung cấp dịch vụ mạng internet, như vậy mới có thể thực sự cân bằng mối quan hệ giữa tác giả, người truyền bá và người sử dụng tác phẩm.
Nội dung quyền lợi thay đổi
Trong quá trình phát triển, công tác bảo hộ bản quyền không ngừng thay đổi cùng với sự phát triển của tiến bộ kỹ thuật. Nội dung của bảo hộ bản quyền cũng có sự phát triển, thay đổi cùng với các điều kiện kỹ thuật. Dưới ảnh hưởng của số hóa, sự thay đổi về nội dung quyền lợi của bảo hộ bản quyền số chủ yếu thể hiện trên các phương diện sau:
1) Quyền đứng tên thay đổi
Trong bảo hộ bản quyền truyền thống, phương thức đứng tên tác phẩm của tác giả vốn đã vô cùng phức tạp. Tác giả có quyền đứng tên tác phẩm, đồng thời cũng có quyền không đứng tên tác phẩm; có quyền sử dụng tên thật, và cũng có quyền sử dụng bút danh. Dù ở trường hợp nào thì quyền đứng tên của tác giả trong bảo hộ bản quyền truyền thống vẫn khá dễ phân biệt. Tư cách của tác giả cũng khá dễ phân biệt. Trong điều kiện mạng internet, một mặt, tính nặc danh của mạng internet làm cho việc xác định tư cách tác giả càng phức tạp hơn, kéo theo đó là việc xác định quyền đứng tên của tác giả cũng tương đối khó khăn. Tính nặc danh của mạng internet đã khiến tư cách của tác giả càng thêm mơ hồ, khó xác định, tác giả muốn hưởng quyền lợi với tác phẩm thì trước tiên phải chứng minh được mình là người có quyền đối với tác phẩm. Mặt khác, kỹ thuật truyền thông số cũng giúp mọi người có thể chỉnh sửa tác phẩm; hơn nữa, việc chỉnh sửa lại không để lại bất cứ dấu tích nào càng làm tăng thêm độ khó trong việc xác định tác giả thực sự của một tác phẩm cũng như đánh giá tác phẩm là thật hay giả, từ đó đặt ra yêu cầu khó khăn hơn cho việc bảo hộ bản quyền, tiêu biểu là quyền đứng tên tác phẩm.
2) Quyền sao chép tác phẩm thay đổi
Quyền sao chép tác phẩm là cơ sở và trung tâm của vấn đề bản quyền. Quyền sao chép trong bảo hộ bản quyền truyền thống chỉ quyền lợi được sao chép, nhân bản tác phẩm thành một hay nhiều bản khác, thông qua các phương thức như: in, copy, in thạch bản, ghi âm, ghi hình, scan,... Những phương thức này không bao gồm phương thức sao chép tác phẩm trong điều kiện mạng internet. Quyền sao chép đối với các tác phẩm số hóa đã có sự thay đổi quan trọng. Có 2 vấn đề được đặt ra: thứ nhất, việc đem “số hóa” tác phẩm liệu có phải là hành vi sao chép?; thứ hai, các văn bản sao chép tạm thời được hình thành trong quá trình truyền bá tác phẩm trên mạng internet có thuộc phạm trù của quyền sao chép tác phẩm không?
3. Một số biện pháp tăng cường bảo vệ bản quyền số trên không gian mạng
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ tác quyền đối với tác phẩm trong hệ thống luật pháp. Theo đó, cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, trong đó phân định rõ quyền quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ giữa các cơ quan này để tạo nên sự thống nhất cũng như phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng...; cần có chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm bản quyền trên môi trường số, cụ thể, cần tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm bản quyền tác phẩm để tạo ra sức răn đe và giúp ngăn ngừa hành vi vi phạm, vì mức xử phạt hành vi này hiện nay còn rất thấp...
Thứ hai, cần đẩy mạnh các hoạt động tư vấn và hướng dẫn cho các tác giả về quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề liên quan đến bản quyền; hỗ trợ trong việc đăng ký bản quyền và giải quyết các tranh chấp liên quan đến bản quyền; phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm bản quyền tác phẩm số hóa. Đồng thời, tăng cường giáo dục đạo đức và văn hóa, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ bản quyền tác phẩm số hóa.
Thứ ba, nâng cao năng lực của người có thẩm quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm để đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm, bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể sở hữu tác phẩm.
Giải pháp về công nghệ, kỹ thuật
Để bảo vệ có hiệu quả bản quyền tác phẩm trên môi trường số, hạn chế hành vi vi phạm, sự hỗ trợ của công nghệ, kỹ thuật là rất quan trọng. Hiện nay, các bộ công cụ số đã và đang được áp dụng ở các quốc gia tiên tiến cùng sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ sẽ mang lại bước tiến mới trong bảo vệ bản quyền tác phẩm nội dung số. Về giải pháp công nghệ, đã có những ứng dụng mới và hiệu quả để cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm bản quyền như: Mã hóa bản quyền số, quét tự động phát hiện trùng lặp, mô hình tòa soạn hội tụ, trục bản quyền số quốc gia… Với giải pháp về kỹ thuật, các cơ quan có thể sử dụng các công cụ giám sát trực tuyến để theo dõi các website hoặc trang mạng xã hội có chứa nội dung bản quyền của họ; ứng dụng công nghệ Blockchain trong tòa soạn để giúp xác thực, bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung và bảo vệ quyền lợi của các nhà báo, tác giả, ngăn chặn việc vi phạm bản quyền cũng như tranh chấp liên quan đến sở hữu. Các cơ quan quản lý cũng cần hoàn thiện cổng thông tin đăng ký tác quyền; từng bước triển khai việc nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain; tích hợp quản lý tác quyền số, nghiên cứu và phát triển các công nghệ thu phí tác quyền bằng Blockchain...
Cùng với đó, có thể hướng tới phát triển dịch vụ bán bản quyền tác phẩm số. Dịch vụ này cho phép các đối tác khác sử dụng các tác phẩm có bản quyền với điều kiện phải mua bản quyền trước. Các tác phẩm số hóa có thể bao gồm các bài viết, hình ảnh, video và âm thanh được xuất bản hoặc sản xuất bởi các tác giả và nhà xuất bản. Khi các đối tác khác muốn sử dụng các tác phẩm này, họ phải mua bản quyền từ các tác giả và nhà xuất bản. Việc này giúp bảo đảm rằng, các tác phẩm được sử dụng theo đúng quy định về bản quyền và tác giả, những người có liên quan nhận được mức phí phù hợp cho việc sử dụng tác phẩm của mình.
Bảo vệ bản quyền tác phẩm trên không gian số có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm bảo đảm sự công bằng và chính xác của thông tin được phát hành cũng như giá trị lao động của tác giả. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để tháo gỡ rào cản cho sự phát triển nội dung số và các vấn đề liên quan như kinh tế số, xã hội số; đồng thời, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số trong thời gian tới.
ThS. TRẦN THU QUỲNH
Học viện Báo chí và Tuyên truyền