Yêu cầu cấp thiết về đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam

CT&PT - Đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng để phương thức cầm quyền được thực hiện tốt hơn là một bộ phận cấu thành của toàn bộ công tác xây dựng, đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Từ khi xuất hiện trên vũ đài chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tỏ rõ là một đảng cách mạng chân chính nhất, có sức hội tụ lớn nhất mọi sức mạnh của dân tộc, của giai cấp, sớm trở thành đội tiên phong của giai cấp và của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến. Có thể nói, sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam là do thời đại, do giai cấp và dân tộc quy định.

 Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, đó là nhận định không chỉ của Đảng, Nhân dân ta mà còn là của bạn bè quốc tế. Thực tiễn lịch sử cho thấy, quá trình ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu khách quan. Sự ra đời đó không chỉ là ý chí đơn thuần của các nhà hoạt động cách mạng mà là sản phẩm của lịch sử. Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là đội tiên phong, lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam, là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Qua sự “sàng lọc” khắc nghiệt của lịch sử những thập niên đầu thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là người duy nhất dẫn dắt mình đi đến tương lai hạnh phúc.

tai-xuong-11-1727540436.jfif
 

Đảng cầm quyền bao giờ cũng giữ vai trò lãnh đạo, chi phối toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt và trực tiếp nhất là nhà nước; bằng nhà nước và thông qua nhà nước để thực hiện mục tiêu, chiến lược của mình. Giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước là một hoạt động cơ bản của các đảng chính trị. Mỗi một Đảng chính trị, sau khi được thành lập và đi vào hoạt động đều có mong muốn trở thành đảng cầm quyền. Tuy nhiên, không phải đảng chính trị nào cũng hiện thực hóa thành công mục tiêu cầm quyền của mình. Ngay cả khi đã trở thành đảng cầm quyền, việc có thực quyền và duy trì vai trò cầm quyền của mình đối với nhà nước và toàn xã hội cũng đòi hỏi phải định hình, hoàn thiện, đổi mới phương thức cầm quyền khoa học, luôn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn luôn biến đổi.

Giống như nhiều đảng chính trị khác trên thế giới, ngay sau khi giành được chính quyền từ thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bước lên vũ đài chính trị và trở thành Đảng cầm quyền. Có thể thấy rằng nhân tố quyết định đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác chính là sự lãnh đạo của Đảng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng từ năm 1945 đến nay, do có phương thức cầm quyền phù hợp, khoa học, nên Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững được vị trí, vai trò của mình đối với cách mạng và với toàn xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới đất nước, đứng trước nhiều những tác động của cả tình hình thế giới và trong nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thực thi phương thức cầm quyền một cách sáng tạo, hiệu quả, giúp cho Đảng giữ vững được vị trí độc tôn lãnh đạo cách mạng. Chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu vĩ đại mà Đảng và nhân dân ta đã giành được. Những thành tựu đó là sự xác nhận của thực tiễn về năng lực cầm quyền của Đảng; đồng thời, cũng là cơ sở để chúng ta đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên, quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới vẫn còn một số hạn chế về phương thức cầm quyền như “Chưa xác định rõ nội dung, phương thức cầm quyền. Chưa thật sự phát huy vai trò của các tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội” rất cần nghiên cứu một cách nghiêm túc, chỉ rõ nguyên nhân và đề ra những giải pháp hữu hiệu nhằm đổi mới, hoàn thiện phương thức cầm quyền của Đảng trong thời gian tới là yêu cầu cấp thiết, khách quan như Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, xác định mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền; vấn đề phát huy dân chủ trong điều kiện Đảng duy nhất cầm quyền; các nguy cơ cần phải đề phòng đối với Đảng cầm quyền”.

Trong mỗi giai đoạn cách mạng, yêu cầu nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng luôn là vấn đề được đặt ra bởi những điều kiện cụ thể luôn có sự thay đổi phát triển và ngày càng hoàn thiện. Xây dựng Đảng cầm quyền là một vấn đề lớn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Đó cũng là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và phức tạp.

Về mặt lý luận, trong hệ thống chính trị Việt Nam, sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là tiền đề tiên quyết để thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đảng cầm quyền và lãnh đạo nhà nước hầu như đã được xác lập khá rõ ràng và có tính ổn định, trong khi đó việc cầm quyền như thế nào hay nói cách khác, phương thức cầm quyền lại là vấn đề có sự khác biệt giữa các Đảng và từ kết quả của nó. Do vậy việc làm rõ phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị một Đảng cầm quyền góp phần bổ xung thêm phương diện lý luận về chủ đề này.

Về mặt thực tiễn, Đảng đã cầm quyền gần 80 năm nhưng cho tới nay việc thấu hiểu và quy chuẩn về sự cầm quyền cũng như phương thức cầm quyền vẫn chưa thật rõ và sâu sắc. Vẫn chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa lãnh đạo và cầm quyền. Hầu như trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng đều chỉ đề cập đến chức năng lãnh đạo, phương thức lãnh đạo của Đảng mà chưa nói tới chức năng cầm quyền và phương thức cầm quyền của Đảng. Ngay cả những công trình khoa học nghiên cứu về Đảng cầm quyền cũng vẫn chưa xác định rõ những khái niệm và nội hàm của sự cầm quyền cũng như phương thức cầm quyền của Đảng. Điều đó đã dẫn tới những bất cập nhất định, biểu hiện rõ nhất là sự lãnh đạo trở thành chỉ đạo, can thiệp, làm thay công việc của Nhà nước – cầm quyền, biến nhà nước trở thành cơ quan quyền lực mang tính hình thức, thụ động, trông chờ vào sự lãnh đạo của Đảng. Cũng chính từ thực tiễn này, cần nghiên cứu làm rõ hơn phương thức cầm quyền của Đảng để góp phần thống nhất nhận thức và nhất quán trong hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, làm tăng hiệu lực, hiệu quả cầm quyền.

Tại Việt Nam, trong thời gian những năm gần đây, đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Một số vấn đề đặt ra đã đạt được kết quả khả quan, tuy nhiên, có một số vấn đề vẫn cần nghiên cứu và làm rõ thêm. Có thể nói, nghiên cứu về nội dung, phương thức và năng lực cầm quyền của Đảng, tưởng chừng như cũ mà lại rất mới, có tính thời sự, nói cũ là vì khái niệm về Đảng cầm quyền đã có từ lâu, không chỉ ở các nước trên thế giới mà cả ở nước ta, nói rất mới là vì sau gần 80 năm ở vị thế Đảng cầm quyền, trước mắt chúng ta, vẫn còn nhiều vấn đề chưa thật sự sáng tỏ, xử lý còn lúng túng trong lý luận về đảng cầm quyền, phương thức cầm quyền của Đảng và cả trong hoạt động thực tiễn cầm quyền của Đảng, những yêu cầu mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể nào.


TS. NGUYỄN THỊ LAN ANH

Đại học Sư phạm Hà Nội

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin