Xây dựng văn hóa ứng xử của giảng viên trẻ các nhà trường quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Nguyễn Thu Hằng

CT&PT - Văn hóa ứng xử là biểu hiện giá trị nhân văn, phản ánh các mối quan hệ giữa con người với con người trên các phương diện cuộc sống. Đề cập đến ứng xử là đề cập đến thái độ, hành động, lời nói trong văn hóa giao tiếp, phản ánh những chuẩn mực chân, thiện, mỹ trong đối xử với con người, ở các tình huống khác nhau của cuộc sống.

Phát triển văn hóa, con người luôn là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc1. Với đặc thù hoạt động quân sự, đội ngũ giảng viên trong các học viện, nhà trường quân đội vừa là người thầy truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm chiến đấu, bồi dưỡng lý tưởng, niềm tin, bản lĩnh chính trị cho người học, vừa là người đồng chí đối với học viên. Họ chính là nhân tố cơ bản quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo, đồng thời là lực lượng cơ bản trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở các học viện, nhà trường trong quân đội, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Theo đó, văn hóa ứng xử của đội ngũ giảng viên các nhà trường quân đội là biểu hiện giá trị nhân văn, phản ánh mối quan hệ giữa giảng viên với học viên; giữa đội ngũ giảng dạy với lực lượng quản lý phục vụ; giữa đồng chí, đồng nghiệp, giữa đội ngũ giảng viên với các cơ quan đơn vị... Vì vậy, việc học tập và làm theo văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh giúp cán bộ, giảng viên các học viện, nhà trường trong quân đội tự điều chỉnh, thích nghi với việc giảng dạy, rèn luyện các quy tắc, chuẩn mực; đồng thời, là cơ sở định hướng việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học viên. Văn hóa ứng xử của giảng viên được thể hiện qua nhiều nội dung, song trong phạm vi nghiên cứu, tác giả chỉ đề cập tới văn hóa ứng xử của giảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

1. Văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh là sự tổng hợp các giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp với tinh hoa văn hóa nhân loại, là hệ thống ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ, phong thái, hành vi thực hiện các khuôn mẫu mang lý tưởng kết tinh những giá trị và chuẩn mực của xã hội, thể hiện tầm vóc trí tuệ lớn lao cùng tình cảm sâu sắc của Người, trong đó nổi bật là tính nhất quán về mục tiêu, nguyên tắc ứng xử. Đó là sự hài hòa giữa văn hóa ứng xử phương Đông và phương Tây, sự chân thành, bình dị của một tâm hồn đại trí, đại nhân, đại dũng; không phải là nghệ thuật xã giao được gò ép theo những nguyên tắc định sẵn, càng không phải là những lời giả dối để mua chuộc lòng người, mà đó là sự kết tinh những giá trị truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc, là truyền thống đạo lý tốt đẹp của gia đình, của quê hương, đất nước và tinh hoa văn hóa nhân loại, mà đỉnh cao là chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với tinh thần quốc tế vô sản trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh là kết tinh giá trị cao đẹp nhất của văn hóa Việt Nam, thể hiện tầm vóc, trí tuệ lớn lao và tình cảm sâu sắc trong những mối quan hệ phong phú, đa dạng đối với chính mình, với con người và với thiên nhiên.

Ứng xử với chính mình

Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh là sự phản ánh đời sống xã hội Việt Nam, thông qua nhận thức, ứng xử và quá trình thực tiễn hoạt động cách mạng của Người. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, với chính mình, Người luôn gương mẫu thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nghiêm khắc với mình, rộng lòng khoan dung với người. Không màng đến danh lợi cá nhân, cả cuộc đời của Người đều vì hạnh phúc của nhân dân. Theo Người, ứng xử với mình là phải đưa mình vào nguyên tắc ứng xử có tính bắt buộc, thống nhất giữa nói và làm, nhằm mục đích cuối cùng là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong thực hành văn hóa ứng xử, Người luôn nhất quán tư tưởng: Trung với nước, hiếu với dân; “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”2.

Văn hóa ứng xử với mình của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở tinh thần tự học. Theo Người, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định tạo nên trí tuệ. Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt, là phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Song tự học ở Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là sự ngẫu hứng, tùy ý mà việc tự học của Người đã trở thành một khoa học, một nghệ thuật, một triết lý nhân văn sâu sắc với kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, khoa họccùng ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo. Mục đích cuối cùng của việc tự học của Người là làm cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì tự học, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam và đưa cách mạng nước ta đến thắng lợi. Sự vận dụng sáng tạo chính là quá trình tự thích nghi, tự tìm tòi, thâm nhập vào thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, phát huy nội lực, và sâu xa hơn, đó còn là quá trình tự học tập, tự giáo dục để làm cho nhân cách cũng như năng lực của bản thân phù hợp với mục tiêu, lý tưởng, công việc. Phương pháp tự học của Người là tự học trong mọi hoàn cảnh, học mọi lúc, mọi nơi. Người chỉ rõ: “Học ở đâu? Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”3.

Ứng xử với mọi người

Văn hóa Hồ Chí Minh trước hết là xây dựng con người. Với quan niệm đúng đắn và căn bản “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”, Người luôn quan tâm đến việc xây dựng con người (trong đó có người cán bộ) và thế hệ cách mạng cho đời sau. Dù ở địa vị cao, song Người luôn giản dị, gần gũi, cởi mở, tế nhị, chu đáo với mọi người.

Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh được biểu hiện ở sự nhạy cảm, mẫn cảm sâu sắc của trái tim yêu nước, thương dân, thương nhân loại khổ đau, luôn quan tâm đến những số phận con người và tranh đấu giải phóng con người và loài người thoát khỏi xiềng xích nô lệ. Cảm hóa, khoan dung, độ lượng là một trong những đặc trưng trong văn hóa ứng xử của Hồ Chí Minh. Đối với kẻ thù, Người luôn nêu cao tinh thần khoan dung, độ lượng, luôn tìm cái chung, sự đồng nhất để các bên đều chấp nhận, Người căn dặn: “… Phải chăm lo hết sức chu đáo, đối xử thật nhã nhặn để tỏ sự ân cần của ta đối với người dân Pháp, để cho họ thấy rõ ta chiến đấu là vì tiền đồ của quốc gia và dân tộc Việt Nam chứ không có ý ghét bỏ người Pháp, khẩu phần của họ phải hơn người Việt Nam tổ chức việc nấu ăn và chăm lo họ cho kỹ lưỡng"4. Bằng sự khiêm nhường, linh hoạt và chủ động đã làm nên nét ứng xử đặc trưng - nét ứng xử Hồ Chí Minh. Chính nhờ sự giản dị, tế nhị trong phong cách ứng xử, Hồ Chí Minh đã làm cho mọi người, dù địa vị, thành phần xuất thân, mục đích hoàn cảnh gặp gỡ khác nhau, nhưng sau khi tiếp xúc với Người, đều để lại ấn tượng sâu sắc bằng sự nể trọng, chia sẻ, tôn vinh bởi sức cảm hóa cuốn hút từ chính đạo đức, nhân cách, phép ứng xử văn hóa của Người.

Đồng thời, văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ tính đấu tranh chống lại cái xấu, bảo vệ cái tốt. Điều này được thể hiện rõ ở tinh thần tự phê bình và phê bình của Người. Người chỉ rõ: Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình"5, sẵn sàng thừa nhận trước mọi người về khuyết điểm, hạn chế của mình để bản thân cũng như mọi người tìm cách sửa chữa, khắc phục. Mục đích của tự phê bình và phê bình là phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, củng cố và tăng cường đoàn kết nội bộ. Đó cũng chính là cách mỗi người tự đánh giá để vừa thấy được “cái hay”, “cái chưa hay” của mình, vừa tạo điều kiện cho những người xung quanh đóng góp ý kiến, giúp bản thân sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Còn phê bình là “nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình"6; tham gia góp ý kiến và nêu cách thức để sửa chữa khuyết điểm cho đồng chí mình. Từ đó, cổ vũ đồng chí mình phát huy ưu điểm, cách làm hay, việc làm tốt, đồng thời giúp nhau tìm ra biện pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế để cùng nhau ngày càng tiến bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tự phê bình và phê bình chỉ phát huy tác dụng khi được thực hiện nghiêm túc, với tinh thần “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người"7. Với ý nghĩa đó, thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình cũng chính là thể hiện văn hóa trong ứng xử.

Ứng xử với thiên nhiên

Cách ứng xử với thiên nhiên và môi trường là một nét đẹp trong văn hóa Hồ Chí Minh, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Người hướng tới sự phát triển bền vững. Đó là tình yêu thiên nhiên, chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên, hòa đồng với vạn vật trong cuộc sống. Trong Di chúc, Người căn dặn chúng ta chăm lo đến môi trường, cả môi trường thiên nhiên môi trường xã hội.

Là người quan tâm tới vấn đề môi trường trước khi có những công ước quốc tế về vấn đề này, những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ tài nguyên, môi trường đã vượt trước thời đại. Khi thế giới còn chưa có những lời khuyến cáo khẩn thiết về bảo vệ rừng như hiện nay, phong trào Tết trồng cây do Người phát động đã dần trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta, mang lại những hiệu quả thiết thực về kinh tế và môi trường. Người sớm cảnh báo hậu quả của việc khai thác rừng bừa bãi, gây tác hại đến tài nguyên, môi trường sinh thái của con người. Việc chăm sóc, bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống là mối quan tâm lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi hoạt động cách mạng ở núi rừng Việt Bắc, Người tìm cho mình niềm vui cùng cảnh vật thiên nhiên, sống gần gũi, hòa đồng với thiên nhiên. Trong kháng chiến, Người luôn sống chan hòa với thiên nhiên, những nơi Người ở luôn bảo đảm trên có núi, dưới có sông, có cỏ cây, hoa lá.

2. Học tập và làm theo văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh trong đội ngũ giảng viên trẻ các nhà trường quân đội

Đối với đội ngũ giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội, để hoàn thành nhiệm vụ, cần không ngừng học tập nâng cao trình độ, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nỗ lực phấn đấu và rèn luyện, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp quan trọng hiện nay. Trong đó, chú trọng xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự của cán bộ, giảng viên; thực hiện các tiêu chí về “văn hóa giao tiếp, ứng xử” của người giảng viên trong Quân đội. Cụ thể:

Văn hóa ứng xử đối với bản thân

Mỗi giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội cần nhận thức rõ trách nhiệm của cá nhân trước tập thể, cộng đồng; trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân; tinh thần tận tụy vì nhiệm vụ. “Học tập Bác” để mỗi giảng viên trẻ xây dựng thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp đúng đắn. Trong quá trình công tác, giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội phải luôn ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “… lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, là nguồn tạo nên hạnh phúc của mọi người và cho cả thế hệ mai sau”8, chính lòng yêu nghề, làm việc hết mình bằng sự chân thành và tâm huyết với con đường mà mình đã lựa chọn là động lực để mọi giảng viên trẻ phấn đấu vươn lên, rèn luyện hoàn thiện bản thân.

Đồng thời, giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội cần giữ vững và và phát huy truyền thống lịch sử của dân tộc, truyền thống cách mạng của Đảng, Nhà nước và Quân đội; nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng môi trường cơ quan, đơn vị văn hóa, quán triệt tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trung với nước, hiếu với dân”, ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thể hiện giá trị “chân, thiện, mỹ” trong văn hóa giao tiếp, ứng xử.

Văn hóa ứng xử với con người

Học tập văn hóa ứng xử với người của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp cho giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữa con người với con người trong thực tiễn, nhất là sự gắn bó chặt chẽ với nhân dân; truyền thống dựa vào nhân dân, kính trọng lễ phép với nhân dân. Nêu cao tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với nghề nghiệp, với đồng chí, đồng đội, thái độ chân thành, lắng nghe ý kiến đóng góp từ mọi người. Bên cạnh đó, thực hiện những hành vi đẹp trong giao tiếp, ứng xử, nêu cao ý thức trách nhiệm của bản thân với lợi ích chung và lợi ích thiết thực của tập thể. Giá trị văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh còn giúp cho mỗi giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội tự điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử và các hành vi quan liêu, tham nhũng, thái độ thờ ơ, hách dịch, nhũng nhiễu, xa rời thực tiễn trong khi thi hành nhiệm vụ.

Văn hóa ứng xử với thiên nhiên

Mỗi giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội cần xác lập mối quan hệ ứng xử hài hòa giữa con người và tự nhiên; có hành động khoa học, phù hợp với quy luật vận động, phát triển khách quan của tự nhiên lợi ích chung của cộng đồng. Đồng thời, giáo dục, nâng cao nhận thức của người học về môi trường thiên nhiên, sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm, hiệu quả.

Để vận dụng hiệu quả phong cách ứng xử cho đội ngũ giảng viên trong quân đội hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền văn hóa công sở gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm nâng cao nhận thức về ứng xử văn hóa cho đội ngũ giảng viên trong các nhà trường quân đội. Tuyên truyền nâng cao nhận thức là vấn đề then chốt để mỗi giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội hiểu được vai trò, trách nhiệm của bản thân, từ đó thay đổi quan niệm, cách thức làm việc, giao tiếp ứng xử, tác phong công tác, học tập nền nếp, có kỷ luật, góp phần xây dựng nhà trường văn minh.

Hai là, mỗi giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội cần ra sức tự phấn đấu, tự rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chức trách nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Thực hiện ứng xử văn hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ để thực hiện tốt việc xây dựng mối quan hệ thân thiện, chuẩn mực và tốt đẹp, tạo sự đồng thuận, hài hòa trong các mối quan hệ giao tiếp ứng xử giữa đồng nghiệp với nhau, giữa cá nhân với tổ chức, với tập thể…

Ba là, các nhà trường quân đội cần ban hành quy chế văn hóa ứng xử với nội dung cụ thể, rõ ràng, mang tính khả thi cao, đồng thời có văn bản hướng dẫn cụ thể, cam kết thực hiện của đội ngũ giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội. Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát; quan tâm đến ý kiến của tập thể, cơ quan, đơn vị công tác về quá trình thực hiện giao tiếp ứng xử của giảng viên trẻ để có những điều chỉnh kịp thời theo hướng tích cực.

Văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vị trí nền tảng, là cơ sở định hướng việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho cán bộ, giảng viên các nhà trường quân đội. Thông qua đó, giúp mỗi cán bộ, giảng viên tự điều chỉnh, tự thích ứng với công việc, giảng dạy, rèn luyện điều lệnh, quy tắc, chuẩn mực của người giảng viên trong quân đội. Văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự gần gũi, tế nhị với độ sâu sắc lịch lãm, dung dị đời thường tầm cao tư duy bác học. Sự hòa quyện trong phong cách ứng xử của Người đạt tới nghệ thuật “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Chúng ta có thể tìm thấy trong văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh sự chắt lọc, cô đúc giá trị chân, thiện, mỹ trong tinh hoa xử thế của nhân loại.

Học tập và làm theo văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấy tình yêu thương và tấm lòng bao dung, nhân ái của Người như đang cổ vũ, thôi thúc mọi thế hệ làm nên những điều tốt đẹp, lập nên những chiến công xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 115-116

2, 3, 5, 7, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 272; t. 6, tr. 361; t. 5, tr. 272; t. 15, tr. 678.

4. Lê Văn Hiến: Nhật ký của một Bộ trưởng, Nxb. Đà Nẵng, 1995, t. 1, tr. 6.

5, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 307.

ThS. VŨ HOÀNG SƠN

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

NGUYỄN VIỆT HỒNG

Trường Quân sự Quân khu 5

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin