Xây dựng các hệ giá trị của quốc gia, dân tộc trong tình hình mới, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

CT&PT - Từ những thành quả đạt được qua hơn 35 năm Đảng ta lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối đổi mới và bài học rút ra từ những tồn tại trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Tác phẩm đánh dấu một bước tiến mới về nhận thức lý luận và thực tiễn, thể hiện tầm nhìn mới về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

1. Giá trị, hệ giá trị của một số quốc gia, dân tộc trên thế giới

Hiện nay, trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về giá trị và hệ giá trị. Giá trị gồm giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Trong phạm vi bài viết chỉ đề cập đến những giá trị tinh thần. Theo đó, giá trị chung nhất của xã hội loài người là “chân, thiện, mỹ”. Có thể hiểu “chân” là chân thực, có khi là chân lý, khoa học, là cái đúng đắn, phản ánh cái thực tại khách quan không phụ thuộc vào mong muốn của con người. “Thiện” phản ánh mối quan hệ đạo đức tốt đẹp, lành mạnh giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, môi trường, hướng con người tới những điều tốt đẹp, sống có lương tâm, danh dự, trách nhiệm và nghĩa vụ trong quan hệ xã hội cũng như trong cuộc sống. “Mỹ” là cái đẹp, là sự hài hòa và hoàn thiện trong sáng tạo đời sống vật chất và tinh thần của con người.

Trong quá trình phát triển, tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện địa lý, lịch sử, tôn giáo, thể chế chính trị và nhu cầu phát triển, mỗi quốc gia, dân tộc lại lựa chọn xây dựng những hệ giá trị khác nhau. Sau đó, những giá trị cùng đẳng cấp, chủng loại kết hợp, có quan hệ hữu cơ với nhau tạo thành các hệ giá trị.

Đồng thời, các hệ giá trị cũng có quan hệ, chi phối, tác động lẫn nhau, tạo ra xung lực cho sự phát triển. Các giá trị và hệ giá trị là sợi dây gắn kết cộng đồng, cá nhân trong xã hội; định hướng tư tưởng, hành động, vì sự phát triển, tiến bộ xã hội; đánh giá, thẩm định, điều chỉnh hành vi, việc làm của các tổ chức, thành viên, cá nhân trong xã hội. Trong quá trình phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều quốc gia, tổ chức đã tích cực liên kết, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng phát triển, xây dựng nên những giá trị chung làm biểu tượng đặc trưng của các quốc gia, dân tộc hay tổ chức, cộng đồng đó.

Thực tế cho thấy, mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều có những dấu ấn riêng, bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc trưng cho quốc gia, dân tộc mình. Nhiều nhà nghiên cứu đã đúc rút một số giá trị chung tiêu biểu cho nhiều nước châu Á, nổi bật là đức tính cần cù, chịu khó, yêu lao động, sản xuất; hiếu học và ham học hỏi; quý trọng giá trị gia đình, dòng tộc, huyết thống; đề cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; coi trọng, giữ gìn, phát triển bản sắc văn hóa truyền thống. Malaysia đã xác định 5 nguyên tắc quốc gia (có thể coi là hệ giá trị dân tộc), đó là: tin vào Thượng đế; trung thành với nhà Vua và đất nước; tuân thủ hiến pháp, pháp luật; quản lý nhà nước và cai trị bằng pháp luật; công dân phải có hành vi tốt, đạo đức tốt. Singapore là quốc gia có trình độ phát triển vượt bậc, bởi họ đã sớm xây dựng cho mình một hệ giá trị quốc gia (hay được gọi là “các giá trị chung Singapore”) với 5 giá trị tiêu biểu là: dân tộc trước cộng đồng, xã hội trên cá nhân; gia đình là đơn vị cơ bản nhất của xã hội; coi trọng hỗ trợ cộng đồng và tôn trọng cá nhân; đồng thuận, không xung đột; hòa hợp chủng tộc và tôn giáo. Nhật Bản là một trong những quốc gia vừa đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, vừa giữ được những nét độc đáo về văn hóa, con người, bởi quốc gia này rất chú trọng việc giữ gìn và xây dựng những giá trị, hệ giá trị nổi bật. Trước hết, trên cơ sở các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống, Nhật Bản đã xây dựng những hệ giá trị trong thời đại mới như: tinh thần đoàn kết dân tộc, cộng đồng; tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật cao; đức tính cần cù, nhẫn nại; tuyệt đối trung thành với nhà Vua, đất nước; sống lịch sự trước mọi người; tinh thần tự chủ cao trong mọi hoàn cảnh, tránh làm phiền người khác. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nhật Bản đã xây dựng các giá trị cốt lõi để sẵn sàng hội nhập, phát triển, đó là: cộng sinh, cộng tồn; biết điều chỉnh bản thân; tư duy độc lập, tự chủ; sáng tạo cái mới; tôn trọng sự khác biệt...

Tại các nước Bắc Âu - nơi có những mô hình thành công về “nhà nước phúc lợi xã hội” lại xây dựng được các hệ giá trị độc đáo và tiên tiến, đặc biệt là cùng hướng tới mục tiêu củng cố bình đẳng, dân chủ, tôn trọng quyền con người, bảo vệ môi trường và hòa nhập, coi đây là nền tảng của sự thịnh vượng và phát triển bền vững. Các hệ giá trị châu lục hay hệ giá trị quốc gia mà họ xây dựng đều dựa trên khát vọng, mong muốn chung của từng khu vực, quốc gia, đồng thời phản ánh đặc trưng và bản sắc văn hóa riêng biệt. Còn nhiều nước phương Tây từ lâu đã có chung một số hệ giá trị nổi bật là: công bằng và chính nghĩa; quyền và quyền lợi; bình đẳng; tự do; khoan dung; tự trị - tự lập; dân chủ. Năm 2012, Ủy ban châu Âu đã đưa ra các giá trị chung cho cả cộng đồng, đó là: hòa bình; dân chủ; nhân quyền; tuân thủ pháp luật; tinh thần đoàn kết.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam - Chủ thể phát huy giá trị truyền thống, xây dựng các hệ giá trị quốc gia, dân tộc trong thời đại mới

Nền văn hiến Việt Nam là sự đúc kết của nhiều hệ giá trị văn hóa tinh thần, trong đó phong tục, thực chất là giá trị văn hóa, là một hệ giá trị truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác. Từ lâu, các nhà nghiên cứu nước ta đã tìm hiểu và sắp xếp các giá trị văn hóa tinh thần Việt Nam, nổi bật là: lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần dũng cảm, bất khuất; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng dân tộc; tinh thần nhân văn, nhân ái, khoan dung, hiếu học, khát vọng hòa bình; nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, hòa nhập nhưng không bị đồng hóa bởi các nền văn hóa khác; cần cù, lạc quan, khiêm tốn, giản dị, trung thực... Các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam luôn vận động, phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quốc gia, dân tộc qua các thời kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tạo nên sức mạnh chiến thắng hai kẻ thù sừng sỏ là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Bước sang thời kỳ đổi mới đất nước, cùng với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta đặc biệt coi trọng xây dựng và phát triển văn hóa. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996), Đảng ta xác định: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đề ra nhiệm vụ “Hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại”1. Khi đất nước ta bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường, tăng cường “mở cửa” hội nhập, Đảng ta đặt ra vấn đề: “Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm gìn giữ và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc. Tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, làm giàu đẹp thêm nền văn hóa Việt Nam; đấu tranh chống sự xâm nhập của các loại văn hóa độc hại, những khuynh hướng sùng ngoại, lai căng, mất gốc. Khắc phục tâm lý sùng bái đồng tiền, bất chấp đạo lý, coi thường các giá trị nhân văn”2. Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xác định quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Với quan điểm “xây” đi đôi với “chống”, trong đó lấy “xây” làm chính, Nghị quyết nhấn mạnh: “cùng với việc giữ gìn và phát triển những di sản văn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư, tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng văn hóa để thực hiện “diễn biến hòa bình””3. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (năm 2006), Đảng tiếp tục đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam”4. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đề ra nhiệm vụ: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”5. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011) nhấn mạnh quan điểm: “khẳng định và biểu dương các giá trị chân, thiện, mỹ, phê phán những cái lỗi thời, thấp kém, đấu tranh chống những biểu hiện phản văn hóa”6. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016), Đảng ta tiếp tục đề ra nhiệm vụ: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tự tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người”7. Phát huy tinh thần của các kỳ đại hội trước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đề ra yêu cầu: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”8. Đặc biệt, trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ngày 24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, trong đó có việc “xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”9.

Có thể thấy, qua các kỳ đại hội, Đảng ta ngày càng xác định rõ và khẳng định những giá trị chính yếu làm nên hệ giá trị quốc gia - dân tộc; hệ giá trị văn hóa; hệ giá trị gia đình; chuẩn mực con người Việt Nam. Ngày 29/11/2022, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” được tổ chức, nhằm góp phần đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống, quán triệt, cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Đảng ta về xây dựng các hệ giá trị, tạo dựng cơ sở quan trọng cho việc thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.

3. Một số nhiệm vụ, giải pháp then chốt nhằm xây dựng các hệ giá trị, hiện thực hóa các hệ giá trị trong cuộc sống

Để định hình rõ và xây dựng thành công hệ giá trị quốc gia, dân tộc, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời đại mới, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp then chốt sau:

 Thứ nhất, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra mục tiêu phát triển tổng quát là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa10. Trong các tiêu chí đánh giá đối với một quốc gia phát triển, các hệ giá trị, trong đó có hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người và yếu tố môi trường trong phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, cần phải được hiện thực hóa. Đó là nhiệm vụ quan trọng từ nay đến năm 2045 của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân ta.

Thứ hai, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa với một Đảng duy nhất tiên phong cầm quyền, đại diện hợp pháp cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cho cả dân tộc, vấn đề xây dựng các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đóng vai trò quyết định. Đất nước ta đã độc lập, hòa bình, thống nhất, dân ta đã được tự do, ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, song “giặc nội xâm” đã và đang trở thành mối đe dọa lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ và niềm tin của người dân. Thực tế cho thấy, hầu hết những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực... nằm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên dưới sự lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy, tổ chức đảng. Những biểu hiện tiêu cực đó là phản giá trị, phản đạo đức, phản văn hóa, đi ngược lại với quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, để xây dựng được các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam, trước hết phải ngăn chặn, loại bỏ những biểu hiện phản giá trị, đó là nghĩa vụ, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Thứ ba, để xây dựng các hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, trước hết cần chú ý xây dựng, cụ thể hóa phạm trù “văn hóa đạo đức”, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Văn hóa đạo đức là biểu hiện của lương tâm và danh dự, nghĩa vụ và trách nhiệm trong các mối quan hệ xã hội (mối quan hệ giữa con người với con người, mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên). Thông qua các giá trị và chuẩn mực đạo đức của xã hội nhân đạo, nhân văn, văn hóa đạo đức trong mỗi chủ thể chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa sẽ giúp cho con người sống tốt hơn, hướng thiện và tránh những hiện tượng phản văn hóa, nhất là những biểu hiện suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên hiện nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân, song, hiện nay, nhiều cán bộ chỉ coi trọng vai trò “lãnh đạo” mà xem nhẹ vai trò “đày tớ”, vì vậy trong xây dựng văn hóa đạo đức, cần đặc biệt chú trọng, xác định rõ “văn hóa đày tớ” trong xã hội.

Thứ tư, gia đình là tế bào, hạt nhân của xã hội, tạo môi trường để nuôi dưỡng những nét đẹp, chuẩn mực giá trị của con người. Do đó, để xây dựng hệ giá trị quốc gia, trước hết phải chú trọng xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam, đặc biệt là giữ gìn đạo đức, lối sống, văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu, xây dựng những giá trị gia đình trong thời đại mới.

Thứ năm, xây dựng và đưa các giá trị, chuẩn mực con người Việt Nam vào cuộc sống là công việc thường xuyên, lâu dài, cần có quá trình, bước đi cụ thể, là nhiệm vụ và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng. Trước hết, Đảng phải thực sự dựa vào dân để xây dựng, giám sát việc thực hiện các giá trị, chuẩn mực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, quán triệt và vận dụng triệt để phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”11. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng phải đi đầu trong công tác phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cổ vũ, động viên những cách làm hay, những điển hình tiên tiến, là diễn đàn quan trọng phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ này.


1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 113, 111.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 58.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 106.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr. 47.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 76.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 126-127. 8, 8, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 143, 35-36.

9. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, Tạp chí Chính trị và Phát triển, số 07/2021, tr. 10.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 335.

Nhà báo VŨ NGỌC LÂN

Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Dân vận

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin