Vai trò của vốn nhân lực trong các lý thuyết tăng trưởng kinh tế

CT&PT - Động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là những con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tức là những con người được đầu tư phát triển, có kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo. So với các nguồn lực khác, nguồn nhân lực với yếu tố hàng đầu là trí tuệ, chất xám có ưu thế nổi bật ở chỗ nó không bị cạn kiệt nếu biết bồi dưỡng, khai thác và sử dụng hợp lý, còn các nguồn lực khác dù nhiều đến đâu cũng chỉ là yếu tố có hạn và chỉ phát huy được tác dụng khi kết hợp với nguồn nhân lực một cách có hiệu quả.

Từ lâu, ý tưởng cho rằng vốn con người đóng vai trò quan trọng trong việc lý giải sự khác biệt về lợi nhuận đã xuất hiện trong quan niệm của các nhà kinh tế học. Xét theo khía cạnh nào đó, quan điểm trên đã hình thành từ công trình của Adam Smith và Alfred Marshall, mặc dù phải đến tận giữa thế kỷ XX thì Gary Becker và một số nhà nghiên cứu khác mới phát triển học thuyết về vốn con người. Học thuyết này, vốn cho rằng trình độ học vấn và kinh nghiệm của một người sẽ quyết định thu nhập (lao động) của họ, ban đầu được vạch ra cho bối cảnh kinh tế vi mô nhưng dần dần cũng được áp dụng cả vào kinh tế vĩ mô. Những chuyên viên hạch toán tăng trưởng như Denison và Jorgenson, Griliches đã nghiên cứu thử xem sự thay đổi chất lượng đội ngũ lao động lý giải được đến mức nào lượng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). Tuy nhiên, chính sự xuất hiện của “lý thuyết tăng trưởng mới” và nhất là đóng góp quan trọng của Lucas đã làm dấy lên sự chú ý về quan hệ giữa vốn con người với tăng trưởng. Thế kỷ vừa qua đã chứng kiến một loạt phép thống kê hồi quy xuyên quốc gia, không chỉ kiểm tra sự hội tụ mà còn nỗ lực làm sáng tỏ những yếu tố quyết định sự tăng trưởng khác biệt giữa các quốc gia. Trong khi phép hồi quy đã tính đến rất nhiều biến số thì một trong những nguồn tăng trưởng khả dĩ được nghiên cứu nhiều nhất là vốn con người. Chúng tôi sẽ trình bày những mô hình có ảnh hưởng lớn nhất lên kho tài liệu thực nghiệm.

Thứ nhất là mô hình nguyên mẫu Solow: trọng tâm của mô hình tăng trưởng tân cổ điển chuẩn do Solow phát triển là một hàm sản xuất tổ hợp dưới dạng Yt = F(Kt, Lt . At), trong đó Y là kết quả đầu ra, K là vốn, L là lao động và A là chỉ số công nghệ hoặc hiệu suất. Lao động và trình độ công nghệ tăng theo tỷ lệ lũy thừa ngoại sinh. Nếu không có tiến bộ công nghệ thì cuối cùng sự tăng trưởng trong mô hình này sẽ bị ngưng trệ. Tuy nhiên sự hình thành mô hình được lựa chọn sao cho hiệu suất gia tăng nhằm bù đắp vào phần lợi nhuận sụt giảm tính theo vốn. Vì vậy, nền kinh tế đồng quy về một trạng thái ổn định, trong đó sản phẩm đầu ra và vốn tính trên mỗi công nhân đều tăng theo tỷ lệ ngoại sinh của sự tiến bộ công nghệ.

Thứ hai, mô hình Solow hiệu chỉnh: Mankiw/Romer/Weil đã đưa ra cách mở rộng mô hình Solow khá đơn giản: thêm vốn con người - như một yếu tố đầu vào riêng biệt- vào hàm sản xuất chuẩn của Cobb-Douglas với tiến bộ kỹ thuật trung tính của Harrod (tức tập trung nâng cao lao động). Công nghệ sản xuất trong mô hình này có dạng: 𝑌𝑡 = 𝐾𝑡𝛼𝐻𝑡𝛽(𝐴𝑡. 𝐿𝑡)1-𝛼-𝛽. Trong đó H là lượng vốn con người; số mũ α, β (1-α-β) thể hiện độ co giãn của kết quả đầu ra với lượng yếu tố đầu vào tương ứng.

Mô hình Solow có thêm vốn con người đã xem nó như một yếu tố đầu vào thông thường, bổ sung cho sản xuất. Vốn con người được mô hình hóa tương tự như vốn vật chất: nó được tích lũy bằng cách đầu tư một phần thu nhập, hao hụt theo tỷ lệ y như vốn vật chất và được sản xuất bằng phương pháp giống với vốn vật chất lẫn sự tiêu dùng. Tương tự mô hình nguyên mẫu của Solow, sự tăng trưởng lâu dài mang tính ngoại sinh, tỷ lệ của nó bằng với tốc độ tiến bộ công nghệ.

Mô hình tăng trưởng nội sinh: điểm hạn chế lớn nhất trong những tài liệu về tăng trưởng ở thập niên 1950, 1960 là chủ thể chính của nghiên cứu, tức tỷ lệ tăng trưởng lâu dài, lại mang tính ngoại sinh trong mô hình. Lý thuyết tăng trưởng mới do Romer khởi xướng đã cố gắng “nội sinh hóa” nguồn lực tăng trưởng, nhờ đó tỷ lệ tăng trưởng sẽ được quyết định trong mô hình. Tài liệu về tăng trưởng nội sinh đưa ra hai cách tiếp cận khác nhau về việc tích hợp vốn con người vào các mô hình tăng trưởng kinh tế. Cách đầu tiên do Lucas khởi xướng, xem sự tích lũy vốn con người là động cơ thúc đẩy tăng trưởng. Cách thứ hai nhấn mạnh vai trò của lượng vốn con người trong quá trình đổi mới, sáng tạo và tiếp thu công nghệ.

Sự tăng trưởng nhờ tích lũy vốn con người: trong mô hình do Lucas đưa ra, vốn con người tích hợp vào hàm sản xuất giống như cách mà công nghệ đi vào mô hình Solow, tức là dưới dạng thúc đẩy lao động. Nền kinh tế bao gồm nhiều cá thể tương tự nhau cố gắng tối đa hóa tổng hiệu dụng. Các nhân tố có khả năng kiểm soát hai biến số là: mức độ tiêu dùng và sự phân bổ thời gian giữa làm việc với tiếp nhận kỹ năng. Biến số đầu tiên quyết định sự tích lũy vốn vật chất trong khi biến số thứ hai ảnh hưởng đến năng suất trong tương lai của nhân tố. Lucas đề ra hàm công nghệ sản xuất có dạng: 𝑌𝑡 = 𝐴𝐾𝑡𝛽(𝑢𝑡. ℎ𝑡. 𝐿𝑡)1-𝛽ℎ𝑎𝛾,𝑡. Trong đó u là phần thời gian mà cá nhân dành cho công việc, h là mức kỹ năng hay vốn con người của nhân tố đại diện và ha là vốn con người trung bình của nền kinh tế. Lucas cho rằng cá nhân đầu tư vào vốn con người bằng cách dành một phần thời gian của họ để tiếp thu kỹ năng, thay vì một phần thu nhập như tài liệu của Mankiw/ Romer/ Weil. Mô hình đưa đến kết luận: không cần biết có bao nhiêu vốn con người được tích lũy, một nỗ lực cụ thể luôn mang lại phần trăm gia tăng cố định. Vì sự tiếp nhận kỹ năng không tạo ra lợi tức tiệm giảm nên vốn con người có thể phát triển không giới hạn, từ đó tạo ra sự tăng trưởng nội sinh.

Vốn con người và sự biến đổi công nghệ: loại mô hình tăng trưởng nội sinh thứ hai vẫn duy trì quan điểm nền tảng của mô hình Solow, đó là tiến bộ kỹ thuật đóng vai trò trung tâm của tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, bằng cách đưa sự biến đổi công nghệ vào trong mô hình, các lý thuyết này thừa nhận rằng một lượng lớn phát minh là kết quả của hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) có mục đích, được thực hiện nhằm phản hồi lại kích thích kinh tế. Điều này làm thay đổi vai trò của vốn con người - giờ đây nó xuất hiện trong mô hình với vai trò xúc tác cho tiến bộ công nghệ chứ không phải như một nguồn duy trì tăng trưởng độc lập. Nelson/ Phelps là những người đầu tiên tranh luận rằng trình độ học vấn của một người có thể tác động đáng kể lên khả năng thích ứng với thay đổi và sáng tạo công nghệ mới của họ. Theo đó, mức vốn con người càng cao sẽ càng đẩy nhanh quy trình phổ biến công nghệ trong một nền kinh tế. Điều này cho phép các quốc gia bị tuột lại so với mặt bằng công nghệ trên thế giới có thể bắt kịp nhanh hơn với những quốc gia đứng đầu. Thế nhưng trong mô hình của Nelson/ Phelps, sự phát triển của mức công nghệ thực hành tốt nhất lại bị xem là mang tính ngoại sinh nên vốn con người chỉ đóng vai trò hỗ trợ quốc gia thu hẹp khoảng cách so với mặt bằng công nghệ chung.

47-1729916134.png
 

Thông qua việc quan sát thấy hoạt động R&D chỉ đòi hỏi lao động có tay nghề cao như yếu tố đầu vào quan trọng nhất, Romer đã mở rộng khái niệm này từ việc tiếp thu công nghệ hiện có sang chế tạo ra công nghệ mới. Kết quả chính rút ra từ cả hai cách tiếp cận này là tiến bộ công nghệ, và do đó là cả sự tăng trưởng, phụ thuộc vào lượng vốn con người (khác với sự tích lũy vốn con người).


NCS. NGUYỄN TRƯỜNG NAM

Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin