1. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp tự học
Theo nghĩa chung nhất, phương pháp tự học là cách thức, biện pháp mà người học sử dụng để chủ động chiếm lĩnh hiệu quả tri thức mà không qua thời gian đào tạo trực tiếp ở cơ sở giáo dục. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở, tìm tòi, lựa chọn và tìm ra phương thức học tập hiệu quả. Điều này giúp Người thực sự trở thành hình mẫu của bậc "đại nhân, đại trí, đại dũng". Quan điểm của Người về phương pháp tự học được thể hiện ở các nội dung sau:
Thứ nhất, về vai trò của phương pháp tự học
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự học có vai trò quan trọng giúp người học chiếm lĩnh tri thức, phát triển toàn diện bản thân và đáp ứng yêu cầu của công việc trong thực tiễn cách mạng. Năm 1961, nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm, Người chia sẻ: "Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau"1. Để việc tự học có kết quả tốt, theo Người, cần có phương pháp tự học, bởi không có phương pháp tự học thì người học sẽ lúng túng, bị động và không biết bắt đầu như thế nào. Người nêu rõ: "Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học"2.
Thứ hai, về mục đích của phương pháp tự học
Đối với phương pháp tự học hay trong bất kỳ hoạt động nào, vấn đề cơ bản nhất là phải xác định được mục đích. Để phương pháp tự học đạt được hiệu quả trong thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định mục đích của phương pháp tự học không tách rời với mục đích của học tập dưới chế độ xã hội chủ nghĩa: "Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà"3. Theo đó, thực hiện phương pháp tự học là để chiếm lĩnh tri thức, qua đó phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Cách xác định mục đích phương pháp tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ vai trò của việc học tập đối với con người nói riêng và sự nghiệp cách mạng nói chung. Theo Người, tự học là việc mang tính sống còn, do đó, "phải học mãi, học suốt đời"4, "Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng"5.
Thứ ba, về nội dung của phương pháp tự học
Theo Người, phương pháp tự học là vừa làm, vừa học, tranh thủ mọi cơ hội để học. Quá trình hoạt động cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho chúng ta thấy đây là phương pháp học tập vô cùng hiệu quả. Thực tế, phương pháp tự học ngoại ngữ của Người tuy đơn giản, nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Từ học tiếng Pháp trên tàu sau giờ lao động mệt nhoài và say sóng, đến học tiếng Anh khi đến Mỹ, đến Anh. Sau này, nhận thấy rõ vai trò của báo chí đối với cách mạng Việt Nam, để có thể viết các bài đăng trên các báo, tạp chí và viết sách nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động cách mạng, Người đã sáng tạo trong việc học viết báo bằng tiếng Pháp qua hướng dẫn của chủ bút tờ báo Dân chúng là ông Jean Longue.
Tháng 6/1923, khi đến nước Nga - trung tâm của cách mạng thế giới, Người cũng áp dụng cách học ngoại ngữ kết hợp vừa học và vừa làm, tranh thủ mọi thời gian để học tiếng Nga. Nhờ đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã hoàn thành khóa học ở Trường Đại học Phương Đông năm 1924. Mặt khác, Người còn có cách thức hiệu quả để tự học tiếng Hán, có thể làm thơ chữ Hán, trong đó tiêu biểu là tác phẩm Ngục Trung nhật ký (Nhật ký trong tù)…
Muốn quá trình tự học được hiệu quả, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người học hãy tự mình học ở mọi lúc, mọi nơi, học lẫn nhau, đặc biệt là học ở nhân dân. Người lý giải, dù có học ở trường, lớp, học trong sách vở hay học lẫn nhau mà không học ở nhân dân - học những kinh nghiệm phong phú, quý báu từ nhân dân, thì đó không chỉ "là một thiếu sót rất lớn", mà còn bỏ lỡ cơ hội để gần gũi, gắn bó với nhân dân. Người chỉ rõ: "Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn"6.
Theo Người, để thực hành tự học hiệu quả, thì một trong những cách thức của người học là cần luôn có thái độ học tập nghiêm túc, ý thức tự học thường xuyên và gắn lý luận với thực hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng… Phương châm, phương pháp học tập là lý luận liên hệ với thực tế"7. Từ đó, Người đặt ra yêu cầu với người học: "Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ"8. Đây là những chỉ dẫn rất thiết thực đối với người học, giúp người học thay đổi cách thức học tập để đạt được mục tiêu đề ra.
2. Định hướng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp tự học trong giai đoạn hiện nay
Trải qua gần 40 năm đổi mới đất nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo nói chung và phương pháp tự học nói riêng, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin đã trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, tiếp tục được Đảng ta nghiên cứu, học tập, vận dụng, phát triển sáng tạo bằng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đáng chú ý, nhờ sự lan tỏa nội dung các quan điểm của Người về phương pháp tự học, nhất là hình mẫu về tấm gương tự học suốt đời, trong giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay, xuất hiện nhiều cách thức, biện pháp học tập hiệu quả ở tất cả các cấp học, bậc học và môn học khác nhau; nhiều học sinh, sinh viên dám đổi mới, sáng tạo về phương pháp tự học để gia tăng, chiếm lĩnh, làm chủ hệ thống tri thức và vận dụng tri thức vào giải quyết các tình huống khác nhau trong quá trình học tập... Điều này, góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng người học chưa có cách thức, biện pháp học tập hiệu quả; không ít học sinh, sinh viên học tập thụ động, trồng chờ, dựa dẫm vào nội dung lên lớp của giáo viên, chưa tích cực đổi mới phương pháp học tập để chiếm lĩnh tri thức, phát triển năng lực, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Theo nghiên cứu, sinh viên hiện nay chưa có cách thức, biện pháp tự học tập hiệu quả: "Nhìn chung, chỉ có khoảng 30% sinh viên tích cực trong tự học, và thường xuyên áp dụng các phương pháp học tập đào sâu"9. Với đối tượng là học sinh trung học phổ thông, "hai hoạt động tự học được học sử dùng thường xuyên nhất là "học thuộc lòng các ý cơ bản, trọng tâm…" và "thực hiện các nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao". Đây là những hoạt động tự học theo yêu cầu, mà chưa mang tính tự giác và tích cực. Các hoạt động tự học đòi hỏi học sinh phải chủ động, tích cực nhiều hơn bao gồm "liên hệ, so sánh và phân biệt những kiến thức tương đồng và tương phản", "tóm tắt mỗi bài học" và "lập sơ đồ, hệ thống hóa, tóm tắt, phân loại bài học, bài tập..." nhìn chung ít được học sinh thực hiện"10.
Mặt khác, hiện nay Đảng ta tiếp tục nhất quán khẳng định "giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu", "là động lực phát triển kinh tế - xã hội"; Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó nêu rõ nhiệm vụ: "Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo"11.
Để nâng cao hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo, cần thực hiện đồng bộ các định hướng sau:
Một là, nghiên cứu, phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp tự học
Theo đó, cần nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân về nội dung, giá trị các quan điểm mang tính hệ thống, toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp tự học để nâng cao chất lượng tự học, qua đó chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Đồng thời, làm cho các quan điểm của Người về phương pháp tự học thực sự là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam trong đổi mới căn bản, toàn diện phương pháp tự học cho người học ở các cấp học, bậc học đạt hiệu quả, chất lượng, khắc phục tình trạng thụ động trong học tập, làm cho giáo dục và đào tạo thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhằm xây dựng nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hai là, thực hiện hiệu quả vai trò của phương pháp tự học trong giáo dục và đào tạo
Đây là định hướng quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay, bởi nếu không phát huy tốt vai trò của phương pháp tự học, thì tất yếu hiệu quả giáo dục và đào tạo sẽ chuyển biến chậm, thậm chí thụt lùi, do người học không làm chủ tri thức, thiếu năng lực và kỹ năng. Do đó, cần thấm nhuần quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp tự học để không ngừng nâng cao chất lượng tự học của người học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, “vừa hồng, vừa chuyên”, có bản lĩnh, năng lực làm chủ khoa học và công nghệ hiện đại, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và có hoài bão, khát vọng cống hiến cho đất nước.
Ba là, đổi mới phương pháp tự học của người học trên cơ sở xác định đúng mục đích
Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp tự học của học sinh, sinh viên, học viên ở các cấp học, bậc học trên cơ sở định hướng cho người học đổi mới phương pháp tự học theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục đích của phương pháp tự học. Đồng thời, chuyển từ phương pháp dạy học truyền thống nặng về trang bị kiến thức sang bồi dưỡng, phát triển năng lực, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn cho người học; hướng người học đến mục tiêu nâng cao ý thức tự giác học tập, rèn luyện trong mọi lúc, mọi nơi.
Bốn là, cụ thể hóa nội dung phương pháp tự học theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với từng cấp học, bậc học và đối tượng người học
Quan triệt thực hiện tốt quan điểm "học đi đôi với hành", "lý luận gắn liền với thực tiễn" và "học mọi lúc, mọi nơi, coi trọng học tập trong thực tiễn và học nhân dân" để đổi mới căn bản, toàn diện phương pháp tự học, đáp ứng yêu cầu xã hội. Mặt khác, cần khắc phục tình trạng gò ép trong quá trình tự học của học sinh hiện nay. Theo đó, nhà trường, gia đình và xã hội cần động viên, khuyến khích, bố trí thời gian, địa điểm và tài liệu, phương tiện học tập đầy đủ để học sinh có thể tự tìm tòi, nghiên cứu, lựa chọn phương pháp tự học phù hợp. Bên cạnh đó, cần phát huy tính dân chủ trong toàn bộ các khâu, các bước của quá trình giáo dục, làm cho việc thực hành dân chủ trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân và các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý giáo dục trở thành nét văn hóa của ngành giáo dục. Đồng thời, khuyến khích người học ở các cấp học, bậc học luôn có tư duy và hành động thiết thực, cụ thể, “đào sâu suy nghĩ”, “tích cực trao đổi, liên hệ thực tiễn”… Qua đó, hình thành ở người học phương pháp tự học hiệu quả, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Có thể khẳng định, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp tự học là nội dung quan trọng, mang tính hệ thống, toàn diện trong hệ thống tư tưởng của Người về giáo dục và đào tạo. Tấm gương về phương pháp tự học của Người là hình mẫu để mọi người học tập và làm theo. Trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp tự học có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà.
1, 3, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 13, tr. 273; t. 9, tr. 179; t. 11, tr. 98.
2, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 360, 361.
4, 5, 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 670, 113, 116.
9. Trương Thị Hoa: Thực trạng về phương pháp học tập của sinh viên, Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam, số 121, 10/2015, tr. 15.
10. Trương Thị Hồng Duyên và Đỗ Thị Phương Thảo: Thực trạng hoạt động tự học của học sinh các trường trung học phổ thông tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Vinh, tập 50, số 4B/2021, tr. 22.
11. Kết luận số 29-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thượng tá, TS. TRỊNH QUỐC VIỆT
Thiếu tá NGUYỄN VĂN TRƯỜNG
Thiếu tá NGUYỄN VĂN VĨNH
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng