Tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất, năng lực của nhà giáo và định hướng xây dựng đội ngũ nhà giáo trong Quân đội hiện nay

Nguyễn Thu Hằng

CT&PT - Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài, nhà giáo vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Người luôn quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo. Trong đó, tư tưởng về phẩm chất, năng lực của nhà giáo là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung và định hướng xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội nói riêng.

1. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất, năng lực của nhà giáo

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò của nhà giáo đối với sự nghiệp cách mạng. Bên cạnh việc đề cao vị trí người thầy trong xã hội, Người cũng chỉ ra những phẩm chất, năng lực mà mỗi nhà giáo cần phải có. Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương về xây dựng hệ thống nhà trường Quân đội thông minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đã và đang đặt ra những yêu cầu về chất lượng đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là phẩm chất, năng lực. Theo đó, việc quán triệt, định hướng vận dụng những phẩm chất, năng lực nhà giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định việc xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội hiện nay.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phẩm chất, năng lực của nhà giáo được thể hiện thông qua mối quan hệ giữa “đức - tài”, “hồng - chuyên” của người cách mạng. Người chỉ rõ: “Nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt1. Do đó, Người đặt ra yêu cầu đội ngũ nhà giáo cần phải có một số phẩm chất, năng lực cơ bản sau:

Một là, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng

Theo Hồ Chí Minh, phẩm chất hàng đầu của nhà giáo là có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng để phục vụ cách mạng, Người chỉ rõ: “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”2. Bản lĩnh chính trị của nhà giáo có vai trò quan trọng, là “điểm tựa” cho nhận thức và hành động để cống hiến, phát huy vai trò, trách nhiệm đối với Tổ quốc, với Nhân dân. Do đó, nhà giáo phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Người nhắc nhở: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây chính là đạo đức cách mạng”3.

Hai là, có tình yêu thương học trò và yêu nghề

Theo Hồ Chí Minh, nhà giáo phải quan tâm, chăm sóc học trò, bởi “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ”4. Theo Người, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được một đội ngũ nhà giáo yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức, tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Người chỉ rõ: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất”5. Hồ Chí Minh quan niệm, dù là tên tuổi nhà giáo không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì nhất định phải sửa chữa.

Ba là, có kiến thức toàn diện, cách dạy phù hợp với đối tượng

Theo Hồ Chí Minh, nhà giáo phải am hiểu mọi lĩnh vực đời sống xã hội, luôn sáng tạo, nhạy bén; hiểu biết về con người, tự nhiên, xã hội và tư duy mới thực sự trở thành nhà giáo giỏi. Vì thế, Người mong muốn nhà giáo phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Về cách dạy học phải phù hợp với từng đối tượng, trên cơ sở đối tượng mà lựa chọn nội dung giáo dục: Đối với đại học, cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Đối với trung học, cần bảo đảm cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà. Đối với tiểu học, cần giáo dục các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, không gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Đặc biệt cần chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu.

Bốn là, suốt đời nêu gương về tự học, tự rèn luyện

Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình... Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”6. Do đó, phải thường xuyên tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là “kỹ sư tâm hồn”, góp sức vào sự nghiệp “trồng người”. Theo Người, người thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, người thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại, một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin của cả một lớp người. Vì vậy, để nâng cao chất lượng của hoạt động dạy và học, người thầy cần phải nêu gương về tự học, tự rèn luyện.

2. Định hướng xây dựng đội ngũ nhà giáo trong Quân đội hiện nay

Đội ngũ nhà giáo trong Quân đội có vị thế vô cùng quan trọng, giữ vai trò quyết định chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học tại các nhà trường Quân đội. Học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực nhà giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đội ngũ nhà giáo trong Quân đội có phẩm chất chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức nghề nghiệp, lòng yêu nghề, yêu người; tinh thần trách nhiệm cao trong giảng dạy; tích cực tự học, tự rèn nâng cao trình độ mọi mặt và phương pháp, tác phong giảng dạy.

Tuy nhiên, đội ngũ nhà giáo trong Quân đội hiện nay vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm nhất định. Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới chỉ rõ: “số lượng và tỷ lệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt trình độ tiến sĩ, đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú còn thấp, chưa đồng đều giữa các nhà trường; năng lực ngoại ngữ, tin học và kiến thức thực tiễn còn hạn chế. Hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo chưa cao…”7. Mặt khác, công tác quy hoạch tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở một số nhà trường chưa được quan tâm đúng mực, chưa thực sự khuyến khích và tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo phấn đấu, phát triển…

Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Cuộc Cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. Trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được củng cố, nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, động lực then chốt để phát triển đất nước. Theo đó, Quân ủy Trung ương xác định: “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học tại các nhà trường. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ tương xứng với công việc, ngành đào tạo; thực hiện tốt bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học qua thực tiễn; có chính sách thu hút nhân tài về các học viện, nhà trường công tác”8. Để hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, đội ngũ nhà giáo quân đội cần tập trung thực hiện tốt một số định hướng sau:

Một là, xây dựng đội ngũ nhà giáo trong Quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng và khát vọng cống hiến

Xây dựng đội ngũ nhà giáo trong Quân đội đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, có thế giới quan, phương pháp luận mácxít, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có tinh thần yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí quyết tâm và khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung, luôn đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, Nhân dân, tập thể lên trên hết, trước hết; “tiên ưu hậu lạc”, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Kiên quyết đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm của Đảng; những biểu hiện tiêu cực trong dạy và học. Kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững định hướng tư tưởng chính trị trong toàn bộ hoạt động sư phạm.

Hai là, đội ngũ nhà giáo trong Quân đội cần tự giác tu dưỡng đạo đức cách mạng, giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo

Theo đó, nhà giáo trong Quân đội cần có ý thức tu dưỡng đạo đức, giữ gìn danh dự, nhân ái, bao dung đối với học viên, có thái độ hòa nhã, đúng mực, mô phạm. Trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ nhà giáo trong Quân đội cần kết hợp giữa bồi dưỡng, cập nhật tri thức mới với nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức; chủ động phòng, chống các tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường và xu hướng thương mại hóa giáo dục. Theo đó, nhà giáo trong Quân đội cần ra sức thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; việc gì tốt cho học viên phải ra sức làm, việc gì không tốt phải hết sức tránh. Mỗi nhà giáo phải tâm huyết trong mọi công việc, không vì khó khăn mà nản chí; luôn cầu thị, khiêm nhường, công tâm, trung thực, khách quan trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học.

Ba là, xây dựng đội ngũ nhà giáo trong Quân đội phải luôn có tình yêu nghề, nhiệt huyết trong công việc

Đội ngũ nhà giáo trong Quân đội phải xác định dạy học là nhiệm vụ hết sức vẻ vang, công việc chính gắn bó cả cuộc đời binh nghiệp. Thực tiễn đã chứng minh, tình yêu nghề, nhiệt huyết trong công việc của giảng viên là bài giảng không lời, có sức lan tỏa mạnh mẽ, lay động đến tình cảm, niềm tin của học viên - những cán bộ tương lai của Quân đội. Trong giai đoạn hiện nay, để phụng sự nhân dân, được xã hội tôn kính, trước hết, đội ngũ nhà giáo cần yêu nghề, yêu trường, tận tụy, tôn trọng, yêu mến người học và thường xuyên tự bồi dưỡng chuyên môn, học hỏi đồng nghiệp. Có động cơ đúng đắn, thái độ làm việc nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao.

Bốn là, đội ngũ nhà giáo trong Quân đội không ngừng nâng cao năng lực toàn diện và thường xuyên đổi mới, phương pháp dạy học theo hướng hiện đại

Quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh về phẩm chất, năng lực của nhà giáo, hiện nay, các nhà trường Quân đội tập trung tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá nhằm nâng cao năng lực toàn diện đối với đội ngũ nhà giáo. Chú trọng bồi dưỡng năng lực phát triển chương trình đào tạo, trình độ ngoại ngữ, tin học, chuyển đổi số, kiến thức thực tiễn, tâm lý trong hoạt động giáo dục và đào tạo cho đội ngũ nhà giáo. Kịp thời cập nhật những tri thức mới; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội để luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra; đồng thời, lắng nghe ý kiến của người học để hoàn chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp với từng đối tượng. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, phát huy tinh thần dân chủ, tích cực ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ; đồng thời, động viên tinh thần tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, tránh sự áp đặt, rập khuôn, máy móc; kết hợp giữa lý luận lý luận với thực tiễn, lý thuyết đi đôi với thực hành, trong đó lấy thực hành làm chính.

Năm là, đội ngũ nhà giáo trong Quân đội cần thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào trong giảng dạy

Đội ngũ nhà giáo cần tích cực, chủ động trong nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Khuyến khích đội ngũ nhà giáo nghiên cứu khoa học, có nhiều công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế. Ưu tiên giao các đề tài, nhiệm vụ khoa học cho các nhà trường để phát triển đội ngũ nhà giáo. Gắn đào tạo sau đại học với triển khai nghiên cứu các đề tài, dự án, đề án khoa học và công nghệ. Thường xuyên tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào giảng dạy, huấn luyện, đào tạo, sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị kỹ thuật và các nhiệm vụ thực tiễn trong nhà trường Quân đội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất, năng lực nhà giáo có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Thực hiện tư tưởng của Người, đội ngũ nhà giáo trong Quân đội không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Hiện nay, đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển, nhiệm vụ của Quân đội ngày càng đòi hỏi cao, do đó phẩm chất, năng lực nhà giáo ngày càng quan trọng. Đây cũng chính là động lực để đội ngũ nhà giáo trong Quân đội tích cực học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực; hiện thực hóa chủ trương “chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.


1, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 12, tr. 269, 286.

2, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 507; t. 6, tr. 356.

3, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 403, 402.

7. Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

8. Quân ủy Trung ương: Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Hà Nội, 2020, tr. 25.

ThS. TRẦN VĂN PHƯƠNG

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin