Tinh thần đoàn kết quốc tế trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước lúc ra đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc thiêng liêng, kết tinh trong đó những điều cốt lõi về tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Bản Di chúc mà Người để lại không chỉ là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc ta trong công cuộc phát triển đất nước, mà còn thấm đượm tinh thần đoàn kết quốc tế.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc và lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng để tổng kết thành một phương châm sâu sắc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Dù đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình để mưu cầu tự do, hạnh phúc cho nhân dân, nhưng trước lúc đi xa, Người vẫn trăn trở và căn dặn trong Di chúc: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”1. Tư tưởng đoàn kết của Người thể hiện nhãn quan chính trị của một vĩ nhân, sự minh triết của nhà tổ chức cách mạng luôn đặt yếu tố đoàn kết lên hàng đầu. Theo di huấn của Người, chỉ có “đoàn kết, đại đoàn kết” mới tập hợp được lực lượng, hình thành được tổ chức cách mạng, mới tạo được sức mạnh to lớn để biến lý luận khoa học, đường lối, quan điểm của Đảng thành hiện thực và mới đạt được “thành công, đại thành công”.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề “trước hết” - tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đó chính là ngọn nguồn để xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, để Đảng luôn ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Nhưng tư tưởng đoàn kết của Người không chỉ bó hẹp trong phạm vi nội bộ Đảng, dân tộc, mà còn được thể hiện trên bình diện rộng lớn hơn, đó là đoàn kết quốc tế.

Thực tiễn lịch sử cho thấy, dân tộc Việt Nam chiến thắng được những kẻ thù hùng mạnh là bởi toàn dân luôn đoàn kết một lòng; đồng thời nhận được sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ quý báu cả về tinh thần và vật chất của các nước anh em, bạn bè khắp thế giới. Vì thế, Người đã bày tỏ mong muốn đến ngày thắng lợi “sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”2. Đó là biểu hiện của truyền thống đoàn kết, thủy chung của dân tộc Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

Những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế bắt nguồn từ tình yêu thương đối với con người, với nhân loại và đoàn kết toàn nhân loại vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ khăng khít với phong trào cách mạng thế giới. Tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp (tháng 12/1920), Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ đây, Người đã đặt nền móng cho tình đoàn kết chiến đấu giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp, tạo sự gắn bó chặt chẽ giữa phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới.

Trong Diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 02/9/1957), Người khẳng định: “Chúng tôi đều nhất trí cần tăng cường đoàn kết trên tinh thần quốc tế chủ nghĩa, trên nguyên tắc tương trợ hợp tác, tôn trọng chủ quyền của nhau giữa các nước anh em trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa”3. Trong đoàn kết với các nước phe xã hội chủ nghĩa, Người đặc biệt quan tâm đến quan hệ đoàn kết giữa các đảng cộng sản cầm quyền. Mối quan hệ này là gắn bó, tương trợ lẫn nhau trên tinh thần quốc tế vô sản chân chính. Người cho rằng: “Các đảng dù lớn dù nhỏ đều độc lập và bình đẳng, đồng thời đoàn kết nhất trí giúp đỡ lẫn nhau”4.

Trong những năm tháng nhân dân Việt Nam đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chăm lo xây dựng, giữ gìn và phát triển tình đoàn kết gắn bó giữa Việt Nam với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác; với nhân dân và các dân tộc Á, Phi, Mỹ Latinh... Người chủ trương tăng cường đoàn kết quốc tế, thêm bạn bớt thù, “giúp bạn là mình tự giúp mình”; coi trọng thắt chặt tình đoàn kết, giúp đỡ của nhân dân thế giới và các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam; gắn cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trước mỗi thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của các dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư chúc mừng và coi đó cũng là thắng lợi của nhân dân Việt Nam.

Thực hiện chính sách ngoại giao “tâm công”, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân biệt rất rõ đâu là thù, đâu là bạn để có những ứng xử phù hợp nhằm khơi dậy những tình cảm tốt đẹp của nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình, kêu gọi sự ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Năm 1946, khi tiếp luật sư Pháp Max Clainville Bloncourt, Người bày tỏ: “Tôi không hề căm thù người Pháp. Tôi không hề ghét bỏ nhân dân Pháp. Tôi yêu mến nước Pháp và nhân dân Pháp. Tôi đến đây để đàm phán, để đòi độc lập và tự do cho nhân dân tôi. Chỉ có thế thôi”5. Trong Lời kêu gọi Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp ngày 10/01/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”6. Ngày 07/5/1964, khi trả lời phỏng vấn nữ phóng viên Pháp Danien Huynơben, Người cho biết: “Nhân dân Pháp có truyền thống cách mạng tốt đẹp trước đây đã ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nay lại tỏ sự đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam và cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước Việt Nam trên cơ sở Hiệp nghị Giơnevơ. Nhân dân Việt Nam rất biết ơn nhân dân Pháp về mối tình cảm đó”7. Còn đối với nhân dân Mỹ, Người nhấn mạnh: “Chúng tôi không có xích mích gì với nhân dân Mỹ. Chúng tôi muốn sống hòa bình và hữu nghị với nhân dân Mỹ”8. Sự chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lay động hàng triệu người dân tiến bộ, góp phần thổi bùng phong trào phản chiến ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.

Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến đoàn kết giữa các đảng cộng sản anh em trên toàn thế giới, với khẩu hiệu: “Bốn phương vô sản đều là anh em!”9. Tại các diễn đàn quốc tế, Người cũng cảnh báo về sự bất đồng, chia rẽ trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mà theo đó, không chỉ làm suy giảm sức mạnh cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng xã hội, mà còn chia rẽ sâu sắc khối đoàn kết, thống nhất của các lực lượng dân chủ, yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới; tạo điều kiện để các loại kẻ thù của cách mạng gây chiến tranh xâm lược, phá hoại môi trường hòa bình thế giới.

Không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bản Di chúc: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em”. Biết rằng không thể tiếp tục làm vị “thiên sứ cách mạng”, vì vậy trước lúc đi xa, Người đã căn dặn: “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”10. “Có lý, có tình” vừa là sự thể hiện tinh thần đoàn kết chiến đấu, vừa là nguyên tắc quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết những bất đồng giữa phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, kể cả giải quyết những tranh chấp của quốc gia. Ở đây thể hiện sự tuân thủ những nguyên tắc quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin, xuất phát từ lợi ích chung của cách mạng thế giới, tôn trọng nhau trên tinh thần, tình cảm của những người cùng chung lý tưởng, mục đích đấu tranh, khắc phục tư tưởng sôvanh, “nước lớn”, “đảng lớn”... Dù băn khoăn, day dứt, song Người vẫn tin tưởng chắc chắn rằng, mọi bất hòa sẽ được giải quyết, “các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”11 để đưa phong trào cách mạng thế giới tiến lên.

Tư tưởng đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuyên suốt trong mỗi hành động và việc làm của Người, cho đến tận cuối đời, dòng chữ cuối cùng trong bản Di chúc mà Người để lại cũng là mong muốn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”12. Là nhà hoạt động cách mạng đấu tranh cho quyền lợi của các tầng lớp nhân dân, đoàn kết với các lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới, trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ vì độc lập, tự do của dân tộc mình, mà còn thể hiện sự tôn trọng truyền thống của các nước thực dân, đế quốc đi xâm lược. Đó cũng chính là biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn cao cả Hồ Chí Minh - không gây hận thù dân tộc - một bài học kinh nghiệm quý báu đối với nhiều nước trên con đường đấu tranh cho độc lập tự do và đoàn kết quốc tế.

Với những tư tưởng và cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phong trào cách mạng dân chủ trên thế giới mà cho đến ngày nay, hầu hết các nguyên thủ quốc gia, các chính khách, các đoàn đại biểu, các tổ chức quốc tế, kể cả những người có tư tưởng đối lập về chính trị thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch khi đều bày tỏ sự trân trọng, cảm phục về nhân cách của Người. Qua đó, càng làm tăng thêm tình cảm, lòng ngưỡng mộ của nhân dân thế giới đối với Người.

Ngày 02/3/2001, Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đến thăm Nhà sàn Bác Hồ đã ghi lại những dòng cảm tưởng: “Tôi thành thực được làm quen với cuộc sống người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam - Một người mà tên tuổi đã đọng lại trong lịch sử thế giới”13.

Tại Nhà sàn Bác Hồ, ngày 23/5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã viết cảm tưởng: “Mong rằng quan hệ nồng ấm giữa hai dân tộc chúng ta tiếp tục phát triển”14.

Ngày 23/3/2018, Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In tới thăm nơi ở và làm việc trong những năm cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xúc động ghi lại những dòng cảm tưởng: “Tôi luôn khắc sâu vào tim tinh thần yêu nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh”15.

Cảm phục về tầm vóc trí tuệ và tâm hồn cao thượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Quyền lợi đỏ (Praha, Tiệp Khắc) ngày 09/9/1989 có bài viết về bản Di chúc lịch sử của Người, trong đó nhấn mạnh: “Bác Hồ cùng với bản Di chúc của Người là thuộc về tất cả phong trào cộng sản, công nhân và cách mạng trên thế giới. Người được liệt vào những bậc mà thân thế và sự nghiệp đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới của Tổ quốc mình”16.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn cuộc đời cho dân tộc Việt Nam, cho sự đoàn kết thống nhất của các đảng cộng sản, thống nhất các lực lượng dân chủ trên thế giới đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, độc lập và tiến bộ của loài người. 55 năm kể từ ngày Người đi xa, song những tư tưởng, quan điểm về đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị, được Đảng, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đón nhận, cùng suy ngẫm và vận dụng.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, 55 năm qua, Đảng ta luôn phát huy chủ nghĩa quốc tế trong sáng, cao cả, thủy chung, góp phần quan trọng xây dựng tình đoàn kết giữa các đảng cộng sản và công nhân, giữ gìn và củng cố sự đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; đồng thời, tăng cường xây dựng và phát triển các quan hệ quốc tế trong tình hình mới, coi đây là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Cùng với quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta đã đề ra và thực hiện nhất quán đường lối, chính sách đối ngoại “độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập vào nền kinh tế quốc tế trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, các quan hệ chính trị - kinh tế đan xen, nhiều chiều...

Hiện nay, trước sự thay đổi của tình hình thế giới và khu vực, việc nghiên cứu và vận dụng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề đoàn kết quốc tế có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đề ra: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”17; “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”18; “Mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chính trị, xã hội và nhân dân các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội”19.


1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 15, tr. 624.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 621.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 86.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 732.

5. Xem Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2011.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 24.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 323.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 148.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 670.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 623.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 623.

12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 624.

13. Thu Hằng: “Những dòng cảm tưởng của ông Putin, Obama về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Báo điện tử Vietnamnet, ngày 01/9/2019, https://vietnamnet.vn/nhung-dong-cam-tuong-cua-ong-putin-obama-ve-chu-tich-ho-chi-minh-561955.html.

14. Thu Hằng: “Những dòng cảm tưởng của ông Putin, Obama về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Tlđd.

15. Thu Hằng: “Những dòng cảm tưởng của ông Putin, Obama về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Tlđd.

16. Thu Hằng: “Đoàn kết quốc tế theo Di chúc”, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình, ngày 18/10/2019, https://quangbinh.gov.vn/chi-tiet-tin/-/view-article/1/14012495790547/1570788015909.

17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 161.

18. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 162.

19. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 164.

ĐẶNG CÔNG THÀNH

Học viện Chính trị

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin