Phát huy dân chủ theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một số vấn đề lý luận và sự vận dụng trong bối cảnh phát triển đất nước hiện nay

CT&PT - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, di sản tư tưởng của Người được thể hiện sinh động với những nội dung khác nhau, trong đó vấn đề dân chủ và phát huy dân chủ được Người đặc biệt quan tâm. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, mọi mục tiêu, lý tưởng của Người đều vì tự do, dân chủ và tiến bộ con người.

1. Một số vấn đề lý luận về phát huy dân chủ theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ là kết quả của sự nhận thức sâu sắc về vai trò của nhân dân trong lịch sử: “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, là tối thượng”, “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”; “Dân là gốc của nước, của cách mạng”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”; “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Theo đó, Người đã huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh tự giải phóng mình, góp phần to lớn đưa dân tộc Việt Nam tới độc lập, tự do, đưa nhân dân ta từ kiếp nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.

Trong tác phẩm Thường thức chính trị (năm 1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ... Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”. Xã hội nào bảo đảm cho điều đó được thực thi thì đó là một xã hội thực sự dân chủ. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Địa vị cao nhất là dân; mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Dân là quý nhất, mạnh nhất. “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. “Đem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân”.

Từ chỗ đánh giá cao vai trò của Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân, muốn vậy, thì phải nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Học hỏi dân để lãnh đạo dân. Theo Bác: “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”. 

Trong mối quan hệ giữa dân và Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: dân là chủ và dân làm chủ thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là đày tớ và làm đày tớ cho dân. Dân chủ trong xã hội Việt Nam được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Dân chủ thể hiện trên lĩnh vực chính trị là quan trọng nhất, nổi bật nhất và được biểu hiện tập trung trong hoạt động của Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi dân chủ thể hiện ở việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Trong việc xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam, Người chú trọng việc xây dựng Đảng với tư cách là đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội. Xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Xây dựng Mặt trận với vai trò là liên minh chính trị tự nguyện của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội vì mục tiêu chung của sự phát triển đất nước. Quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh là có bảo đảm và phát huy dân chủ ở trong Đảng thì mới bảo đảm được dân chủ của toàn xã hội. Quyền lãnh đạo của Đảng được xuất phát từ sự ủy quyền của giai cấp công nhân, của dân tộc và của nhân dân. Đảng trở thành hạt nhân chính trị của toàn xã hội là nhân tố tiên quyết để bảo đảm tính chất dân chủ của xã hội. Dân chủ trong Đảng trở thành yếu tố quyết định tới trình độ dân chủ của toàn xã hội.

Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng chế độ dân chủ, thể chế chính trị và thể chế nhà nước dân chủ, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người khẳng định: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Sau khi nước nhà giành độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người yêu cầu tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Nhà nước do dân tức là dân phải tham gia vào công việc của nhà nước. Quốc hội nước ta tuy ở vị trí cao nhất song không phải là cơ quan tập trung tất cả quyền lực. Khi xuất hiện những công việc liên quan đến vận mệnh của quốc gia, thì sẽ được đưa ra toàn dân phúc quyết. Nhà nước do dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là dân tự làm, tự lo việc, thông qua các mối quan hệ trong xã hội, qua các đoàn thể, chứ không phải nhà nước bao cấp, lo thay dân, làm cho dân thụ động, ỷ lại, chờ đợi. Nhà nước vì dân, tức nhà nước ta ngoài lợi ích phục vụ dân chúng không có lợi ích nào khác, đó là bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước ta. Người yêu cầu mọi việc làm của Nhà nước phải quan triệt nguyên tắc: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Người nhắc nhở chính quyền các cấp phải tránh cho được các lầm lỗi, khuyết điểm, những thói hư tật xấu, những chứng bệnh vốn dễ tập nhiễm trong các cơ quan quyền lực nhà nước như: cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo...

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước của dân, do dân, vì dân phải là một nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh, được quản lý bằng pháp luật và phải làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế. Trong một nhà nước dân chủ, dân chủ và pháp luật phải luôn đi đôi với nhau, có mối quan hệ chặt chẽ mới bảo đảm cho chính quyền trở nên mạnh mẽ. Không thể có dân chủ ngoài pháp luật, pháp luật là bà đỡ của dân chủ. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật, ngược lại hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do, dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế. Xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa đảm bảo việc thực hiện quyền lực của nhân dân là mối quan tâm suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Như vậy, phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng Nhân dân, thể hiện nội dung cơ bản mà nhân loại tiến bộ thừa nhận: dân chủ nghĩa là quyền lực thuộc về Nhân dân. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dân chủ còn là một hình thức nhà nước, một thiết chế xã hội và quyền lực thuộc về Nhân dân, trong đó, bản chất của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa là vì con người, phục vụ con người, phục vụ xã hội trên tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin. Cốt lõi của dân chủ xã hội chủ nghĩa là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể hiện ở bốn mặt gắn bó mật thiết với nhau: Bảo đảm dân quyền, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, nắm vững dân tâm. Bốn mặt đó là thước đo trình độ làm chủ của Nhân dân.

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ trong bối cảnh phát triển đất nước hiện nay

Một là, các cấp ủy, từ Ủy viên Trung ương đến cấp ủy cơ sở, lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị phải tăng cường phát huy dân chủ trong Đảng, công khai, minh bạch trong điều hành của chính quyền, thật sự đề cao vai trò trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân; thường xuyên củng cố, kiện toàn, bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực tốt phụ trách Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ.

Hai là, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả; tập trung chỉ đạo, điều hành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp, kéo dài; nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, vì dân.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân; các cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giúp nhân dân thấy rõ quyền lợi của mình, tự giác thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và quyền dân chủ trực tiếp theo pháp luật; ngay cả trường hợp chính sách, pháp luật đúng mà nhân dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì phải ra sức tuyên truyền, giải thích, kịp thời điều chỉnh chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tế cuộc sống.

Bốn là, đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ, phải gắn liền với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm của xã hội, của cộng đồng dân cư; kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng chiêu bài “dân chủ” , “nhân quyền”, xuyên tạc các vấn đề dân tộc, tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước ta. Tăng cường công tác thông tin, chú trọng công tác tuyên truyền, nhận rộng các gương điển hình, mô hình tốt về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, làm cho việc thực hành dân chủ ngày càng thấm sâu vào mọi hoạt động phong phú, đa dạng của đời sống ở cơ sở.

ThS. Nguyễn Thị Liên

Trường Đại học Thương Mại

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin