Kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số ở một số quốc gia và bài học tham khảo cho phát triển đồng bào dân tộc ở nước ta

CT&PT - Trên cơ sở nghiên cứu những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số ở một số quốc gia, tác giả đề xuất một số bài học tham khảo đổi với Việt Nam.

1. Kinh nghiệm ở một số quốc gia
Chính sách đối với dân tộc thiểu số ở những quốc gia phát triển được quan tâm thực hiện thường xuyên, tuy nhiên mức độ thực hiện có khác nhau, nhưng nhìn chung có hai chính sách được sử dụng phổ biến nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo giữa dân tộc thiểu số và các dân tộc khác là:
Một là, Chính phủ tạo cơ hội việc làm ngang nhau giữa các nhóm dân tộc nhằm góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc trong quốc gia trên cơ sở không phân biệt thành phần dân tộc, giới tính, tôn giáo, quan hệ xã hội. Chẳng hạn như ở Cuba, sau khi đất nước giải phóng năm 1959, Bộ Luật cơ hội việc làm giữa các dân tộc được thực thi và mang lại kết quả là thập niên 80 ở quốc gia này đã cơ bản không còn tình trạng chênh lệch thu nhập và mức sống giữa người dan trắng và người da đen. Hoặc như ở Ecuado, quốc gia này đã thực thi chính sách thực hiện quyền cho người dân bản địa trong việc được học ngôn ngữ của dân tộc và tham gia quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Mặc dù rất nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển, trong đó có các quốc gia đã nêu, trong thời gian qua đã thực thi rộng rãi chính sách tạo cơ hội ngang nhau giữa các dân tộc trong nước, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vẫn còn chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa các dân tộc còn có sự chênh lệch, đòi hỏi cần phải có giải pháp căn cơ và quyết liệt hơn nữa.  
Hai là, một số quốc gia thực thi các chính sách ưu tiên cho những nhóm thành viên chịu thiệt trong xã hội, ví dụ như ở Ấn Độ đã ưu tiên cho con em các bộ tộc những lớp học sau đại học, tạo cơ hội phục vụ cho đất nước trong cơ quan công quyền và một số vị trí ưu tiên trong thượng nghị viện. Hoặc như ở Malaysia, Chính phủ nước này đã thực thi chính sách Kinh tế mới nhằm công nhận quyền sở hữu ở những tỷ lệ nhất định trong các công ty của người Malaysia và mở rộng nhiều ngành nghề giải quyết việc làm cho họ. 
Bên cạnh đó, ở một số nước thuộc Châu Phi và Mỹ đã thực thi một số chính sách ưu tiên cho những người khá giả thuộc trong các thành phần dân tộc có điều kiện khó khăn hơn các dân tộc khác. Tuy nhiên chính sách này còn vấp phải những tranh luận và sự chỉ trích, mất bình đẳng trong đối xử giữa các nhóm người trong các dân tộc do chính sách tập trung hỗ trợ một số nhóm thành viên khá giả của bộ phận người, từ đó ảnh hưởng đến sự công bằng giữa hưởng thụ và mức độ đóng góp giữa các thành viên trong xã hội.
Trên thế giới đã có nhiều quốc gia thực hiện hỗ trợ các nhóm dân tộc thông qua nhiều chương trình, đề án, dự án với nhiều hình thức và mức độ khác nhau thông qua các tổ chức phi chính phủ, các diễn đàn nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm dân tộc đặc biệt là nâng cao mức sống, sự hỗ trợ đối với các dân tộc thiểu số, chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình sản xuất - kinh doanh nhằm xóa bỏ những cản trở về văn hóa và điều kiện phát triển, giúp dân tộc thiểu số mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, từ đó góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân tộc, giảm gánh nặng cho nhà nước, chẳng hạng như cách làm của các quốc gia như Băngladesh, Insonesia, Philippin, Thái Lan. 
2. Một số bài học cho đồng bào dân tộc ở nước ta
 

9e3471bff6d99a57bfa0fe5c7e679a5c-l-1729934492.jpg
 

2.1. Kinh nghiệm thành công
Thứ nhất, các địa phương nên phát huy những thế mạnh về điều kiện tự  nhiên, kinh tế - xã hội trong phát triển kinh tế dân tộc thiểu số, đặc biệt là sự đa đa dạng, giàu bản sắc về văn hóa, truyền thống của đồng bào các dân tộc, xác định các giá trị văn hóa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thứ hai, tập trung vận động dân tộc thiểu số trên địa bàn đổi mới tư duy về phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận các kiến thức về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù, lợi thế của từng địa bàn. Vận động đồng bào dân tộc thiểu số hỗ trợ, giúp nhau về giống, vốn để phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình; đồng thời huy động nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội tín chấp cho hội viên phát triển sản xuất, chăn nuôi, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, các cấp Hội còn huy động vốn nhàn rỗi thông qua các tổ hùn vốn, nhóm tiết kiệm. 
Thứ ba, bố trí nguồn lực để thực hiện các chương trình, chính sách của Trung ương đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số. Nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đã làm thay đổi cơ bản diện mạo các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Thứ tư, triển khai nhiều dự án giúp dân tộc thiểu số ở địa phương tiếp cận với những tư liệu sản xuất thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt và đời sống nhằm phát triển KT, nâng cao mức sống người dân, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như: Dự án tái định cư, dự án phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị liên kết, dự án sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, dự án phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, dự án phát triển giáo dục và đào tạo, dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, dự án truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Thực tế thời gian qua các dự án này đã phát huy tác dụng tích cực và các địa phương đang tiếp tục nghiên cứu để triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo, tạo tiền đề rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa vùng dân tộc thiểu số với các dân tộc khác trong vùng.
Thứ năm, các quốc gia và các địa phương thực hiện tốt chính sách nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc dành những khoản ưu đãi trong học tập nâng cao trình độ và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo nhằm giúp cho họ có điều kiện vươn lên cùng các dân tộc khác trong quá trình phát triển.
2.2. Những kinh nghiệm cần nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp

Thứ nhất, nhiều chính sách thiếu đồng bộ, thiếu kết nối, công tác phối hợp và tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ, một số chính sách còn mang tính chủ quan, chưa sát với đặc điểm vùng, miền, văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc. 
Thứ hai, sự phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa bảo đảm gắn kết thống nhất giữa chính sách phát triển dân tộc - tộc người với chính sách phát triển vùng; thời gian thực hiện chính sách ngắn, thiếu tính chiến lược; trình tự thủ tục xây dựng và trình một số đề án mất nhiều thời gian; hầu hết các chính sách đều mang tính chất hỗ trợ; chính sách đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản, do vậy hiệu quả chưa thực sự bền vững; nhiều chính sách phải kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến định mức không còn phù hợp với thực tế; có chính sách do huy động nhiều nguồn vốn, khi cấp vốn không đồng bộ dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện; việc bố trí vốn đối ứng của các địa phương gặp khó khăn do đa số các địa phương vùng dân tộc và miền núi đều phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương.
Thứ ba, tổ chức thực hiện chính sách còn yếu kém, phân công chủ trì chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa hợp lý; việc phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ, chỉ đạo có mặt còn chồng chéo. Việc lồng ghép các chính sách trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi còn nhiều khó khăn, bất cập. Công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện chính sách còn hạn chế. 
Thứ tư, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chậm. Mức độ thương phẩm hóa của nông sản còn thấp; sản phẩm sản xuất ra chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế thấp. Đặc biệt, chưa có chính sách phân vùng để phát triển sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho các vùng dân tộc thiểu số. Chưa có chính sách kết nối sản phẩm với thị trường.
Thứ năm, mặc dù có sự đầu tư, tuy nhiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được thụ hưởng những điều kiện thiết yếu về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là những vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa vào những tháng thời tiết bất lợi, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. 
Thứ sáu, thu nhập, đời sống của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn, khoảng cách giàu nghèo giữa dân tộc thiểu số và các dân tộc khác ngày càng gia tăng, gây bất ổn đến tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương.  

Thứ bảy, đất đai phục vụ cho sản xuất và đời sống có diện tích ngày càng nhỏ; xuất hiện hiện tượng thiếu đất sản xuất nghiêm trọng, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện diễn ra; hiện tượng di cư đến các thành phố lớn để tìm “không gian sinh tồn” vẫn còn diễn ra, gây ra những khó khăn nhất định trong công tác quản lý và giảm sút lòng tin đối với việc thực thi chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số. 
Thứ tám, một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức về công tác dân tộc, vị trí, vai trò của vùng dân tộc trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh chưa sâu, chưa kỹ, nên quá trình triển khai thực hiện hiệu quả chưa cao. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa chủ động, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng; tỷ lệ tái nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.
 


TRẦN QUYẾT THẮNG

Học viện Dân tộc

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí vui lòng để lại thông tin