Tóm tắt: Ngày 29/12/1920, cùng với tuyệt đại đa số đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc Đảng gia nhập Quốc tế thứ III (Quốc tế Cộng sản do V.I. Lênin thành lập từ tháng 3/1919), trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên tham gia vào một chính đảng Pháp. Đây được xem là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên hành trình tìm đường cứu nước và trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, từ một chiến sĩ giải phóng dân tộc trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Bài viết tập trung phân tích hành trình đến với chủ nghĩa cộng sản của Nguyễn Ái Quốc trên phương diện hoạt động thực tiễn và phương diện lý luận chính trị của Người.
Từ khóa: hành trình đến với chủ nghĩa cộng sản của Nguyễn Ái Quốc; hoạt động thực tiễn; học tập, nghiên cứu lý luận
1. Về hoạt động thực tiễn
Tích cực hoạt động thực tiễn là một trong những đặc điểm cơ bản, nổi bật nhất trong toàn bộ quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Vừa lao động kiếm sống, vừa tìm hiểu, đúc kết kinh nghiệm, rồi vận dụng kinh nghiệm đó vào thực tiễn - đó là cách thức hoạt động của Người ngay từ khi rời Bến Nhà Rồng (năm 1911) cho đến khi trở thành người đảng viên cộng sản. Bài viết tập trung khảo cứu hoạt động thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc tại Paris từ cuối năm 1917 đến cuối năm 1920, trên ba loại hình hoạt động chính là lao động kiếm sống; tham gia các hoạt động chính trị - xã hội ở Pháp; tham gia phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam.
Về công việc lao động kiếm sống của Nguyễn Ái Quốc tại Paris. Người chia sẻ: “tôi làm thuê ở Pari, khi thì làm cho một cửa hàng phóng đại ảnh, khi thì vẽ “đồ cổ mỹ nghệ Trung Hoa” (do một xưởng của người Pháp làm ra!)”1. Cuộc sống lao động chân tay vất vả đã trở nên quen thuộc với Người ngay từ khi Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng và bắt đầu bằng nghề phụ bếp trên con tàu Amiral Latouche Tréville. Chính cuộc sống lao động vất vả đó đã giúp Người được thực sự trải nghiệm cuộc sống lao động của giới cần lao. Người lao động không chỉ để trang trải cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của bản thân, mà còn nhằm phục vụ công việc học tập, nghiên cứu và tuyên truyền cách mạng. Kết quả là đầu tháng 3/1920, Người đã dành khoảng 300 francs cho việc tự xuất bản một cuốn sách do mình viết2.
Về hoạt động chính trị - xã hội của Nguyễn Ái Quốc ở châu Âu, nước Pháp, đặc biệt là ở Paris. Đây là sự khác biệt lớn và căn bản giữa Người và tuyệt đại đa số những người Việt Nam ở Pháp khi đó. Ngay khi vừa đến Paris, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ chính trị. Người chia sẻ: “Tôi dự rất đều các cuộc họp một tuần hai hoặc ba lần. Tôi chăm chú nghe những người phát biểu ý kiến”3. Một trong những câu lạc bộ chính trị đầu tiên mà Người tham gia khi vừa đến Paris là Club du Faubourg - một câu lạc bộ của Đảng Xã hội Pháp do Léo Poldès thành lập. Boris Souvarine - người giới thiệu Nguyễn Ái Quốc tham gia câu lạc bộ này đã rất ấn tượng với hình ảnh của Người khi đó: “đó là một chàng trai trẻ cực kỳ dè dặt, thậm chí hơi nhút nhát, rất lịch thiệp và khao khát học hỏi”4... Léo Poldès cũng đặc biệt ấn tượng với đôi mắt rực sáng và tinh thần ham học hỏi của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc. Ông nhận ra đằng sau vẻ ngoài rất lịch thiệp, nhã nhặn, có vẻ rụt rè của người thanh niên đó là nghị lực phi thường. Léo Poldès đã động viên Nguyễn Ái Quốc lên tiếng và tham gia thảo luận. Trong lần phát biểu đầu tiên tại câu lạc bộ chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã nói về nỗi khổ cực của đồng bào mình dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Sau đó, Người đã tự tin hơn và tích cực tham gia các câu lạc bộ cấp tiến và các cuộc hội họp của Đảng Xã hội Pháp. Nhờ đó, Người đã gặp và trở nên thân thiết với những nhà hoạt động nổi tiếng, những văn sĩ lừng danh: Paul Louis, Jacques Doriot và Henri Barbusse5.
Sau này, khi mở rộng phạm vi hoạt động, đặc biệt là tham gia vào các tổ chức công đoàn và phong trào công nhân Pháp ở Paris, Nguyễn Ái Quốc có dịp gặp gỡ những nhân vật có uy tín lớn trong Đảng Xã hội Pháp nói riêng và trên chính trường Pháp nói chung, như: Marcel Cachin, Paul Vaillant-Couturier, Léon Blum, Édouard Herriot và Jean Longuet. Tuy vậy, phải đến cuối tháng 6/1919, sau khi gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Vécxây, Nguyễn Ái Quốc mới chính thức trở thành một đảng viên của Đảng Xã hội Pháp6. Sau này, Người cho biết: “Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các “ông bà” ấy - (hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế) - đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu”7.
Nguyễn Ái Quốc cũng tích cực tham gia các hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động và Liên đoàn quyền dân sự Pháp. Thông qua hoạt động thực tiễn, Người đã học hỏi cách thức tổ chức một chính đảng từ cấp cơ sở (chi bộ) cho tới cấp trung ương; rèn luyện kỹ năng tranh biện, diễn thuyết chính trị. Cũng trong thời gian đó, Nguyễn Ái Quốc còn học hỏi và rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, đặc biệt là thông qua truyền đơn và báo chí. Với sự giúp đỡ của hai người bạn thân là những nhà báo rất nổi tiếng là Gaston Monmousseau và Jean Longuet, Nguyễn Ái Quốc đã tập viết báo bằng tiếng Pháp. Bằng những nỗ lực của mình, bài báo đầu tiên của Người với tiêu đề La question indigène (Vấn đề người bản xứ) đã được đăng trên tờ L’Humanité, số ra ngày 02/8/1919. Sau đó, Người tiếp tục viết nhiều bài đăng trên các tờ báo cánh tả ở Paris, nội dung các bài viết tập trung phản ánh thực trạng của nhân dân Đông Dương và các dân tộc ở các nước thuộc địa khác, phê phán gay gắt chính sách thống trị và bóc lột của thực dân Pháp. Người khẳng định, chế độ của thực dân Pháp không mang lại cho dân chúng bản xứ bất kỳ điều gì, ngoại trừ sự cùng khổ8.
Cuối năm 1919, Nguyễn Ái Quốc khởi thảo cuốn sách đầu tiên của mình bằng tiếng Pháp với tiêu đề Les opprimés (Những người bị áp bức). Với sự giúp đỡ của nhà hoạt động xã hội Paul Vigné d’Octon, Người đã dày công tìm kiếm các tài liệu tham khảo có giá trị trong Thư viện quốc gia Pháp, miệt mài tra cứu, biên soạn và chỉnh sửa bản thảo. Đến khoảng giữa tháng 3/1920, về cơ bản, Người đã hoàn thành công trình đầu tay của mình. Có thể khẳng định, việc “dấn thân” một cách tích cực vào hoạt động chính trị - xã hội ở Paris từ cuối năm 1917 đã giúp Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc trưởng thành nhanh chóng và toàn diện về nhận thức, lý luận. Từ một người còn khá xa lạ với hoạt động chính trị, Người đã thực sự trở thành “nhà cách mạng chuyên nghiệp”, có năng lực, uy tín ngày càng được khẳng định. Đây là những tiền đề quan trọng để sau này Nguyễn Ái Quốc trở thành một lãnh tụ cộng sản có đầy đủ tư chất khi còn khá trẻ.
Về tham gia phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam. Linh hồn của phong trào yêu nước trong cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, đặc biệt là tại Paris chính là cụ Phan Châu Trinh và cụ Phan Văn Trường. Khi đến Paris, Nguyễn Tất Thành được Phan Châu Trinh giúp đỡ, vừa tạo điều kiện về nơi làm việc và chỗ ở, vừa giới thiệu Người với các nhóm đồng bào yêu nước ở Pháp. Tại ngôi nhà của cụ Phan Châu Trinh ở Villa des Gobelins đã diễn ra những cuộc thảo luận sôi nổi về hướng đi của phong trào yêu nước tại Việt Nam. Song, không ít lần cuộc tranh luận trở nên gay gắt. Bởi trong khi Nguyễn Tất Thành và một số chiến sĩ yêu nước trẻ tuổi khác như Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền muốn tiến hành một số hoạt động quyết liệt để thúc đẩy phong trào yêu nước trong nước thoát ra khỏi thế bế tắc, thì cụ Phan Châu Trinh lại cho rằng ở thời điểm đó, việc thôi thúc đồng bào hành động chống lại thực dân Pháp không khác gì tự sát vô nghĩa, bởi trình độ dân trí còn thấp, không có vũ khí trong tay, v.v.. Cụ thuyết phục Nguyễn Tất Thành và các chiến sĩ yêu nước trẻ tuổi kiên trì tư tưởng “ỷ Pháp cầu tiến”. Song, đáp lại mong muốn đó của Cụ Phan, Nguyễn Tất Thành nói: “tại sao hai mươi triệu đồng bào ta lại không thể làm gì đó để buộc chính phủ bảo hộ đối xử với chúng ta như những con người? Chúng ta là người, chúng ta phải sống làm người. Bất kỳ ai không muốn đối xử với chúng ta như đồng loại của họ thì họ chính là kẻ thù của chúng ta. Họ đối với chúng ta là bất cộng đới thiên”9.
Mặc dù, tư tưởng của hai thế hệ chiến sĩ yêu nước có khác biệt, nhưng cụ Phan Châu Trinh và cụ Phan Văn Trường vẫn dành cho Nguyễn Tất Thành, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền tình cảm yêu quý và sự giúp đỡ tận tình. Về phía mình, những chiến sĩ trẻ cũng dành cho hai Cụ sự kính trọng sâu sắc. Họ được người dân Việt Nam khi đó gọi là “nhóm Ngũ long” - linh hồn và niềm hy vọng của phong trào yêu nước Việt Nam10.
Trong ba chiến sĩ trẻ tuổi, Nguyễn An Ninh tập trung toàn bộ tâm sức vào việc học tập và nghiên cứu lý luận, trong khi Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Thế Truyền lại dấn thân vào cuộc sống lao động và ra sức hoạt động trong cộng đồng người Việt Nam tại Paris. Nhờ đó, các ông hiểu rõ đời sống, tâm tư của đồng bào, tìm cách vận động và đoàn kết họ lại. Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đưa ra sáng kiến thành lập Hội những người An Nam yêu nước, thay cho Hội Đồng bào Thân ái do Phan Châu Trinh thành lập trước đó, với mục đích đoàn kết rộng rãi hơn nữa đồng bào ta ở Pháp và Paris. Sáng kiến này được Cụ Phan Châu Trinh và các thành viên khác của “nhóm Ngũ long” ủng hộ. Nguyễn Tất Thành đã trở thành nhân vật tích cực nhất của tổ chức này. Người bôn ba khắp các thành phố lớn, đặc biệt là Paris, Toulon, Marseille và La Havre, vận động hàng trăm người, bao gồm cả học sinh, sinh viên và công nhân, lính thợ, v.v. tham gia vào tổ chức11.
Khi Hội những người An Nam yêu nước được thành lập cũng là lúc không khí chính trị ở Pháp và trên toàn thế giới trở nên nóng hơn với những tin tức về Hội nghị Vécxây. Nguyễn Tất Thành đề nghị, Hội cần phải gửi một bản kiến nghị đến Hội nghị Vécxây - điều mà nhân dân nhiều nước thuộc địa và phụ thuộc khác đang làm. Đề nghị của Người được đồng bào nhiệt tình ủng hộ. Với sự giúp sức của luật sư Phan Văn Trường, Người soạn thảo Bản kiến nghị 8 điểm (Bản Yêu sách của nhân dân An Nam), ký tên Nguyễn Ái Quốc rồi tự mình đem đến cung điện Vécxây trao tận tay cho đại diện của các cường quốc vào ngày 18/6/191912.
Có lẽ, ngay từ đầu Nguyễn Ái Quốc đã không gửi gắm nhiều hy vọng vào việc các cường quốc tại Hội nghị Vécxây sẽ quan tâm đến Bản kiến nghị của mình, vì vậy, để khuếch trương ảnh hưởng của Bản kiến nghị trong công luận Pháp, nhất là trong hàng vạn người dân Việt Nam tại Pháp và đồng bào ở trong nước, Người đã đăng toàn văn Bản kiến nghị lên tờ L’Humanité. Đồng thời, Tổng liên đoàn Lao động Pháp cũng đã in Bản kiến nghị và tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt Nam tại Pháp13.
Nhờ đó, tại Hội nghị Vécxây cũng như Quốc hội Pháp, người ta không thể phớt lờ Bản kiến nghị 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc. Ngay sau đó, Trợ lý cấp cao của Tổng thống Mỹ Wilson đã gửi hai bức thư cảm ơn Nguyễn Ái Quốc và cam kết sẽ chuyển Bản kiến nghị đến Tổng thống Mỹ Wilson. Vấn đề thuộc địa đã được tranh luận sôi nổi tại Hội nghị Vécxây và Quốc hội Pháp, song đã không có bất kỳ giải pháp nào được đưa ra.
Thế nhưng, Bản kiến nghị - Bản Yêu sách 8 điểm và cái tên Nguyễn Ái Quốc đã thực sự gây chấn động mạnh đối với giới cầm quyền thực dân ở cả Việt Nam và Paris. Ngày 23/6/1919, Albert Sarraut nhận được bức điện khẩn từ Đông Dương, thông báo về việc Bản Yêu sách của nhân dân An Nam đang được phát ngay trên đường phố Hà Nội và nhiều nơi khác, điều này đã khiến dư luận quốc tế phải “sửng sốt”. Họ yêu cầu Albert Sarraut nhanh chóng xác nhận thông tin của Nguyễn Ái Quốc và tìm cách “giải quyết” vấn đề.
Không đợi Albert Sarraut và đội quân mật thám hùng hậu của thực dân Pháp tìm kiếm thông tin về mình, ngay trong đầu tháng 9/1919, Nguyễn Ái Quốc đã công khai danh tính, nhân thân của mình, thậm chí Người còn nói thẳng điều này với Paul Arnoux - trùm mật thám Đông Dương khi đó đang có mặt tại Paris14. Chính Paul Arnoux đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Albert Sarraut gặp trực tiếp Nguyễn Ái Quốc. Cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật tiêu biểu cho cuộc đối đầu lịch sử giữa thực dân Pháp và dân tộc Việt Nam diễn ra vào ngày 06/9/1919. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã viết và gửi cho Albert Sarraut một bức thư cùng với Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, thẳng thắn chỉ ra sự giả dối trong luận điệu tuyên truyền của Albert Sarraut cũng như của thực dân Pháp.
Có thể nói, việc đưa Bản kiến nghị 8 điểm đến Hội nghị Vécxây và làm cho tinh thần của Bản kiến nghị đó lan tỏa mạnh mẽ ở cả Pháp và Đông Dương, cùng với việc chấp nhận đối diện trực tiếp với Albert Sarraut và Paul Arnoux, Nguyễn Ái Quốc đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phong trào yêu nước Việt Nam phát triển theo hướng mới, thoát khỏi tình trạng bế tắc, khủng hoảng. Từ đó, Người trở thành ý chí, hy vọng và niềm tin của phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam.
2. Về học tập, nghiên cứu lý luận
Trong quá trình hoạt động thực tiễn, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc không ngừng tìm tòi, học tập và nghiên cứu lý luận, điều này đóng vai trò quan trọng quyết định trong quá trình chuyển biến từ lập trường yêu nước chân chính sang lập trường cộng sản chủ nghĩa.
Cuối năm 1917, khi mới từ Anh trở lại Pháp, Nguyễn Tất Thành gần như chưa có hiểu biết chắc chắn về các vấn đề lý luận chính trị, yếu tố dẫn dắt hoạt động thực tiễn của Người là “cảm tính tự nhiên”, là lòng yêu nước thương dân sâu sắc.
Sau khi tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, Nguyễn Tất Thành nhận ra những thiếu hụt trong nhận thức lý luận của mình. Với sự giúp đỡ của một số đảng viên Đảng Xã hội Pháp và một số nhà văn, nhà báo, Người bắt đầu tự tìm tòi, học tập lý luận. Người đọc khá rộng, từ các tác phẩm văn học đến các công trình lịch sử, lý luận. Lúc đầu, việc học tập lý luận rất nặng nề đối với Nguyễn Tất Thành. Có lần Nguyễn Tất Thành đề nghị Jean Longuet cắt nghĩa rõ hơn về chủ nghĩa Mác. Jean Longuet nói, đây là vấn đề quá lớn và phức tạp và khuyên Nguyễn Tất Thành hãy dành thời gian đọc bộ Tư bản. Nguyễn Tất Thành liền vào thư viện tìm và đọc bộ Tư bản của C. Mác, nhưng càng đọc ông càng thấy vấn đề phức tạp hơn15.
Có thể thấy, nếu Nguyễn Ái Quốc tiếp cận kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác theo cách “trường quy” thông thường thì Người khó có thể hiểu được, bởi khi đó Người không chỉ thiếu hụt nền tảng tri thức, mà còn thiếu động cơ để tìm tòi, học hỏi.
Song, nhờ tích cực tham gia cuộc tranh luận của các nhóm đảng viên Đảng Xã hội Pháp, nhất là đối với vấn đề nên ủng hộ Quốc tế thứ hai hay Quốc tế thứ ba, hay lập ra Quốc tế hai rưỡi, Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện ra chìa khóa của vấn đề.
Vấn đề mà Người luôn trăn trở là: “vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa?”; “Trong một cuộc họp, tôi đã nêu câu hỏi ấy lên, câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi. Có mấy đồng chí đã trả lời: Đó là Quốc tế thứ ba, chứ không phải Quốc tế thứ hai. Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo”16.
Người xác định mục đích rõ ràng: đọc để tìm câu trả lời cho “câu hỏi quan trọng nhất” của mình, nhưng việc tiếp nhận và hiểu rõ Luận cương của Lênin đối với Nguyễn Ái Quốc vào thời điểm tháng 7/1920 không dễ dàng bởi “những chữ chính trị khó hiểu”. “Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên”17. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc “hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”18. Người đã hiểu rằng, “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”19. Người đã dần định hình ra con đường cách mạng phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử - con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Con đường đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành một đảng viên, một lãnh tụ của phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc trong khoảng thời gian từ cuối năm 1917 đến cuối năm 1920 là một hành trình đầy gian khổ, thử thách và có ý nghĩa vô cùng to lớn bởi sự kết hợp giữa hoạt động thực tiễn với hoạt động học tập, nghiên cứu lý luận của Người. Từ đây, Người đã tìm ra chân lý của thời đại và bắt đầu cuộc đấu tranh đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta vào quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới bằng việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước, từng bước chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời một Đảng mácxít ở Việt Nam - nhân tố cơ bản và trước hết bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.
1, 3, 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 561.
2. Bản ghi chép số 6 của viên mật thám có bí danh là “Jean” từ ngày 09 đến ngày 16/3/1920, Carton 364, Trung tâm Lưu trữ Pháp quốc hải ngoại, Aixen Provence (CAOM). Xem William J. Duiker: Ho Chi Minh - A Life, Hyperion Books, New York, 2000, tr. 67.
4. Souvarine, Boris: De Nguyen Ai Quoc en Ho Chi Minh, in trong Est et Ouest, Paris, tháng 3/1976, tr. 1-15; William J. Duiker: Ho Chi Minh - A Life, Sđd, tr. 55.
5, 6, 8, 11, 14, 15. William J. Duiker: Ho Chi Minh - A Life, Sđd, tr. 55, 62, 66, 57-58, 60, 64.
9. Báo cáo của viên mật thám có bí danh là “Edouard”, ngày 20/12/1919, F7-13405, SPCE, Carton 364, Trung tâm Lưu trữ Pháp quốc hải ngoại, Aixen Provence (CAOM).
10. Đinh Xuân Lâm (Chủ biên): Lịch sử Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2006, t. III, tr. 346.
12, 13. William J. Duiker: Ho Chi Minh - A Life, Sđd, tr. 59.
16, 17, 18. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 562.
19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 30.
GS, TS. PHẠM HỒNG TUNG
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội