Tóm tắt: Tổng Bí thư Hà Huy Tập không chỉ là một người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, một nhà lãnh đạo tiên phong, mà còn là một nhà lý luận sắc sảo, tài năng của Đảng. Trong suốt chặng đường 16 năm hoạt động cách mạng đầy chông gai, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam, đặc biệt là góp phần to lớn vào việc thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển ngày càng lớn mạnh, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong những năm 30 của thế kỷ XX.
Từ khóa: Tổng Bí thư Hà Huy Tập; người cộng sản kiên cường; nhà lý luận sắc sảo, tài năng
1. Người chiến sĩ cộng sản kiên cường
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Vốn có tư chất thông minh, lại ham học hỏi, năm 13 tuổi, khi trường Tiểu học Việt - Pháp mở kỳ thi tuyển học sinh giỏi để xét học bổng, Hà Huy Tập đã tham dự thi và đỗ thủ khoa, được tuyển thẳng vào học tại trường Quốc học Huế. Năm 1923, khi mới 17 tuổi, Hà Huy Tập đã tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu rồi trở thành giáo viên trường Tiểu học Pháp - Việt Nha Trang (nay là trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Cuối năm 1925, đồng chí Hà Huy Tập gia nhập Hội Phục Việt - một tổ chức yêu nước cách mạng được thành lập ở thành phố Vinh (Nghệ An), tiền thân của Hội Hưng Nam, Việt Nam Cách mạng Đảng, sau này là Tân Việt Cách mạng Đảng và nhanh chóng trở thành một thành viên tích cực của Hội. Hà Huy Tập đã cùng với các đồng chí của mình tổ chức các lớp học buổi tối để xóa mù chữ cho công nhân ở Nha Trang và Vinh, nhưng thực chất là tuyên truyền tư tưởng yêu nước cho công nhân. Vì thế, đồng chí Hà Huy Tập đã “lọt” vào tầm mắt của chính quyền thực dân và nhanh chóng bị trục xuất khỏi Nha Trang. Năm 1926, đồng chí trở về Vinh, tham gia dạy học tại trường Cao Xuân Dục, làm nhiệm vụ tổ chức các lớp học cho công nhân Vinh - Bến Thủy và tích cực tuyên truyền cách mạng.
Năm 1927, đồng chí Hà Huy Tập được Hội Việt Nam Cách mạng Đảng (tên mới của Hội Phục Việt) cử vào Nam Kỳ hoạt động để vận động quần chúng, mở rộng tổ chức và hoạt động của Hội. Tháng 12/1928, sau khi xảy ra vụ án đường Bácbiê1 (Sài Gòn), mật thám tịch thu được nhiều tài liệu của Kỳ bộ Tân Việt, trong đó có một số tài liệu do Hà Huy Tập viết, vì vậy, đồng chí tạm lánh sang Trung Quốc rồi được đưa sang Liên Xô, theo học tại trường Đại học Phương Đông (từ tháng 7/1929 đến tháng 4/1932). Nhờ thành tích học tập xuất sắc, với lập trường tư tưởng kiên định, nhất quán, kỷ luật tốt, ngày 25/4/1931, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản (b) Liên Xô.
Tốt nghiệp trường Đại học Phương Đông, đồng chí Hà Huy Tập được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động. Thời kỳ này, phong trào cách mạng ở trong nước đang trải qua những tổn thất nặng nề khi đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú cùng nhiều Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và chiến sĩ cộng sản bị lao tù, đàn áp; tổ chức Đảng bị phá vỡ. Đầu tháng 8/1933, các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt và Lê Hồng Phong gặp nhau tại Quảng Châu thảo luận về việc triệu tập một hội nghị Đảng để thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, làm nhiệm vụ chắp nối và khôi phục các tổ chức Đảng trong nước, sau cao trào cách mạng 1930-1931. Tại Hội nghị diễn ra vào tháng 3/1934, đồng chí Hà Huy Tập được phân công phụ trách công tác tuyên truyền cổ động, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Bônsơvích.
Từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935, tại Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Hà Huy Tập đã chủ trì Đại hội lần thứ nhất (Đại hội I) của Đảng. Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị do chính đồng chí Hà Huy Tập trình bày; thông qua Điều lệ Đảng và một số nghị quyết quan trọng khác. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Thư ký (tức Tổng Bí thư), đồng chí Hà Huy Tập là Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài. Do đồng chí Lê Hồng Phong vắng mặt2, nên thực chất trọng trách lãnh đạo cách mạng Việt Nam thời kỳ này do đồng chí Hà Huy Tập đảm nhận. Thành công của Đại hội I có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn, đánh dấu việc Đảng đã được khôi phục về tổ chức, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng lãnh đạo kéo dài suốt 4 năm liền (từ năm 1931 đến năm 1935), củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng và tiếp tục đưa phong trào cách mạng nước ta phát triển.
Tuy vậy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Đại hội I bầu ra chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, đến đầu năm 1936, hầu hết các đồng chí trong Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở trong nước đã bị địch bắt. Cuối tháng 7/1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, điều chỉnh đường lối chính trị và tổ chức của Đảng cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Tại Hội nghị, đồng chí Hà Huy Tập được cử giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Hồng Phong.
Đồng chí Hà Huy Tập trở về nước để tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới, khôi phục các tổ chức Đảng và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Tại Hội nghị cán bộ (tháng 10/1936 tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định), Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời được thành lập, đồng chí Hà Huy Tập chính thức được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí cử các đồng chí ủy viên Trung ương đi Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Cao Miên nhằm khôi phục lại các đầu mối liên lạc. Việc thống nhất các tổ chức Đảng trong cả nước được chính thức thực hiện tại Hội nghị cán bộ toàn quốc vào tháng 3/1937. Nhờ đó, bộ máy lãnh đạo và hệ thống tổ chức của Đảng đi vào hoạt động và được duy trì trên thực tế. Chủ trương mới của Đảng dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hà Huy Tập là thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế; thay đổi hình thức đấu tranh kết hợp công khai và bán công khai; vận động thành lập các hội quần chúng, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân vào mặt trận chống phát xít... nhờ vậy, phong trào cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về tổ chức và lực lượng. Thành quả đó có sự đóng góp rất lớn của đồng chí Hà Huy Tập, bởi chính đồng chí khi đó là người đặt tiền đề, cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng phát động cao trào đấu tranh dân chủ ở giai đoạn sau này3. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng thời gian từ tháng 7/1936 đến tháng 3/1938, đồng chí Hà Huy Tập đã trực tiếp chỉ đạo phong trào Đông Dương Đại hội thời kỳ Mặt trận Dân chủ, đề ra những chủ trương sách lược đúng đắn, đưa phong trào đấu tranh dân chủ trong những năm 1936-1937 phát triển mạnh mẽ. Tháng 9/1937, Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương để kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng trong một năm qua và đề ra những nhiệm vụ trong tình hình mới. Chỉ trong vòng hơn một năm, cơ quan lãnh đạo của Đảng và các tổ chức Đảng trong cả nước từ Trung ương đến cơ sở được khôi phục, đưa phong trào cách mạng vượt qua khó khăn, từng bước phát triển.
Tháng 3/1938, tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, Tổng Bí thư Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương quyết định nhiều nội dung quan trọng để củng cố tổ chức Đảng và lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn mới đấu tranh cho những cải cách dân chủ ở Đông Dương, đặc biệt là chuẩn bị cho việc thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
Tháng 5/1938, trên đường đi công tác, đồng chí Hà Huy Tập bị thực dân Pháp bắt. Trong bối cảnh Mặt trận nhân dân Pháp cầm quyền, thực dân Pháp không thể lấy cớ đồng chí là cộng sản để bắt giam nên chúng đã kết tội đồng chí trộm cắp giấy tờ và mang căn cước của người khác với 8 tháng tù giam và 5 năm quản thúc tại Hà Tĩnh. Ngày 30/3/1940, đồng chí bị chính quyền thực dân bắt lại, đưa về giam tại Khám Lớn - Sài Gòn với cáo buộc Hà Huy Tập phải “chịu trách nhiệm về tinh thần đối về cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ” và tuyên án tử hình đồng chí (ngày 25/3/1941). Trước tòa, đồng chí đã khẳng khái tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động”4. Ngày 28/8/1941, đồng chí bị địch xử bắn tại trường bắn Hóc Môn, Gia Định. Trong bức thư cuối cùng gửi về gia đình, đồng chí viết: “Gia đình và bạn hữu chớ xem tôi như là người đã chết mà buồn, trái lại nên xem tôi như người còn sống, nhưng đi vắng vô hạn… mà thôi”5. Đồng chí Hà Huy Tập đã hy sinh anh dũng, kết thúc một cuộc đời oanh liệt, một sự nghiệp cách mạng vẻ vang trong vai trò nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng.
2. Nhà hoạt động tư tưởng và lý luận sắc sảo, tài năng của Đảng ta
Đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập được đánh giá là một trong những nhà tư tưởng, nhà lý luận mácxít - lêninnít xuất sắc của Đảng. Nhờ trí tuệ sắc sảo, học vấn uyên bác, lại được đào tạo về lý luận chính trị căn bản và vững chắc, đồng chí được Quốc tế Cộng sản đánh giá: “Đồng chí này rất chắc trong đường lối về phương diện chính trị, đồng chí ấy đã được huấn luyện tốt về lý thuyết và có kinh nghiệm công tác quần chúng…”6, là “một đồng chí trung thành, vững vàng về tính đảng và tích cực phi thường…”7. Những bài viết, tác phẩm của đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh của một chiến sĩ cộng sản kiên cường trước mọi sự tấn công, xuyên tạc của kẻ thù. Với các bút danh như: Hồng Thế Công, Hồng Qui Vít, Thanh Hương, Xinhitrơkin... từ khi còn đi học tại trường Đại học Phương Đông đến khi phụ trách công tác tuyên truyền cổ động của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Bônsơvích, Hà Huy Tập đã viết nhiều tác phẩm có nội dung sâu sắc về tư tưởng, lý luận, về việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Trên Tạp chí Cahiers du Bolchévisme (Tạp chí Bônsơvích) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp, đồng chí viết nhiều bài giới thiệu về hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhất là vào các dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, như: “Cách mạng Đông Dương” (Tạp chí Bônsơvích, số 01, tháng 7/1932); “Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương” (Tạp chí Bônsơvích, ngày 01/11/1932); “Kỷ niệm ba năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương” (Tạp chí Bônsơvích, ngày 01/3/1933);...
Xuyên suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, đồng chí Hà Huy Tập luôn tỏ rõ năng lực tư duy lý luận sắc sảo thông qua việc đề ra chủ trương, đường lối cách mạng; tổng kết những kinh nghiệm của Đảng qua các thời kỳ và rút ra những bài học cho thực tiễn; các tài liệu tuyên truyền vận động cách mạng và chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù trên mặt trận lý luận... Đồng chí cho rằng, thực tiễn đấu tranh cách mạng phải được tổng kết bằng lý luận cách mạng, nếu không, kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng sẽ không được bổ sung và hoàn thiện. Việc tổng kết hoạt động ở những năm đầu về sự lãnh đạo, đấu tranh của Đảng, đã góp phần tuyên truyền cho đường lối, chủ trương cũng như nêu cao truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng, đem lại niềm tin, niềm tự hào và thức tỉnh tinh thần đấu tranh cách mạng cho đảng viên và quần chúng qua các tác phẩm như: Lịch sử Tân Việt cách mạng Đảng (1929), Đảng cộng sản Đông Dương đứng trước chủ nghĩa cải lương quốc gia (1931), Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương (1933)...
Đặc biệt, việc đồng chí Hà Huy Tập biên soạn cuốn Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương nhân dịp kỷ niệm ba năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3/1933) bằng tiếng Pháp, với bút danh Hồng Thế Công có ý nghĩa quan trọng. Trong tác phẩm, Hồng Thế Công nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân Đông Dương sau khi chính đảng của giai cấp công nhân ra đời. Nguyên nhân dẫn đến những thắng lợi đó, trước hết là do có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng đã chuyển biến trong phong trào công nhân Đông Dương, từ tự phát sang tự giác. Những thắng lợi bộ phận ở trong một nhà máy, xưởng công nghiệp thường là khởi điểm cho một loạt những cuộc đấu tranh khác, là niềm cổ vũ và niềm kiêu hãnh thúc đẩy mọi người vùng lên đấu tranh... Cuốn sách cho thấy sự am hiểu sâu rộng trên nhiều lĩnh vực từ văn hóa, lịch sử, kinh tế chính trị, lý luận của đồng chí; làm rõ vai trò tiên phong và tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường của các đảng viên cộng sản; khẳng định uy tín và ảnh hưởng của Đảng Cộng sản, đồng thời dự báo về ngày tận thế của chủ nghĩa đế quốc đang đến gần. Đồng thời, việc rút ra những bài học kinh nghiệm về tổ chức, chỉ đạo, về xây dựng Đảng, phương pháp đấu tranh và sự chuẩn bị cần thiết của Đảng cho thấy đây là một tác phẩm có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, định hướng cho những bước đi tiếp theo của Đảng cũng như đập tan luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của bè lũ thực dân và tay sai, đem lại niềm tin cho quần chúng nhân dân trong bối cảnh cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn, thử thách.
Đến Đại hội lần thứ nhất của Đảng (tháng 3/1935), đồng chí Hà Huy Tập là người trực tiếp khởi thảo Báo cáo chính trị được thông qua tại Đại hội, với nội dung đề cập đến hàng loạt các vấn đề, như: tình hình trong nước; tình hình quốc tế; tình hình hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương; các tổ chức quần chúng của Đảng; những nhiệm vụ trước mắt của Đảng ta đối với phong trào cách mạng. Tuy còn nhiều hạn chế do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng Báo cáo chính trị đã cơ bản đáp ứng được những yêu cầu của phong trào cách mạng Đông Dương lúc bấy giờ. Ngoài ra, đồng chí Hà Huy Tập còn chủ trì soạn thảo các nghị quyết về: Công nhân vận động, Nông dân vận động, Thanh niên vận động, Phụ nữ vận động, Cứu tế đỏ vận động; Nghị quyết về bản Chương trình hành động; Điều lệ Đảng cộng sản Đông Dương, Điều lệ Tổng Công hội đỏ; Tuyên ngôn của Đại hội;…
Do bối cảnh lịch sử và ảnh hưởng bởi đường lối cách mạng “tả khuynh” của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Hà Huy Tập đã có những nhận định, đánh giá chưa chính xác về vấn đề dân tộc và giai cấp trong cách mạng Việt Nam. Song, nhờ những trải nghiệm thực tiễn của cách mạng, với tầm nhìn chiến lược nhạy bén và sắc sảo, đạo đức cách mạng trong sáng, đồng chí đã từng bước điều chỉnh những nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề dân tộc và có những chỉ đạo ngày càng phù hợp hơn với thực tiễn và những quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về cách mạng Việt Nam.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập vẫn dành nhiều thời gian để hoàn thành nhiều văn kiện lý luận quan trọng. Các văn kiện do đồng chí soạn thảo thể hiện tư duy logic, tầm trí tuệ uyên bác, lý luận hàn lâm khi phân tích, lý giải những vấn đề lịch sử chính trị. Các tác phẩm và văn kiện do đồng chí trực tiếp soạn thảo thể hiện quan điểm cách mạng triệt để, tính Đảng, tính giai cấp và lập trường cách mạng kiên quyết, điển hình là các bài viết tố cáo bọn Tờrốtxkít, những phần tử cơ hội phản động. Với tác phẩm Tờrốtxkít và phản cách mạng, Hà Huy Tập đã bác bỏ những luận điệu phản cách mạng của phái Đệ tứ quốc tế, cho rằng lý thuyết của Tờrốtxkít là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng chí lên án mạnh mẽ chủ nghĩa Tờrốtkít và cho rằng đó không phải là một xu hướng chính trị mà là một “chi nhánh” của chủ nghĩa phát xít. Để đấu tranh chống bọn Tờrốtxkít phản bội giai cấp vô sản, trong thời gian này, Hà Huy Tập với những bút danh khác nhau còn viết nhiều bài báo đăng ở các báo bí mật và công khai để bảo vệ đường lối chính trị đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương và Quốc tế Cộng sản.
Có thể nói, đồng chí Hà Huy Tập không chỉ là một người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, một nhà lãnh đạo tiên phong, mà còn là một nhà lý luận sắc sảo, tài năng của Đảng. Đồng chí đã đặt ra, lý giải và giải quyết một cách sâu sắc nhiều vấn đề lý luận cơ bản của phong trào Đông Dương Đại hội, của quá trình xây dựng thành lập Mặt trận Dân chủ và chỉ đạo những vấn đề có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đồng chí ngã xuống, nhưng tinh thần kiên trung của người cộng sản Hà Huy Tập đã trở thành bất tử trong đồng bào, đồng chí và bao thế hệ cách mạng Việt Nam. Đồng chí mãi là tấm gương sáng về tinh thần hy sinh, hết lòng vì nước, vì dân cho các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.
1. Vụ án đường Bácbiê: Ngày 08/12/1928, tại số 5, đường Bácbiê, Tân Định, quận 1, Sài Gòn, Kỳ bộ Hội Thanh niên Cách mạng Sài Gòn tổ chức ám sát một tay sai đắc lực của Pháp. Vụ hành quyết được giao cho đồng chí Trần Văn Trương thực hiện. Sau đó bị lộ, các đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Trần Văn Trương và một số người có mặt tại cơ quan Kỳ bộ đều bị bắt, một số khác trong đó có đồng chí Hà Huy Tập bị mật thám truy lùng gắt gao, đồng chí được tổ chức bố trí lánh sang Trung Quốc.
2. Cuối năm 1934, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta sang Liên Xô dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Năm 1936, đồng chí Lê Hồng Phong trở lại Trung Quốc, sau đó về nước.
3. Thuật ngữ: “Mặt trận Dân chủ” lần đầu tiên được đồng chí Hà Huy Tập sử dụng trong bài viết: “Ủng hộ hay phản đối mặt trận nhân dân”, báo La lutte, số 148, ngày 13/5/1937.
4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Đồng chí Hà Huy Tập với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr. 23.
5. Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Hà Huy Tập - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 321.
6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, t. 4, tr. 249, 276.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiên Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, t. 4.
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Đồng chí Hà Huy Tập với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006.
3. Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Hà Huy Tập - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.
4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Tỉnh ủy Hà Tĩnh: Đồng chí Hà Huy Tập với công tác xây dựng Đảng, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016.
PGS.TS. NGUYỄN XUÂN TRUNG
Học viện Chính trị khu vực I
TS. PHẠM NGUYÊN PHƯƠNG
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội