Nguyễn Văn Trỗi - Điển hình của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Sống, chiến đấu và hy sinh hết mình vì lý tưởng cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tự do, hạnh phúc của Nhân dân với chí khí lẫm liệt, đấu tranh chống kẻ thù cho đến hơi thở cuối cùng, Nguyễn Văn Trỗi là tấm gương ngời sáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam vốn đã đầy ắp những sự kiện. Anh không chỉ là đại diện tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước mà còn là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Sống, chiến đấu và hy sinh hết mình vì lý tưởng cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tự do, hạnh phúc của Nhân dân với chí khí lẫm liệt, đấu tranh chống kẻ thù cho đến hơi thở cuối cùng, Nguyễn Văn Trỗi là tấm gương ngời sáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam vốn đã đầy ắp những sự kiện. Anh không chỉ là đại diện tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước mà còn là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Bối cảnh lịch sử đưa Nguyễn Văn Trỗi đến với cách mạng

Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 01/02/1940 tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “Địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa, văn hiến và đấu tranh cách mạng, ngay từ nhỏ Nguyễn Văn Trỗi đã chứng kiến tinh thần đấu tranh quật cường của nhân dân địa phương chống thực dân Pháp xâm lược. Bản thân Nguyễn Văn Trỗi có cuộc sống khó khăn, mồ côi mẹ từ sớm. Hơn 10 tuổi, anh đã phải đi làm thuê cho một lò bún trong làng kiếm tiền phụ gia đình, sau đó đến Đà Nẵng vừa lao động kiếm sống, vừa tranh thủ học nghề may.

Nguyễn Văn Trỗi (1940-1964)

Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự để ngăn chặn phong trào cộng sản, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đang phát triển mạnh mẽ ở Đông Dương và Đông Nam Á. Ngay sau khi vào miền Nam, đế quốc Mỹ ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hất cẳng Pháp, thiết lập chính quyền Ngô Đình Diệm và quân đội tay sai. Chúng tiến hành nhiều cuộc thảm sát đẫm máu ở Cam Lộ, Hướng Điền, Chợ Được, Củ Chi, Mỏ Cày; đồng thời thực hiện chiến lược “tố cộng, diệt cộng” nhằm loại bỏ những người cộng sản, triệt phá tổ chức và tư tưởng cộng sản. Tuy nhiên, trong những năm đầu, Nhân dân ta ở miền Nam kiên trì thực hiện đấu tranh chính trị trong khuôn khổ pháp lý của Hiệp định Giơnevơ. Đến đầu năm 1959, với việc ban hành “Luật 10/59”, Mỹ - Diệm đã tăng cường sử dụng bạo lực, thẳng tay đàn áp, bắt giam và sát hại quần chúng cách mạng. Hành động khủng bố tàn bạo của Mỹ - Diệm chẳng những không khuất phục được Nhân dân ta, không dập tắt được ngọn lửa đấu tranh của quần chúng cách mạng miền Nam, mà còn phơi bày bản chất thâm độc, dã man của chúng. Đây là thời kỳ đen tối nhất của cách mạng miền Nam. Mặc dù chịu nhiều tổn thất về lực lượng, nhưng về căn bản, phong trào cách mạng vẫn được giữ vững, cơ sở của Đảng vẫn được củng cố và phát triển. 

Lúc đế quốc Mỹ đẩy mạnh đàn áp phong trào cách mạng miền Nam cũng là lúc Nguyễn Văn Trỗi rời Đà Nẵng vào Sài Gòn (1956), ở trọ nhà một người đồng hương, ban ngày đi làm thuê, đêm đạp xích lô rồi tranh thủ học nghề điện, trở thành công nhân Nhà máy điện Chợ Quán1.

Với tố chất thông minh, nhanh nhẹn, lại giàu nhiệt huyết cách mạng, Nguyễn Văn Trỗi được các chú, các anh trong nhà máy giác ngộ. Giữa năm 19632, anh gia nhập tổ chức, trở thành chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Văn Trỗi.

Từ thanh niên yêu nước trở thành chiến sĩ cách mạng kiên trung

Sau khi gia nhập “biệt động Sài Gòn”, Nguyễn Văn Trỗi được ban chỉ huy cử đi học tập chiến thuật đánh địch. Khác với lực lượng vũ trang thông thường, “biệt động Sài Gòn” có tính đặc thù riêng, nhiều khi hoạt động trong lòng địch, sự nguy hiểm luôn rình rập, do đó yêu cầu về độ chuẩn xác trong từng hành động luôn được đặt lên hàng đầu. Tại căn cứ Rừng Thơm thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Nguyễn Văn Trỗi được tập huấn cách đánh biệt động trong nội thành. Trong những năm tháng đầu tiên bước vào hoạt động cách mạng, mặc dù từng kỹ chiến thuật đánh địch yêu cầu rất cao nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn gian khổ, Nguyễn Văn Trỗi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Khi Nguyễn Văn Trỗi gia nhập “biệt động Sài Gòn” cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta có bước phát triển mới. Sau phong trào Đồng khởi, ngày 20/12/1960, tại vùng giải phóng xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam, không phân biệt xu hướng chính trị. Tiếp đó, thực hiện kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ hai (1961-1965) của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang ở hai miền Nam - Bắc, trong đó tập trung xây dựng lực lượng vũ trang miền Nam đủ mạnh để từng bước đánh bại từng chiến lược, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 15/02/1961, tại chiến khu Đ (miền Đông Nam Bộ), Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức lực lượng vũ trang nhân dân. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất về mọi mặt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sự chỉ huy thống nhất của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và Ban Quân sự thuộc Trung ương Cục, có nhiệm vụ chủ yếu làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh vũ trang, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là bước phát triển mạnh mẽ của cách mạng miền Nam, làm cho chính quyền Sài Gòn lúng túng, lo sợ.

Ngày 01/11/1963, nội bộ chính quyền Sài Gòn diễn ra cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu... Trước những diễn biến đó, Tổng thống Mỹ John F. Kenedy, sau đó là Lyndon B. Johnson đã hết sức lo ngại và nhanh chóng tìm cách đối phó với tình hình diễn biến bất lợi tại miền Nam Việt Nam.

Để có cách đối phó kịp thời, phía Mỹ nhanh chóng cử các phái đoàn sang thị sát tình hình thực tế ở miền Nam Việt Nam. Biết tin phái đoàn quân sự cấp cao do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu sẽ đến Sài Gòn thị sát vào tháng 5/1964, lực lượng biệt động Sài Gòn đã lên kế hoạch tiêu diệt. Đây là một kế hoạch táo bạo nhưng thể hiện rõ nét tinh thần chiến đấu của lực lượng “biệt động Sài Gòn”, trong đó có sự tham gia của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù khi có cơ hội.

Năm 1964, Nguyễn Văn Trỗi lập gia đình với chị Phan Thị Quyên. Tình cảm vợ chồng gắn bó chưa lâu, hơn mười ngày sau khi nên duyên chồng vợ, trước thời cơ tiêu diệt địch, với lòng căm thù giặc sâu sắc, Nguyễn Văn Trỗi đã xung phong nhận nhiệm vụ cùng đồng đội thực hành đặt mìn ở cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi, Thành phố Hồ Chí Minh)3. Thậm chí, anh còn bán chiếc nhẫn cưới của mình để mua một số thiết bị phục vụ việc đặt mìn tiêu diệt địch. Hành động chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân vì sự nghiệp cách mạng, vì nền độc lập, tự do của dân tộc trong thời điểm lịch sử đó của Nguyễn Văn Trỗi đã khiến đồng chí, đồng đội vô cùng cảm kích.

Do phái đoàn cấp cao của Mỹ gồm nhiều nhân vật lớn, có tầm ảnh hưởng và có đủ thẩm quyền quyết định nhiều vấn đề chiến tranh ở Việt Nam nên trước khi đoàn đặt chân xuống miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn đã tăng cường kiểm soát các tuyến đường phái đoàn sẽ đi qua.

Thực hiện kế hoạch đề ra, bằng nghiệp vụ tác chiến khôn khéo, lực lượng tham gia đặt mìn đã vượt qua tầm mắt lính gác, đem quả mìn nặng 8 kg trong chiếc thùng tôn đến đặt gần cầu Công Lý từ trưa 08/5/1964. Đến tối 09/5/1964, Tư Kiếm và Ba Sơn ở vòng ngoài bảo vệ cho Nguyễn Văn Trỗi và đồng đội dải dây điện nối mìn, hoàn tất một số chi tiết còn lại của thế trận giăng bẫy tiêu diệt kẻ thù. Nhưng trong giai đoạn quyết định, sự việc gài mìn bị kẻ thù phát hiện, Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Hữu Lời bị bắt.

Sau khi bị bắt, Nguyễn Văn Trỗi bị đưa về Nha cảnh sát giam giữ. Tranh thủ sự sơ hở của địch, Nguyễn Văn Trỗi nhảy lầu định trốn thoát, nhưng do bị thương ở chân, anh bị bắt lại và đưa về giam ở khám Chí Hòa. Tại đây, kẻ thù đã dùng nhiều cực hình để tra tấn Nguyễn Văn Trỗi. Nhưng “xiềng xích” và “gông sắt” của nhà lao không thể khuất phục được ý chí người cộng sản. Nguyễn Văn Trỗi kiên quyết không khai báo mà tìm mọi cách bảo vệ cơ sở bí mật của Đảng, đồng thời tìm cách vượt ngục nhằm tiếp tục chiến đấu. Ngày 10/8/1964, chính quyền Sài Gòn xét xử và kết án tử hình đối với Nguyễn Văn Trỗi, đã tạo ra sự phản ứng mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước. Biết tin Nguyễn Văn Trỗi bị xét xử và đang chờ ngày thi hành án tử hình ở Sài Gòn, cảm phục chí khí chiến đấu của anh, một du kích người Vênêxuêla đã bắt một trung tá Mỹ ngay trên đường phố Thủ đô Caracat để trao đổi và tuyên bố: “Nếu chính quyền Sài Gòn xử tử Nguyễn Văn Trỗi, lập tức trung tá Mỹ sẽ bị bắn chết”4.

Trước việc một trung tá Mỹ bị bắt tại Vênêxuêla, đế quốc Mỹ có sự thỏa thuận nhằm bảo toàn tính mạng viên trung tá. Tuy nhiên, khi trung tá Mỹ vừa được thả, chính quyền Sài Gòn liền trở mặt, xử bắn Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường thuộc khám Chí Hòa vào sáng 15/10/1964. Dù cận kề cái chết, nhưng Nguyễn Văn Trỗi vẫn hiên ngang, không chút nao núng. Trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài, anh hô vang những lời đanh thép: Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!5. Đặc biệt, khi trả lời phóng viên quốc tế tại pháp trường, Nguyễn Văn Trỗi nhấn mạnh: Tôi chỉ hối hận là chưa giết được tên Robert McNamara - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ6.

Khi biết tin Nguyễn Văn Trỗi bị kẻ thù sát hại, Nhân dân cả nước đã xuống đường biểu tình. Bức ảnh chụp Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi ở phía sau: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước - nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.

Một ngày sau khi Nguyễn Văn Trỗi bị bắt, chị Phan Thị Quyên - vợ anh cũng bị bắt giam. Trong thời gian bị giam giữ, chị Quyên càng thấu hiểu công việc của chồng và đồng đội, cũng như hiểu vì sao anh Trỗi tham gia chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Theo lời kể của chị về “Những lần gặp gỡ cuối cùng” giữa chị và anh Trỗi từ khi bị giam cho đến khi bị xử bắn, nhà văn Trần Đình Vân đã viết lại trong cuốn sách Sống như anh7 và chuyển ra miền Bắc in, phát hành.

Sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Văn Trỗi là tấm gương sáng cho hàng triệu trái tim người yêu nước Việt Nam và bạn bè trên thế giới yêu chuộng hòa bình, bênh vực công lý; góp phần cổ vũ, tăng thêm nghị lực đấu tranh của những đồng chí đang bị tù đày; khơi dậy ý chí chiến đấu của lớp thanh niên. Những tiếng hô vang của Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường như tiếng kèn xung trận, thôi thúc, khích lệ cả nước hăng hái xung phong, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; lớp lớp thanh niên trên mọi miền đất nước noi gương anh, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xông pha ra mặt trận chiến đấu, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hơn thế nữa, hình tượng Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành cảm hứng và nhân vật chính trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật những năm về sau, gây xúc động lòng người như: bài thơ Hãy nhớ lấy lời tôi của nhà thơ Tố Hữu, bài hát Lời anh vọng mãi ngàn năm của nhạc sĩ Vũ Thanh, phim tài liệu Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, phim truyện Nguyễn Văn Trỗi của đạo diễn Bùi Đình Hạc, v.v..

Với những cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Nguyễn Văn Trỗi đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng, Huân chương Thành đồng hạng Nhất (1964), danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1995).

Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành biểu tượng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh: sống, chiến đấu và hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Anh mãi là tấm gương sáng ngời về tinh thần hy sinh, hết lòng vì nước, vì dân, cho các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. 

1. Đây là nhà máy điện cổ nhất Sài Gòn, do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1896.

2. Có tài liệu viết là đầu năm 1964.

3. Ban đầu nhiệm vụ này được giao cho một người khác nhưng Nguyễn Văn Trỗi đã xung phong đi thay đồng đội.

4. "Người anh hùng đặt mìn cầu Công Lý và chuyện "trở mặt"của chính quyền Sài Gòn, báo Nghệ An, số ra ngày 28/6/2017.

5. Nguyễn Thành Hữu: "Nguyễn Văn Trỗi - Lời anh vọng mãi", báo Hà Nội Mới, số ra ngày 16/10/2014.

6. http://trian.vn/tin-tuc/trang-vang-liet-si-3574/anh-hung-liet-si-nguyen-van-troi-960472.

7.  Sống như anh của Trần Đình Vân đã trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của bao thế hệ người Việt Nam, được bạn đọc bình chọn là một trong ba cuốn sách có nội dung hay nhất năm 2002, được xuất bản sang tiếng Tây Ban Nha.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung

ThS. Đỗ Thị Thu Hà

Học viện Chính trị khu vực I

 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin