Giải mã leo thang xung đột Azerbaijan - Armenia

Sau thời gian dài tạm lắng dịu, ngày 27/9/2020, giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia lại bùng phát dữ dội liên quan đến cuộc tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ qua đối với vùng đất Nagorno - Karabakh. Cuộc xung đột lần này đẩy khu vực Nam Kavcaz trở thành một điểm nóng cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc mà hậu quả khó có thể lường trước được.

Sau thời gian dài tạm lắng dịu, ngày 27/9/2020, giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia lại bùng phát dữ dội liên quan đến cuộc tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ qua đối với vùng đất Nagorno - Karabakh. Cuộc xung đột lần này đẩy khu vực Nam Kavcaz trở thành một điểm nóng cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc mà hậu quả khó có thể lường trước được.

Nhìn lại quan hệ Azerbaijan và Nagorno-Karabakh

Người Azerbaijan theo Đạo Hồi và người Armenia theo Đạo Kito định cư trong khu vực Nagorno - Karabakh bất đồng và mâu thuẫn trong nhiều thế kỷ. Trước Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Azerbaijan và Armenia còn là vùng đất bị thôn tính và thuộc quyền cai trị của đế chế Ottoman, đế chế Nga và đế quốc Anh. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, Azerbaijan và Armenia hình thành hai nhà nước và gia nhập Liên bang Xôviết với vị thế là hai nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chính quyền Xôviết quyết định sáp nhập Nagorno - Karabakh vào lãnh thổ Azerbaijan với vị thế là một khu vực tự trị. Kể từ đó, người Azerbaijan và Armenia chung sống hòa thuận trong Liên bang Xôviết, đã từng kề vai sát cánh trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại đánh bại chủ nghĩa phát xít. Khi người Azerbaijan và Armenia cùng tôn vinh các giá trị của chủ nghĩa xã hội thì mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo giữa họ không còn gay gắt như trong lịch sử.

Kể từ năm 1985, khởi đầu công cuộc cải tổ, ban lãnh đạo Liên Xô do Mikhail Gorbachev đứng đầu đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại, đưa chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Một trong những hậu quả của cuộc khủng hoảng này là hình thành xu hướng ly khai của các nước cộng hòa khỏi Liên bang Xôviết. Ngày 13/02/1988, người Armenia ở Nagorno - Karabakh xuống đường biểu tình đòi tách khỏi Azerbaijan và sáp nhập vào Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết Armenia. Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, chính quyền Nagorno - Karabakh tự tuyên bố thành lập Cộng hòa Artsakh nhưng không được Liên hợp quốc công nhận. Cộng hòa Artsakh kiểm soát hầu hết lãnh thổ của tỉnh tự trị Nagorno - Karabakh cũ và một số khu vực xung quanh, nhờ đó có được một đoạn biên giới giáp với Armenia ở phía tây và Iran ở phía nam. Vì thế, từ năm 1991, nổ ra cuộc chiến giữa Cộng hòa Azerbaijan và Cộng hòa Artsakh. Nhờ nỗ lực hòa giải của Nhóm Minsk do Mỹ, Nga và Pháp bảo trợ thuộc Tổ chức Hợp tác và an ninh châu Âu (OECD), Cộng hòa Azerbaijan và Cộng hòa Artsakh chấp nhận ngừng bắn và tiến hành đối thoại để tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. Tuy nhiên, xung đột lẻ tẻ vẫn xảy ra giữa người Azerbaijan và người Armenia trên ranh giới giữa hai nước.

Vùng Nagorno - Karabakh đang tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan

Tháng 7/2020, giao tranh bất ngờ bùng phát giữa Azerbaijan và Armenia, cách vùng tranh chấp Nagorno - Karabakh 300 km về phía bắc. Châm ngòi cho cuộc xung đột lần này là các cuộc đấu súng nhỏ, dẫn tới các cuộc nã pháo hạng nặng và các cuộc tấn công bằng các khí tài quân sự công nghệ cao như máy bay không người lái vào lãnh thổ của nhau. Theo phía Azerbaijan, các cuộc giao tranh khiến 2 sĩ quan cao cấp của họ cùng với 11 binh sĩ thiệt mạng. Còn theo phía Armenia, 2 cảnh sát và 3 binh sĩ của nước này bị thương trong các vụ tấn công bằng đạn pháo từ phía Azerbaijan. Cũng theo thông báo của phía Armenia, máy bay không người lái của Azerbaijan đã tấn công các hạ tầng cơ sở dân sự ở tỉnh Tuvush, pháo binh của Azerbaijan còn triển khai tại một khu vực chỉ cách biên giới giữa hai nước khoảng 10 km.

Từ ngày 27/9/2020, giao tranh giữa hai bên leo thang lên mức cao hơn do có sự can thiệp trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau khi bùng phát chiến sự, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ ủng hộ toàn diện về chính trị, ngoại giao, kinh tế và quân sự cho Azerbaijan theo nguyên tắc “một dân tộc, hai nhà nước”. Đồng thời, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi cộng đồng quốc tế “hãy đứng về bên Azerbaijan, đất nước đang chiến đấu chống lại sự chiếm đóng”. Theo Bộ Quốc phòng Armenia, Bộ chỉ huy quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đang điều phối các cuộc không kích của Azerbaijan nhằm vào các mục tiêu ở Nagorno - Karabakh, trong đó các sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ từ trên máy bay cảnh báo sớm E-7T trực tiếp chỉ huy hoạt động của máy bay quân sự Azerbaijan. Cũng theo Bộ Quốc phòng Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ huy ít nhất hai cuộc không kích của Azerbaijan nhằm vào các mục tiêu nằm trong khu vực tranh chấp và các máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia các cuộc không kích này, bắn rơi máy bay Su-25 của Armenia.

Xung đột Azerbaijan - Armenia là chiến tuyến cạnh tranh địa - chính trị Thổ Nhĩ Kỳ - Nga

Để nhận diện rõ bản chất cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia lần này, cần thấy được cuộc giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia là hậu quả từ cuộc tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa hai nước liên quan tới Nagorno - Karabakh và từ sự chuyển dịch địa - chính trị trong không gian hậu Xôviết và trên phạm vi toàn cầu. Trước khi bùng nổ xung đột lần này, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đưa ra tuyên bố chỉ trích mạnh mẽ các cuộc đàm phán về giải quyết tranh chấp với Armenia. Theo phía Azerbaijan, các cuộc đàm phán dường như chỉ nhằm duy trì hiện trạng, trong đó Armenia vẫn chiếm giữ khu vực Nagorno-Karabakh, một phần lãnh thổ được quốc tế công nhận thuộc về Azerbaijan. Trong cuộc xung đột này, Thổ Nhĩ Kỳ công khai tuyên bố đứng về phía Azerbaijan. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ một mặt viện trợ kinh tế và trang bị cho Azerbaijan, mặt khác quyết định đóng cửa hoàn toàn tuyến biên giới chung với Armenia nhằm gây cản trở không nhỏ đối với quan hệ thương mại và kinh tế của quốc gia này với bên ngoài. Sự ủng hộ toàn diện của chính quyền Ankara dành cho Azerbaijan trong cuộc tranh chấp này còn xuất phát từ quan hệ thù địch kéo dài hàng thế kỷ với Armenia, trong đó chính quyền Erevan cáo buộc đế chế Ottoman - tiền thân của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, đã phạm tội ác diệt chủng đối với 1,2 triệu người Armenia từ năm 1915 đến năm 1917. Mặc dù Liên hợp quốc cùng nhiều quốc gia khác như Nga, Mỹ, Pháp đã công nhận và lên án tội ác diệt chủng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với người Armenia, nhưng chính quyền Ankara vẫn ra sức phủ nhận.

Ảnh một ngôi nhà bị phá sập ở thành phố Ganja do trúng tên lửa của Armenia, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đăng tải

Về hậu quả của sự chuyển dịch địa - chính trị trong không gian hậu Xôviết, Armenia và Azerbaijan là hai quốc gia thuộc khu vực Bắc Caucasus nằm trong vành đai địa - chính trị mang tên Đại Trung Đông, kéo dài từ Bắc Phi - Trung Đông qua Balkan tới Caucasus và Trung Á. Trong đó đã từng bùng phát các biến động chính trị mang tên “Mùa xuân Arập” từ năm 2011 tới nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, thu hút sự dính líu của Mỹ, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ, một số quốc gia khác trong khu vực Trung Đông và Nga. Trong đó, ngay từ đầu, Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía Mỹ với toan tính sẽ vẽ lại bản đồ Đại Trung Đông để thực hiện tham vọng khôi phục ảnh hưởng của đế chế Ottoman kéo dài từ Syria, qua Libya, Iraq  tới Bắc Caucasus. Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ tất yếu sẽ phải cạnh tranh chiến lược với Nga - quốc gia có lợi ích địa chính trị rất lớn và vị thế rất quan trọng trong các biến động địa - chính trị ở Trung Đông, trước hết là ở Syria và Libya.

Hiện nay, sự cạnh tranh chiến lược giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga ở Trung Đông cũng đang diễn ra ở Syria và Libya. Ở Syria, Nga cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận và đồng bảo trợ cho tiến trình chính trị Astana để giải quyết khủng hoảng, trong đó Mátxcơva và Ankara đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở tỉnh Idlib - tâm điểm cuối cùng của cuộc chiến chống khủng bố, đặt dưới sự kiểm soát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng quân cảnh Nga. Tuy nhiên, lợi dụng lệnh ngừng bắn, một mặt Thổ Nhĩ Kỳ không những không thực hiện trách nhiệm đã cam kết là phải sàng lọc và tách các lực lượng khủng bố ra khỏi “các lực lượng đối lập”, mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức khủng bố bổ sung lực lượng và trang bị thêm vũ khí để giành lại ưu thế trên chiến trường. Vì  thế, các tổ chức khủng bố được Thổ Nhĩ Kỳ “chống lưng” đã nhiều lần tấn công các lực lượng của Syria và Nga. Thậm chí, Tổng thống Erdogan còn yêu cầu Nga “đứng tránh sang một bên” để mặc cho Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu quân sự với Syria. Chính quyền Ankara còn tuyên bố rằng, trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ đã từng chiến tranh với Nga 16 lần, hiện nay sẽ sẵn sàng tiến hành thêm một cuộc chiến nữa. Như vậy, cuộc chiến chống khủng bố ở Syria rút cuộc đã dẫn tới cuộc đụng đầu quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Một bên là Nga cùng với Iran và lực lượng tình nguyện của Palestine đứng về phía Syria, còn bên kia gồm Thổ Nhĩ Kỳ với sự ủng hộ của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), Israel cùng một số đồng minh và đối tác ở Trung Đông. Để kết thúc cuộc chiến này và lập lại hòa bình ở Syria, cần có tiếng nói của các cường quốc là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chính vì thế, Tổng thống Nga V. Putin đề nghị tổ chức cuộc gặp nguyên thủ 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bàn cách hóa giải các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh toàn cầu, trong đó có cuộc chiến ở Syria.

Ở Libya, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cái gọi là “Chính phủ hòa hợp dân tộc” (GNA) được dựng lên trong tháng 10/2011 sau khi NATO kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược quốc gia này núp dưới chiêu bài “thiết lập vùng cấm bay” theo Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt Tổng thống Muammar Gaddafi. Hiện nay, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya là nhằm kiểm soát hệ thống chính trị ở Tripoli để giành quyền thăm dò và khai thác dầu khí ở Địa Trung Hải. Để thực hiện toan tính chiến lược này, một mặt Thổ Nhĩ Kỳ điều động khoảng 4.000 lính đánh thuê được họ trang bị vũ khí từ Syria tới Libya. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai một lực lượng lớn bộ binh cùng với nhiều vũ khí trang bị trên lãnh thổ Libya để bảo vệ GNA. Còn Nga và nhiều nước khác ủng hộ lực lượng đối lập mang tên “Quân đội quốc gia Libya” (LNA) do tướng Khalifa Haftar đứng đầu có đại bản doanh ở miền đông Libya. Ngoài Nga, một số quốc gia trong khu vực, trước hết là Ai Cập và châu Âu kiên quyết phản đối hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya bởi theo họ, toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh lớn ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông.

Trong cuộc xung đột Azerbaijan - Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ toàn diện đối với Azerbaijan, mà thực chất là chống lại Nga bởi Armenia cùng với Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan là đồng minh thân cận của Nga trong Tổ chức An ninh tập thể. Hiện tại, Nga đang triển khai lực lượng quân sự ở Armenia với khoảng 2 lữ đoàn bộ binh, tổng quân số lên đến 5.000 và viện trợ cho Armenia khối lượng lớn vũ khí, trang thiết bị, bao gồm cả hệ thống tên lửa đường đạn Iskander - một loại vũ khí răn đe mạnh của Nga. Đối với Nga, việc duy trì ảnh hưởng ở Armenia có ý nghĩa rất quan trọng về địa - chiến lược và địa - chính trị.

Phản ứng quốc tế

Từ phía Nga - quốc gia đồng chủ tịch Nhóm Minsk của OSCE

Tổng thống Nga V. Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về diễn biến tại Nagorno - Karabakh. Nguyên thủ hai nước kêu gọi các bên xung đột kiềm chế tối đa, chấm dứt ngay các hành vi thù địch và khẳng định rằng, cuộc xung đột liên quan tới Nagorno - Karabakh không thể giải quyết bằng bất kỳ giải pháp nào khác, ngoài ngoại giao và chính trị. Trong đó, các bên cần tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Nhóm Minsk OSCE nhằm kêu gọi Armenia và Azerbaijan chấm dứt ngay lập tức các hành vi đối đầu vũ trang và nối lại tiến trình đàm phán.

Từ phía Mỹ và phương Tây

Trong tình hình hiện nay, cuộc xung đột Azerbaijan - Armenia gây bất lợi đối với Mỹ và cả các nước châu Âu. Do đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các bên chấm dứt giao tranh ở khu vực Nagorno - Karabakh và quay lại thương lượng “sớm nhất có thể”. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Pháp E. Macron, Tổng thống Nga V. Putin và ra tuyên bố chung kêu gọi các bên ngừng bắn và chấp nhận đối thoại để tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg kêu gọi các bên xung đột ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch. Theo ông, hành động quân sự không giải quyết được mâu thuẫn và NATO ủng hộ mọi nỗ lực của Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu. Tổng thống Pháp E. Macron kêu gọi tổ chức các cuộc thảo luận trong Nhóm Minsk do Nga, Pháp, Mỹ đồng bảo trợ và làm trung gian hòa giải giữa Armenia và Azerbaijan để tìm cách giải quyết cuộc xung đột đang leo thang tại Nagorno - Karabakh. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinya và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev để thảo luận về tình hình leo thang xung đột giữa Azerbaijan và Armenia ở Nagorno-Karabakh. Trong các cuộc điện đàm đó, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh, cần phải ngừng bắn ngay lập tức và quay trở lại các cuộc đàm phán. 

Đại tá Lê Thế Mẫu

 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin