Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là yêu cầu nội tại của Vùng, đồng thời đó là yêu cầu của quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta được đặt ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng là quá trình chuyển “… từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững”. Nói cách khác, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay về bản chất là thay đổi động lực của tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, hiệu quả sử dụng các nguồn lực phải được cải thiện để dần thay thế số lượng đầu tư, lao động, tài nguyên thiên nhiên và trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.
Nội dung cụ thể của việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nhằm tiến tới một mô hình mới, ở đó nền kinh tế đạt được các nội dung như sau:
Một là, mô hình tăng trưởng có sự kết hợp hài hoà giữa chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo: Tư duy này cần được thể hiện rõ trong chính sách tăng cường đầu tư vào các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu, cụ thể là đầu tư nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư nâng cao trình độ khoa học và công nghệ quốc gia, đầu tư nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ. Vai trò của khoa học và công nghệ trong tăng trưởng phải được coi là chìa khoá để có thể sớm thay đổi mô hình tăng trưởng với tiêu hao đầu vào (vốn, đất đai, năng lượng,...) ở mức thấp hơn nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng, tiến tới tăng trưởng cao hơn.
Hai là, mô hình tăng trưởng mới hướng tới việc nâng cao chất lượng, chú trọng đến năng suất, hiệu quả của tăng trưởng, kể cả hiệu quả của sự tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu: Cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào gia công hiệu quả thấp, bị động và bị phụ thuộc cao vào các nền kinh tế khác sang mô hình tăng trưởng dựa trên chủ động khai thác lợi thế cạnh tranh, chú trọng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất và trong xuất khẩu, chủ động sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm hàng hoá có dung lượng công nghệ cao trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế của đất nước và thực hiện đồng bộ quá trình khai thác và chế biến sản phẩm. Phải đầu tư nâng cao năng lực cho các ngành công nghiệp hỗ trợ để chủ động sản xuất các hàng hoá trung gian, cung cấp đầu vào cho quá trình chế biến, nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, tham gia với vị trí ngày càng có lợi và chủ động trong chuỗi giá trị toàn cầu nói riêng và quá trình phân công quốc tế nói chung.
Sự chú trọng nhiều hơn đến việc nâng cao hiệu quả kinh tế và hiệu quả tăng trưởng phải được thể hiện cả trên góc độ ngành, sản phẩm và không gian. Đối với các ngành, quá trình thực hiện tăng trưởng luôn gắn liền với việc theo dõi sự biến động của các chỉ tiêu hiệu quả, cụ thể là hiệu quả sử dụng vốn (qua hệ số ICOR thích ứng với trình độ công nghệ), hiệu quả sử dụng lao động (qua chỉ tiêu tăng năng suất lao động), hiệu quả sử dụng năng lượng (mức hao phí năng lượng điện trên 1 đơn vị GDP); hiệu quả sử dụng tài sản, vốn sản xuất (tỷ lệ huy động công suất máy và năng lực sản xuất, mức lợi nhuận trên đơn vị vốn sản xuất). Trong phạm vi Vùng, quá trình theo đuổi mục tiêu và đánh giá tăng trưởng cần quan tâm đến mật độ tập trung kinh tế. Hướng hoạt động của nền kinh tế vào các ngành, các lĩnh vực, vùng có khả năng tạo nhiều giá trị gia tăng, giảm các chi phí trung gian.
Giảm dần, đi đến xóa bỏ chính sách tăng trưởng nhờ khai thác và xuất khẩu sản phẩm thô (sản phẩm khai thác tài nguyên khoáng sản và sản phẩm của ngành nông, lâm, ngư nghiệp), hướng tới các mô hình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp thế hệ thứ 2 (sản xuất sản phẩm có vốn và lao động ngang nhau như cơ khí chế tạo, sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao, chế biến thực phẩm,…) và thế hệ thứ 3 (các sản phẩm cung cấp các yếu tố đầu vào của sản xuất và chế biến). Cần lưu ý rằng quá trình chuyển dịch mô hình này phải có lộ trình, dựa trên các dấu hiệu lợi thế so sánh và sự sẵn có nguồn lực ở trong nước tương quan với các yếu tố nguồn lực của thị trường hàng hóa và dịch vụ quốc tế.
Đi đôi với quá trình tăng trưởng là quá trình tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng để tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển kinh tế tư nhân – thành phần có tốc độ tăng trưởng cao nhất, có khả năng đạt hiệu quả cao nhất và tạo nhiều việc làm nhất. Mặt khác, phải đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước, để doanh nghiệp Nhà nước trở thành công cụ quan trọng trong việc thực hiện chính sách cơ cấu và định hướng tổ chức thị trường. Thực hiện đa sở hữu, công khai minh bạch, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quan trọng hơn là đặt doanh nghiệp Nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong cơ chế thị trường.
Ba là, mô hình tăng trưởng hướng tới các mục tiêu dài hạn: Cần tập trung nhiều vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại. Tăng cường đầu tư để tháo gỡ các điểm nghẽn kìm hãm sự tăng trưởng dài hạn ở Việt Nam. Đó là, sự yếu kém của hệ thống cơ chế chính sách; sự yếu kém của hệ thống kết cấu hạ tầng; sự thấp kém về chất lượng nguồn nhân lực. Hoàn thiện cơ chế giám sát và tăng cường công tác giám sát đầu tư. Kiên quyết và có biện pháp mạnh mẽ chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư.
Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Đó là cân đối tích lũy – tiêu dùng, cân đối nguồn vốn đầu tư xã hội, cân đối lao động – việc làm, cân đối thu – chi ngân sách, cân đối xuất khẩu – nhập khẩu và cán cân thanh toán quốc tế. Cần quan tâm đến việc giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực và sự hoạt động an toàn, hiệu quả của các định chế tài chính.
Bốn là, mô hình tăng trưởng bền vững hướng tới mục tiêu thân thiện môi trường và vì con người.
- Tăng trưởng kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường:
Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, nâng cao khả năng tái sinh tài nguyên; phòng chống ô nhiễm môi trường, có phương án xử lý ô nhiễm, kỹ thuật phòng chống và giải quyết hệ quả của ô nhiễm, có chính sách kinh tế phù hợp áp dụng cho các cơ sở kinh tế gây ô nhiễm thực hiện sự tham gia cộng đồng trong vấn đề này; thực hiện đa dạng hóa sinh học, hình thành những vùng vệ tinh tạo yếu tố môi trường thuận lợi cho những khu vực có ô nhiễm.
Coi trọng tăng trưởng kinh tế xanh, nghiên cứu thực hiện mô hình tăng trưởng các bon thấp. Khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững, kết hợp các công cụ và biện pháp kinh tế, tài chính, tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn để hình thành lối sống thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Tăng trưởng kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển con người:
Tăng trưởng kinh tế phải được kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ bởi các chỉ tiêu phát triển xã hội, trong đó trọng tâm là xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội, giải quyết việc làm, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, giới và dân tộc. Tạo điều kiện ngày càng công bằng hơn cho mọi người về cơ hội phát triển. Thực hiện các chính sách tạo điều kiện cho mọi người được trang bị các năng lực và bảo đảm cho mọi người có cơ hội tham gia vào các hoạt động kinh tế.
Nâng cao mức sống cho quảng đại quần chúng nhân dân thông qua chính sách phân phối và phân phối lại thu nhập. Sử dụng có hiệu quả hai phương thức phân phối thu nhập: Phân phối thu nhập theo chức năng, tức là thu nhập của mỗi người được xác định trên cơ sở số lượng nguồn lực mà họ đóng góp vào việc tạo ra thu nhập cho nền kinh tế và phân phối lại thu nhập dưới hình thức trực tiếp (thuế, trợ cấp) và gián tiếp (qua chính sách giá tiếp cận dịch vụ công) để góp phần điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội.
Phạm Mai Phương
Học viện Chính trị khu vực II