Thế giới trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 nhìn từ cục diện kinh tế, chính trị và an ninh năm 2019

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Davos từ ngày 22 đến 25/01/2019 với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc thế giới trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và Hội nghị an ninh quốc tế Munich ngày 17/02/2019 có chung nhận định: thế giới đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ cách mạng công nghiệp 3.0 tới cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra những thay đổi căn bản trong cục diện kinh tế, chính trị và an ninh của thế giới. Những biến động kinh tế, chính trị và an ninh trên thế giới năm 2019 đã chứng tỏ điều đó. 

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Davos từ ngày 22 đến 25/01/2019 với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc thế giới trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và Hội nghị an ninh quốc tế Munich ngày 17/02/2019 có chung nhận định: thế giới đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ cách mạng công nghiệp 3.0 tới cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra những thay đổi căn bản trong cục diện kinh tế, chính trị và an ninh của thế giới. Những biến động kinh tế, chính trị và an ninh trên thế giới năm 2019 đã chứng tỏ điều đó. 
Xung đột giữa các xu hướng xây dựng trật tự thế giới mới 

Cục diện kinh tế, chính trị và an ninh thế giới trong năm 2019 cho thấy, trật tự thế giới mới đang trong quá trình hình thành xoay quanh trục cạnh tranh xuyên suốt giữa ba cường quốc là Mỹ, Trung Quốc và Nga. Với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống Donald Trump nỗ lực xây dựng trật tự thế giới mới theo các điều luật do Washington quy định, trong đó Mỹ sẽ chia tay vai trò “cảnh sát toàn cầu” và chuyển sang vai trò “quan tòa của thế giới”. Còn Trung Quốc đang theo đuổi tham vọng xây dựng trật tự thế giới mới thông qua hai đại kế hoạch chiến lược là sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và chương trình “Made in China 2025” nhằm kiểm soát 80% thị trường công nghệ cao toàn cầu trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0. 
Vì thế, chính giới Mỹ coi BRI và “Made in China 2025” là “trật tự thế giới kiểu Trung Quốc” sẽ thay thế trật tự thế giới do Mỹ kiểm soát. Từ Mátxcơva, Tổng thống Nga V. Putin từng tuyên bố, “thế giới tự do” kiểu Mỹ đã tới hồi kết và nước Nga không chấp nhận trật tự thế giới có một siêu cường duy nhất áp đặt các giá trị của họ cho phần còn lại của thế giới. Vì thế, chính giới ở Washington cho rằng Trung Quốc và Nga là những quốc gia “xét lại trật tự thế giới” và là thách thức chủ yếu đối với “thế giới tự do”. Do đó, Mỹ đã phát động cuộc cạnh tranh toàn diện nhằm vào cả Trung Quốc và Nga. Trước sức ép từ phía Mỹ, trong chuyến thăm Nga ngày 05/6/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng với Tổng thống Nga V. Putin quyết định nâng quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược Nga - Trung Quốc lên tầm cao nhất trong thời đại mới. Trong khi đó, tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich 2019, đại biểu đến từ các nước phương Tây có chung nhận định rằng thế giới không thể thiếu vai trò của nước Nga trong việc giải quyết các chương trình nghị sự toàn cầu.  
Cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc
Năm 2019 đánh dấu sự leo thang cạnh tranh toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc, được nhận định như Chiến tranh lạnh 2.0 và diễn ra trên nhiều chiến tuyến. Trên chiến tuyến thương mại, sau hơn 10 vòng đàm phán, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, kể từ ngày 10/5/2019, Mỹ sẽ nâng mức thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Hoa Kỳ, thậm chí còn đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với khối lượng hàng hóa còn lại của Trung Quốc xuất sang Mỹ trị giá gần 300 tỷ USD. Trong tương lai, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ áp thuế lên toàn bộ hơn 500 tỷ hàng hóa nhập từ Trung Quốc để gây sức ép buộc Bắc Kinh phải ký kết Thỏa thuận thương mại song phương có lợi cho Washington. 
Trên chiến tuyến giữa “Made in China 2025” và “Made in America”, Trung Quốc hướng tới mục tiêu đầy tham vọng kiểm soát khoảng 80% thị trường sản phẩm công nghệ cao của thế giới, còn Mỹ ra sức ngăn chặn tham vọng đó bằng các biện pháp đã được xác định trong Đạo luật quốc phòng năm 2018 - 2019. Theo đó, trong tháng 5/2019, Chính phủ Mỹ lập “danh sách đen” gồm các tổ chức và cá nhân của Trung Quốc có liên quan tới “Made in China 2025” cần phải bị cấm vận, đáng chú ý nhất là Công ty Huawei - một tổ chức đóng vai trò then chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Trung Quốc. Tại Đối thoại Shangri La năm 2019, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cáo buộc Trung Quốc lợi dụng vai trò của nhà nước kiểm soát kinh tế để đánh cắp công nghệ của các nước tiên tiến, trước hết là Mỹ. Đáp trả bài phát biểu của ông  Patrick Shanahan, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tuyên bố, Trung Quốc sẽ chiến đấu tới cùng để bảo vệ lợi ích kinh tế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. 
Để cạnh tranh với BRI của Trung Quốc, Mỹ xúc tiến thực hiện chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó Biển Đông nổi lên là một điểm nóng, bởi từ đây khởi đầu cái gọi là “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc. Đạo luật quốc phòng 2018-2019 của Mỹ xác định các biện pháp nhằm ngăn chặn quá trình quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, theo đó, Mỹ kiên quyết phản đối hành động của Bắc Kinh gây hấn ở Bãi Tư Chính nằm trong thềm lục địa của Việt Nam. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2019 ở Thái Lan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien tái khẳng định lập trường của Washington phản đối các hành vi ngang ngược của Trung Quốc ngăn cản hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ở Biển Đông. Cũng tại Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross chính thức thông báo về Dự án “Mạng lưới Điểm Xanh” (“Blue Dot Network”) nhằm thúc đẩy các quốc gia ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới cùng tham gia xây dựng mạng lưới hạ tầng cơ sở bền vững, vừa nhằm phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an ninh quốc gia và không bị rơi vào “bẫy nợ” từ BRI của Trung Quốc. 
Trên chiến tuyến quân sự, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đưa Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) ký với Liên Xô năm 1989 với lý do hiệp ước này đã lạc hậu trong điều kiện hiện nay và yêu cầu Trung Quốc tham gia đàm phán để ký một INF mở rộng. Theo nhận định của phía Mỹ, hiện tại Trung Quốc sở hữu khoảng 5.000 tên lửa tầm trung và tầm ngắn hướng vào các căn cứ quân sự của Mỹ cũng như của Nhật Bản và Hàn Quốc ở Đông Á. Do đó, Mỹ sẽ triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở Đông Á để sẵn sàng đáp trả nguy cơ xâm lược từ Trung Quốc. Bộ chỉ huy Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhận định, hiện nay không chỉ Nga mà Trung Quốc cũng là nguy cơ đối với an ninh của phương Tây. Với những động thái này, thế giới đang đứng trước nguy cơ bùng nổ  một cuộc chạy đua vũ trang mới. 
Châu Âu sẵn sàng thích ứng với cục diện chính trị mới của thế giới 
Trước những thay đổi lớn trong cục diện kinh tế và chính trị của thế giới trong giai đoạn chuyển tiếp từ cách mạng công nghiệp 3.0 tới cách mạng công nghiệp 4.0, châu Âu nói chung và Liên minh châu Âu (EU) nói riêng đang chuẩn bị thích ứng với những biến động trong bối cảnh mới khó khăn và phức tạp. Đó là chính trường Anh lâm vào khủng hoảng liên quan tới tình trạng bế tắc kéo dài trong quá trình Brexit, cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu và bầu chọn các nhà lãnh đạo chủ chốt của EU nhiệm kỳ 2019-2024, sự rạn nứt ngày càng sâu sắc trong quan hệ với Mỹ, làn sóng di cư vẫn chưa có điểm dừng, chủ nghĩa khủng bố vẫn đang rình rập và cuộc khủng hoảng Ucraina được ví như thảm họa địa chính trị trong thế kỷ XXI vẫn chưa có lối thoát. Trong điều kiện quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu trở nên lạnh nhạt dưới thời Tổng thống Donald Trump, nguy cơ “xâm lược kinh tế” từ Trung Quốc và quan hệ với Nga vẫn tiếp tục leo thang căng thẳng, EU gấp rút chuẩn bị đóng vai trò mới trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc. 
Ngày 14/02/2019, Nghị viện châu Âu thông qua đạo luật kiểm soát chặt chẽ hơn đối với đầu tư nước ngoài, trước hết là từ Trung Quốc. Với chương trình “Made in China 2025”, Trung Quốc đang theo đuổi tham vọng trở thành cường quốc công nghệ và thâu tóm các tập đoàn sản xuất công nghiệp tiên tiến ở châu Âu. Cũng trong năm 2019, châu Âu nỗ lực hướng tới một nền quốc phòng độc lập với NATO để hóa giải nhiều thách thức từ sự chuyển dịch địa chính trị mới. Ngày 18/4/2019, Nghị viện châu Âu thông qua quyết định xây dựng Quỹ quốc phòng châu Âu giai đoạn 2021-2027 để thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ và hợp tác quốc phòng, bao gồm hỗ trợ chu trình phát triển các sản phẩm quốc phòng từ giai đoạn nghiên cứu tới phát triển nguyên mẫu và thử nghiệm. Ngoài ra, EU kêu gọi Mỹ và Nga duy trì INF bởi hiệp ước này đã góp phần rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh cho các nước châu Âu cũng như an ninh quốc tế trong 30 năm qua.
Toàn cầu hóa trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019 tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc thế giới trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” có sự tham dự của 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ; quy tụ hơn 3.000 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, xã hội dân sự, giới học giả, các đại diện của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông. 
Các tham luận tại Diễn đàn này đưa ra nhận định, thế giới đang bước vào kỷ nguyên bất ổn toàn cầu trong giai đoạn chuyển tiếp từ cách mạng công nghiệp 3.0 tới cách mạng công nghiệp 4.0 đan xen với sự sắp xếp lại bức tranh kinh tế và chính trị. Trong đó, các quốc gia vẫn tiếp tục giải quyết những vấn đề toàn cầu hóa theo quan điểm lạc hậu và thiếu đồng bộ. Do đó, thế giới phải xác định lại các quy trình và thể chế để có thể tận dụng tốt hơn những cơ hội mới nhằm tránh sự xáo trộn tất yếu trong điều kiện có nhiều chuyển dịch lớn như sự cân bằng quyền lực toàn cầu chuyển từ trật tự thế giới đơn cực sang đa cực; các thách thức sinh thái mà điển hình là biến đổi khí hậu đang đe dọa sự phát triển kinh tế - xã hội; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những công nghệ mới với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử như: trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới và Internet vạn vật. Trong điều kiện đó, toàn cầu hóa mặc dù tạo ra sự tăng trưởng và phát triển ở cấp độ quốc tế nhưng đã gây ra bất bình đẳng ngày càng lớn không chỉ giữa các quốc gia mà còn giữa các tầng lớp xã hội trong phạm vi một quốc gia và toàn cầu. Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc nổi lên, đưa nền kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng mới. Chính vì vậy, WEF 2019 đề xuất kiến nghị toàn cầu hóa trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 phải tập trung hơn nữa vào con người theo hướng toàn diện và bền vững, quan tâm hơn tới những đối tượng dễ bị tổn thương, trước hết là giới trẻ. WEF 2019 còn cảnh báo thế giới đã không có sự quan tâm thích đáng và đúng mức đối với hiểm họa từ tình trạng trầm cảm, lo âu và các vấn đề quan ngại khác về sức khỏe tâm thần đang đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người dân trên khắp thế giới, trong đó phần lớn là giới trẻ. 
Hội nghị thường niên năm 2019 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra nhận định, kinh tế thế giới vốn đã suy giảm do tác động của các cuộc xung đột thương mại, đang đối mặt với hàng loạt thách thức phía trước cũng như những nút thắt cần nhanh chóng tháo gỡ. Những đánh giá, dự báo về thực trạng và triển vọng kinh tế thế giới của giới quan sát năm 2018 đã bị đảo ngược trong năm 2019. Theo đó, chiều hướng tích cực của kinh tế thế giới trong năm 2018 đã chuyển sang tiêu cực và đứng trước nguy cơ suy giảm tăng trưởng đồng bộ trên phạm vi toàn cầu, tụt lại phía sau các cam kết của Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030. 
Theo tân Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, tăng trưởng chậm lại trong năm 2019 đang diễn ra ở 90% các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó GDP toàn cầu sẽ chỉ tăng dưới mức 3% trong năm 2019 - mức thấp nhất trong một thập niên trở lại đây. Tăng trưởng GDP của các khu vực đầu tàu kinh tế thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) đều được điều chỉnh giảm xuống còn 2,4%; 6,1% và 1,2% so với mức 2,6%; 6,2% và 1,3% trong báo cáo tháng 7/2019. Theo các chuyên gia kinh tế hàng đầu của IMF, kinh tế thế giới hiện ở thời điểm suy yếu nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và thế giới đang bước vào giai đoạn giảm tốc xen lẫn quá trình phục hồi không chắc chắn, với triển vọng khá bấp bênh mà nguyên nhân là do xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - EU, Nhật Bản - Hàn Quốc, Anh rời khỏi EU, các điểm nóng Triều Tiên, Vênêxuêla, Iran, Xyri, Trung Đông, v.v..
Việt Nam chuẩn bị bước vào cách mạng công nghiệp 4.0
Trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam, trong đó tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các bên có liên quan về dự thảo chiến lược để tiếp thu, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đó, Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam được xây dựng trên 3 yếu tố nền tảng: Một là, đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập và thân thiện với các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Hai là, phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số để áp dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 ở quy mô và phạm vi rộng, kết nối Internet tốc độ cao; xây dựng và chia sẻ các cơ sở dữ liệu. Ba là, phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện các hoạt động chuyển đổi, nâng cấp công nghệ và nghiên cứu phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới.
Trên cơ sở các yếu tố nền tảng này, Chính phủ sẽ triển khai ba nhóm chính sách quan trọng. Nhóm thứ nhất, áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công, bao gồm xây dựng Chính phủ điện tử để quản lý nhà nước nhanh hơn, minh bạch hơn, hiệu lực và hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả theo dõi, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, đem lại sự hài lòng cao hơn cho người dân và doanh nghiệp. Nhóm thứ hai, hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp để tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực; phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, thông minh hơn và hiệu quả hơn; cắt giảm chi phí; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng quản trị chuỗi cung ứng; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; nâng cao năng suất của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Nhóm thứ ba, cơ cấu lại và tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển, hướng tới làm chủ một số công nghệ đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ thế hệ tiếp theo, vươn lên vị trí dẫn đầu trong một số lĩnh vực công nghệ hiện đại, giúp cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cả trong ngắn hạn và dài hạn. Ngoài ra, chiến lược còn đề ra các giải pháp bổ sung như: thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; các dự án đầu tư, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ sử dụng các công nghệ đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0; thu hút đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới; thu hút đầu tư mạo hiểm nước ngoài cho các Startup Việt Nam; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; kêu gọi các quốc gia tiên tiến, các tổ chức quốc tế hỗ trợ, hợp tác, thành lập các cơ sở nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác khoa học công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược, các đối tác quan trọng có trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến; xây dựng, mở rộng mạng lưới quan hệ với các chuyên gia quốc tế, nhất là chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ trọng điểm của cách mạng công nghiệp 4.0.

Đại tá Lê Thế Mẫu
 

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/the-gioi-trong-ky-nguyen-cach-mang-cong-nghiep-40-nhin-tu-cuc-dien-kinh-te-chinh-tri-va-an-ninh-nam-2019-a96.html