Đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy cấp huyện đối với chính quyền cùng cấp ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay

CT&PT - Trong thời gian qua, cấp ủy cấp huyện ở tỉnh Bắc Ninh ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò và sự cần thiết phải đổi mới sự lãnh đạo đối với chính quyền cùng cấp, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tập trung xây dựng, ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện những nghị quyết, quyết định về vấn đề này và đạt nhiều kết quả quan trọng.

1. Thực trạng đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy cấp huyện đối với chính quyền cùng cấp ở tỉnh Bắc Ninh

Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy Bắc Ninh, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện đã xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh về xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, cấp ủy cấp huyện đã thảo luận và ban hành nhiều nghị quyết có chất lượng, như các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, làng, xã văn hóa... Đây chính là tiền đề, là cơ sở để  Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cùng cấp triển khai thực hiện các hoạt động cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. 

Thực tế cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp đổi mới việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật được cấp ủy cấp huyện ở tỉnh Bắc Ninh đổi mới theo tinh thần sâu sát, chỉ đạo quyết liệt. Ngay sau đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp ủy cấp huyện chỉ đạo Hội đồng nhân dân xây dựng dự thảo nghị quyết để cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, trong đó xác định các giải pháp lớn để thực hiện trong suốt nhiệm kỳ. Chỉ tính riêng năm 2024, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện Gia Bình đã tổ chức 4 kỳ họp (2 kỳ họp thường lệ và 2 kỳ họp chuyên đề), thông qua 34 nghị quyết trên các lĩnh vực1. Hội đồng nhân dân thành phố Bắc Ninh tổ chức 7 kỳ họp, trong đó có 2 kỳ họp thường lệ và 5 kỳ họp chuyên đề để bàn nhiều vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền (như: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; phân bổ ngân sách; công tác cán bộ…); ban hành 62 nghị quyết2. Hội đồng nhân dân huyện Lương Tài đã tổ chức 4 kỳ họp (1 kỳ họp thường lệ, 3 kỳ họp chuyên đề), ban hành 21 nghị quyết3. Hội đồng nhân dân thành phố Từ Sơn đã tổ chức 6 kỳ họp, trong đó có 5 kỳ họp chuyên đề và 1 kỳ họp thường lệ; thông qua 29 nghị quyết4. Hội đồng nhân dân huyện Yên Phong tổ chức 6 kỳ họp, trong đó, 02 kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm, 04 kỳ họp chuyên đề; ban hành 31 nghị quyết5… Cùng với đó, cấp ủy cấp huyện ở tỉnh Bắc Ninh luôn coi trọng đổi mới việc lãnh đạo Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án và các quyết định của Ủy ban nhân dân để thực hiện thắng lợi nghị quyết của Hội đồng nhân dân và đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy. Trong giai đoạn 2014 - 2024, Ban Thường vụ Huyện ủy Lương Tài đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện ban hành 34 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo6. Năm 2024, Thành ủy Bắc Ninh tổ chức 06 Hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án dân cư dịch vụ thành phố làm việc với 07 địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đảng bộ thành phố 5 năm liên tục được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”7.

Bên cạnh việc ban hành các văn bản liên quan đến sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực và tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị, cấp ủy cấp huyện ở tỉnh Bắc Ninh đã lãnh đạo chính quyền cùng cấp xây dựng các đề án thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở Việt Nam tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cấp ủy cấp huyện ở tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, chuyên nghiệp, có kỹ năng hành chính, chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng, đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ được cấp ủy cấp huyện lãnh đạo thực hiện bảo đảm đúng quy định, dân chủ, công khai. Năm 2019, tỉnh Bắc Ninh điều động, bố trí 4 đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không phải là người địa phương (chiếm 50%)8.

Cấp ủy cấp huyện ở tỉnh Bắc Ninh thường xuyên rà soát, duy trì thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Chính quyền chủ động phối hợp để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân...; tổ chức tốt các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; các ý kiến của cử tri được Hội đồng nhân dân nghiên cứu, xem xét trả lời, đồng thời, phản ánh nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân lên các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo thẩm quyền quy định. Phối hợp tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở địa phương, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở trong xây dựng chính quyền trong sạch.

Cấp ủy cấp huyện ở tỉnh Bắc Ninh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, đặc biệt là các tổ chức đảng, đảng viên hoạt động trong Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện tuyên truyền, quán triệt, triển khai kịp thời các nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Trên cơ sở đó, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, cấp ủy cấp huyện đã ban hành các văn bản về lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; rà soát bổ sung, sửa đổi và ban hành quy chế làm việc của cấp ủy, ủy ban kiểm tra, quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các tổ chức đảng, cơ quan có liên quan, nhất là cơ quan chính quyền cấp huyện trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, phân công nhiệm vụ giám sát cho các đồng chí cấp ủy viên.

Phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy cấp huyện luôn được quan tâm đổi mới, nhất là đổi mới xây dựng và thực hiện quy chế, phong cách, lề lối làm việc trong lãnh đạo chính quyền cùng cấp theo hướng tăng cường dân chủ, làm việc có chương trình, kế hoạch, trọng tâm, trọng điểm, chuẩn bị chu đáo nội dung, coi trọng kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm... Quy chế làm việc của cấp ủy cấp huyện được xây dựng, sửa đổi, bổ sung kịp thời theo quy định, hướng dẫn của cấp trên, bảo đảm tính tổ chức, kỷ luật, mở rộng công khai, minh bạch, phát huy dân chủ. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện đã phân công các đồng chí trong thường trực cấp ủy, thường trực Ủy ban nhân dân đối thoại trực tiếp với nhân dân. Hiện nay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Phong thực hiện tiếp công dân 2 ngày/tháng và các phiên đột xuất; Ban Tiếp công dân huyện và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện tiếp công dân thường xuyên vào các ngày làm việc hành chính. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiên Du tổ chức tiếp công dân định kỳ vào ngày 01 và 15 hàng tháng…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy cấp huyện ở tỉnh Bắc Ninh đối với chính quyền cùng cấp vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Một số cấp ủy cấp huyện vẫn chưa đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt việc tổ chức học tập, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh về xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh. Ý thức tham gia học tập các chỉ thị, nghị quyết của một số cán bộ, đảng viên còn thiếu nghiêm túc (đầu giờ thì đông, cuối giờ thì vắng).

Một số cấp ủy cấp huyện đôi khi chưa chỉ đạo quyết liệt trong đổi mới quy trình cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy thành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp; việc lãnh đạo Ủy ban nhân dân cụ thể hóa nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành chương trình, kế hoạch, đề án đôi lúc chưa kịp thời và chưa phù hợp với thực tiễn địa phương. Công tác xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, xây dựng cơ quan, công sở văn hóa chưa đạt mục tiêu đề ra.

Việc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng và Nhà nước về xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của chính quyền cấp huyện trong sạch, vững mạnh còn chậm, nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong phản biện xã hội đối với các quyết định của chính quyền trước khi ban hành và trong giám sát hoạt động của cán bộ, công chức chính quyền có đổi mới nhất định, song đôi khi vẫn mang tính hình thức và hiệu quả chưa cao.

Công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng, đảng viên hoạt động trong Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện và thực hiện kết luận sau khi kiểm tra, giám sát ở một số sự việc chưa được quan tâm đúng mức, còn biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm, né tránh, ngại va chạm. Quy chế, phong cách, lề lối làm việc của một số cấp ủy cấp huyện chưa thật sự có nhiều đổi mới, chưa bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra, còn có biểu hiện bệnh thành tích.

2. Một số giải pháp tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy cấp huyện đối với chính quyền cùng cấp ở tỉnh Bắc Ninh thời gian tới

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể về tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy cấp huyện đối với chính quyền cùng cấp ở tỉnh Bắc Ninh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần triệu tập thành viên, chủ trì, chỉ đạo hội nghị tập huấn quán triệt thực hiện chủ trương về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy địa phương đối với chính quyền cùng cấp. Từ đó làm cho cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, đội ngũ cấp ủy viên cấp huyện thấy được tính cấp thiết phải không ngừng đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương đối với chính quyền cùng cấp trong những năm sắp tới. Mời báo cáo viên có đủ phẩm chất, năng lực sư phạm trực tiếp báo cáo các chuyên đề có tính lý luận và những cán bộ lãnh đạo thực tiễn đã trải qua nhiều năm làm bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện, nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý đến “truyền nghề” cho cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, đội ngũ cấp ủy viên cấp huyện, giúp họ biết vận dụng, cụ thể hóa những quan điểm chỉ đạo và quy định của Đảng về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, nhất là đối với Nhà nước. Đồng thời, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, các cấp ủy viên phải tự nghiên cứu, học tập quán triệt các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, nhất là đối với Nhà nước, liên hệ vận dụng trong phạm vi địa phương.

Hai là, xác định đúng những nội dung cấp ủy lãnh đạo chính quyền; tập trung lãnh đạo chính quyền thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm; giải quyết kịp thời những vấn đề có nhiều khó khăn, vướng mắc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp huyện.

Để cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy luôn có đủ năng lực xác định đúng và trúng những nội dung lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền cùng cấp, đồng thời xác định rõ nội dung lãnh đạo trọng yếu, quan trọng nhất, thì trước khi ban hành chủ trương, nghị quyết lãnh đạo phải tổ chức tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, rút ra những kinh nghiệm có giá trị khoa học phục vụ công tác lãnh đạo. Xin ý kiến chuyên gia về những nội dung cấp ủy cần lãnh đạo chính quyền. Phát huy dân chủ trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy khi thảo luận, xem xét đánh giá dự thảo văn bản lãnh đạo, chỉ rõ những nội dung cần lãnh đạo, nhất là những nội dung lãnh đạo trọng yếu, then chốt và đề xuất giải pháp thực hiện. Ban thường vụ cấp ủy và thường trực cấp ủy phải luôn đi sát thực tiễn, lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm.

Ba là, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện về chính quyền cùng cấp.

Chất lượng ban hành các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận lãnh đạo là biểu hiện ý chí, trí tuệ, năng lực lãnh đạo của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy địa phương đối với hệ thống chính trị, nhất là đối với chính quyền cùng cấp. Do đó, trước khi cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy có chủ trương xây dựng, ban hành những nghị quyết lãnh đạo mới, phải chỉ đạo tổng kết thực tiễn, rút ra những kinh nghiệm có giá trị lý luận làm căn cứ khoa học cho việc ban hành nghị quyết mới. Thực hiện đúng quy trình xây dựng, ban hành nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy theo quy chế, quy định đã ban hành. Phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cụ thể hóa nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy thành nghị quyết của Hội đồng nhân dân và chương trình, kế hoạch, đề án công tác của Ủy ban nhân dân để thực hiện.

Bốn là, đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy trong lãnh đạo chính quyền cùng cấp.

Xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh lãnh đạo trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy như nhiệm vụ, quyền hạn của bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy, phó bí thư - chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Thường trực cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy và người đứng đầu người đứng đầu chính quyền phải chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy chế đã đề ra. Cùng với đó, để lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền thực hiện tốt nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy cần phải lập các ban chỉ đạo thực hiện chương trình công tác và các đề án quan trọng nhằm đôn đốc, giúp đỡ, tạo điều kiện và giám sát các cơ quan chính quyền thực hiện nghị quyết.

Năm là, xây dựng cấp ủy và các cơ quan tham mưu cấp ủy cấp huyện đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; bố trí đúng người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền, bảo đảm sự đoàn kết thống nhất trong cấp ủy.

Đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy đối với hệ thống chính trị nói chung, đối với chính quyền cùng cấp nói riêng đòi hỏi tập thể cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, đội ngũ cấp ủy viên và người đứng đầu cấp ủy phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định trước những thay đổi có tính cách mạng về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, cách thức tổ chức công việc… Có năng lực quyết đoán trong lựa chọn các phương án xử lý tình huống chính trị - xã hội có thể nảy sinh bất cứ lúc nào trong quá trình lãnh đạo; có trình độ trí tuệ, năng lực nhận thức và tri thức toàn diện để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quyết định lãnh đạo.

Xây dựng các cơ quan tham mưu cấp ủy cấp huyện đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy cấp huyện đối với chính quyền cùng cấp. Không để trùng lắp chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cùng cấp. Đồng thời, lựa chọn và bố trí đúng người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân để bảo đảm sự đoàn kết thống nhất trong cơ quan lãnh đạo của địa phương; kịp thời phát hiện, thay thế những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, uy tín trên cương vị người đứng đầu; có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, năng lực hạn chế.

Sáu là, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp huyện; đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước kết hợp chặt chẽ cải cách hành chính đảng.

Đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương đối với chính quyền cùng cấp ở tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới không chỉ đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, mà còn phải đẩy mạnh đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân và Hội đồng nhân dân cùng cấp. Rà soát lại mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan tham mưu, giúp việc của Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân, lược bỏ những chức năng trùng lặp và không cần thiết; bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ mới do yêu cầu quản lý, điều hành của chính quyền đặt ra.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương đối với chính quyền cùng cấp. Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và Nhân dân, từ trong Đảng, bộ máy chính quyền đến toàn xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính trong các cơ quan chính quyền kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính công tác đảng; rà soát, xây dựng, ban hành bộ thủ tục hành chính trên hầu hết các lĩnh vực quản lý xã hội.


1. Thường trực HĐND thị xã Quế Võ: Báo cáo số 19/BC-TT.HĐND, ngày 16/12/2024 về kết quả công tác của HĐND thị xã năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, tr. 1.

2. Thành ủy Bắc Ninh: Báo cáo số 402-BC/TU, ngày 09/01/2025 về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể năm 2024; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp năm 2025, tr. 7-8.

3. Hội đồng nhân dân huyện Lương Tài: Báo cáo số 114/BC-HĐND, ngày 13/12/2024 về kết quả hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, tr. 1.

4. Hội đồng nhân dân thành phố Từ Sơn: Báo cáo số 97/BC-HĐND, ngày 09/12/2024 về kết quả hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, tr. 1.

5. Hội đồng nhân dân huyện Yên Phong: Báo cáo số 59/BC-HĐND20, ngày 02/12/2024 về kết quả hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ Hội đồng nhân dân năm 2025, tr. 1-2.

6. Huyện ủy Lương Tài: Báo cáo số 485-BC/HU, ngày 30/7/2024 về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tr. 2-3.

7. Thành ủy Bắc Ninh: Báo cáo số 402-BC/TU, ngày 09/01/2025 về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể năm 2024; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp năm 2025, tr. 9.

8. Tỉnh ủy Bắc Ninh: Báo cáo số 285-BC/TU, ngày 30/7/2019 về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, tr. 16.

ThS. Lê Xuân Lợi - Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/doi-moi-su-lanh-dao-cua-cap-uy-cap-huyen-doi-voi-chinh-quyen-cung-cap-o-tinh-bac-ninh-hien-nay-1-a9176.html