Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và bài học lịch sử cho dân tộc ta trong kỷ nguyên mới

CT&PT - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã để lại cho Đảng và nhân dân ta những bài học vô cùng quý giá về chớp thời cơ lịch sử, về sự chỉ huy dũng cảm và thao lược, về phát huy cao độ hào khí dân tộc trên nguyên tắc đặt đại nghĩa dân tộc và lợi ích quốc gia lên trên hết. 50 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn vẹn nguyên giá trị, ngày càng được khẳng định và nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn, trở thành động lực cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, ngay khi cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, bản tin chiến thắng vang lên trên Đài Tiếng nói Việt Nam, lúc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ôm đàn ghi ta cùng nhóm thanh niên yêu nước hát vang bài ca “Nối vòng tay lớn” trên Đài Phát thanh Sài Gòn, cũng chính là lúc không khí hân hoan lan tỏa mạnh mẽ, ngập tràn từng con phố, mỗi xóm làng, thấm sâu vào từng con tim, khối óc người dân Việt Nam. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc như một trong những chiến công hiển hách nhất, đồng thời cũng là sự kiện khiến cho lịch sử khu vực và thế giới bắt đầu chuyển sang một trang mới.

Sau 50 năm nhìn lại, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã để lại cho Đảng và nhân dân ta những bài học vô cùng quý giá, nhất là khi toàn thể dân tộc Việt Nam đang quyết tâm vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đạt tới những tầm cao xứng đáng với kỳ vọng của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất của Tổ quốc.

1. Bài học về chớp thời cơ lịch sử

Trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”1. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã khẳng định trên thực tế niềm tin và dự liệu chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn chính xác. Nhưng để đi tới thắng lợi huy hoàng, trọn vẹn đó, dân tộc Việt Nam đã phải kinh qua chặng đường dài đấu tranh vô cùng gian khổ, với muôn vàn mất mát, hy sinh, bắt đầu ngay từ ngày 23/9/1945, trải qua cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp rồi đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là quá trình cách mạng Việt Nam “biết thắng từng bước”, không ngừng lớn mạnh, đủ sức “đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới đánh bại hoàn toàn” các thế lực thù trong, giặc ngoài. Đó cũng là hành trình gian khó và phức tạp, vừa chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, vừa chống nội phản để thống nhất đất nước; vừa cải tạo xã hội cũ, vừa dựng xây xã hội mới; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, vừa kiên quyết đập tan mọi âm mưu của các thế lực đế quốc thực dân, vừa khôn khéo hóa giải những toan tính vị kỷ của những thế lực nằm ngay trong nội bộ phe xã hội chủ nghĩa và trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới; vừa ra sức củng cố khối đại đoàn kết quốc tế trên tinh thần quốc tế vô sản, vừa ra sức tranh thủ sự ủng hộ của các phong trào dân chủ, hòa bình, tiến bộ trên khắp hoàn cầu, nhằm tạo nên nguồn xung lực đủ mạnh để kìm chế dã tâm của địch, tạo thế tùy thời, vừa đánh vừa đàm, nhịp nhàng công - thủ trên nhiều mặt trận, trên nguyên tắc luôn giữ vững thế chủ động chiến lược và tinh thần cách mạng tiến công, kiên trì bám trụ, quả quyết tiến công giành cho kỳ được chiến thắng cuối cùng.

Sau nửa thế kỷ nhìn lại, nhiều bài học quý giá có thể rút ra từ hành trình vĩ đại đó của dân tộc, trong đó nổi bật lên là bài học chớp lấy thời cơ lịch sử để hiện thực hóa thành công mục tiêu chiến lược cao nhất.

Thời cơ là cơ hội để thực hiện một công việc nào đó, xuất hiện khi hội đủ các điều kiện chủ quan và khách quan thuận lợi. Thời cơ thường chỉ xuất hiện một lần, trong một khoảng thời gian hữu hạn, tương đối ngắn. Nếu không chớp được thời cơ để tiến hành công việc thì có thể sẽ không tiến hành được công việc đã trù liệu, hoặc nếu có thực hiện được thì cũng gặp nhiều khó khăn hơn, đòi hỏi những hy sinh, tổn thất to lớn hơn. Vì vậy, trong lãnh đạo cách mạng cũng như chỉ đạo bất kỳ công việc gì, việc phân tích, nhận diện thời cơ, tích cực chuẩn bị lực lượng và thúc đẩy cho thời cơ chín muồi và chớp lấy thời cơ là một trong những yếu tố chiến lược đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của toàn bộ sự nghiệp.

Nhìn lại lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có thể thấy thời cơ lịch sử từng xuất hiện không chỉ một lần. Song, trước mùa Xuân năm 1975, những thời cơ từng có chưa bao giờ hội đủ các điều kiện chiến lược cần thiết. Tháng 7/1954, Hội nghị Giơnevơ kết thúc với tuyên bố chính thức về khoảng thời gian chia cắt tạm thời hai miền Nam - Bắc Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước sẽ diễn ra hai năm sau đó. Đây là một cơ hội có thật, nhưng chưa hội đủ các điều kiện cần thiết để có thể thực hiện. Năm 1968, những cuộc tấn công quyết liệt, đồng loạt của quân và dân ta vào hơn 170 đô thị lớn, nhỏ ở khắp miền Nam, bao gồm cả thành phố Sài Gòn, đã khiến cho giới lãnh đạo chính trị, chỉ huy quân sự Mỹ và tay sai bị bất ngờ, choáng váng. Nhưng thời cơ chiến lược cho việc kết thúc thắng lợi cuộc chiến và thống nhất đất nước chưa tới, do chưa hội đủ các điều kiện chủ quan và khách quan. Đầu năm 1973, sau thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ trên không, Hiệp định Pari được ký kết, quân Mỹ phải cuốn cờ về nước khiến cho thế và lực cách mạng miền Nam chuyển biến căn bản theo hướng có lợi cho ta, nhưng thời cơ chiến lược để kết thúc hoàn toàn thắng lợi cuộc kháng chiến cũng chưa thực sự chín muồi.

Tuy vậy, việc “đánh cho Mỹ cút” thắng lợi đã mở đường cho việc “đánh cho ngụy nhào”, đúng như dự liệu chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời cơ cho việc kết thúc thắng lợi cuộc chiến bắt đầu hình thành ngay khi những “pháo đài bay” B52 của Mỹ bị bắn rơi trong những ngày cuối cùng của năm 1972. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu, rằng Mỹ sẽ thua, nhưng chỉ chịu thua khi bị đánh bại trên bầu trời Hà Nội.

Từ giữa năm 1972, viện trợ của phe xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặc biệt là từ Liên Xô và Trung Quốc bị cắt giảm mạnh. Nếu tổng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam năm 1971 đạt khoảng 332 triệu rúp thì năm 1973 còn 248 triệu rúp, năm 1974 còn 98 triệu và năm 1975 chỉ còn 76 triệu rúp (chỉ bằng gần 23% mức của năm 1971). Tương tự, viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam đạt 141 triệu nhân dân tệ vào năm 1973 thì năm 1974 chỉ còn 45 triệu và năm 1975 là 19 triệu (chỉ bằng 13,4% mức của năm 1973)2. Cũng trong thời gian này, tập đoàn lãnh đạo Khmer đỏ do Pol Pot đứng đầu bắt đầu bộc lộ rõ hơn thái độ thù địch đối với các lực lượng cách mạng Việt Nam. Chính trong điều kiện đó, Richard Nixon và Henry Kissinger tin rằng họ có thể gây sức ép với phía ta trên bàn đàm phán ở Paris và khi cần thì sẵn sàng tung ra đòn tấn công quân sự chiến lược hung ác nhất để giành thắng lợi trong cuộc chiến. Cuộc không kích chiến lược mang tên “Linebacker II” hồi cuối tháng 12/1972 được Nixon tiến hành trên cơ sở những toan tính chiến lược hiểm ác và khoa học như vậy, khi họ tin rằng việc đưa hàng trăm lượt máy bay B52 dội bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và các vị trí chiến lược khác ở miền Bắc Việt Nam chỉ như “một cuộc dạo chơi nhàn nhã” vì các lực lượng phòng không của phía Việt Nam đã bị họ vô hiệu hóa từ trước. Tuy nhiên, chính thất bại của đòn tấn công chiến lược này đã khiến cho âm mưu và ý chí xâm lược của Nixon, Kissinger và giới lãnh đạo Mỹ bị phá sản, khiến cho họ phải chấp nhận ký vào bản Hiệp định Pari và rút quân về nước ngay đầu năm 1973.

Như vậy là việc “đánh cho Mỹ cút” đã tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam, nhưng việc viện trợ từ các nước đồng minh chiến lược bị cắt giảm ngày càng sâu khiến cho sự nghiệp đấu tranh hoàn toàn thống nhất đất nước bị đe dọa nghiêm trọng. Trong một thời gian tương đối ngắn, nếu chúng ta không kịp tổ chức một cuộc tổng tấn công để giành thắng lợi hoàn toàn thì có thể cuộc đấu tranh thống nhất đất nước sẽ còn phải kéo dài với nhiều hy sinh, mất mát to lớn hơn nữa. Đặc biệt, khi chính quyền Sài Gòn gượng dậy, ổn định được tình hình, tăng cường lực lượng sau khi Mỹ đã rút quân, đồng thời nước Mỹ vượt qua được khủng hoảng nội bộ và có một tổng thống mới vào đầu năm 1977 với chiến lược toàn cầu mới thì chưa thể biết cách mạng nước ta sẽ gặp những khó khăn như thế nào. Ở thời điểm đầu năm 1973, dù ở trong thế thuận lợi hơn, nhưng cách mạng nước ta cũng đang phải đối diện với những hiểm họa khôn lường, và thực tế là khi đó chúng ta không thể dừng lại và cũng không có chỗ để tạm lùi bước.

Trong điều kiện lịch sử như vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương đã rất sáng suốt, tích cực và chủ động, bình tĩnh phân tích và dự đoán cơ bản chính xác diễn biến của tình hình thế giới và Việt Nam, nhờ đó đã đưa ra được quyết sách đúng đắn, ngày càng sát hợp hơn với thực tiễn, thúc đẩy thời cơ ngày càng chín muồi cho trận chiến cuối cùng.

Tháng 4/1973, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã lập ra một tổ công tác, gọi là Tổ Trung tâm, do Thiếu tướng Lê Trọng Tấn đứng đầu, tích cực chủ động xây dựng và đề xuất Bản Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam3. Trên cơ sở những phân tích sâu sắc, cẩn trọng của Tổ Trung tâm, Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (tháng 7/1973) đã khẳng định rằng con đường cách mạng miền Nam là “con đường bạo lực cách mạng”. Tiếp đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Lê Duẩn và Quân ủy Trung ương, Tổ Trung tâm tiếp tục chỉnh sửa nhiều lần, từng bước hoàn chỉnh bản Kế hoạch chiến lược, đặc biệt làm rõ phương hướng chuẩn bị lực lượng, dự liệu, lựa chọn các biện pháp thăm dò phản ứng của Mỹ, chính quyền Sài Gòn và cả những phản ứng có thể có từ các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và trong khu vực Đông Nam Á; lựa chọn hướng tấn công chiến lược, v.v.. Đến cuối năm 1974, bản Kế hoạch chiến lược cơ bản hoàn chỉnh, trình ra hội nghị Bộ Chính trị với dự liệu chiến lược sẽ giải phóng miền Nam, hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến trong hai năm (1975 - 1976)4. Đặc biệt, Bộ Chính trị nhấn mạnh: Nếu tạo được thời cơ vào đầu năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975; và “Phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975”5.

Có thể nói, đây là một quyết định lịch sử của Đảng ta, vừa cho thấy ý chí sắt đá, không lay chuyển của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong việc hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, thống nhất đất nước, vừa cho thấy sự chủ động, tích cực trong việc nhận diện, thúc đẩy và nắm bắt thời cơ chiến lược để hoàn thành sự nghiệp đó.

Trên cơ sở đó, mọi công việc chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy được đẩy mạnh, đặc biệt là công tác hậu cần, công tác tham mưu. Sau những đòn tấn công thăm dò mức độ và khả năng phản ứng của phía địch trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long cuối năm 1974, đầu năm 1975, ta quyết định bất ngờ mở Chiến dịch Tây Nguyên vào đầu tháng 3/1975. Trước sự kháng cự tương đối lúng túng, có dấu hiệu hoang mang, tan rã của một bộ phận quân địch, lãnh đạo Đảng và Quân ủy Trung ương nhận định tình hình sẽ có những chuyển biến mau lẹ, thời cơ chiến lược thuận lợi đang mở ra. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ngay lập tức quyết định đẩy mạnh cuộc tổng tấn công và nổi dậy, cả nước cùng ra trận, xốc tới mặt trận, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Ngày 07/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh ký gửi Bộ Tư lệnh tiền phương mệnh lệnh lịch sử, với yêu cầu “Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”6, “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”7.

Sau các chiến dịch giải phóng Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng, thời cơ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đã mở ra. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị gửi đi bức điện số 37/TK đồng ý với đề xuất của Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, lấy tên chiến dịch đó là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”8.

Những quyết sách chiến lược và mệnh lệnh của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã cho thấy tài thao lược và ý chí quyết chiến, quyết thắng của cấp lãnh đạo, chỉ huy cao nhất trong việc sáng suốt, kịp thời chớp lấy thời cơ lịch sử, tạo tiền đề quan trọng bậc nhất cho chiến thắng vĩ đại của toàn bộ cuộc kháng chiến cũng như của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Trên khắp các chiến trường, mệnh lệnh thần tốc, táo bạo, quyết chiến, quyết thắng đã truyền cho cán bộ, chiến sĩ nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để dồn sức cho trận chiến cuối cùng, từ Xuân Lộc tới Sài Gòn, lan tỏa ra tận Trường Sa xa xôi.

Bài học nhận định, nắm bắt thời cơ chiến lược tiếp tục được vận dụng sáng tạo, góp phần quyết định giúp cho Đảng ta lãnh đạo đất nước vượt qua những thử thách sống còn, giành được những thắng lợi có tính chất lịch sử. Quyết định phát động công cuộc đổi mới vào năm 1986 (Đại hội Đảng lần thứ VI) là một quyết sách chiến lược vĩ đại, đã đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên đổi mới và phát triển, vượt qua khủng hoảng trầm trọng, ngày càng vững bước tiến lên. Nhờ đó mà sau gần 40 năm đổi mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta, của chế độ ta vững mạnh hơn bao giờ hết, sẵn sàng bước vào một kỷ nguyên phát triển mới.

Giờ đây, trước thềm Đại hội lần thứ XIV của Đảng, đất nước ta lại đang đứng trước thời cơ chiến lược mới với những thách thức mới, nghiêm trọng và phức tạp. Quá trình toàn cầu hóa ngày càng tăng tốc và cuộc cách mạng công nghiệp mới như vũ bão đã và đang đem lại cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước những nguồn lực và vận hội mới. Song, toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới phát triển cũng đặt ra nhiều thách thức chưa từng có. Đặc biệt nghiêm trọng là nguy cơ tụt hậu về trình độ phát triển, trở nên lệ thuộc nước ngoài về khoa học và công nghệ; biến đổi khí hậu toàn cầu có thể đặt một số vùng của nước ta trước nguy cơ thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn khó khắc phục; làn sóng xâm thực văn hóa và quá trình chuyển đổi số với AI và IoT có thể làm biến dạng lối sống và xói mòn hệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; bệnh dịch có thể gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn, v.v..

Trong bối cảnh đó, bài học về sự phân tích khoa học, về tầm nhìn và bản lĩnh chớp thời cơ chiến lược của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 càng có giá trị thiết thực. Thực tế là, giống như 50 năm trước, đất nước Việt Nam, cách mạng Việt Nam không có lựa chọn nào khác, không có chỗ tạm dừng hay lùi bước mà chỉ có lựa chọn duy nhất là quả quyết xông lên, vượt qua những thách thức của lịch sử, “biến nguy thành cơ”, phát huy cao độ ý chí và khát vọng của dân tộc để chiếm lấy những lợi thế, vượt qua trở ngại để tiến bước. Đây chính là điều Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh: Chúng ta đã có đủ điều kiện cần thiết và chúng ta cũng không thể chậm trễ, phải làm ngay những việc cần làm với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, trước hết là triệt để chống tham nhũng, lãng phí và tiến hành nhanh chóng, đồng bộ cuộc cách mạng tinh gọn, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống lãnh đạo, vận hành và quản trị quốc gia. Đó là những công việc có ý nghĩa và tầm quan trọng chiến lược, mở đường để toàn dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.

2. Bài học về sự chỉ huy dũng cảm và thao lược

Người xưa từng nói, để giành thắng lợi trong chiến tranh thì: “Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần đánh, người giỏi đánh thì không thua...”9. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là minh chứng tiêu biểu nhất cho tài nghệ cầm quân xuất chúng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Cả nước cùng ra trận, tập trung toàn bộ các nguồn lực để tạo thành xung lực tổng hợp như Phù Đổng vươn mình. Lần đầu tiên sự chỉ huy tác chiến hợp đồng các binh chủng, các quân đoàn, các mặt trận được thống nhất và nhịp nhàng, vô cùng hiệu quả. Sau các đòn tấn công quân sự và ngoại giao thăm dò là đòn tấn công điểm trúng yếu huyệt của đối phương ở Buôn Ma Thuột, đẩy quân địch ra khỏi Tây Nguyên, mở ra thế trận mới. Tiếp đó là Chiến dịch Huế - Đà Nẵng tiến tới giải phóng hoàn toàn dải đất miền Trung bằng những đòn tấn công quyết liệt, đánh bại các nỗ lực phòng ngự, làm tan rã tinh thần và ý chí của đối phương. Thế trận thuận lợi đã mở ra cho chiến dịch cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh, mang tầm vóc của một trận quyết chiến chiến lược.

Bài học lớn nhất trong chỉ huy chiến tranh của lãnh đạo Đảng và quân đội ta là bài học luôn luôn giữ vững thế chủ động chiến lược. Trong toàn bộ cuộc chiến, ngay cả khi đế quốc Mỹ và tay sai huy động được lực lượng đông đảo nhất, với hệ thống trang thiết bị, vũ khí, khí tài hiện đại nhất, họ cũng không thể giành được thế chủ động chiến lược, tức là không thể buộc ta phải chấp nhận tiến hành chiến tranh theo cách mà họ mong muốn, do họ định đoạt. Trái lại, Mỹ và tay sai đã phải chiến đấu theo cách đánh của quân và dân Việt Nam, dù là ở tiền tuyến, trên chiến trường, hay ở hậu phương, ở Việt Nam và trên trường quốc tế. Để có được thế chủ động chiến lược này, tầm nhìn, bản lĩnh và tư duy chiến lược chính trị và sự lãnh đạo của chính trị đối với quân sự là yếu tố then chốt nhất. Sự nhịp nhàng, ăn khớp tạo ra xung lực tổng hợp giữa chính trị - quân sự - ngoại giao - kinh tế - văn hóa ở trên khắp các địa bàn, từ hậu phương đến tiền tuyến, từ người dân đến bộ đội, từ trong nước đến quốc tế, là bí kíp kỳ diệu của ta và mãi mãi là điều bí ẩn đối với giới lãnh đạo chính trị và chỉ huy quân sự của Mỹ.

Thế chủ động chiến lược đó, khi vận dụng vào sự lãnh đạo, chỉ huy đầy thao lược, nhất quán, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 lại càng rõ ràng. Đó là sự thống nhất, đạt hiệu quả cao giữa lãnh đạo chính trị và lãnh đạo quân sự; giữa tổng hành dinh ở Hà Nội với Bộ Tư lệnh tiền phương, giữa Bộ Tổng tham mưu với chỉ huy các vùng, các cánh quân, tập đoàn quân.

Phải nhấn mạnh rằng, phía quân đội Sài Gòn tuy bị sa sút tinh thần nghiêm trọng sau khi Mỹ chính thức rút quân nhưng rất nhiều lãnh đạo và chỉ huy quân sự, cũng như bộ phận lớn sĩ quan, binh lính của họ vẫn còn rất hung hăng, không ngừng tự “lên dây cót tinh thần”, ra sức củng cố thế và lực để tiếp tục chia cắt lâu dài đất nước ta. Ngay cả khi đã lâm vào thế bất lợi chiến lược, nhiều kẻ vẫn hô hào “tử thủ” đến cùng.

Vì vậy, trong quá trình chỉ đạo chiến lược đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, việc tạo lập và không ngừng phát huy ưu thế áp đảo về tinh thần là một trong những đòn tấn công chiến lược quan trọng bậc nhất, vừa củng cố thêm niềm tin tất thắng của quân và dân ta, vừa làm tan rã từng bước, tiến tới làm sụp đổ tinh thần phản kháng của đối phương. “Mưu phạt tâm công” luôn luôn là một trong những minh chứng rõ nhất cho tài cầm quân thao lược của Đảng và quân đội ta. Từ đòn nghi binh - điểm huyệt mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên, đến việc phục kích, đánh chặn khiến cho cuộc rút lui chiến lược của quân đội Sài Gòn trở thành cuộc tháo chạy hoảng loạn, khiến cho toàn bộ quân đội và chính giới Sài Gòn hoang mang. Tiếp đó, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng nhanh chóng làm tan rã toàn bộ hệ thống quân - chính của địch ở miền Trung càng đẩy đối phương chìm sâu vào cuộc khủng hoảng tinh thần. Trận chiến khốc liệt nhất ở Xuân Lộc, từ ngày 09/4 đến ngày 20/4/1975 là cuộc đọ sức, đọ tài thao lược và đối đầu quyết liệt nhất về ý chí giữa hai bên. Nhờ ý chí sắt đá, tinh thần kiên quyết chiến đấu của bộ đội và đặc biệt là nhờ tài thao lược chỉ huy chiến trận của các tướng lĩnh của ta mà quân địch, dù đã tung ra toàn bộ lực lượng thiện chiến với những vũ khí tối tân nhất, cuối cùng cũng vẫn bị đè bẹp hoàn toàn. Ngay sau khi đại bại ở Xuân Lộc, ngày 21/4, Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố từ chức. Đêm ngày 25/4, Thiệu bỏ trốn trên một chuyến bay ra nước ngoài. Ở bên kia đại dương, ngày 23/4, Tổng thống Mỹ tuyên bố “cuộc chiến ở Việt Nam đã kết thúc với người Mỹ”. Ngay sau đó, sân bay Tân Sơn Nhất bị không kích dữ dội bằng chính những máy bay A37 mà quân ta vừa thu được đã khiến cho chiến dịch tùy nghi di tản bằng trực thăng từ nóc tòa Đại sứ quán Mỹ trở thành biểu tượng của sự thất bại toàn diện của Mỹ trong cuộc đối đầu lịch sử.

Như vậy, có thể thấy tài cầm quân, lãnh đạo chiến tranh của Đảng và quân đội ta không chỉ được bộc lộ rõ trong từng trận đánh, trong từng chiến dịch mà trong toàn bộ cuộc chiến trường kỳ, trong toàn bộ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, và việc chúng ta nhất định phải luôn giữ thế chủ động, đè bẹp, nhấn chìm từng bước và đánh bại hoàn toàn đối phương chính là “mưu phạt tâm công”, đả bại tinh thần và ý chí cao nhất của quân địch.

Bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay cũng đặt ra yêu cầu rất cao về tính sáng tạo và mưu lược đối với sự lãnh đạo và chỉ đạo chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Đương nhiên, sự sáng tạo và mưu lược đó không có sẵn trong sách vở, cũng không chỉ dựa vào kinh nghiệm và óc thông minh, tài trí cá nhân, mà phải là thành tựu của sự lãnh đạo tập thể, trước hết là tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời phát huy trí tuệ, tham mưu của đội ngũ chuyên gia, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và của toàn thể nhân dân. Sự sáng tạo và mưu lược trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và văn minh trí tuệ lại càng phải dựa vào những kết quả nghiên cứu, phân tích thực sự khách quan, khoa học của các cơ quan và đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp, cũng như những sáng kiến phong phú của nhân dân.

Hiện nay và trong tương lai, sự cạnh tranh phát triển khốc liệt nhất giữa các quốc gia, các nền kinh tế, các tập đoàn và các công ty chính là cạnh tranh về tốc độ đổi mới tri thức, tốc độ rút ngắn vòng đời công nghệ và tựu trung lại là mức độ tích hợp văn hóa và hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm kinh tế và văn hóa. Quá trình toàn cầu hóa tăng tốc trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp mới đã và đang tái định hình thế giới, trong đó, chủ nghĩa cường quyền nước lớn và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vị kỷ của một số nước và nhóm nước đang làm cho cuộc cạnh tranh toàn cầu thêm gay gắt, phức tạp, cơ hội và nguy cơ đan xen, chuyển hóa lẫn nhau. Trong tình hình đó, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta những phẩm chất thao lược mới, trên tầm vóc mới với nền tảng trí tuệ tinh thần mới.

Trong bối cảnh đó, Đảng ta ban hành Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo và Nghị quyết số 57-KL/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Các văn kiện trên đã xác định rất chính xác và tái khẳng định mạnh mẽ: khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu; phát triển văn hóa, nhất là công nghiệp văn hóa phải tạo bước đột phá để văn hóa trở thành một nguồn lực phát triển trực tiếp, gắn phát triển văn hóa với phát triển con người, để văn hóa thực sự đóng vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội. Chỉ có thực hiện thành công hai khâu đột phá về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực tinh hoa, đồng thời chiếm lĩnh được các thành tựu đỉnh cao trong đổi mới sáng tạo, mà trước hết là các công nghệ nguồn, công nghệ lõi và công nghệ chiến lược thì chúng ta mới có thể tiếp tục giữ vững thế chủ động chiến lược trong thế giới toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ cao.

3. Bài học về phát huy cao độ hào khí dân tộc trên nguyên tắc đặt đại nghĩa dân tộc và lợi ích quốc gia lên trên hết

Lịch sử đã cho thấy, trước những khúc quanh, trong những thời khắc quyết định, nếu hào khí dân tộc được phát huy, đại nghĩa dân tộc được giương cao thì nhất định dân tộc Việt Nam sẽ vượt qua mọi thử thách và lập được những kỳ công hiển hách. Những trang sử vàng của dân tộc đã từng ghi đậm nét những thời khắc như vậy. Đó là lúc bài thơ “Nam quốc sơn hà” vang lên khi cuộc kháng chiến chống Tống năm 1075 đến hồi quyết liệt10. Đó là khi các bô lão cùng thét vang một từ “đánh” tại Hội nghị Diên Hồng năm 1284 để đáp lại lời vua Trần Nhân Tông hỏi về việc ứng phó với giặc Mông - Nguyên11. Đó cũng là lúc toàn dân ta đồng loạt vùng lên phá tan gông xiềng nô lệ, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” theo lời hiệu triệu của Đảng và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mùa Thu năm 1945.

Mùa Xuân năm 1975, cả nước ta nhất tề vào trận với khí thế hào hùng và quyết tâm như “ý chí dân tộc nghìn năm hội tụ”. Ý chí sắt đá và khí thế ngút trời toát ra trong lời căn dặn tha thiết mà hào sảng của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn khi tiễn đồng chí Lê Đức Thọ vào Bộ Tư lệnh tiền phương: “phải thắng mới được về!”; và trong bản quân lệnh lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”12.

Trong bối cảnh mới, khi toàn dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, sẵn sàng chấp nhận những thách thức sống còn của thời đại, hào khí dân tộc càng cần được khơi dậy và phát huy để toàn dân tộc chung sức, đồng lòng, cộng trí, cộng lực để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu, xây dựng thành công một nước Việt Nam hùng cường, phát triển bền vững. Hào khí dân tộc không chỉ đơn thuần là sự bột phát của tình cảm dân tộc. Hào khí dân tộc là tình cảm, nhưng còn là niềm tin duy lý, khi được khơi dậy và phát huy mới có đủ sức bền, đủ sức mạnh để trở thành lý tưởng và ý chí của toàn dân. Cốt lõi của niềm tin duy lý đó chính là sự kiểm chứng thực tế nguyên tắc chính trị của Đảng, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”13.

50 năm đã trôi qua, tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 ngày càng được khẳng định và nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn. Chiến công hiển hách đó không chỉ mở ra một trang sử mới trong lịch sử dân tộc, mà còn luôn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trên những chặng đường cách mạng mới.


1, 13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 15, tr. 621; t. 9, tr. 31.

2. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh Cách mạng Việt Nam 1945-1975: Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 588.

3, 4. Hà Anh: “Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam: Kỳ công cho ngày toàn thắng”, Báo Tiếng nói Việt Nam, ngày 26/4/2024, http://baotnvn.vn/tin-tuc/Ho-so-tu-lieu/26616/Ke-hoach-chien-luoc-giai-phong-mien-Nam-Ky-cong-cho-ngay-toan-thang.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, t. 35, tr. 196.

6. Trung tướng Phạm Hồng Cư: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 19/4/2010, http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/247/247/247/109687/Default.aspx.

7, 8, 12. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 280.

9. Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, t. II, tr. 84. Đây là lời đề tựa của danh tướng Trần Khánh Dư cho cuốn Vạn kiếp tông bí truyền thư của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

10, 11. Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t. I, tr. 279; t. II, tr. 50.

GS.TS. PHẠM HỒNG TUNG - Đại học Quốc gia Hà Nội

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/dai-thang-mua-xuan-nam-1975-va-bai-hoc-lich-su-cho-dan-toc-ta-trong-ky-nguyen-moi-a9165.html