Văn hóa đọc - Hành trình xuyên biên giới
Hiểu rõ giá trị to lớn của sách, từ năm 1995, UNESCO đã chính thức chọn ngày 23/4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới (World Book and Copyright Day) - ngày hội toàn cầu nhằm tôn vinh giá trị, ý nghĩa của sách, tri ân các tác giả, lan tỏa vả khuyến khích tình yêu đọc sách trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Sự kiện này nhằm góp phần hiện thức hóa khát vọng xây dựng một “thế giới tri thức” - nơi sách trở thành cầu nối văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc, thúc đẩy giao lưu tri thức và tiến bộ xã hội.
Khởi nguồn từ phong tục tặng sách kèm hoa hồng tại vùng Catalonia (Tây Ban Nha), Ngày Sách và Bản quyền thế giới không đơn thuần chỉ là dịp kỷ niệm, mà đã thực sự trở thành một phong trào văn hóa trên phạm vi toàn cầu. Hơn 150 quốc gia đã tích cực tổ chức các hoạt động thiết thực như hội chợ sách, quyên góp sách cho người yếu thế, tổ chức diễn đàn, tọa đàm về bản quyền, các buổi giao lưu tác giả - độc giả, xây dựng thư viện ở vùng sâu, vùng xa...
Tại châu Phi, hình ảnh những tình nguyện viên trẻ đọc sách cho người già, người khuyết tật, người khiếm thị nghe là biểu tượng đẹp về tinh thần sẻ chia tri thức. Ở Trung Quốc, ngày 23/4 trở thành ngày hội cha mẹ đọc sách cùng con, lan tỏa tình yêu với sách từ gia đình đến cộng đồng. Các phương tiện truyền thông từ báo in đến truyền hình, mạng xã hội… cũng tích cực thông tin, tuyên truyền về hoạt động này, từ đó tạo không khí sôi động và ý nghĩa.
Việt Nam - Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tại Việt Nam, tinh thần tôn vinh sách đã được hiện thực hóa bằng những hoạt động ý nghĩa. Đặc biệt, từ khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức chọn ngày 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đọc sách đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa được lan tỏa rộng rãi.
Năm 2025, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư tiếp tục truyền tải những thông điệp đầy cảm hứng: “Văn hóa đọc - kết nối cộng đồng”; ”Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”; “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, góp phần lan tỏa tinh thần ham đọc sách và tình yêu với sách trong mọi tầng lớp nhân dân.
Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, khởi đầu cho chuỗi hoạt động kéo dài từ ngày 15/4 đến ngày 2/5 trên phạm vi toàn quốc. Đây cũng là hoạt động trọng điểm nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Trong thời gian diễn ra sự kiện, nhiều hoạt động phong phú được triển khai như: giới thiệu sách mới, hội thảo chuyên đề, giao lưu với tác giả, quyên góp sách cho vùng khó khăn, thi kể chuyện, vẽ tranh theo sách, tọa đàm “Cùng đọc cùng chia sẻ”, không gian đọc sáng tạo cho trẻ em, chương trình nâng cao kỹ năng đọc và cảm thụ văn học… Hưởng ứng các phong trào nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức tuần lễ đọc sách, với sự tham gia của các nhà xuất bản, thư viện, trường học, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng yêu sách.
Có thể nói, đọc sách không chỉ là một hoạt động giải trí lành mạnh, mà đây còn là cách rèn luyện tư duy, mở rộng kiến thức và định hình nhân cách. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, khơi dậy tình yêu với sách và duy trì thói quen đọc sách là việc làm đặc biệt cần thiết. Bởi văn hóa đọc không chỉ gắn với sự phát triển của cá nhân mà còn là thước đo sự văn minh, tiến bộ của xã hội.
Trong bài viết “Học tập suốt đời”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập, khẳng định mục tiêu của học tập suốt đời là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung trở thành người có ích cho xã hội; đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi công dân trong tự học tập suốt đời, trong đó trước hết cần ra sức rèn luyện kỹ năng đọc, xây dựng thói quen đọc và biến việc đọc trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - Cùng sách dẫn lối, kiến tạo tương lai, xây dựng xã hội học tập
Xác định vai trò, sứ mệnh của mình trong việc định hướng, dẫn dắt, cung cấp, truyền bá tri thức phục vụ việc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trong những năm qua, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật không ngừng nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới hình thức các ấn phẩm sách lý luận, chính trị, pháp luật, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của bạn đọc trong tình hình mới. Đặc biệt, Nhà xuất bản là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào xây dựng, phát triển sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook); xây dựng tủ sách số, thư viện số…
Bên canh đó, Nhà xuất bản đã tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức để xuất bản các ấn phẩm chuyên sâu, có giá trị, mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của bạn đọc trong thời đại công nghệ số. Tổ chức nhiều hoạt động nhằm lan tỏa nội dung, giá trị, ý nghĩa của sách, khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa đọc trong việc xây dựng và phát triển xã hội học tập: tọa đàm giới thiệu, ra mắt sách; trưng bày, triển lãm sách; xây dựng không gian văn hóa đọc ở trong và ngoài nước; tổ chức các cuộc thi về sách...
Để đưa sách đến gần hơn với bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tăng cường đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giới thiệu sách với nhiều hình thức linh hoạt, hiện đại trên Trang thông tin điện tử của Nhà xuất bản và trên mạng xã hội (Facebook, Fanpage, Zalo, Tiktok...); đổi mới cách thức giới thiệu, bán sách, chăm sóc khách hàng trên các sàn thương mại điện tử (Book365, Lazada, Tiki…); thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình…
Từ những hoạt động nhằm lan tỏa giá trị của sách, phát triển văn hóa đọc, có thể thấy tinh thần hiếu học, coi trọng tri thức của dân tộc Việt Nam đã và đang tiếp tục được khơi dậy mạnh mẽ, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa, tăng cường nội lực cho đất nước trong hành trình hội nhập và phát triển. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhận thức rõ vai trò thiết yếu của việc đọc, như Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh: Đọc sách “là chìa khóa quan trọng để nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, là con đường duy nhất, hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để đảm bảo sự phát triển thịnh vượng, bền vững”.
PV
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/thap-sang-tri-thuc-lan-toa-van-hoa-doc-vi-mot-xa-hoi-hoc-tap-suot-doi-a9153.html