Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) dự báo sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn thế giới. Công nghệ mới sẽ giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, giảm chi phí vận chuyển, liên lạc, từ đó tăng hiệu quả và năng suất lao động, do đó chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên đơn giản, hiệu quả hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, CMCN 4.0 có thể có những ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động khi tự động hóa thay thế con người trong hoạt động sản xuất có thể dẫn đến dư thừa lao động, gây ra tình trạng mâu thuẫn xã hội và gia tăng bất bình đẳng. Cùng với đó, CMCN 4.0 sẽ tạo ra áp lực đối với chi tiêu chính phủ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của đổi mới công nghệ và chi cho an sinh xã hội để hạn chế sự gia tăng bất bình đẳng.
Cuộc CMCN 4.0 có thể tạo ra lợi thế cho những nước đi sau như Việt Nam, hình thành và phát triển nhanh nền kinh tế tri thức, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp những nước đi trước trong khu vực và thế giới thông qua việc tiếp thu, làm chủ và ứng dụng nhanh vào sản xuất kinh doanh, quản lý những tiến bộ, thành tựu công nghệ (kể cả phương thức sản xuất, quản lý).
Như vậy, Việt Nam có cơ hội lớn để tiếp cận và bước vào cuộc cách mạng sản xuất mới đang diễn ra trên thế giới. Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng có thể tạo ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động trong bối cảnh lực lượng lao động lớn; lợi thế về nhân công giá rẻ sẽ mất dần; nguy cơ tụt hậu xa hơn… Thêm vào đó, khoảng cách công nghệ và tri thức có thể ngày càng lớn do phân hóa thu nhập tăng cao, ảnh hưởng đến bất bình đẳng và ổn định xã hội.
Tác động của CMCN 4.0 đối với Việt Nam được dự báo trên một số mặt cụ thể như sau:
Thứ nhất, tác động đối với tăng trưởng kinh tế: Sự tiến bộ của khoa học, công nghệ (KHCN) và kỹ thuật là động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế thông qua năng suất lao động xã hội cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt, giá thành hạ, từ đó tạo nguồn tích lũy lớn cho nền kinh tế.
Thứ hai, tác động đối với đầu tư: Việt Nam có khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư trong nước vào các lĩnh vực sản xuất và lắp ráp thiết bị, linh kiện kỹ thuật số phục vụ cho sự kết hợp kỹ thuật số vào các ngành công nghiệp, cho phép Việt Nam trực tiếp tham gia vào cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng có thể gây ra những yếu tố bất lợi trong thu hút đầu tư của Việt Nam, đó là chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn nhiều hạn chế, năng suất lao động đang ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia…
Trong khi đó, để tham gia vào kỷ nguyên công nghiệp kết hợp với kỹ thuật số đòi hỏi người lao động phải có trình độ cao. Sự chậm trễ trong phát triển và đổi mới KHCN không chỉ hạn chế khả năng thu hút đầu tư mà còn có thể dẫn tới thụt lùi so với nhiều nước trên thế giới.
Thứ ba, tác động đối với xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ: Xuất nhập khẩu của Việt Nam được dự báo chủ yếu chịu tác động dài hạn. CMCN 4.0 có thể làm chuyển dịch xuất khẩu của Việt Nam thông qua phát triển sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp phụ trợ, tham gia vào chuỗi cung toàn cầu, góp phần tăng khả năng xuất khẩu sang thị trường quốc tế với giá trị gia tăng cao hơn.
Về nhập khẩu, CMCN 4.0 cũng cho phép người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm, thông tin sản phẩm và hình thức mua hàng trực tuyến dễ dàng hơn. Điều này có thể tạo sức ép cạnh tranh nhất định đối với doanh nghiệp (DN) trong nước, trong đó các mặt hàng như đồ điện tử, đồ gia dụng và quần áo dự báo sẽ là những mặt hàng bị cạnh tranh gay gắt nhất. Ngành dịch vụ, ngành du lịch, dịch vụ tư vấn từ xa (kế toán, quản trị DN, giáo dục…) có thể tận dụng được rất nhiều lợi thế để xuất khẩu, ngược lại trong tương lai có thể nhập khẩu nhiều hơn các dịch vụ cấp cao như giáo dục trực tuyến, tư vấn kinh doanh, quản lý nhân sự cao cấp...
Thứ tư, tác động đối với việc làm: Nhu cầu nhân công giá rẻ kỹ năng thấp sẽ nhường chỗ cho nhu cầu đối với nhân lực trình độ cao, tạo áp lực lớn lên thị trường lao động, đặc biệt là lao động trong các ngành truyền thống như dệt may, da giày, công việc văn phòng, bán hàng… Nếu không có giải pháp tổng thể nâng cao kỹ năng của người lao động, Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng dư thừa lao động và thất nghiệp.
Thứ năm, tác động đến DN Việt Nam: CMCN 4.0 có thể làm tăng năng lực cạnh tranh của DN thông qua tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và giảm chi phí; khuyến khích đầu tư cho KHCN và sản phẩm mới; Thúc đẩy thương mại điện tử và hình thành các mô hình kinh doanh mới, cải thiện hiệu quả và tạo ra các loại hình doanh thu mới. Tuy nhiên, hầu hết các DN Việt Nam chưa chuẩn bị sẵn sàng cho CMCN 4.0 vì phần lớn DN có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu DN ngoài quốc doanh nên khả năng đầu tư cho KHCN thấp.
Thứ sáu, tác động đến tài chính nhà nước: CMCN 4.0 tác động tích cực đến ngành Tài chính Việt Nam thông qua việc phát triển giao dịch trực tuyến thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước (KBNN); Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis); Thủ tục hành chính thuế, hải quan… Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng gây ra một số thách thức trong việc xây dựng hệ thống thể chế chính sách tài chính - NSNN phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, hiện đại hóa nhanh và mạnh, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Bên cạnh đó, về chi ngân sách nhà nước (NSNN), CMCN 4.0 vừa góp phần giảm chi NSNN ở một số nội dung như (chi bảo vệ môi trường, chi cho bộ máy hành chính nhà nước…) nhưng cũng có thể gây sức ép tăng chi, đặc biệt là chi cho phát triển KHCN, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, KHCN, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, cơ sở hạ tầng…
Ngoài ra, CMCN 4.0 cũng có thể tác động lên thị trường tài chính Việt Nam thông qua sự thay đổi về cơ cấu lao động trong ngành Tài chính; tạo thuận lợi cho toàn bộ các giao dịch hiện nay tại Việt Nam trong tương lai, theo đó có thể sẽ làm tăng tính thanh khoản trên thị trường tài chính tiền tệ. Thương mại điện tử sẽ tăng trưởng mạnh; thương mại dịch vụ có xu hướng tăng nhanh, do đó đòi hỏi phải có giải pháp quản lý nhà nước về thuế đối với giao dịch qua biên giới, giá chuyển nhượng, chuyển nhượng gián tiếp phải đổi mới kịp thời với điều kiện mới. Ngoài ra, CMCN 4.0 cũng sẽ tác động làn thay đổi các phương thức về an ninh quốc phòng, chính sách an sinh xã hội…
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong Cách mạng công nghiệp 4.0
Tăng trưởng và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia thường đi liền với CDCCKTN. Tại Việt Nam, quá trình CDCCKTN theo hướng công nghiệp và dịch vụ những năm qua đã đạt những thành tựu tích cực, phát huy tốt lợi thế so sánh của các ngành kinh tế. Nhờ đó, kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển dài hạn và bền vững.
CMCN 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ, toàn diện đến nền kinh tế thế giới cả về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh và thị trường lao động. CMCN 4.0 sẽ đẩy nhanh quá trình CDCCKTN của các quốc gia. Theo đó, CMCN 4.0 tác động tới nhiều ngành trong nền kinh tế và làm biến đổi cơ cấu kinh tế trong nội tại các ngành kinh tế và giữa các ngành kinh tế, do quá trình tự động hoá, cũng như thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan tới cuộc cách mạng này.
Về lâu dài, các ngành kinh tế công nghiệp và dịch vụ liên quan tới CMCN 4.0 sẽ là các ngành có tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, đồng thời, làm tăng tỷ trọng của ngành này trong nền kinh tế. Vì vậy, muốn tận dụng các lợi thế của CMCN 4.0, đẩy nhanh CDCCKTN các quốc gia cần phát triển công nghiệp và dịch vụ. CMCN 4.0 có những công nghệ dẫn đầu như công nghệ thông tin, công nghệ về vật liệu, công nghệ in 3D, công nghệ robot… Các công nghệ này sẽ hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ tương ứng và là những ngành mũi nhọn trong tương lai.
CMCN 4.0 thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu về các ngành bên cạnh việc phát triển, đón đầu xây dựng các ngành công nghiệp mới như công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo cần chú ý tới hiện đại hoá, áp dụng công nghệ mới đối với các ngành sản xuất, chế tạo. Công nghệ 4.0 giúp hiện thực hóa chu trình tự động hóa sản xuất, từ đó giảm số lượng nhân công lao động trong sản xuất, tiết giảm chi phí.
Đối với nông nghiệp và du lịch, việc ứng dụng công nghệ thông minh, phát triển nông nghiệp và dịch vụ sẽ là ưu tiên cho chính sách của các Chính phủ. Kỹ thuật số sẽ giúp nông nghiệp và dịch vụ dữ liệu thông tin để điều chỉnh các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản hoặc phát triển dịch vụ du lịch. Theo đó các dịch vụ như giáo dục, môi trường và y tế sẽ được áp dụng công nghệ số và các công nghệ cao. Tiến bộ của công nghệ số ngày nay cho phép số hoá tình trạng bệnh tật và chăm sóc y tế của mỗi người dân trong bệnh án điện tử, là nền tảng của y tế điện tử. Có thể khai thác bệnh án điện tử để tìm ra các tri thức y học, hỗ trợ chẩn đoán, cảnh báo sai sót, gợi ý điều trị, dự đoán tác dụng phụ của thuốc... Sử dụng công nghệ số, dùng khoa học dữ liệu trong các ngành tài chính, ngân hàng, năng lượng, giao thông vận tải… giải quyết các vấn đề như giao dịch ảo, chi tiêu không dùng tiền mặt, ùn tắc giao thông.
Một số định hướng giải pháp
Sự dịch chuyển tất yếu từ số hóa đơn giản (cuộc CMCN lần thứ 3) sang sự sáng tạo dựa trên sự kết hợp giữa các công nghệ (cuộc CMCN 4.0) đang đặt mỗi quốc gia trước yêu cầu phải từng bước hoàn thiện để thích nghi. Tại Việt Nam, để sẵn sàng và chủ động trong CMCN 4.0, cần có sự phối kết hợp mạnh mẽ giữa KHCN đối với các lĩnh vực trong xã hội và đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính then chốt, đột phá. Theo đó, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp như:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cam kết quốc tế nói chung, các yêu cầu về phát triển công nghiệp nói riêng.
Thứ hai, tăng cường hiệu quả, đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển công nghiệp, nhất là phát triển hạ tầng công nghiệp thông qua thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các thị trường tài chính theo chiều sâu trên cơ sở đa dạng hóa các định chế tài chính, các hàng hóa trên thị trường tài chính; khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp. Thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và các lĩnh vực công nghiệp có khả năng tạo giá trị gia tăng cao, bảo vệ môi trường, có khả năng kết nối giữa DN trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu, đón đầu cuộc CMCN 4.0 nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia.
Thứ ba, tiếp tục cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN gắn với việc thực hiện có kết quả quá trình tái cấu trúc DNNN, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển các ngành công nghiệp.
Thứ tư, tập trung phát triển các yếu tố tiền đề để hỗ trợ cho chính sách công nghiệp như phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, KHCN nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ hiện đại trong CMCN 4.0.
Thứ năm, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, phát triển CNHT; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho DN, đặc biệt là các DNNVV, DN start up; Khuyến khích các DN cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển theo chiều sâu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ nguồn, xuất khẩu hàng đã qua chế biến;
Thứ sáu, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng: khuyến khích hình thành các cụm liên kết ngành theo các lĩnh vực công nghiệp có lợi thế. Thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực, tác động lan tỏa đến các vùng khác. Tạo sự kết nối đồng bộ và hệ thống kết cấu hạ tầng để hình thành trục kinh tế, các hành lang kinh tế…
ThS. NGUYỄN THỊ LAN ANH
Học viện Tài chính