1. Đặt vấn đề
Kinh tế ban đêm là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 18 giờ tối hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch mở cửa vào ban đêm.
Nhìn tổng thể, kinh tế ban đêm tạo ra guồng quay không ngừng nghỉ để nền kinh tế được vận hành ở tốc độ tối đa. Kinh tế ban đêm góp phần tạo thêm nguồn thu nhập mới cho địa phương và cho quốc gia, tái thiết và phát triển khu vực đô thị và các khu vực không được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày, khuyến khích tiêu dùng nội địa và tạo nguồn thu thuế cho địa phương, tạo động lực phát triển ngành du lịch, thu hút khách du lịch… Lợi thế của kinh tế ban đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi cho việc vận hành các hoạt động, dịch vụ kèm theo, thu hút đầu tư vào các loại hình du lịch “thành phố 24h”. Kinh tế ban đêm cũng tạo công ăn việc làm mới cho người lao động, đồng thời góp phần duy trì ổn định xã hội. Nhu cầu nhân lực không chỉ dừng lại là bồi bàn, đầu bếp, phục vụ quán ăn, nhà hàng mà còn cần một số lượng lớn nhân công vận tải, lái xe, kỹ sư, bảo vệ, quản lý, nhân công vệ sinh, kỹ thuật, chuyên gia hỗ trợ công nghệ thông tin, nghệ sĩ biểu diễn, nhân công tổ chức sự kiện và các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, kinh tế ban đêm có khả năng mang lại lợi ích lớn về văn hóa, xã hội và kinh tế. Môi trường và nhu cầu thực tế càng sôi động sẽ tạo ra động lực để nền công nghiệp giải trí phát triển và đóng góp nhiều hơn cho văn hóa xã hội của Việt Nam.
Việt Nam chưa có kinh tế ban đêm thực sự mà chủ yếu là các hoạt động về đêm. Hiện nay, chưa có đánh giá đo lường cụ thể nào về những đóng góp vào nền kinh tế chung, nhưng hoạt động kinh tế đêm tại Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả tích cực.
2. Thực trạng kinh tế ban đêm ở Việt Nam
Việt Nam có các tiềm năng phát triển kinh tế đêm, như: (1) Có nguồn lực dồi dào cả về tài nguyên và nguồn lao động; (2) Thời tiết về đêm thường thuận lợi hơn ban ngày; Việt Nam có chính trị ổn định, là điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Với nền chính trị ổn định, chỉ số an ninh tốt là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước; (3) Bình quân thu nhập GDP của Việt Nam đã tăng liên tục theo các năm gần đây; Việt Nam rất quan tâm đến quá trình đô thị hóa; (4) Việt Nam quan tâm thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ, kinh tế thương mại điện tử; (5) Nguồn vốn đầu tư của Việt Nam rất dồi dào được thu hút từ các nhà đầu tư nước ngoài. Kinh tế ban đêm ở Việt Nam hiện nay đã được triển khai ở hầu hết các tỉnh, thành phố, trong đó tập trung và phát triển mạnh ở các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hội An và một số địa phương khác. Các loại hình kinh tế đêm với các mô hình khu phố đi bộ hoặc tuyến phố giải trí.
Đánh giá của Tạp chí Global Finance đã công bố bảng xếp hạng các quốc gia an toàn và nguy hiểm nhất thế giới trong năm 2019, theo đó, Việt Nam xếp thứ hạng thứ 83/128 quốc gia với chỉ số an toàn đạt 11,15 điểm, xếp trên cả Thái Lan với 12,27 điểm1. Đây là một ưu thế vô cùng lớn đối với du lịch Việt Nam đặc biệt trong phát triển kinh tế đêm khi số lượng khách du lịch vào Việt Nam ngày một tăng. Kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã cơ bản được triển khai ở các nơi có nhiều tiềm năng du lịch về đêm, điển hình là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… với nhiều loại hình hoạt động như khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ và các tuyến phố đặc trưng giải trí, như: Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (TP. Hồ Chí Minh), Bà Nà Hills (Đà Nẵng)… Cả nước hiện có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch và khoảng 1.000 trong tổng số 2.300 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh2. Trong đó, hệ thống cửa hàng Circle K đã có mặt tại Việt Nam vào năm 2008 và từ năm 2013 hoạt động theo mô hình 24/7.
Để triển khai đề án “phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” của Chính phủ ban hành, một số địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế ban đêm đã gặt hái được một số thành quả kinh tế nhất định. Tai Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã tổ chức hơn 300 sự kiện văn hoá với quy mô lớn, được tổ chức ở các tuyến phố đi bộ ở Hà Nội, đã thu hút sự tham gia của 8 tỉnh, thành phố trong cả nước và 17 quốc gia trên thế giới. Kinh tế đêm đã đem lại ngân sách cho Hà Nội trong các năm liên tục tăng về doanh thu lưu trú ăn uống (năm 2021 là 1.571 tỷ đồng; năm 2022 là 3.122 tỷ đồng; năm 2023 là 6.012 tỷ đồng). Doanh thu ngành Du lịch năm 2021 là 189 tỷ đồng; năm 2022 - 2023 là 3.975 tỷ đồng. Đầu năm 2024 đã giới thiệu được 15 sản phẩm du lịch đêm, là những sản phẩm có chất lượng cao, có tính mới hấp dẫn khách du lịch3.
Tại TP. Hồ Chí Minh, với biệt danh “thành phố không ngủ”, nổi bật là điểm đến sôi động cho các hoạt động kinh tế đêm, thu hút người dân địa phương và du khách từ khắp nơi tụ hội. Những khu vực như: phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố Tây Bùi Viện, chợ Bến Thành, phố ẩm thực và các chợ đêm đều trở thành biểu tượng cho cuộc sống về đêm của thành phố. Đây là nơi mà các hoạt động giải trí, ăn uống và mua sắm diễn ra sôi nổi từ tối đến sáng sớm, mang đến một không gian văn hóa đậm chất Việt Nam nhưng cũng rất hiện đại và năng động. Những hoạt động ca nhạc về đêm ở TP. Hồ Chí Minh như concert Super Junior hút hơn 15.000 khán giả tại sân vận động Quân Khu 7, Fancon tại Nhà thi đấu Phú Thọ có 5.000 người tham dự, Concert của BamBam có 3.500 khán giả. Các đại nhạc hội gồm nhiều nghệ sĩ Kpop như Wow-K Music Festival tháng 10/20234. Tại TP. Hồ Chí Minh còn có các văn hóa ẩm thực ban đêm, như: bánh mì, phở, bún chả, gỏi cuốn, bánh xèo… đã cuốn hút nhiều du khách vào ban đêm. Để thực hiện Đề án thí điểm kinh tế đêm ở TP Hồ Chí Minh với mục đích tạo ra sản phẩm du lịch đêm độc đáo, chất lượng cao, TP đã hình thành các phố ẩm thực mới như ở đường Nguyễn Thượng Hiền ở quận 3, đường Phan Xích Long ở quận Phú Nhuận, đường Hồ Thị Kỷ ở quận 10, đường Hậu Giang ở quận 6, tháng 8/2024, đã khai trương phố thương mại – ẩm thực Sky Garden5 ở quận 7.
Qua thực trạng hoạt động kinh tế đêm ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có tính đại diện, đã cho thấy bức tranh sinh động về loại hình kinh tế này ở Việt Nam. Nếu đặt trong tổng thể đất nước cho thấy kinh tế đêm ở Việt nam còn phát triển tường đối chậm, lẻ tẻ và mờ nhạt, chưa có dấu ấn thương hiệu đặc sắc nổi bật thu hút khách du lịch vào ban đêm như một số quốc gia khác. Ví dụ như ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, doanh thu của các nhà hàng mở cửa đến 2 – 3 giờ sáng tăng hơn 50%, nhưng đến năm 2018 chỉ tăng khoảng 30%. Vì vậy, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam thấy có ít điểm đêm vui chơi, thư giãn nên cũng hạn chế khi họ lựa chọn điểm đến du lịch Việt Nam6.
Những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam là: (1) các sản phẩm dịch vụ thu được nhiều tiền nhất là từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng, mang lại doanh thu khoảng 70% chưa được phát triển. Một số dịch vụ giải trí (karaoke, vũ trường, trò chơi điện tử…) bị giới hạn về thời gian ảnh hưởng đến nhu cầu của du khách; (2) Việc quản lý hoạt động kinh tế đêm không có tổ chức chuyên trách quản lý hoạt động kinh tế đêm; (3) Chính sách hỗ trợ tài chính cho các hoạt động kinh tế đêm còn chưa được quan tâm triển khai. Chưa có cơ chế thu thuế, lệ phí đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm; (4) Đề án hay kế hoạch phát triển kinh tế đêm của một số địa phương không rõ chủ thể có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách là ai, không rõ các vướng mắc của các quy định cần phải sửa đổi hoàn thiện, vẫn còn nhiều quy định thiếu hợp lý về hoạt động kinh tế đêm; (5) Hoạt động kinh tế đêm còn rời rạc, manh mún. Nhận thức của các chủ thể liên quan còn mâu thuẫn chưa thống nhất, do vẫn còn quá nặng về các vấn đề tiêu cực của kinh tế đêm nên vẫn còn những qui định cứng nhắc cấm đoán; (6) Mặt trái của kinh tế đêm mà các địa phương ở Việt Nam chưa đủ năng lực để đối mặt giải quyết như vì môi trường ban đêm khiến gia tăng tội phạm và các tệ nạn xã hội mà Việt Nam chưa thừa nhận sự tồn tại của nó như ở các nước khác như: mại dâm, cờ bạc… (7) Các thành phố lớn đa phần chưa quan tâm sử dụng camera giám sát hoạt động kinh tế đêm liên quan đế hoạt động của hệ thống xe bus, nhà vệ sinh công cộng…
3. Giải pháp phát triển kinh tế ban đêm
Kinh tế ban đêm là nối dài hoạt động kinh tế ban ngày, góp phần làm cho hoạt động của nền kinh tế có hiệu quả cao hơn. Vì vậy, cần có giải pháp rõ ràng thúc đẩy hoạt động kinh tế đêm nhằm tạo giá trị thặng dư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ở Việt Nam, kinh tế ban đêm phát triển chậm và đơn điệu, chưa tạo được thương hiệu nổi bật hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Hoạt động kinh tế ban đêm mới chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ, manh mún tại một số khu vực, chưa gây được ấn tượng. Đây là một trong những lí do khiến doanh thu du lịch và mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn so với các thị trường khác. Để phát triển kinh tế ban đêm cần tập trung đồng bộ vào những giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế ban đêm. Để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế ban đêm, trước tiên cần có quan điểm, định hướng rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lí điều chỉnh hoạt động kinh tế ban đêm. Cơ chế chính sách phát triển, quản lí kinh tế ban đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế ban đêm. Xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế ban đêm không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, mà cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển.
Khung pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tham gia kinh tế ban đêm. Phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động kinh tế ban đêm trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế ban đêm. Khung pháp lý cần đảm bảo tính khoa học, phù hợp với từng đối tượng, tín ngưỡng, văn hóa khác nhau và đảm bảo tính toán cân bằng giữa lợi ích mà kinh tế ban đêm trong hoạt động du lịch mang lại và những mặt trái tiềm ẩn của kinh tế ban đêm.
Phân quyền quản lý hoạt động kinh tế ban đêm tới các cấp chính quyền địa phương (cấp thành phố, cấp quận). Chính quyền địa phương có thể bổ nhiệm chức vụ chủ chốt quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm. Chức vụ quản lý này hoàn toàn tách biệt với chức vụ quản lý chính quyền địa phương đối với các hoạt động kinh tế ban ngày. Về cơ bản, mô hình tổ chức bộ máy quản lý có sự tham gia, tham vấn từ cộng đồng địa phương (từ cơ sở cung ứng dịch vụ, hiệp hội cư dân, nhà quản lý, lực lượng đảm bảo an ninh).
Ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn hoạt động, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý; quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm. Địa phương các cấp cần được phân quyền rõ ràng và khuyến khích triển khai công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm mang tính đặc thù, phát huy sáng tạo, gìn giữ bản sắc của địa phương.
Rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý thống nhất về phát triển kinh tế ban đêm (quy định về loại hình kinh doanh; khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động; chính sách về giao thông; chính sách về an ninh, trật tự…). Cần có quy chế đặc thù đối với các loại hình kinh doanh quán bar, nhà hàng, cơ sở giải trí và các lĩnh vực vui chơi văn hóa, ca nhạc nhằm phát triển các loại hình kinh doanh một cách phù hợp, tránh bị lệch hướng và vi phạm các quy định của pháp luật. Gắn phát triển kinh tế ban đêm với phát triển văn hóa, xác định nội hàm văn hóa của từng địa phương. Việc quản lý và điều phối các hoạt động kinh tế đêm tại các đô thị cần được tổ chức linh hoạt, thống nhất bởi một cơ quan chuyên trách.
Thứ hai, đổi mới phương thức quản lý nhà nước về kinh tế ban đêm. Chú trọng nâng cao trình độ, năng lực quản lý của bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý. Đặc biệt, vai trò của chính quyền địa phương được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của kinh tế ban đêm. Phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lí nhà nước trong quản lý hoạt động kinh tế ban đêm, trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế ban đêm.
Sử dụng quy hoạch để quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm như chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào trong nội dung quy hoạch tỉnh; quy hoạch các khu vực phát triển kinh tế ban đêm cần gắn với phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, hạn chế tác động của ô nhiễm tiếng ồn, rác thải sinh hoạt. Chính quyền quản lý và lực lượng chuyên trách cần tăng cường công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát và nắm tình hình nhằm phòng ngừa việc xuất hiện các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự, phát hiện sớm và ngăn ngừa các hoạt động phạm tội xảy ra. Việc quản lý người nước ngoài, du khách thăm quan cũng cần được đưa vào tổng thể các hoạt động kiểm soát an ninh.
Để phát triển kinh tế ban đêm, cần thu hút và lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, giàu kinh nghiệm trong việc tham gia phát triển hoạt động kinh tế ban đêm lành mạnh ở địa phương. Các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa địa phương cần được chú trọng phát triển để khuyến khích khách hàng trải nghiệm nhiều và chi tiêu nhiều hơn. Các lực lượng chức năng cần có chiến lược phân bổ nguồn nhân lực điều hành, quản lý phù hợp. Tăng cường lực lượng cho những khu vực trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ tiềm ẩn. Bố trí lực lượng ứng trực ban đêm với mức độ cân xứng với lực lượng làm việc ban ngày để bảo đảm sự có mặt và giải quyết tình huống khẩn cấp của các cơ quan chức năng.
Huy động các nguồn lực tại chỗ làm công tác kiểm soát và quản lý về an ninh, trật tự bên cạnh lực lượng chính quy. Huy động bảo vệ, quản lý trật tự khu phố. Đồng thời có chiến dịch tuyên truyền rộng khắp tới quần chúng nhân dân, nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia các hoạt động thúc đẩy kinh tế ban đêm. Thường xuyên triển khai các đợt vận động truy quét tội phạm, thể hiện tính tích cực, thường xuyên của các lực lượng chuyên trách trong việc quản lý các khu phố, khu vực phát triển kinh tế ban đêm.
Mô hình quản lý kinh tế ban đêm theo xu hướng thành lập Hội đồng quản lý cần được thúc đẩy tại các địa phương. Phối hợp với các ban, ngành, thành phố trong các lĩnh vực quy hoạch, cải tạo, du lịch và văn hóa, môi trường, an ninh, dịch vụ y tế, từ đó tạo ra những giá trị thiết thực với cộng đồng thông qua hoạt động kinh tế ban đêm. Phát triển và quản lý kinh tế ban đêm cần chú trọng tới nhu cầu trải nghiệm an toàn của người dân, khách du lịch đối với các hoạt động dịch vụ ban đêm; đảm bảo an ninh trật tự, tôn trọng không gian sống. Dữ liệu về kinh tế ban đêm cần được thống kê minh bạch, phục vụ công tác tính quy mô và cơ cấu của toàn bộ nền kinh tế.
Thứ ba, tập trung phát triển dịch vụ giao thông công cộng, đầu tư cơ sở hạ tầng. Xây dựng, phát triển kinh tế ban đêm cần có nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đây cũng là giải pháp nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự của kinh tế ban đêm. Hệ thống đường giao thông, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh ẩm thực, cơ sở biểu diễn âm nhạc, giải trí, vui chơi có thưởng được kết nối trong hạ tầng cơ sở đồng bộ, chặt chẽ sẽ tạo điều kiện cho việc quản lí được minh bạch, rõ ràng, tránh được các nguy cơ xấu phát sinh.
Hoạt động kinh tế ban đêm rút ngắn thời gian xuống cấp của hạ tầng cơ sở; làm tăng nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu, trong khi lượng tiêu thụ bia, rượu, đồ uống cao cấp, thuốc lá lại nhiều hơn. Do đó, để phát triển kinh tế ban đêm một cách hiệu quả, cần phát triển theo trọng điểm (lựa chọn các vùng có điểm du lịch hấp dẫn, dịch vụ tốt, an ninh đảm bảo…), không nên phát triển kinh tế ban đêm một cách đại trà.
Đầu tư cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực nhằm chuẩn bị những điều kiện phát triển tốt nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ văn hóa, giải trí vào ban đêm trên địa bàn. Đặc biệt, các chính sách phát triển kinh tế ban đêm cần kết hợp linh hoạt, sáng tạo cùng các chính sách phát triển kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế số, công nghệ 4.0 và kinh tế chia sẻ. Quản lí kinh tế ban đêm cần được quy hoạch phát triển thí điểm tại một số khu vực nhất định để đánh giá tính khả thi, hiệu quả, tác động kinh tế - xã hội trước khi phát triển đại trà.
Trong bối cảnh nền kinh tế ban đêm tại Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các thị trường khu vực như Thái Lan, Singapore, để thu hút khách du lịch quốc tế tới lưu trú và chi tiêu, các nhà hoạch định chính sách địa phương cần có kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm một cách rõ ràng, áp dụng thí điểm từng giai đoạn và được nghiên cứu cụ thể với tầm nhìn dài hạn nhằm đảm bảo tốt nhất nền tảng an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Thứ tư, hỗ trợ tài chính, khuyến khích ưu đãi doanh nghiệp hoạt động kinh tế ban đêm.
Khuyến khích các doanh nghiệp lớn thuộc khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào xây dựng và phát triển kinh tế ban đêm, xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật cho hoạt động ban đêm. Thực thi các chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động kinh tế ban đêm thông qua nâng cao năng lực, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh tiếp cận nguồn tài chính chính thức, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng. Các cơ chế, chính sách cần ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển kinh tế ban đêm.
Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ tài chính cho các hoạt động kinh tế ban đêm. Cơ chế chính sách thuế, phí hiện đang được áp dụng bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế và không có sự phân biệt giữa hoạt động kinh tế ban đêm với kinh tế ban ngày. Các ưu đãi về thuế đều chỉ áp dụng theo hai tiêu chí, đó là ưu đãi theo địa bàn (khó khăn và đặc biệt khó khăn) và theo ngành, lĩnh vực.
Phần lớn các địa phương chưa có cơ chế, chính sách tài chính hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình tham gia cung cấp các dịch vụ ban đêm. Hiện các chính sách hỗ trợ của địa phương chủ yếu là đẩy mạnh việc triển khai các dự án cải tạo, chỉnh trang khu vực quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm; triển khai hệ thống chiếu sáng đặc sắc hơn; hỗ trợ các hộ kinh doanh tại phố đi bộ đêm tiếp cận các quầy hàng không thu tiền sử dụng (trong một thời gian nhất định) hoặc miễn các loại phí, lệ phí. Khai thác tốt tiềm năng kinh tế ban đêm sẽ thúc đẩy việc mua sắm, chi tiêu của du khách, đồng thời là đòn bẩy cho kinh tế địa phương.
Thứ năm, tăng cường nguồn nhân lực và ý thức chấp hành pháp luật của người dân cho phát triển kinh tế ban đêm.
Kinh tế ban đêm luôn đòi hỏi nguồn nhân lực lao động lớn. Nhu cầu nhân lực không chỉ dừng lại là bồi bàn, đầu bếp, phục vụ quán ăn, nhà hàng mà còn cần một số lượng lớn nhân công vận tải, lái xe, kĩ sư, bảo vệ, quản lí, nhân công vệ sinh, kĩ thuật, chuyên gia hỗ trợ công nghệ thông tin, nghệ sĩ biểu diễn, nhân công tổ chức sự kiện và các ngành nghề khác. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị trong dài hạn về chất lượng
môi trường làm việc ban đêm cũng như các kỹ năng, khả năng của người lao động khi tham gia nền kinh tế đặc thù ban đêm. Nhu cầu sản phẩm du lịch về đêm rất lớn. Muốn du lịch phát triển để giữ chân khách lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và có nơi để du khách khám phá thì sản phẩm du lịch và nguồn nhân lực phục vụ ban đêm là cần thiết.
Nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia các hoạt động thúc đẩy kinh tế ban đêm. Ngoài ra, thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ tội phạm tới người dân và du khách để có được kiến thức, kĩ năng khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch, mua sắm ban đêm cũng như cách thức ứng phó trong các tình huống bất ngờ.
1. Global Finance (2019). World’s Safest Countries 2019. https://www.gfmag.com/global-data/non-economic-data/worlds-safest-countries-2019.
2, 6. “Thắp sáng” kinh tế ban đêm. https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/-thap-sang-kinh-te-ban-dem-630605.
3. “Hà Nội: Ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm. https://dangcongsan.vn.
4. Năm nghệ sĩ quốc tế đổ bộ Việt Nam. https://vnexpress.net/2023-nam-nghe-si-quoc-te-do-bo-viet-nam-4694575.html.
5. TP. Hồ Chí Minh sắp có phố thương mại ẩm thực ở quận 7. https://vnexpress.net/tp-hcm-sap-co-pho-thuong-mai-am-thuc-o-quan-7-4775683.html.
BÙI THỊ BẮC
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/phat-trien-kinh-te-ban-dem-o-viet-nam-a9039.html