Giải pháp xử lý tình huống trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở hiện nay

CT&PT - Trong hoạt động lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, việc nảy sinh và yêu cầu xử lý các tình huống luôn là một nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chủ thể lãnh đạo, quản lý. Xử lý tình huống lãnh đạo, quản lý ở cơ sở cũng đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý có kiến thức và kỹ năng đa dạng, phong phú, đồng thời vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trong quá trình xử lý tình huống.

Sự cần thiết của việc xử lý tình huống lãnh đạo, quản lý ở cơ sở hiện nay

Xử lý tình huống là quá trình nhận thức và tìm ra những cách thức, phương pháp giải quyết tình huống một cách kịp thời, hiệu quả để giải tỏa những mâu thuẫn có khả năng trở thành xung đột. Trong quá trình lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, xử lý tình huống là hoạt động rất quan trọng, yêu cầu phải được quan tâm thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bởi lẽ:

Thứ nhất, xuất phát từ đặc điểm của cơ sở. Cơ sở là nơi trực tiếp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của hệ thống lãnh đạo, quản lý, là nơi người dân sinh sống và làm việc, do đó các hoạt động diễn ra ở cơ sở vô cùng đa dạng, phong phú. Trong sinh hoạt và lao động của người dân thường xuyên xảy ra những mâu thuẫn, tranh chấp gay gắt cần phải giải quyết, điều hòa nếu không có thể sẽ dẫn đến những xung đột, khủng hoảng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội. Những tình huống cần phải giải quyết ở cơ sở có tính gay gắt, phức tạp bởi vì nó liên quan đến nhu cầu, lợi ích, tâm trạng, hoàn cảnh… của mỗi một người dân. Mặt khác, cơ sở là nơi trực tiếp triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, đến với các tầng lớp nhân dân. Quá trình đó, do nhiều nguyên nhân mà việc triển khai, thực hiện có khi không đúng đắn, không hiệu quả, vận dụng chủ trương, chính sách vào thực tiễn không phù hợp hoặc sự phản hồi của đội ngũ cán bộ không chính xác, kịp thời... khiến các tình huống nảy sinh nếu không được xử lý tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín của đội ngũ cán bộ, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cơ sở.

Thứ hai, xuất phát từ đặc điểm của hoạt động lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Bản chất của hoạt động lãnh đạo, quản lý là tác động tới các quá trình, các quan hệ xã hội dựa trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý tại một cơ quan, đơn vị, địa phương là người chịu trách nhiệm toàn diện trước cấp trên và xã hội về hoạt động của tổ chức, cơ quan đó. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được mục tiêu đề ra của tổ chức, cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải thực hiện nhiều loại công việc, điều hòa nhiều mối quan hệ, đặc biệt là phải xử lý nhiều tình huống phát sinh một cách kịp thời, hợp lý, hợp tình.

Lãnh đạo, quản lý là hoạt động mang tính chủ động, sáng tạo. Chủ thể lãnh đạo, quản lý phải luôn luôn dự tính những công việc của tương lai phù hợp với sự vận động, phát triển của thực tế khách quan, nhưng trên thực tế cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ dự tính được những định hướng cơ bản, những vấn đề có tính quy luật, không thể dự tính hết được những sự kiện không bình thường, những “cái ngẫu nhiên” trong quá trình phát triển. Hơn thế nữa, trong hoạt động của cơ sở, tình huống có thể nảy sinh bất cứ lúc nào, do bản thân người cán bộ lãnh đạo, quản lí không đáp ứng đầy đủ yêu cầu về năng lực, phẩm chất; do điều kiện làm việc quá khó khăn, thiếu thốn; do các cá nhân trong tổ chức có những thiếu sót, hạn chế trong xử lý công việc... Đặc biệt, cơ sở là nơi gần nhất với thực tiễn và trực tiếp nhất với hoạt động sống của người dân, cũng chính là gần nhất và trực tiếp nhất với những tình huống xảy ra trong đời sống của nhân dân. Cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở có điều kiện thuận lợi để hiểu biết rõ nhất những bức xúc mà cuộc sống, lao động, sinh hoạt của mỗi người dân đang đặt ra, hiểu những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy cho nên cán bộ ở cơ sở dễ nắm bắt được thông tin một cách nhanh chóng, trung thực, từ đó có thể xử lý chính xác và linh hoạt các tình huống thực tiễn.

Khi tình huống xảy ra, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, người cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở nhất thiết phải xử lý tốt các tình huống. Tức là người cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở sử dụng trí tuệ của cá nhân hoặc tập thể để tìm ra phương án tối ưu và tổ chức thực hiện những biện pháp để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong tình huống nhằm đạt được mục tiêu lãnh đạo, quản lý của cơ sở đặt ra, đưa các chủ thể trở lại trạng thái ổn định, bình thường và phát triển.

Thứ ba, xuất phát từ mục tiêu xử lý tình huống ở cơ sở. Xử lý tình huống lãnh đạo, quản lý ở cơ sở góp phần tạo nên sự thống nhất về tư tưởng chính trị, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, tăng cường khối đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Qua đó, giúp tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể với nhân dân. Xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, Đảng muốn lãnh đạo cách mạng phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, phải được đông đảo nhân dân ủng hộ.  Khi những tình huống được xử lý hợp tình, hợp lý, những mâu thuẫn trong tình huống được giải tỏa, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền thì mối quan hệ này được củng cố, trở nên gắn bó mật thiết hơn, hoặc ngược lại. Bên cạnh đó, xử lý tình huống trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở hướng đến việc giải quyết những khó khăn, bức xúc trong đời sống của nhân dân, chăm lo lợi ích chính đáng cho nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, đây là vấn đề có tính cốt yếu quyết định sự tín nhiệm và sự gắn bó của Nhân dân đối với Đảng, là một động lực to lớn tạo ra phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Trong các tình huống xảy ra ở cơ sở hiện nay, hầu hết đều có những mâu thuẫn, xung đột về lợi ích giữa các chủ thể. Việc giải quyết hài hòa các xung đột ấy là điểm then chốt để xử lý một tình huống.

Giải pháp xử lý tình huống lãnh đạo, quản lý ở cơ sở

 

Để giải quyết các tình huống lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở được kịp thời, đúng đắn, đảm bảo chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân, góp phần vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau.

Một là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở về tầm quan trọng của việc xử lý có hiệu quả các tình huống trong quản lý hành chính. Việc tiến hành giải quyết các tình huống liên quan trực tiếp đến việc đáp ứng các yêu cầu hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức liên quan. Người đứng đầu cần quán triệt cho cán bộ, công chức cấp xã thấy được ý nghĩa của việc xử lý đúng đắn các tình huống xảy ra cũng như tác hại nếu giải quyết sai lệch các vụ việc. Vì vậy, đòi hỏi cán bộ, công chức cấp cơ sở phải ý thức cao về trách nhiệm của mình trong việc tiếp nhận, tìm hiểu, giải quyết và xử lý các tình huống xảy ra theo phân cấp quản lý, theo từng lĩnh vực chuyên môn được phân công, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền hoặc thờ ơ với các yêu cầu, kiến nghị của tổ chức, cá nhân.

Hai là, hướng dẫn để cán bộ công chức cấp cơ sở nắm chắc và thực hiện tốt quy trình xử lý tình huống. Bởi vì tình huống quản lý hành chính ở cơ sở hết sức đa dạng, tính chất khác nhau, đòi hỏi phải được nhận thức rõ và có biện pháp xử lý thích hợp, đúng pháp luật, thấu tình đạt lý. Cán bộ trực tiếp giải quyết phải nhìn nhận, phân loại đánh giá kỹ lưỡng từng tình huống để có biện pháp giải quyết đúng đắn, phù hợp, hiệu quả. Khi xem xét các tình huống quản lý hành chính cần nhận định rõ những căn cứ pháp lý và lĩnh vực quản lý, đánh giá mức độ, tính chất của tình huống xảy ra đơn giản hay phức tạp. Khi giải quyết tình huống quản lý hành chính ở cơ sở cần được tiến hành theo trình tự các bước sau:

Bước 1: Thu thập thông tin có liên quan và phân tích xử lý tình huống xảy ra.

Bước 2: Xác định cách thức tiến hành và biện pháp xử lý.

Bước 3: Tổ chức phối hợp thực hiện kịp thời các hoạt động cần thiết theo cách thức tiến hành và biện pháp xử lý đã được xác định.

       Ba là, cần tăng cường tập huấn để cán bộ công chức cấp cơ sở nắm vững và vận dụng thành thạo các kỹ năng xử lý tình huống bao gồm: kỹ năng nhận diện, phân loại tình huống, kỹ năng lập kế hoạch, triển khai xử lý tình huống, kỹ năng ổn định tình hình, khắc phục hậu quả của tình huống, kỹ năng đánh giá việc xử lý tình huống và kỹ năng theo dõi, dự báo và phòng ngừa tình huống. Việc nắm bắt và sử dụng thuần thục từng kỹ năng phụ thuộc vào trình độ, kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ. Cần tập huấn về phương án xử lý các tình huống mẫu trên các lĩnh vực để rút kinh nghiệm, giúp cán bộ, công chức cấp xã học tập, áp dụng trong thực tiễn quản lý của mình.

Bốn là, nâng cao trình độ chính trị, kiến thức, nghiệp vụ quản lý hành chính nhà nước trên mọi lĩnh vực cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở để họ có thể xử lý tốt các tình huống quản lý hành chính ở cơ sở đảm bảo theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương. Việc trang bị kiến thức về xử lý tình huống cho cán bộ cơ sở cần được thực hiện thường xuyên, đầy đủ qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.


PHAN THỊ TÂM 

Học viện Hành chính quốc gia

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/xu-ly-tinh-huong-trong-lanh-dao-quan-ly-o-co-so-hien-nay-a9032.html