Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế số và hàm ý chính sách cho Việt Nam

CT&PT - Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, đến năm 2025 kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP, đến năm 2030 chiếm khoảng 30% GDP. Để đạt mục tiêu trên, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Để có cơ sở khoa học và thực tiễn cho những giải pháp, nghiên cứu này phân tích kinh nghiệm phát triển kinh tế số của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới để rút ra những kinh nghiệm cho Việt Nam.

1. Một số kinh nghiệm nổi bật trong phát triển kinh tế số của Trung Quốc

Một là, Trung Quốc đã thống nhất được nhận thức và lý luận về kinh tế số từ Trung ương đến địa phương.

Kinh tế số được Đảng, Nhà nước Trung Quôc xác định là trọng tâm cốt lõi, là lợi thế cạnh tranh để Trung Quốc bứt phá vượt lên trên các quốc gia khác. Quyết tâm này thể hiện từ người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc và lan tỏa xuống toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Kinh tế số đã trở thành một nội dung học tập của Bộ Chính trị Trung Quốc. Năm 2021, Bộ Chính trị Trung Quốc đã tiến hành Hội nghị Học tập tập thể về “Nắm bắt xu thế, quy luật phát triển của kỉnh tế số và thúc đẩy kỉnh tế số Trung Quốc phát triển lành mạnh”. Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã liên tục chỉ đạo phải làm cho kinh tế số của Trung Quốc “không ngừng mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn”.

Hai là, Trung Quốc đã hình thành hệ thống chiến lược kinh tế số liên kết ngang và thâm nhập dọc.

Ở Trung ương, các cơ quan đã ban hành một hệ thống các văn bản chiến lược, quy hoạch, quy định, hướng dẫn phát triển kinh tế số.

Từ góc độ chiến lược tổng thể, trong giai đoạn thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, Trung ương Đảng và Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã ban hành các văn bản quan trọng như “Đề cương chiến lược phát triển theo định hướng đổi mới quốc gia” và “Kế hoạch thông tin hóa quốc gia Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, đưa kinh tế số vào một trong những hướng phát triển chính. Năm 2021, “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” đã làm rõ hơn tư tưởng chỉ đạo, nguyên tắc cơ bản, mục tiêu phát triển, nhiệm vụ trọng tâm và các biện pháp bảo vệ để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế số trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 14.

Ở địa phương, các tỉnh, thành phố của Trung Quốc ban hành chính sách để thực hiện theo định hướng của Trung ương. Năm 2021, các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đã ban hành tổng cộng hơn 200 chính sách liên quan đến kinh tế số, tập trung vào các chính sách về công nghiệp ICT, chính sách phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, chính sách quản trị số và chính sách giá trị hóa dữ liệu. Trọng tâm và mục tiêu của các chính sách kinh tế số có sự khác nhau tùy theo hoàn cảnh, thế mạnh của từng địa phương.

Ba là, vai trò dẫn dắt của cơ quan nhà nước, đặc biệt là phát triển hạ tầng và các yếu tố nền tảng phát triển kinh tế số

Ở cấp cao, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc Vụ viện tích cực xây dựng và ban hành hướng dẫn thúc đẩy phát triển kinh tế số, tập trung vào các nền tảng số công nghiệp.

Ở cấp thực thi, vai trò điều phối, triển khai thí điểm các sáng kiến phát triển kinh tế số của Trung Quốc thuộc về Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (Ministry of Industry and Information Technology  - MIIT) mà cụ thể là một đơn vị cấp Vụ: Thông tin hóa và Dịch vụ phần mềm. Bộ MIIT thực hiện vai trò điều phối hoạt động của các nhóm công tác, viện nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể và khuyến khích các dự án thử nghiệm nền tảng số trong từng ngành, lĩnh vực.

Các chính sách của MIIT tập trung vào thúc đẩy nhanh quá trình phát triển và đưa vào sử dụng của các nền tảng số. MIIT thực hiện điều phối, đề xuất cấp thẩm quyền giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nhà nước để xây dựng và triển khai thử nghiệm nền tảng số trong từng ngành, lĩnh vực. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp công nghiệp truyền thống đã phát triển thành công nền tảng số dùng chung cho toàn quốc và thực hiện xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.

Bốn là, Trung Quốc có nhiều đột phá về thể chế gắn với tầm nhìn và phản ứng nhanh với thực tiễn

Lấy ví dụ minh họa về dữ liệu. Trung Quốc coi dữ liệu là yếu tố đầu vào quan trọng, bắt buộc của nền kinh tế số. Trung Quốc đã triển khai các hành động để cụ thể hóa tầm nhìn này như sau:

Thứ nhất, thành lập Cục Dữ liệu quốc gia trực thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia để phát triển và khai thác tiềm năng dữ liệu từ Trung ương tới địa phương. Chức năng này trước đó thuộc về Cơ quan quản lý không gian mạng quốc gia (CAC). Tuy nhiên, hoạt động của CAC trước đây chủ yếu thiên về quản lý và kiểm soát, do vậy, Trung Quốc thành lập cơ quan mới chuyên trách về phát triển dữ liệu và triển khai chiến lược quốc gia về dữ liệu lớn.

Thứ hai, ban hành quy định coi dữ liệu như một loại hàng hóa đặc biệt, được định giá và có thể được mua bán, trao đổi trên các sàn giao dịch dữ liệu. 

Thứ ba, hình thành ngành công nghiệp dữ liệu. Ngành công nghiệp dữ liệu đã tạo thêm nhiều nghề và vị trí việc làm mới so với trước đây, điển hình là nghề dán nhãn dữ liệu. Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã chính thức công nhận “Dán nhãn dữ liệu” là một nghề và được đưa vào danh mục phân loại nghề quốc gia từ tháng 4/2020.

Thứ tư, với việc giá trị hóa dữ liệu, dữ liệu đã trở thành một nguồn lực mới mà nhà nước Trung Quốc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tức là trong các gói hỗ trợ của nhà nước có thêm thành phần dữ liệu.

Năm là, làm điểm, đúc kết và nhân rộng mô hình (cách tiếp cận từ dưới lên)

Các sáng kiến, ý tưởng liên tục được triển khai thí điểm tại các địa phương. Nếu mang lại kết quả tốt sẽ triển khai diện rộng hoặc triển khai ở cấp quốc gia. Việc lựa chọn triển khai thí điểm phụ thuộc vào đặc điểm, thế mạnh của từng địa phương, tập trung vào các sáng kiến về chuyển đổi số ngành, lĩnh vực; phát triển công nghiệp thông minh; quản trị và khai thác dữ liệu; quản trị số, phát triển đô thị thông minh...

trung-quoc-2-1734995225.jpg
Người dân tương tác với một robot hình người trong Triển lãm Kinh tế số quốc tế Trung Quốc 2023 tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. THX

Sáu là, Trung Quốc hình thành không gian lực kéo phát triển kinh tế số

Để tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện liên tục các chính sách chiến lược nền kinh tế số của Trung Quốc, làm cho nền kinh tế số mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn, Trung Quốc định hướng triển khai các mô hình liên kết và mô hình lực kéo để tận dụng, phát huy tốt nhất các đặc trưng và lợi thế công nghiệp của từng khu vực, từng vùng miền. Xét về tổng thể nền kinh tế số, mô hình lực kéo của Trung Quốc đã hình thành bố cục lực kéo theo tầng tập trung vào các thành phố hạng I như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thẩm Quyến.

Bảy là, Trung Quốc nỗ lực phát triển và quản lý hướng tới nền kinh tế số lành mạnh, bền vững

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển kinh tế số của Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường an toàn, an ninh mạng và bảo mật dữ liệu, phù hợp với các nỗ lực quản lý dữ liệu của Trung Quốc kể từ năm 2021. Để quản lý lĩnh vực năng động nhưng còn non trẻ, Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, giải quyết các vấn đề như lạm dụng dữ liệu và hành vi độc quyền thị trường nhằm tạo ra một thị trường công bằng và đổi mới.

2. Một số kinh nghiệm của Singapore

Singapore là một trong những quốc gia đã chứng minh khả năng phát triển nền kinh tế số vượt trội trong thời gian gần đây bằng cách phát triển công nghệ trong thời đại 4.0. Cùng với sự thay đổi của thời đại, nền kinh tế số của Singapore đã phát triển khoảng 2 lần so với 6 năm trước, lên tới 106 tỷ USD Singapore (khoảng 78 tỷ USD) vào năm 2022, tương đương với 17,3% GDP danh nghĩa của Singapore, tăng từ mốc 13% GDP vào năm 2017 theo báo cáo năm 2023 của Cơ quan Phát triển Truyền thông Thông tin (IMDA) tại Singapore. Sự tăng trưởng này cũng mở ra 200 nghìn vị trí liên quan đến công nghệ chỉ trong năm 2022 (IDMA Report, 2023).

Trước tiên, Singapore đưa ra các kế hoạch xâu dựng, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc nâng cao nền tảng công nghệ để nâng cao kinh tế số của Singapore. Những bước phát triển đáng chú ý nhất trong thời gian đầu là lên kế hoạch xây dựng mạng cáp quang quốc gia và mạng di động 4G trong khoảng thời gian năm 2010. Những thay đổi này là những bước đệm góp phần làm tiền đề cho sự phát triển nền kinh tế số và công nghệ thông tin ở Singapore.

Singapore luôn được xếp hạng là một trong những quốc gia có số lượng người dùng Internet cao nhất trên toàn thế giới. Theo World Bank Data, vào năm 2020, Singapore có hơn 128.000 máy chủ Internet an toàn, đưa quốc gia này vào top năm trong số 240 khu vực có dữ liệu được báo cáo. Người dùng Internet chiếm 96% dân số, tăng 4% so với năm 2020. Ngoài việc đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực số, Singapore còn thúc đẩy và khuyến khích kết nối Internet của mọi người bằng cách duy trì chi phí kết nối tối thiểu. Đến năm 2022, dự kiến số thuê bao băng thông rộng cố định tại Singapore sẽ chiếm 37% dân số. Singapore hiện đang chứng minh năng lực của mình về mặt này khi nước này tự hào có tốc độ kết nối băng thông rộng cố định nhanh nhất thế giới theo chỉ số toàn cầu (World Bank Data, 2024).

Singapore đồng thời triển khai các ưu đãi để khuyến khích các công ty tăng cường nghiên cứu và đầu tư cho công nghệ, đặc biệt là công nghệ 5G, bởi công nghệ 5G sẽ đóng vai trò là nền tảng cho việc tạo ra các mô hình kinh doanh mới và các ứng dụng tiên tiến, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới trong lĩnh vực kinh doanh.

Một trong những chiến lược quan trọng nhất của Singapore là thực hiện Kế hoạch Quốc gia Thông minh iN2015. Quốc gia Thông minh 2015 là kế hoạch tổng thể 10 năm của Chính phủ Singapore nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng CNTT. Kế hoạch thiết lập các mục tiêu rõ ràng, bao gồm tạo thêm 80.000 việc làm, áp dụng băng thông rộng tại nhà cho 90% và sở hữu máy tính cho 100% các gia đình có trẻ em trong độ tuổi đi học. Quốc gia thông minh iN2015 được thiết kế để hỗ trợ cho các cá nhân, chính phủ và doanh nghiệp bằng cách kết hợp nhiều tính năng quan trọng, đặc biệt nhấn mạnh vào ba thành phần chính: kết nối, thu nhập và hiểu biết.

3. Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Từ việc phân tích kinh nghiệm của một số quốc gia châu Âu (Đức, Estonia), châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia) về phát triển kinh tế số (chiến lược, chính sách) trên đây, một số hàm ý chính sách có thể áp dụng cho Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2030 nhằm phát triển kinh tế số.

Thứ nhấthoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển kinh tế số

Việt Nam cần chú trọng trước hết đến việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh, thành. Việc hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số giúp các địa phương nâng cao năng lực thu hút đầu tư công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số. Điều này bao gồm cả các chính sách tác động thuận lợi tới môi trường kinh tế kỹ thuật số, cũng như các chính sách thúc đẩy tiếp cận kết cấu hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật số với chi phí hợp lý. Cải cách chính sách thuế và quy định sẽ giúp thu hút đầu tư vào nền kinh tế kỹ thuật số, hỗ trợ quá trình chuyển đổi ngành do kết quả của các mô hình kinh doanh mới.

Song song với hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số, Việt Nam cần xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn rất cụ thể về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp; các kế hoạch này cần gắn liền với các nguồn tài chính, kinh phí hằng năm để nhằm tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với kinh tế số.

Thứ haixác định rõ ngành, lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế số

Việt Nam cần căn cứ vào thế mạnh và đặc điểm của từng địa phương để xác định rõ những ngành, lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế số. Trước mắt, các tỉnh, thành phố nên tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế số giúp mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng vì những lĩnh vực này giúp các địa phương tận dụng được những cơ hội của hội nhập quốc tế, đặc biệt là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết (CPTPP, EVFTA, EVIPA) nhưng cũng không đòi hỏi trình độ công nghệ cao. Đồng thời, các tỉnh, thành phố nên phát triển những lĩnh vực nền tảng của kinh tế số, như hạ tầng số, tài nguyên số, dịch vụ số, thị trường số và có kế hoạch, chiến lược bài bản để tiếp cận, làm chủ những công nghệ quan trọng, cốt lõi của kinh tế số thông qua các chính sách hỗ trợ và trong hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ batuyên truyền nâng cao nhận thức toàn xã hội về nền kinh tế số

Việt Nam cần chú trọng hoạt động tuyên truyền nhằm tăng cường nhận thức của người dân và doanh nghiệp về kinh tế số, các lợi ích và thách thức đi kèm, với các nội dung cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt thông qua các cơ quan, doanh nghiệp và trường học. Đồng thời, các cơ quan báo chí, truyền thông cần định hướng dư luận, giúp cho các doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội có nhận thức đúng về nền kinh tế số, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho thích ứng xu hướng phát triển trên. Biện pháp này cũng đồng thời giúp tăng cường trách nhiệm của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong xây dựng kinh tế số.

Thứ tưchú trọng phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số

Vấn đề này đã được các quốc gia phát triển chú trọng từ lâu, nhưng đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, Việt Nam cần dành nhiều nguồn lực hơn cho phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số. Trong đó, nên tập trung phát triển, thu hút các chuyên gia về công nghệ số, các doanh nhân số thông qua các chính sách phù hợp. Đồng thời, cần định hướng phát triển giáo dục - đào tạo ở địa phương gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất thông minh của nền kinh tế tri thức; đổi mới, hiện đại hóa chương trình đào tạo đại học, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố, chuyển mạnh từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Thứ nămtập trung đầu tư cơ sở vật chất trong quá trình phát triển kinh tế số

Cơ sở vật chất là nền tảng của quá trình phát triển kinh tế số. Do đó, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật theo hướng làm chủ công nghệ lõi. Trung ương cần phối hợp với tỉnh, thành phố nhằm phát triển hạ tầng số quốc gia đồng bộ, rộng khắp bảo đảm đáp ứng yêu cầu kết nối, lưu trữ, xử lý dữ liệu, thông tin và các chức năng về giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn mạng. Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chen Yubo (2021), Future of China’s digital economy; Future of China’s digital economy - Opinion - Chinadaily.com.cn
  2. Longmei Zhang (2019), China’s Digital Economy: Opportunities and Ristks; China’s Digital Economy: Opportunities and Risks in: IMF Working Papers Volume 2019 Issue 016.
  3. Thanh Hà (2020), Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 1 thế giới sớm hơn 5 năm so với dự kiến, Báo Lao động. Truy cập tại https://laodong.vn/the-gioi/trung-quoc-tro-thanh-nen-kinh-te-so-1-the-gioi-som-hon-5-nam-so-voi-du-kien-865519.ldo.

NCS. HỨA HUY HOÀNG

Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/kinh-nghiem-quoc-te-ve-phat-trien-kinh-te-so-va-ham-y-chinh-sach-cho-viet-nam-a9017.html